Wednesday, June 3, 2020

TƯỞNG NHỚ THẦY TRÂN (LÃ SINH)


TƯỞNG NHỚ THẦY TRÂN

 

Tôi còn nhớ, trườngTiểu Học Tuy Hòa đầu tiên thời Cụ Ngô làm Tổng Thống là tại Lẫm (Miễu) Phường Tư, nơi có hai cái Miếu kề nhau dưới bóng đa rợp mát. Năm sau, trường được dời đến cạnh xóm Di Cư trên đường Số 4 (đường Lê Lợi). nằm trong một khoảng đất rộng gồm có một sân chơi và một sân đá banh. Trường có hai dãy nhà tranh song song nhìn đối diện nhau, mỗi dãy được ngăn thành nhiều lớp học và một dãy khác làm văn phòng. Chính giữa ba dãy nhà là một cây cột cờ cao. Mỗi sáng tất cá học sinh phải xếp hàng theo từng lớp chào cờ xong mới được vào phòng học. Thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường này là Thầy Lê Lợi (Nguyễn?), thầy người Bắc, hơi mập, đeo kính cận, khuôn mặt hồng hào và đầy đặn. Thầy làm việc tận tụy, mọi người quý trọng.

 

Từ ngày thành lập trường Tiểu Học, Người dân trong thành phố vui mừng vì có một nơi chốn tốt cho con em mình đến học. Thời Pháp thuộc, Sông Cầu là tỉnh lỵ Phú Yên có trường tiểu học do người Pháp thành lập, các cô thầy giáo phần đông là ông Tây, bà Đầm dạy cho hết lớp 5 tiểu học, sau đó ai muốn học cao hơn phải ra Quy Nhơn, Huế hoặc Hà Nội học tiếp.

 

Trong thời Chín Năm Kháng Chiến, tỉnh nhà có trường trung học Lương văn Chánh (1946) ở Tuy Hòa và trường trung học Trương Vĩnh Ký (1948) ở nhà thờ Mằng Lăng trên bờ sông Kỳ Lộ gần cầu Ngân Sơn quận Tuy An do linh mục Nguyễn Đình Tịch lập. Vì chiến tranh, nhiều thị dân phải di cư, trường học phải di dời hoặc đóng cửa nên việc học hành không được liên tục, vì thế mà chỉ còn một số nơi mở lớp học nhỏ để những người học trước dạy người học sau. 

 

Tỉnh Phú Yên nằm giữa hai tỉnh lớn chắn ngang bỡi hai ngọn đèo dài và cao là Đèo Cù Mông và Đèo Cả nằm trong dãi núi từ rặng Trường Sơn ra tới bờ biển. Phương tiện giao thông hạn chế, trong tỉnh chỉ có vài chiếc xe chạy bằng than hoặc xe ngựa, xe bò... nên khó mà vượt qua bên kia hai ngọn đèo trên để đến các trường của hai thành phố kế cận là Quy Nhơn và Nha Trang học hành. Hơn nữa chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh thời kháng chiến xảy ra liên miên, cha mẹ không muốn con cái phải xa gia đình trong giai đoạn bom đạn ấy, nên những người trai trẻ chỉ học ở các lớp cấp nhỏ trong tỉnh nhà. Những gia đình khá giả cho con cái đi học lớp cao ở tỉnh xa rất là hiếm.

 

Trường Tiểu học Tuy Hòa lúc bấy giờ là một ngôi trường tân lập, nhà mái tranh, nền đất nhưng đó là một trường học "kiểu mẫu".  Kiểu mẫu ở đây là quý cô thầy tận tâm chỉ dạy học trò và học trò kính trọng cô thầy như bậc cha mẹ. vì thế mà trong lớp thi đua học hành, ngoài sân trường vui học vui chơi. Nơi đây, chúng tôi được gặp Thầy Trân, Thầy có dáng dong dỏng cao, đôi mắt thật sáng trên khuôn mặt nhân từ (vì tôi không được học lớp của Thầy nên không biết họ và quê nhà của Thầy ở đâu, chỉ biết Thầy nói giọng Huế (?)).

