Thursday, March 26, 2020

KÝ ỨC THÁNG TƯ (ĐÀO BÍCH THỦY)

ĐÀO BÍCH THỦY



KÝ ỨC THÁNG TƯ

Hằng năm cứ vào đầu tháng tư, khi ánh nắng cuối Xuân bắt đầu chuyển dần sang Hạ là lòng tôi miên man với kỷ niệm đầy gian khổ và cũng là một món nợ lớn, nợ ân nghĩa đời người của tuổi thơ tôi, một cô gái mới 16 tuổi đầu phải dắt 4 đứa em mà đứa gái út mới vừa 9 tuổi đi bộ hơn 50 cây số để về với gia đình trên quãng đường còn  nhiều dấu tích tang thương của cuộc chiến tranh vừa mới kết thúc,  ngày 3 /1 / 1975 .

     Nỗi niềm đó canh cánh trong lòng, thầm nguyện sao được một lần gặp lại người giúp mình để tỏ lòng biết ơn  “ Miếng khi đói bằng gói khi no ” trong bước đường cùng . Rồi một chiều gần đây, trong ngẫu nhiên cuộc đời, tôi được người anh chơi thân trong nhóm mời đến nhà anh chung vui nhân bạn bè lâu ngày gặp lại. Khi cuộc vui sắp hết, trời cũng đã thật chiều, tôi xin phép về trước thì có  người anh mới gặp lần đầu tiên nói : Nán chút nữa đi, tôi ở tận Hòa Xuân mà chưa nôn nè . Nghe nói Hòa Xuân tôi có cảm giác như một luồng điện đang chạy trong người mình và buột miệng nói ngay : Tôi mắc món nợ lớn với người quê anh nhưng chưa trả được . Sau đó tôi kể cho anh nghe câu chuyện :

     Những ngày cuối tháng 3/ 1975 diễn biến chiến tranh khép chặt dần, lượng người từ các tỉnh tây nguyên xơ xác tràn về ở các điểm tạm cư trong thành phố,  nhiều sắc lính lạ cũng xuất hiện với nhiều xe quân sự còn đậm màu đất đỏ, thành phố từng bước hỗn loạn, trên QL1 đủ loại xe chở người dân từ các tỉnh ngoài kia di tản về phía nam ngang qua Tuy Hòa suốt nhiều ngày đêm . Như một quán tính, cha tôi gởi năm chị em tôi lên chiếc xe tải của cô vào Cam Ranh ở tạm nhà người chú, cha dặn : Không biết tình hình sẽ ra sao, nhưng người ta chạy thì mình cũng phải chạy, vậy trước mắt cô đưa chị em con vào đó, ba má thu xếp nhà cửa rồi từng bước tính tiếp, con là chị lớn nhất nên phải kiên nhẫn vỗ về các em trong những ngày đầu không có cha mẹ . Vào Cam Ranh được 3 ngày, được tin cha nhắn vào: Phú Yên đã mất rồi, không có giao tranh, các con tìm cách trở về . Vậy là từ sớm tinh mơ chị em tôi đón xe đò ra Nha Trang, nhưng đến Nha Trang thì không có xe về Tuy Hòa, tôi dẫn các em theo nhiều người đi bộ trở về nhà ở Vạn Giã, Tu Bông, tôi mua 5 ổ bánh mì dài và lớn nhất cùng với nước uống mang theo để đói đâu ăn đó, rất may mới đi một đoạn thì đón được chiếc xe tải dân sự ( gọi là xe ba lua ) về Tuy Hòa, ra đến đèo Rọ tượng thấy nhóm người có vũ khí chận lại, tài xế không dừng nên bị bắn thủng lớp, trong hoảng loạn đó có người quay ngược lại nhưng cũng nhiều người tiếp tục đi bộ về quê, và chị em tôi theo dòng người đi tới, đoàn người đi cứ thưa dần, đến quá trưa về xế các em tôi thấm mệt và tinh thần cũng không còn hăng hái như buổi sáng, dù thương em nhưng tôi vẫn động viên các em cố gắng đi đến chiều tối mình tìm nhà xin nghỉ, đường đi càng về chiều càng vắng, nhìn 5 chiếc bóng trên đường mỗi lúc càng dài ra dưới ánh nắng nhạt dần mà người  đi thì thất thểu, lòng tôi càng lúc càng quặn đau. Ra tới Đại Lãnh thấy trời còn nắng tốt tôi cho các em dừng nghỉ chân, mua nước ngọt cho các em uống dưỡng sức rồi nói : Qua khỏi đèo chắc mình tìm được nhà người có con từng là học trò của ba mình vì trước đây ba đã dạy học ở đó, chúng ta  vào xin nghỉ lại sẽ an toàn hơn, và tìm cách đưa tiền năn nỉ họ nấu cơm cho mình ăn . Đi được hai phần của đèo, từng cơn gió biển thổi vào làm cho trời chiều trở lạnh, ánh nắng chỉ còn rọi ngoài biển, đường đi chỉ là bóng núi chạy dài, nhìn các em càng lúc càng rã rời trong cảnh miễn cưỡng tôi thấy nỗi buồn lo càng nặng trong lòng, đi tới cua Đá đen ngặt nhứt đèo, nơi đường chòi ra sát vực sâu bỗng dưng cơn gió lạnh từ biển thổi mạnh vào mang theo bụi mưa làm cho không khí  càng thêm lạnh, trong đột ngột nhiệt độ hạ thấp đó cậu em kề tôi vốn đã bị cảm nắng nên đuối sức, mặt bơ phờ nhất định không chịu đi nữa, tôi phải năn nỉ  : Nếu em không đi thì tất cả phải ở lại với em, đêm nay chúng ta đành nhịn đói, liệu chúng ta có thể chịu nổi cái lạnh của gió biển không, chưa tính bọn cướp bắn người như lúc sáng mình đã thấy… Hình như lúc đó trời cho  tinh thần tôi một sức mạnh phi thường nên nước mắt không chảy ra ngoài không làm suy sụp tinh thần các em, đầu óc chỉ mong hương hồn hiển linh của tổ tiên phù hộ mình gặp được một sự may mắn bất ngờ nào đó để vượt qua cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa đèo khi mà hoàng hôn đã cận kề. Tôi thầm nghĩ chắc chỉ còn mấy chị em tôi là những người duy nhất còn lại trên chặng đèo hơn 10 cây số này, lòng vừa thương xót các em, vừa âu lo đường còn dài mà ngày thì gần hết, thật sự thấm thía câu nói “ đèo heo hút gió ”, trong cảnh hiu quạnh đó, tôi vừa đi vừa nắm tay em gái út đi sát bên mình cho em khỏi sợ . Rồi như một phép nhiệm mầu : Từ  phía sau một người đàn ông lớn tuổi chạy xe honda 67, trên xe chở chiếc xe đạp và bầu xăng dự trử chừng 7 lít, ông qua mặt chúng tôi, rồi dừng lại hỏi :
     - Các cháu về đâu ?
     - Dạ về Tuy Hòa
     - Có thể cho chú biết là con ai không ?
     - Dạ là con của thầy …
     - Ồ, vậy thì chú là người quen thân với ba má cháu , để chú giúp. Trời sắp tối rồi tội nghiệp quá
      Nói xong chú tháo chiếc xe đạp  bỏ xuống bảo :
     - Hai đứa lớn đi xe đạp này, ba đứa nhỏ lên xe chú chở đi một đoạn để ngồi nghỉ tạm, chú sẽ quay lại đón các cháu
      Cứ vậy, chú chạy chừng 5-7 cây số thì bỏ các em nhỏ và bình xăng dự trử xuống rồi quay lại cột xe đạp lên chở chị em tôi . Những lúc chị em tôi đi xe đạp qua các đoạn đường không nhà từ chân đèo đến Hòa Xuân thật là rùng rợn, trên bầu trời hoàng hôn từng đàn chim bay về núi, dưới đất những quần áo lính, mũ sắt, giày trận rơi vãi trên đường, những xác chết rải rác dưới ruộng bốc lên mùi tử khí, cái lạnh của đất trời làm thành cái lạnh thấm vào hồn gây sợ hãi cho chị em tôi, đến bây giờ khi nhớ lại vẫn còn ám ảnh . Cuộc di chuyển con thoi của chú đến cầu Bàn Thạch là xẩm tối, chú nói :
      - Đã đến xóm làng an toàn rồi, mà trời tối tới nơi, vậy 2 cháu lớn vào trong kia tìm nhà xin ở trọ qua đêm, chú sẽ chở 3 đứa nhỏ về giao cho ba má cháu và báo tin các cháu để anh chị yên tâm

