Sunday, October 29, 2017

THỦ KHOA ĐH SƯ PHẠM "HIỆN EM Ở NHÀ CHĂN LỢN"



NỖI BUỒN GIÁO DỤC
Cô gái tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Sư phạm 2 (tại Vĩnh Phúc) sau khi ra trường đã về chăn lợn cùng mẹ ở quê nhà Hà Giang. Và cô này thất nghiệp từ đó cho đến nay.
Việc nói cô gái này thất nghiệp là theo chuẩn khái niệm của Liên Hiệp quốc, nghĩa là không làm đúng với ngành nghề được đào tạo trong một thời gian dài, không có thu nhập thường xuyên. Chứ không phải theo cách đánh giá là cử nhân, thạc sỹ đi làm xe ôm thì vẫn là người có việc làm như phát ngôn của một vị trong Bộ Lao động thương binh và xã hội mới đây.
Cô này được vinh danh tại văn miếu, tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc về môn Văn. Nhưng hơn một năm nay, từ 2016 cho đến thời điểm này, cô gái vẫn một mực đi chăn lợn và chờ đợi đợt thi tuyển công chức ở tỉnh nhà mà từ chối các lời mời đi dạy ở các trường khác (trong đó có trường Bigshool, một trường tư).
Hành động này thể hiện rõ nét hai điều sau của đa phần cử nhân, thạc sỹ của Việt Nam.
Một là, chỉ thích vào công chức nhà nước mà không muốn làm ở các khu vực ngoài công lập vì coi đó là một sự an toàn và ổn định cho sự nghiệp cho bản thân, cũng là sự hãnh diện cho gia đình, dòng họ.
Hai là, họ rất thụ động và tự hạn chế lựa chọn cơ hội của chính mình. Họ có thể còn thiếu tự tin về chính kiến thức và kỹ năng của mình nếu phải bươn chải ở ngoài. Và vì từ chối đi làm để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, tri thức nên họ cũng bộc lộ luôn điểm yếu của những người học là thiếu đi tầm nhìn, năng lực tự lập (kỹ năng sống) và sự cầu thị trong nghề nghiệp, chuyên môn.
Sau hai năm đi chăn lợn, không biết cô gái này sẽ có kinh nghiệm gì cho nghề nghiệp nếu tới đây may mắn được đứng lớp dạy? Văn ôn, võ luyện thì mới giỏi, kiến thức thì hàng ngày phải thu nạp, kỹ năng hay chuyên môn thì thường xuyên phải trui rèn. Đằng này cô ta ngồi chờ đợi và kiên quyết chờ đợi vào cái nơi mà cô ta và những người thiếu tự tin luôn muốn tìm tới là sự an nhàn và ổn định trong môi trường biên chế công chức nhà nước.
Bằng cấp và tri thức cùng sự cống hiến cho con người và xã hội có lẽ là một nghịch đảo của nhau.
Không biết cô gái này sẽ dạy những áng văn nào với tư duy và nhận thức như thế. Không có kỹ năng sống, kết quả của đào tạo điểm chác dù có cao, nhưng trong hệ thống đào tạo này, với mặt bằng đánh giá (mà tiến sỹ như lợn con) và với môi trường con người này thì nó có giá trị thực sự cho cuộc sống hay không?
Có một cô gái cũng đã từng tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Giao thông vận tải, sau khi được đi Malaysia, Nhật và tiếp xúc với các bạn sinh viên nước ngoài mới vỡ ra rằng bản thân còn quá kém cỏi, thiếu kỹ năng trầm trọng và cái bằng thủ khoa không có mấy ý nghĩa khi bước chân ra ngoài đời (làm việc). Hay chuyện cử nhân toán đi làm bốc vác, cử nhân luật đi bán bún đậu mắm tôm, thạc sỹ đi bán dâm,...không thiếu những bi kịch của giáo dục hiện nay.
Nếu tệ hơn nữa, một cô gái thủ khoa trường thể dục thể thao đã tự tử vì bế tắc khi hai năm liền không xin được việc.
Đó chính là vấn nạn của nền giáo dục nước nhà, là bệnh thành tích (và tính học vẹt) cũng như không có môi trường để những người học (thực tài) có cơ hội làm việc và cống hiến.




No comments: