Wednesday, April 21, 2021

THẦY TÔI (LÊ ĐỨC LUẬN)

GS. NGUYỄN ĐẢM

 

Thầy Tôi.

 

Hôm qua đọc trên Trang nhà “Chim Về Núi Nhạn” mới hay Thầy tôi, Giáo sư Nguyễn Đảm đã rời chốn tạm về cõi vĩnh hằng, ngày 30 tháng 3 năm 2021. Thầy ra đi ở tuổi 88, học trò xấp xỉ vào tuổi tám mươi - sự xao xuyến, ngậm ngùi trước cảnh “tử biệt sinh ly” trong kiếp nhân sinh như đã mỏi mòn… Nhưng khi hay tin Thầy tôi ra đi và sẽ không bao giờ trở lại, tôi thấy bàng bạc đâu đây nỗi niềm luyến nhớ  một thưở xa xưa nơi sân trường, trong lớp học cùng bạn bè với người Thầy khả kính. Lòng tôi cảm thấy rưng rưng…

 

Sáu mươi năm trước, ở tuổi hai mươi, mà nghĩ về sáu mươi năm tới - vào tuổi tám mươi, sao thấy xa vời vợi… Bây giờ sắp đến tuổi tám mươi, nhìn lại thời gian trôi qua như gió thoảng mây trôi… Ký ức lưu lại: buồn vui, vinh nhục của đời người có lẽ đậm nét hơn cả là tuổi học trò.

 

Đọc bài “Còn Đâu Thỏ Trắng Bao Quanh Những Tựa Bài” của Anh Phan Ngọc Giang, ký ức trong tôi hiện lên những hoài niệm của một thời “vang bóng”… Thân thế và sự nghiệp của Thầy Nguyễn Đảm đã được Anh Phan Ngọc Giang mô tả khá đầy đủ. Nhưng cái công ơn đã đi vào lòng đám môn sinh được “công thành danh toại” nhờ noi theo tấm gương cần mẫn lúc còn đi học và nhiệt tình khi làm giáo sư của Thầy thì nói sao cho hết…

 

Thuở ấy, các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú ( Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên - Việt Minh gọi là Liên Khu 5) được hưởng cảnh thanh bình, sau chín năm kháng chiến gian khổ. Thế hệ chúng tôi được ung dung đến lớp, đến trường – không còn phải chạy vào “hầm” trú ẩn mỗi khi nghe báo động có máy bay Pháp xuất hiện. Con đường tương lai trước mắt là mảnh bằng Trung học Đệ Nhất Cấp, rồi Tú Tài 1 – Tú Tài 2. Lấy được mảnh bằng “Trung học Đệ Nhất Cấp” (trước đó gọi là bằng Thành Chung hay Diplôme, nay gọi là tốt nghiệp cấp 2) đã là danh giá - được cả làng, cả xã nhắc tên.

 

Thuở ấy, thần tượng của những học sinh lớp Đệ Lục, Đệ Ngũ chúng tôi là Thầy Chung, Thầy Phong, Thầy Phốc… Những vị này là người trẻ Phú Yên, đậu Tú Tài, ở lại với quê hương, làm giáo sư Trường Trung học Bồ Đề đã truyền thụ nguồn cảm hứng cho chúng tôi chuyên cần học tập. Còn chuyện Thầy Quát, đi Sài Gòn lấy bằng Cử nhân Văn chương; Thầy Đảm lấy bằng Cử nhân Toán nghe như huyền thoại. Có một giai thoại kể rằng: “Trong chuyến tàu đêm từ Tuy Hòa vào Sài Gòn, Thầy Quát đã ôn bài suốt đêm… Hôm sau vào phòng thi, Thầy làm bài thông suốt và đậu Cử nhân Văn chương chỉ một lần dự thí” - Một giai thoại thần kỳ! 

 

Thời gian rồi cũng đưa tôi đến gần “nhân vật huyền thoại”-Thầy Đảm. Thuở ấy, ở Phú Yên, những học sinh đậu Tú Tài 1(Tú Tài bán phần) ở các trường Tư Thục Đặng Đức Tuấn, Bồ Đề … muốn học tiếp để lấy bằng Tú Tài 2 (Tú Tài toàn phần) phải nộp đơn xin vào học lớp Đệ Nhất ở trường công lập Nguyễn Huệ.  Nơi đây được Thầy Đảm giảng dạy môn hình học không gian vô cùng hấp dẫn. Thầy Đảm cũng dạy toán lớp Đệ Nhị ở các trương Tư Thục trong tỉnh, nên môn sinh của Thầy “lên đến số vạn…” như anh Phan Ngọc Giang ước tính quả thực không ngoa.

 

Tôi nhớ những giờ học toán với Thầy ở lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất – Khi vào lớp Thầy thường đi tay không, đôi lần chỉ cầm theo mảnh giấy nhỏ. Khi giảng bài thầy bảo học sinh lật ra trang mấy trong sách giáo khoa. Thầy giảng bài, học trò theo dõi trên bảng đen, phối hợp với những trang sách thầy đã chỉ không sai một dòng. Khi làm một bài toán khó, Thầy bảo lật ra trang số mấy, nằm ở dòng nào, lấy ra cái Định lý, Định đề ấy để chứng minh. Cái hay không phải ý nghĩa của Định lý, Định đề mà phục Thầy đã nhớ nằm lòng nó ở trang nào, dòng nào… Đó là kỷ niệm trong những giờ học toán với Thầy.

 

Sau khi lấy được bằng Tú Tài 2, các môn sinh của Thầy, tỏa ra muôn hướng - tập tễnh vào đời, bỏ lại sau lưng ngôi trường thân yêu với những người Thầy khả kính. Lúc ấy cuộc chiến tranh Nam - Bắc ngày thêm khốc liệt, đưa đẩy cuộc đời mỗi môn sinh của Thầy đi về một nẻo. Thầy Đảm vẫn bám trụ với trường Trung học Nguyễn Huệ, tiếp tục đào tạo những thế hệ sau này. Còn thế hệ chúng tôi đa số đã chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc chinh chiến điêu linh - huynh đệ tương tàn… Một thiểu số may mắn, có điều kiện vào Đại học. Nơi đây: năm, bảy… môn sinh xuất sắc trúng tuyển vào các ngành Y, Dược, Kỹ thuật Phú Thọ, Nha Khoa, Sư Phạm – coi như yên phận với nghề nghiệp chuyên môn. Số còn lại ghi danh học các ngành theo sở thích: Luật Khoa, Văn Khoa, Kiến Trúc… hay vào Đại học Khoa học. Ai đã từng học Đại học Khoa học đều biết: lấy được chứng chỉ Toán Học Đại Cương - Vật Lý ( Mathématique general – Physique  MGP) không dễ - sinh viên thuở ấy ngại ngùng ghi danh môn học “khó nhất và nhiều thử thách cam go” này. Theo bài viết của Anh Phan Ngọc Giang: “Thầy Đảm đậu ngay chứng chỉ MGP trong năm học đầu…Rồi mấy năm sau, người ta trân trọng ghi tên ba ông cử nhân toán vào Công báo VNCH để tôn vinh ba tân cử nhân toán học: Nguyễn Đảm, Huỳnh Huynh, Nguyễn Viêm” . Anh Giang viết tiếp: “Quả thật những người có văn bằng đại học của Miền Nam trước đây đều được xem là nguyên khí của quốc gia, dễ gì tìm được những hạt minh châu trong trong tập hợp sỏi đá…”. Lời tôn vinh ấy quả là không quá!

 

Sau năm 1975, một lần về thăm trường cũ, Bùi Ngọc Sơn đưa tôi đến thăm Thầy. Thầy trò tản bộ bên nhau, trên con đường Trần Cao Vân có nhiều kỷ niệm. Thầy với dáng vẻ ung dung, giọng Thầy đầm ấm – dung dị nhưng thâm trầm…Trước khi chia tay Thầy tặng tôi tập thơ “Vịnh Cảnh Phú Yên” với Bút danh Yên Lĩnh Nguyễn Đảm.

 

Ngày xưa, lên lớp Đệ Tam, học trò chúng tôi thường bảo: - đứa nào học “gạo” thì theo Ban A, khô khan thì học Ban B, lãng mạn thì đi Ban C. Lớn lên xa quê, nhớ nhà, tìm thơ Tế Hanh; thất tình, ngâm thơ Xuân Diệu; thưởng thức thơ Đường, đọc thơ Nguyễn Khuyến. Bây giờ chẳng phải tìm đâu xa xôi: Mỗi lần nhớ đến quê hương và muốn thưởng thức thơ Đường, tôi mở tập thơ Vịnh Cảnh Phú Yên của Yên Lĩnh Nguyễn Đảm; khi nhớ người tình thuở trước, ở tuổi học trò, trích vài câu thơ của  Diệp Thế Hùng, rồi gởi gió cho muôn ngàn bay… bảo đảm “người xưa” đọc thấy sẽ cảm động rưng rưng… Ai bảo tâm hồn các nhà toán học, các nhà khoa học khô khan, thiếu “chất” lãng mạn là sai lầm (?!)…

 

Hôm nay, nhớ Thầy… tôi viết miên man, nhưng lòng tôi băn khoăn tự hỏi: “Một mai xa rời cõi tạm, mình có được gặp lại người Thầy khả kính nơi chốn vĩnh hằng hay không?”…

 

Lê Đức Luận

(Tháng Tư, Năm 2021)

No comments: