Sunday, December 13, 2020

CỰU ĐẠI TÁ PAUL JACOBS, HẠM TRƯỞNG USS KIRK TỪNG CỨU 32 NGÀN NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN, QUA ĐỜI (THIỆN LÊ)

 Cựu Đại Tá Paul Jacobs, hạm trưởng USS Kirk từng cứu 32,000 tị nạn Việt, qua đời

Dec 9, 2020 

Thiện Lê

 

SOMERSET, California (NV) – Cựu Đại Tá Paul Jacobs, hạm trưởng chiến hạm USS Kirk 1087, từng cứu 32,000 người tị nạn Việt Nam trên Biển Đông khi cuộc chiến Đông Dương chấm dứt năm 1975, vừa qua đời lúc 6 giờ 50 phút chiều Thứ Ba, 8 Tháng Mười Hai, tại nhà con trai ông ở Somerset, California, theo gia đình và đại diện của Thủy Quân Lục Chiến xác nhận với nhật báo Người Việt.

 

Cựu Đại Tá Paul Jacobs, hạm trưởng chiến hạm USS Kirk. (Hình: mainemaritime.edu)

Vào Tháng Tư, 1975, chiến hạm USS Kirk 1087 tham gia Chiến Dịch Gió Lốc (Operation Frequent Wind), giúp di tản 18 chiếc tàu còn lại của Hải Quân VNCH, và đưa 32,000 người Việt Nam tị nạn đến hải phận của Philippines, để sau đó họ nhập cư vào Hoa Kỳ.

“Cha tôi là một người tuyệt vời, là một giáo dân ngoan đạo, lúc nào cũng yêu quý Hải Quân, và không bao giờ bỏ rơi cộng đồng Việt Nam. Ông là một người cha tuyệt vời, lúc nào cũng khích lệ tôi và luôn thể hiện tình yêu ông dành cho tôi, cũng như cho gia đình,” ông Tyler Jacobs, con trai út của Hạm Trưởng Jacobs, chia sẻ với nhật báo Người Việt.

“Nguyện vọng của cha tôi là muốn được hỏa táng, sau đó rải tro cốt ra ngoài biển ở San Diego, gần chiến hạm USS Midway. Chúng tôi vừa rời nhà quàn, và đang sắp xếp để tổ chức tang lễ, cũng như lễ vinh danh ông, nhưng chưa có ngày giờ cụ thể. Cha tôi cũng nhắn gởi đến cộng đồng Việt Nam là ông luôn yêu thương họ và dành trọn tình cảm của ông cho những người ông vớt hồi năm 1975,” ông Tyler nói thêm.

Ông Joe Coca, đại diện của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, cho biết cựu Đại Tá Jacobs qua đời ở tuổi 84, để lại bốn người con, gồm ba con trai là Skip, Mark, và Tyler Jacobs, và một người con gái là Kathy Tibbets.

“Tôi rất buồn sau khi nghe tin đó, nhưng rất vinh hạnh vì được gặp gỡ và giúp đỡ gia đình ông trong chuyện mai táng. Ông là một người rất tốt, và lúc nào cũng được cộng đồng Việt Nam ở khắp Hoa Kỳ quý mến vì đã cứu sống họ trong những ngày Sài Gòn thất thủ. Hạm trưởng thường nói ông rất yêu quý cộng đồng Việt Nam và rất quý tấm lòng của họ luôn muốn vinh danh ông,” ông Coca nói.

 

Ông Coca cho biết vào chiều Thứ Tư, 9 Tháng Mười Hai, ông đang làm việc với gia đình Jacobs tại nhà quàn để sắp xếp tổ chức các nghi lễ, nhưng đang gặp một số trở ngại vì dịch COVID-19. Ngoài ra, ông và gia đình Jacobs đang kêu gọi cộng đồng địa phương vinh danh vị cựu đại tá này để công lao của ông không bao giờ bị lãng quên.

 

Một số người gốc Việt từng được chiến hạm USS Kirk cứu cách đây 45 năm cũng chia sẻ cảm tưởng sau khi nghe tin cựu Đại Tá Paul Jacobs qua đời.