       Chúng tôi men theo con đường đất nhỏ xuống hết dốc ta li QL thì thấy có ngôi nhà tranh, và vào xin ngủ trọ qua đêm. Nhà chỉ có có vợ chồng trạc tuổi cha mẹ tôi, không thấy con kiến, chủ nhà đồng ý sau khi nghe chúng tôi trình bày nỗi khổ đường xa và rủi may chỉ trong gang tất vừa qua. Thật may, ông bà là người rất nhân từ, họ chỉ nước rửa mặt và tay chân đồng thời nấu cơm nóng cho ăn, sau đó sắp xếp chỗ  ngủ sớm. Cơn mỏi mệt đã làm cho chúng tôi ngủ mê man, khi nghe tiếng gà gáy, mở mắt  và ra khỏi giường thì thấy ông đang ngồi uống trà bên ngọn  đèn dầu, còn bà dưới bếp nói vọng lên : “ Rửa mặt cho tỉnh táo đi, cơm cũng gần chín rồi, ăn cho vững bụng rồi về nhà  sớm cho cha mẹ mừng, tội nghiệp quá !, nghe kể cứ như bầy gà con lạc mẹ ”, ông liền nói tiếp theo : “ Cơm chín thì cứ ăn cho nóng, nhưng phải chờ mặt trời lên cao, ngoài đường có người nhiều đi mình mới đi,đường không còn xa, không nôn gì, … lỡ … ”, tôi hiểu ẩn ý ông sau chút ngập ngừng của câu nói : có thể gặp cướp, cũng có thể tiếp tục gặp xác người... Bây giờ tỉnh táo đầu óc tôi thấy đây là hạnh phúc tràn đầy của người lỡ bước khi nghĩ lại chiều hôm qua nếu không gặp người tốt trên đèo thì liệu chị em chúng tôi có đủ sức đi qua khỏi chặng đường đầy tử khỉ và xác người rải rác kia không ?!

         Đến giờ ra đi, tôi nói lời cám ơn ông bà bằng tất cả lòng chân thành trong xúc động, tôi cầm bàn tay bà trao số tiền cầm sẵn trong tay mình và nói “ Xin 2 bác cho con gởi chút tiền bày tỏ tấm lòng biết ơn của chị em con. Ba má con thường dạy giá trị miếng khi đói bằng gói khi no, hoặc đêm nằm như năm ở ”. Bà thụt tay bà lại rồi  ôm tôi, xoa đầu  “ Trải qua chiến tranh không biết mạng mình mất lúc nào, bây giờ còn được vầy là phước đức lắm, giúp được nhau trong cơn hoạn nạn kể như mình tích đức cho con cháu, bữa cơm, chỗ ngủ nhà quê mà có gì to lớn đâu cháu, cất tiền đi, cháu biết nghĩ và nói được vậy là tốt rồi ” . Chúng tôi cúi đầu chào ông bà, có giọt nước mắt chờ sẵn.

      Vừa vào sân nhà, mẹ chạy ra ôm chặt 2 con vào lòng không  nói gì, khi mẹ buông tay, tôi nhìn lên mặt mẹ mới biết mẹ đã khóc . Tôi kể lại toàn bộ diễn biến cuộc hành trình từ Cam Ranh đến Tuy Hòa cho cả ba má nghe . Ba hỏi kỹ đường đi từ chân cầu và vị trí ngôi nhà trọ để ba  sẽ tìm đến tận gia đình người ta cám ơn theo cách của người lớn cho phải đạo

                                                   ***

       Không ngờ câu chuyện của tôi đã làm người nghe chăm chú từ đầu đến cuối, sau đó mình cũng tự phục mình diễn tả rất trôi chảy, rất mạch lạc như một sợi dây trong túi từ từ kéo ra  không hề rối, tôi quên ngoài trời buổi chiều đã qua lâu . Khi câu chuyện chấm dứt bằng sự thiết tha gặp lại ân nhân của tôi, bất ngờ người anh Hòa Xuân vốn ít nói từ đầu đến giờ đáp lại : “ Người cô cần gặp là cha mẹ tôi đó ”, tôi mừng tột độ, muốn chạy qua ôm anh như ngày xưa mẹ anh đã ôm tôi và vò đầu trong giờ phút chia tay đầy nhân ái . Tôi kể thêm cho anh  và mọi người nghe :

      Hồi đó sau khi nghe ba nói sẽ đi cám ơn người ta, em yên tâm xem như ba đi trả nghĩa rồi, em tiếp tục học cho hết phổ thông, xong nợ sách đèn liền tìm vào nhà ấy để thăm bằng tâm trạng trưởng thành của mình nhưng không còn dấu tích gì, quang cảnh cũng đổi thay quá nhiều,  không dám hỏi thăm vì thời điểm đó an ninh rất phức tạp người lạ dễ bị nghi ngờ. Rồi em học sư phạm, rồi lập gia đình  với bao nhiêu khó khăn của đời sống cứ cuốn hút về phía trước, rồi chồng mất sớm, đầu óc và thời gian chỉ dồn vào  việc nuôi con, mãi đến khi  các con trưởng thành lập gia đình sống tự lập và mình cũng về hưu thì mới thực sự thong thả, nhìn lại thấy mình  bắt đầu già, mà người đi về tuổi già thường mắc bệnh hoài niệm, nhưng làm sao tìm được người mình chịu ơn để thăm hỏi, để mừng cho nhau cùng sống còn sau mấy mươi năm đi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời. Những năm sau này thỉnh thoảng em vào thăm vợ chồng con gái đầu lập nghiệp ở Cam Ranh, nhưng đường đi qua là cầu Bàn Thạch mới nên thấy lòng chỉ còn sự nuối tiếc man mác, đi lại khúc đường kinh hoàng năm xưa rồi lên đèo tới cua Đá đen gió từ biển thổi vào vẫn còn nghe thót ruột .

                                                     ***
    
      Cảm kích lòng biết ơn của tôi anh cho địa chỉ và đường đi cụ thể rồi hẹn ngày đón và đưa về nhà mẹ anh vì ngôi nhà năm xưa chỉ là nơi ở tạm, đã dỡ bỏ từ sau ngày đổi chủ để trả lại đất mượn
      Sau 45 năm xa cách, giờ gặp lại nhau, người phụ nữ năm xưa trẻ hơn tôi bây giờ nay đã thành bà cụ 85 tuổi, dù còn đi lại tốt nhưng trí nhớ giảm sút nhiều, phải cố gắng nhắc lại từng chi tiết nhỏ bà mới nhớ lần ra . còn ông cụ đã qua đời lâu rồi. Tôi thành kính thắp nén hương cám ơn ông và biếu bà món quà mang theo với một ít tiền, nhưng bà kiên quyết không nhận tiền : Già rồi, không cần tiền nữa , kèm theo nụ cười hom hem
        Tôi thấm nhuần lời dạy của ba tôi : “ Người làm ơn không nên nhớ , kẻ chịu ơn không nên quên ” .

       Trước thềm tháng tư năm nay tôi đã trút bỏ được nỗi trăn trở mấy mươi năm qua. Tôi nhìn cuộc đời qua lăng kính của lòng nhân ái con người và sự mầu nhiệm của tạo hóa cho người gặp bước đường cùng.  Và từ thực tế cuộc sống đó mà làm bài học dạy con : Hãy sống thật tử tế để tích đức cho bản thân mình mà cũng để trả ơn đời cho mẹ

   ĐÀO BÍCH THỦY
    

No comments: