MẸ VẪN CHỜ CON BÊN CỬA
Trong bài báo “Muôn Dặm Tìm Chồng” nói về trường hợp bà quả phụ phi công
Nguyễn Diếu đăng trên nhật báo Người Việt vào Tháng Mười Hai, 2012, chúng tôi
có nhắc lại bản tin của AP về chiếc trực thăng rơi tại Hạ Lào:
“Vào ngày thứ ba của cuộc hành quân 719 Lam Sơn (10 Tháng Hai, 1971), một trực
thăng UH-1 Huey của Việt Nam Cộng Hoà bị bắn rơi tại Hạ Lào. Tất cả những người
có mặt trên chuyến bay này đều bị tử nạn, gồm Ðại Tá Cao Khắc Nhật Trưởng Phòng
3, Trung Tá Phạm Vi, Trưởng Phòng 4 thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 1, hai phi công
là Trung Úy Nguyễn Diếu, Trung Úy Tạ Hoà và hai nhân viên Phi Hành Đoàn là
Trung Sĩ Cơ Khí Nguyễn Hoàng Anh, Hạ Sĩ Xạ Thủ Trần Công Minh thuộc Không Ðoàn
41, Phi Ðoàn 213, Sư Ðoàn 1 Không Quân đóng tại Ðà Nẵng. Trên chuyến bay này
còn có 4 phóng viên Mỹ là Larry Burrows của tờ Life, Henri Huet của AP, Kent
Potter của UPI và phóng viên người Nhật Keisaburo Shirnamoto của tờ Newsweek”.
Một tuần sau đó, một người đàn ông đã tìm đến toà soạn, khi không gặp
chúng tôi, đã để lại một mảnh giấy nhắn tin, với lời cám ơn, là nhờ bài báo
này, đã tìm ra tin tức của đứa em trong gia đình: Hạ Sĩ Trần Công Minh, xạ thủ
trên chuyến trực thăng lâm nạn hơn 40 năm về trước tại Hạ Lào.
Trần Công Minh sinh năm 1951 tại Sài Gòn trong một gia đình rất nghèo. Thân phụ
anh là một Hạ sĩ quan phục vụ tại Ðại Đội Quân Xa thuộc Bộ Tổng Tham Mưu tại
Saigon, mẹ anh bán gừng trong từng buổi chợ để nuôi 8 đứa con. Năm 1968, sắp đến
tuổi quân dịch, Minh theo người anh ruột, cũng là một quân nhân đang làm việc tại
Quân Ðoàn I, ra Ðà Nẵng và tình nguyện vào Sư Ðoàn 1 Không Quân, phục vụ trong
đơn vị phòng thủ, canh gác phi trường. Có lẽ Minh không thích đời sống an nhàn
này, nhất là sau khi người anh ruột đổi về Saigon, Trần Công Minh tình nguyện
ra tác chiến và trở thành một xạ thủ trực thăng của Phi Ðoàn 213 (Song Chùy)
trong chuyến bay định mệnh bị hoả lực phòng không cộng sản bắn rơi vào sáng
ngày 10 Tháng Hai, 1971.
Người được tin Trần Công Minh tử nạn đầu tiên là thân phụ anh, người lính già ở
hậu phương khóc đứa con trẻ ngoài trận chiến. Trần Công Minh tử trận khi mới
hai mươi tuổi đời. Cũng năm này, thân phụ của Trần Công Minh giải ngũ và qua đời
hai năm sau đó.
Sau khi liên lạc được với người anh ruột của Hạ Sĩ Trần Công Minh, chúng tôi có
dịp gặp gỡ gia đình người tử sĩ không quân này trong một khu mobil home trên đường
Westminster, thuộc thành phố cùng tên, và đã gặp được người mẹ già của anh, nay
đã 94 tuổi. Với tuổi này, trông bà vẫn còn minh mẫn, tráng kiện, tai nghe rõ, mắt
còn nhìn thấy người đối diện mà không cần đeo kính. Bà khoe với khách mới đến
là bà còn xỏ được kim, dù là chỉ trắng hay chỉ đen. Các con nay gọi bà bằng tiếng
“Cô” vì suốt 40 năm nay, bà đã xuống tóc, dùng chay, và siêng năng công phu tụng
niệm mỗi ngày của một người tu sĩ.
Nhắc đến tên đứa con tử trận hơn 40 năm về trước, giọng người mẹ già nghe bùi
ngùi, thương cảm. Tuy xót xa, đau khổ khóc lóc, qua một thời gian dài, tuy đã
nhận giấy báo tử và gia đình đã lãnh tiền tử tuất, song người mẹ thương con,
trước Tháng Tư, 1975, vẫn nửa tin nửa ngờ, nuôi hy vọng con mình còn sống, bị bắt
làm tù binh tại Lào, bị đưa ra Bắc Việt. Sau năm 1975, khi được tin có nhiều tù
binh được trở về nhà, người mẹ lại nghĩ rằng, có thể bị chấn thương ở đầu nên
con của bà không còn nhớ gì dĩ vãng, nên không thể tìm đường về với gia đình.
Nỗi chờ đợi của người mẹ già mỗi ngày một mòn mỏi.
Chuyện chỉ xảy ra dưới chế độ Cộng Sản: Bị buộc làm đơn tình nguyện xin đi “cải
tạo”.
Năm 1971, bà đã mất một đứa con trai.
Năm 1978, đứa con trai kế của bà có giấy gọi thi hành nghĩa vụ quân sự. Sợ con
phải đi Kampuchea, bà mẹ thương con gọi về nhà và tìm cách đưa con đi trốn,
nhưng cuối cùng đứa con vẫn phải ra chiến trường, và bà mẹ thương con, tuy đã
60 tuổi, bị công an địa phương còng tay, bắt vào trại tù “lao động cải tạo” hai
năm. Trong trại “cải tạo” này, không chỉ riêng có bà mẹ này mà còn nhiều cha mẹ
già khác cũng vào tù để được “giáo dục” vì con chưa kịp ra trình diện.
Về sau, gia đình vì có người quen thuộc làm trong Viện Giám Sát Nhân Dân Gò
Công, gia đình làm đơn khiếu nại lên ủy ban Tỉnh, nhưng công an địa phương lại
ép bà phải làm đơn tình nguyện xin đi “cải tạo” ký vào thời gian trước đó, để
làm bằng cớ ngụy tạo, là không phải do công an bắt bà đi tù. Chúng doạ nếu bà
không chịu ký đơn, chúng sẽ đày đứa con kế tiếp sắp đi nghĩa vụ đến một nơi
nguy hiểm, xa xôi. Vì lòng thương con, bà mẹ đành phải gạt nước mắt, “điểm chỉ”
trên lá đơn tình nguyện xin đi “cải tạo” để công an cho vào hồ sơ.
Trên trái đất này, và trong tất cả chế độ bạo ngược tự cổ chí kim, đây là một
trường hợp khó tin, nhưng có thật đã xảy ra dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam.
Tìm giọt máu rơi
Người anh ruột của
người lính Không Quân Trần Công Minh trong chuyến di tản trước ngày Sài Gòn sụp
đổ còn mang theo chiếc ảnh chân dung đã úa vàng, loang lổ của người em. Theo
anh cho biết, qua những nguồn tin chưa rõ ràng, ở Ðà Nẵng, Minh có một người bạn
gái, và khi Minh tử trận ở Hạ Lào người bạn gái này đã mang thai.
Theo ý nguyện của gia đình, hy vọng bài báo này sẽ đến tay người quả phụ trẻ tuổi
ngày xưa, và hy vọng sẽ tìm ra giọt máu rơi lưu lạc của người lính chết trẻ,
trước khi người mẹ già của Trần Công Minh qua đời.
Cũng theo lời người anh lớn của Minh, chờ đến Mùa Hè nắng ấm, gia đình sẽ đưa
bà mẹ đi Washington D.C. xin phép đến thăm Newseum, nơi chôn cất di cốt của những
người tử nạn trong chuyến trực thăng bị rơi tại Hạ Lào ngày 10 Tháng Hai 1971,
để thưa với mẹ rằng:
– Thưa “Cô”, xin “Cô” yên lòng, con trai của “Cô,” thằng Minh đã yên nghỉ nơi
đây!
Huy Phương
Orange County, CA
No comments:
Post a Comment