Bà Lan Trần cho biết: “Tôi rất buồn sau khi nghe tin đó, vì ông là một ân nhân của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ. Ông cứu 32,000 người, không ai chết và không ai đói cả. Cộng đồng Việt Nam sẽ không bao giờ quên được công lao nhân đạo của Hải Quân Hoa Kỳ lúc đó. Tôi từng gặp ông tại những buổi hội ngộ người tị nạn trên tàu USS Kirk, và nguyện vọng của ông là gặp lại những người tị nạn. Tôi còn nghe con trai của ông ấy nói lúc nào ông cũng thương yêu người Việt Nam tị nạn.”

 

Chiến hạm USS Kirk với số hiệu 1087. (Hình: US Navy)

Bà Lan kể lại nhiều kỷ niệm với vị thuyền trưởng ân nhân.

“Tôi nhớ lúc đó đang có bầu, không được khỏe. Có hai phụ nữ nữa cũng như tôi. Chúng tôi được Hạm Trưởng Jacobs ưu tiên cho ở trong phòng có đầy đủ tiện nghi. Người nhà của mình cũng được ở chung luôn,” bà Lan kể. “Khi tàu đưa chúng tôi đến đảo Guam, những người khác được xe buýt chở vào các trại, riêng chúng tôi được chở thẳng vào bệnh viện Hải Quân ở đó.”

“Ngày nào ông Jacobs cũng đến thăm chúng tôi, hỏi sinh con chưa, nếu sinh nhớ đặt tên là Kirk nhé,” bà Lan kể tiếp. “Sau đó, tàu phải đi công tác, vị thuyền trưởng hứa sẽ trở lại thăm chúng tôi. Trong số những người dưới quyền của vị thuyền trưởng, có ông Don Cox, phi công trực thăng. Máy bay của ông bị trục trặc, nên ông phải ở lại, và Hạm Trưởng Jacobs căn dặn ông phải chăm sóc chúng tôi. Ngày nào ông Cox cũng đến, đưa chúng tôi xuống tàu để thở hít không khí trong lành.”

Bà Lan cho biết: “Ông phi công có một máy ảnh Polaroid, chụp xong có hình liền. Một hôm, ông kêu tôi đứng bên cạnh trực thăng, rồi ông chụp hình, viết địa chỉ và số điện thoại người bạn gái ông ở California phía sau tấm hình, đưa tôi, và nói: ‘Nếu cô chưa có chỗ nào định cư ở Mỹ, có thể về California, liên lạc bạn gái tôi, để được giúp đỡ.'”

Sau đó bà Lan sinh một cháu gái. Theo lời bà kể, vì Kirk là tên con trai, nên bà đặt tên con là Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên.

“Vì là tên con trai, nên tôi để vào giữa, để không bao giờ quên con tàu này,” bà nói.

 

Người Việt Nam tị nạn trên một tàu được chiến hạm USS Kirk hộ tống. (Hình: npr.org)

Bà Sharon Nicholas, chủ tịch Hiệp Hội Á Châu Thái Bình Dương, cũng là một người từng được chiến hạm USS Kirk vớt, cho hay: “Tôi cũng rất buồn khi nghe tin ông mất vì mình và cộng đồng Việt Nam rất mang ơn ông đã cứu vớt 32,000 người. Nhờ ông mà cộng đồng mình mới có hàng triệu người ở khắp Hoa Kỳ ngày hôm nay. Tôi hy vọng đồng hương ở San Diego và Orange County có thể đến tỏ lòng cảm kích và vinh danh ông.”

Bà Sharon cho biết Hiệp Hội Á Châu Thái Bình Dương đang làm việc với gia đình Jacobs để tổ chức lễ vinh danh cựu Đại Tá Paul Jacobs, nhưng cũng chưa biết ngày giờ ra sao vì COVID-19.

Trong thời gian qua, mỗi khi đánh dấu ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, nhiều người Việt Nam được chiến hạm USS Kirk cứu năm xưa, đều có tổ chức hội ngộ, khi thì ở vùng Washington, DC, khi thì ở Orange County, và khi thì ở San Diego, và đều có mời vị cựu thuyền trưởng về tham dự, để tỏ lòng biết ơn ông. 

No comments: