Nam Phương hoàng hậu và những ngày cuối
đời trên đất Pháp
Khi hay tin vợ qua đời, vua
Bảo Đại đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại gỗ quý giá nhất của người
Pháp để an táng người vợ hiền thục, nhân từ và đạo đức.
Cuốn sách Nam Phương - hoàng hậu cuối
cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang vừa ra mắt độc giả chứa đựng nhiều
tư liệu còn ít được biết đến về con người và cuộc đời Nam Phương hoàng hậu.
Được sự đồng ý của NXB Thế giới và
Saigon Books, Zing.vn trích đăng một số phần trong cuốn sách, chia sẻ
với độc giả cái nhìn đa chiều về hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Năm 1949, Bảo Đại trở về Việt Nam ngồi
ghế Quốc trưởng, nhưng bà Nam Phương vẫn ở bên Pháp. Những ngày nghỉ lễ, bà Nam
Phương thường đi dạo phố cùng các con để mua đồ chơi hoặc đi coi phim với Hoàng
tử Bảo Thắng, Công chúa Phương Dung – hai người con nhỏ nhất. Tại Pháp, ban đầu
bà Nam Phương ở lâu đài Thorenc tại Cannes. Ở đây, bà cho các con gái nhập học
trường Couvent des Oiseaux, ngôi trường trước đó bà đã theo học tới khi về lấy
chồng.
Cũng có những lúc Bảo Đại về Pháp, bà
Nam Phương cùng đi với Bảo Đại tới sòng bài để xem ông chơi baccarat hoặc
roulette cho vui. Những lần có bà cùng đi, nếu được bạc thì Bảo Đại tặng hết
cho bà để sắm sửa quần áo. Hoàng hậu rất ưa thời trang của hãng Christian Dior
và Balmin. Bà là một người sành điệu trong cách ăn mặc và màu tím nhạt là màu
bà ưa thích nhất. Có lẽ vì cuộc đời của bà buồn nhiều hơn vui nên bà đã chọn
màu tím chăng?
Hằng ngày, hoạt động của bà là chăm lo
cho các con, đọc sách báo hoặc ra vườn trồng hoa, tỉa lá. Buổi tối bà thích
chơi dương cầm cho các con nghe. Bà cũng là người ưa mỹ thuật. Trong phòng bà,
người ta thấy treo những bức họa của Renoir, Buffet. Bà không thích tranh lập
thể của Picasso vì tâm hồn bà không hợp với trường phái hội họa này cũng như
trường phái siêu thực.
Bà rất thích nuôi chó. Trong nhà bà có cả
một đàn chó, trong đó có một con thuộc giống Saint Berard, loại chó to như con
cọp, chuyên dùng vào việc tìm người mất tích trong rừng khi đi trượt tuyết. Về
thể thao bà có thể chơi bóng bàn, quần vợt và golf nhưng không giỏi lắm.
Bà Nam Phương và các con
những ngày đầu sang Pháp.
|
Sau năm 1955, Bảo Đại trở thành phế đế
nên ông buồn bỏ nhà đi “giang hồ” và để bà Nam Phương ở nhà một mình với mấy
người con. Khi đó các con bà đã lớn, mỗi người đi làm một nơi.
Những năm sau này, bà Nam Phương rời lâu
đài Thorenc để về sống ở lâu đài Domain de la Perche ở Chabrignac thuộc vùng
Trung Tây nước Pháp, cách Paris chừng 400-500 cây số. Nơi này có một trang trại
lớn của riêng bà Nam Phương mà trước đây gia đình bà (ông bà Nguyễn Hữu Hào) đã
mua cho. Nhà của bà ở cách biệt với những nhà dân ở vùng này, vì là làng quê
nên mọi người ít có dịp giao thiệp với nhau.
Về đời sống vật chất thì bà Nam Phương
không lúc nào thiếu thốn khi sống ở xứ người. Tài sản riêng do gia đình Nguyễn
Hữu Hào mua cho bà gồm một chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư ở đại lộ
Opera. Ngoài ra bà còn nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo… Tất cả những bất động
sản này bà đã chia cho các con mỗi người một phần riêng và chỉ giữ lại trang trại
ở Chabrignac, gồm 160 mẫu đất với một đàn bò gần trăm con và một vườn hồng lúc
nào cũng nở hoa rất đẹp.
Những người dân ở gần nhà bà Nam Phương
cho biết rất ít khi thấy Bảo Đại trở về đây thăm vợ con. Họa hoằn lắm một năm mới
có 1-2 lần ông ghé về rồi lại đi ngay. Chỉ duy nhất trong dịp đám cưới Công
chúa Phương Liên, ông có về để cùng bà Nam Phương đứng chủ hôn cho con gái rồi
mấy ngày sau lại biến mất.
BÀ Nam Phương hiện đại và
sang trọng trong hình tượng người
phụ nữ hiện đại.
|
Thấy Bảo Đại đã có tuổi mà vẫn còn mải
miết ăn chơi nên bà Nam Phương đã chọn một nơi yên tĩnh để sống những ngày cuối
đời được thanh thản. Đã có lần bà ngỏ ý được trở về Việt Nam, để khi qua đời được
an táng bên cạnh mộ thân sinh và thân mẫu ở Đà Lạt. Nhưng Bảo Đại và các con của
bà phản đối không cho bà về.
Những năm cuối đời, bà Nam Phương ít đi
ra ngoài và gặp gỡ mọi người. Cũng có đôi khi bà Nam Phương đi Paris để thăm
các con đang học và làm ăn ở đó. Ngược lại, những dịp hè thì các con bà cũng về
đây thăm mẹ và ở lại chơi ít ngày cho bà khỏi buồn. Thời gian này bà bị bệnh
tim nặng, thường xuyên bị khó thở.
Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 15/9/1963,
bà Nam Phương cảm thấy mệt bèn cho người nhà đi mời bác sĩ đến thăm mạch. Sau
khi chẩn khám, bác sĩ cho biết bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài hôm là
khỏi. Nhưng không ngờ là bác sĩ vừa rời khỏi nhà chừng vài tiếng đồng hồ thì bà
cảm thấy khó thở. Người hầu bà bèn nhờ một người Pháp hàng xóm đi mời một bác
sĩ khác, nhưng người bác sĩ thứ hai chưa đến kịp thì bà Nam Phương đã qua đời
ngay trong đêm đó khi vừa tròn 49 tuổi.
Lúc bà lâm chung, ngoài hai người giúp
việc thì không có người ruột thịt nào bên cạnh. Các con bà lúc đó đang đi học
hoặc làm việc tại Paris, còn Bảo Đại thì đang sống tại miền Nam nước Pháp.
Khi được tin bà Nam Phương tạ thế, Bảo Đại
trở về ngay và đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại gỗ quý giá nhất của
người Pháp để an táng người vợ hiền thục, nhân từ và đạo đức mà cho tới tận cuối
đời cũng không hề bị ai chê trách hay than phiền. Ngay cả ông Bảo Đại cũng chưa
bao giờ dám trách vợ về việc trai gái, vì kể từ ngày ly thân với Bảo Đại, bà
Nam Phương không có bất kỳ nhân tình nào, dù là đi khiêu vũ hay đi tắm biển với
một người đàn ông khác cũng không. Có lẽ bà Nam Phương được sinh ra trong một
gia đình nề nếp nên bà giữ đạo rất nghiêm khắc, ngay cả với các con.
Đám tang của bà Nam Phương được cử hành
theo nghi thức đạo Công giáo và diễn ra rất đơn giản. Những người dự đám tang vỏn
vẹn chỉ có Bảo Đại, các hoàng tử, công chúa và một số bạn bè thân thiết của gia
đình. Tại địa phương có vị Tỉnh trưởng và dân biểu nơi bà Nam Phương cư ngụ tới
chia buồn và dự tang lễ. Đặc biệt, trong tang lễ còn có có sự tham dự của Công
chúa Như Lý, con gái của vua Hàm Nghi. Công chúa Như Lý cũng ở gần nơi bà Nam
Phương cư ngụ, nhưng tiếc là hai người chưa từng gặp nhau lần nào cho đến khi
bà Nam Phương qua đời.
Mộ Nam Phương hoàng hậu tại
nghĩa trang Công giáo ở
Chabrignac (Pháp).
|
Linh cữu của bà Nam Phương được an táng
ngay nghĩa trang Công giáo tại Chabrignac. Trên mộ của bà có tấm bia ghi những
dòng chữ: Ici Repose l’Imperatrice Nam Phuong Nee Jeanne Mariette
Nguyen Huu Hao 14.11.1913 – 15.9.1963.
Và mặt sau bia mộ có viết
dòng chữ Hán: “Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi lăng.”
Nghe nói, trước đây mấy năm, mộ của bà
Nam Phương đã bị kẻ lạ mặt lợi dụng đêm tối vào đào nhiều lỗ để tìm của cải
vàng bạc châu báu xem bà có mang theo không. Và chúng có lấy được gì thì không
ai biết rõ, chỉ có gia đình con, cháu bà mới biết mà thôi.
Thật buồn cho số phận bà Nam Phương, lúc
trẻ thật hạnh phúc và sung sướng về vật chất cũng như danh vọng. Vậy mà cuối đời
bà đã mất trong sự cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người ở cái tuổi còn khá trẻ. Bà Nam
Phương Hoàng hậu sinh năm 1913 và mất năm 1963, khi vừa được 49 tuổi, cái tuổi
theo người Việt gọi là tuổi xui, như dân gian thường nói: “Bốn chín chưa qua
năm ba đã tới.”
Tuy nhiên, với vẻ đẹp phúc hậu và tấm
lòng nhân từ của mình, dù bà Nam Phương Hoàng hậu mất đã lâu nhưng những câu
chuyện về cuộc đời của bà sẽ vẫn còn được người đời nhắc tới.
No comments:
Post a Comment