 

Trong năm đầu học ở trường nhà "Tranh" tiểu học, tôi học lớp Năm (bây giờ là lớp 1) do cô giáo Oanh hướng dẩn. Cô người Bắc dáng người mảnh khảnh, cô thương yêu học trò và học trò cũng kính mến cô. Ở lớp kế bên là lớp của Thầy Trân hướng dẫn. Lớp học thầy lúc nào cũng vang vang tiếng hát. Thường mỗi buổi sáng, Thầy cùng học trò ra ngoài sân cỏ tập thể dục, tập thở, tập ca, tập hát vui đùa sinh hoạt cùng nhau.

Trong lớp học, tôi ngồi sát cửa sổ nên thường nhìn từ song cửa ra ngoài, xem Thầy sinh hoạt với học sinh trong những trò chơi "chim bay, cò bay" và những bài hát mà Thầy dạy cho học trò trong trường suốt thời gian 5 năm làm tôi đâm "nghiện" và "nhập tâm" cho đến bây giờ hơn sáu thập niên qua, tôi còn nhớ lõm bõm vài bài ca sau đây:

 

Bài Tuổi Xuân của Nguyễn Quý Thuận:

Nào chúng mình ra xoay một vòng hát mà chơi 

Hòa cao tiếng lên đưa nhịp lòng vang khắp nơi 

Đời có đoàn ta sao bỏ hoài những ngày vui

Vui cùng nhau hát, bao tình thân ái, bao lòng hăng hái   

 ---------------------------------------------------------------------

Bài Học Sinh Hành Khúc của Lê Thương:

Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau

Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao

Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập

Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu

Đem hết can trường của người Việt Nam tiến lên

Học sinh vì nước vì dân mà thôi

 ------------------------------------------------------------------------

Bài Khỏe Vì Nước của Hùng Lân:

Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia

Đoàn thanh niên ta góp tài ba

Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới

Họp lực xây hưng thịnh chung nước Nam 

Khỏe vì nươc chí khí cương kiên

Giống Lạc Hồng anh hùng vô biên

Trong khốn nguy can trường sống thác ta coi thường

Việt nam thanh niên anh dũng muôn năm       

--------------------------------------------------------------------- 

Bài Em Tập Thở (của Thầy Trân?):

Em tập thở

Ngực nở nang

Em hát vang, em vui thích quá!

----------------------------------------------------------------------- 

Bài Con Chó (củaThầy Trân?):

Em có nuôi một con chó

Trông nó ngoan như con bò

Mai nó kêu :  GẤU!  GẤU!  GẤU!  

Trưa nó kêu :  GẦU!  GẦU!  GẦU! 

Tối nó kêu : GẤU!  GÂU!  GẦU!

 ----------------------------------------------------------------------

Bài Anh Hùng Xưa: tác giả Vô Danh:

Anh hùng xưa nhớ hồi là thời niên thiếu

Dấy binh lấy lau làm cờ

Quên mình là mình cứu nước

Hết sức giữ gìn non nước 

Được Thầy Trân chế lời khác:

Ông già tôi vốn là một người yêu cháu  

Hay cho chúng con ăn quà   

Lúc nào là nào cũng thế

Các cháu cứ đòi ông bế                 

Ông chỉ vuốt râu cười xòa           

Rồi ông là ông khuyên cháu

Đứng yên! ông kể chuyện này 

Cháu gần ông đây!

-------------------------------------------------------------------------- 

Bài ca Chuyền Bóng (?) Tác giả có thể là củaThầy:

 Nào cùng chuyền, quả bóng trong tay của người chuyền cho mình chuyền cho khéo, anh ơi!                               

Nếu sai xin mời anh ra. 

Thầy cùng với nhóm học trò xếp hàng thành vòng tròn, rồi chuyền bóng từ người này qua người khác, nếu ai làm rớt bóng thì phải ra khỏi hàng và cứ lập đi lập lại nhiều lần cho đên người chót cùng là người không làm rớt bóng là thắng.

 

Một Bài hát khác (không nhớ tên) cũng của Thầy:

Anh em là anh em, cùng ra đây, đứng yên nào

Hai tay cùng giơ hết

- Gớm cái anh khá cao này:  mọi người đều chỉ cái người cao nhất trong nhóm.          

- Gớm cái anh béo ghê này:  mọi người đều chỉ cái người mập nhất.

- Gớm cái anh ốm teo này:  mọi người đều chỉ người ốm nhất.                                   

Nào vui hát!  À...A!...Á!...,Nào vui hát!  À...A...Á!...  

                                                                          

Cứ như thế, là cã nhóm vừa hát vừa chỉ hình dạng từng người cho đến người cuối cùng mới chấm dứt. Thật là hào hứng, thật là vui nhộn. 

 

Mỗi khi nhà trường tổ chức học sinh đi cắm trại, Thầy thường đi với nhiều tốp học trò, Thầy chỉ đôi giày của Thầy rồi bắt giọng cho học trò vừa hát vừa đi:

- Một cây số đi chân là hư!, là hư!, là hư!     

-Hai cây số đi chân, anh em đi nhanh lên nào!        

- Ba cây số đi chân là hư!, là hư!, là hư!   

-Bốn cây số đi chân, anh em đi nhanh lên nào!     

- Năm cây số đi chân...,

-Sáu cây số đi chân

Vùa đi, vừa hát, vừa rú, vừa la, vừa cười... làm con đường thu ngắn lại.

 

Hàng năm tiếng ve vang vang trên hàng cây phượng đỏ, Thầy bắt đầu tập bài ca Hè Về (tác giả Hùng Lân) cho học sinh, do đó trong lớp học nào cũng râm rang:  

Trời hồng hồng, sáng trong trong

Ngàn phượng rung nắng ngoài song

Cành mềm mềm, gió ru êm

Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên  

Hè về non nước thân yêu        

Hè về nắng thông reo.

Thầy dạy rất nhiều bài ca, nhưng tôi không nhớ hết nổi.

 

 Lối dạy học của Thầy Trân đã hơn 60 năm  mà giống như chương trình giáo dục tiểu học của Nhật Bản trong thiên niên kỷ 2000's. Trẻ em lớp đồng ấu đến trường được chơi đùa, hát ca, ăn uống, làm sạch lớp học. Ở ngoài lớp, thể thao, thể dục...tập sinh hoạt tự lập, vui chơi nhiều hơn là học chữ, làm bài tâp ...nên trẻ em Nhật rất thích được đi học hơn là ở nhà.

 

Trong những năm giữa thập niên 1950's và đầu 60's thành phố Tuy Hòa không đông người như lúc bây giờ, quý thầy cô đi dạy, học trò đi học thường gặp nhau hàng ngày. Thầy Trân thích đi bộ đến trường, ít khi Thầy đi xe đạp. Ở trong trường, Thầy khuyến khích, nâng đở các hoc sinh nghèo. Ngoài đường phố, Thầy gặp người già đi qua đường khó khăn, Thầy dẫn họ qua, có lúc Thầy giúp một thiếu niên bị té xe đạp, có khi bồng một em bé bị lạc đi tìm mẹ trong một buổi hội chợ và Thầy thường giúp người nghèo khó khi họ cần....

 

Tôi đã làm nghề "mài đủng quần" trên ghế nhà trường cũng khá lâu, được học qua nhiều Thầy Cô trong đó có các Thầy cô người ngoại quốc hoặc có bằng cấp từ nước ngoài về dạy, tôi đều kính trọng, nhưng người Thầy tôi kính thương nhất là Thầy Trân, dù rằng tôi chưa hề được ngồi học trong lớp do Thầy dạy. Trong thời gian học hành của tôi, điểm cao có, điểm thấp có, từng bị thầy khẻ tay vì chưa thuộc bài, bị bắt quỳ về tội ham chơi không vào lớp đúng giờ hay cái tội nói chuyện trong lớp trong lúc thầy giảng bài... nhưng tôi được cái may mắn không bị những cái tát tai, đánh, đấm, đá, đạp... của những vị thầy hành xữ với học trò mà tôi đã chứng kiến.  Hai anh học trò buổi trưa đi học ngang qua nhà một ông thầy, nơi có cây keo sum xoe nhiều chùm keo trĩu xuống, hai anh cỏng nhau vói hái, vừa bỏ trái keo vào miệng, nhai, mừng, cười giỡn lớn tiếng. Thầy từ trong nhà bước ra, ngoắc lại, đấm hai đấm vào ngực của hai anh học trò, ngã chúi xuống đất trái keo từ trong miệng ọc ra cùng với sách vở. Một học trò khác trong xuất học buổi trưa đến lớp trễ, vừa vào lớp chưa kịp vòng tay thưa thầy, thầy đá một đá, khi đến cửa lớp, đạp thêm một cái nữa. Một thầy giám thị, đến giờ ra chơi đi vòng vòng trong sân trường, người học trò nào vô tình không nhìn thấy thầy, không ngã mũ chào, thầy giật cái mũ trên đầu người trò tung lên, rồi đá một đá vào thân người trò ấy. Vì thế mỗi lần đến giờ ra chơi, ra khỏi cửa lớp là tôi dáo dác nhìn, thấy thầy ấy ở đâu là tôi vội "đổi hướng".  Tôi biết các vị thầy này đã "thấm nhuần" ý tưởng Quân-Sư-Phụ của Đức Khổng Phu Tử, ông vua còn có thể giết cả ba họ của một người dân (chu di tam tộc) huống chi chúng tôi là những đứa học trò tỉnh lẻ.

 

Ngược với lối hành xữ của các thầy nêu trên, Thầy Trân lúc nào cũng ôn tồn, nhẹ nhàng, dạy bảo học sinh. Nhờ gương sáng của Thầy nên có một thời, tôi làm thầy giáo (tháo giầy) nơi một trường chuyên nghiệp, tôi cư xữ với các học viên theo cách thức của Thầy. Nhờ thế mà hai, ba mươi năm sau, gặp lại những học viên cũ, chúng tôi đã trở nên những người bạn thân quý. Tôi mang ơn Thầy hết sức.

 

Sau hiệp định Genève 1954, chiến tranh Pháp Việt chấm dứt, Phú Yên phát triển, thành phố Tuy Hòa bắt đầu xây dựng những ty sở, chợ búa, đường xá...  Các ngọn đèo cao trong nước lúc bấy giờ không còn là những chướng ngại giao thông của người dân trong các tỉnh miền Nam.  Trường ốc mọc lên trong không khí thanh bình, nẩy sinh đức tính hiếu học của người học trò đất Phú có cơ hội nở hoa, đó là tố chất xúc tác cho sự tận tâm của các thầy cô giáo từ nơi xa và tỉnh nhà đã dạy dỗ học trò từ cấp tiểu học, trung học rồi "phóng" qua hàng rào Tú Tài để đến các trường đại học trong nước như những con cá nhỏ từ những khe suối đá thoát ra dòng sông bơi ra biển cả. Nay họ đã sánh vai cùng với các nhân tài trong đất nước và năm châu. Có ai nghĩ rằng sĩ số học sinh Trường Trung Học Nguyễn Huệ Tuy Hòa trước năm 1975 đông nhất trong các trường trung học khác ở Miền Trung (theo báo cáo của Bộ Giáo Dục VNCH). Có ai nghĩ rằng số lượng sinh viên Phú Yên cư ngụ trong Đại Học Xá Minh Mạng Sài Gòn thuở đó chiếm một tỉ lệ đông nhất nhì so với các tỉnh khác trong nước.

Nhiều học trò Phú Yên đã thành danh với tầm vóc quốc gia hoặc quốc tế như Giáo sư Diệp Thế Hùng dạy đại học Pháp, Tiến sĩ Võ Tá Đức từ một phu xe trẻ đạp xích lô, cha làm thợ nề ở Tuy Hòa, nay đã là một khoa học gia trong Viện Nghịên Cứu Nguyên Tử lớn nhất, nhì ở Hoa Kỳ và gần đây, năm 2020 giáo sư Phan Thành Nam, dạy Đại Học Đức đã lãnh giải thưởng Toán Học xuất sắc nhất trên toàn khối Âu Châu ..vv ..vv ... Cây cối phát triển tốt cũng nhờ người chăm sóc vun trồng lúc vừa bén rể. Ý tưởng đó đã làm tôi nghĩ đến Thầy Trân.

 

Có lần, về quê thăm nhà, một hôm lang thang trên phố, tôi gặp Thầy đang đi bộ, tôi chào Thầy, nhìn khuôn mặt Thầy lấm tấm mồ hôi, hỏi mới biết Thầy vừa đi dạy Bình Dân Học Vụ ở Phường Năm, Phường Sáu về.  Tôi mời Thầy vào quán uống nước, Thầy nhìn tôi ái ngại, tôi hiểu được ý thầy đang nghĩ trong thời bao cấp này, mọi người chạy cơm mà không bị "đứt bữa" là may mắn lắm rồi, vào quán uống nước là một điều xa xỉ, nên tôi vội nói với Thầy, ngoài tiền lương căn bản, tôi còn có thêm tiền phụ trội của các buổi trực và ca giải phẩu, nên Thầy mới cùng vào quán. Thầy trò ngồi uống nước, hỏi thăm sức khỏe, công việc, sau đó Thầy ngồi yên lặng trông ra đường nhìn người qua lại, khoảng khắc này, chắc Thầy đang nghĩ về một thuở quá khứ xa xưa. Sau hôm gặp Thầy ngày ấy, tôi không còn gặp lại Thầy lần nào nữa.

 

Cách đây vài năm, anh NĐCai, người bạn cùng lớp với tôi, về Tuy Hòa thăm gia đình, tôi nhờ anh giúp tìm dùm Thầy Trân, anh email cho biết Thầy đã qua đời. Nghe NĐCai nói về sự ra đi của thầy; vẫn biết đời là vô thường, nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì trong những dự tính của tôi sẽ thu xếp một chuyến đi xa về thăm quê nhà, thăm lại những vùng quê tôi đã sống, đã lớn với bao nhiêu kẻ niệm êm đềm thời thơ ấu và thăm những người thân còn lại sau bao cuộc bể dâu. Trong số những người thân mà tôi hằng nhớ là Thầy Trân, và những người bạn nối khố thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Nhưng Thầy đã ra đi sớm hơn dự tính của tôi. Mộ của Thầy Cô Trân gần mộ của Ba Mẹ Cai nên tôi nhờ anh thắp một nén nhang tưởng niệm Thầy- Cô và nhờ anh giúp chuyển món quà nhỏ cho người con trai của thầy mua thêm nhang đèn thắp ấm nơi Thầy Cô yên nghỉ. Tưởng tượng ra mộ phần nơi thầy trong nghĩa trang Phật Giáo gần cây số 5 ngoài quốc lộ I, nơi Thầy đã yên nghỉ dưới bóng mát của những cây bạch đàn, bên tiếng ru êm của những hàng dương liễu, liên tưởng đến mấy câu thơ của Victor Hugo, được thầy Đán dạy thời luyện thi Tú tài:

                         …..,Le malheur, c’est la vie.

Les morts ne souffrent plus. Ils sont heureux ! j’envie

Leur fosse où l’herbe pousse, où s’effeuillent les bois...

những câu thơ mà ngày ấy tôi không hề hiểu hết ý nghĩa thâm sâu; một người bạn thân đã có lần dịch thoát:

 

                      Xa bể khổ, người về viên mãn

                      Huyệt lạnh kia, lãng đãng cỏ khâu

                      Rừng khuya sưởi ấm canh thâu

                      Thiều quang chiếu rọi pha màu bình an

 

Lửa rừng đêm sưởi ấm tấm thân Thầy; trăng sao bầu bạn; chắc không còn là lữ khách cô đơn; vầng Thái dương soi rọi mộ bia, an ủi tâm hồn, ấm áp lòng người đi.

 

Thầy Cô là người phương xa đến Tuy Hòa đã hơn ba mươi năm sống chan hòa chia sẻ vui buồn cùng với các thế hệ học trò và người dân trong thành phố, rồi nằm yên nghỉ trong lòng quê hương Đất Phú hiền hòa của chúng ta.

Thầy chăm lo dạy dỗ giáo dục học trò ở trường học. Cô chăm sóc sức khỏe cho người dân ở nhà thương.

Đã bao nhiêu năm Thầy dạy cho học trò vừa trí dục lẫn thể dục, đã cho chúng ta một ý niệm: Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện.   (Anima sana in corpore sano)

Giờ đây Thầy không còn nữa, Thầy đã thanh thản vãng sanh nơi miền tiên cảnh.

 

LÃ SINH

 


No comments: