Wednesday, April 28, 2021

TƯỞNG CHỪNG ĐÃ QUÊN (KIỀU NGUYỄN)

 

Tưởng chừng đã quên

KIỀU NGUYỄN

Đã lâu rồi sao lòng vẫn nhói đau mỗi khi tháng Tư về, tưởng như chỉ trái tim tôi bị xé ra từng mảnh nhỏ. Thì ra nỗi buồn tưởng như rất riêng của tôi lại là nỗi buồn chung của nhiều người, khi có ai đó đã hỏi rằng: những ngày tháng Tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, bạn ở đâu và làm gì?…

Khoảnh khắc ấy như những thước phim ngày cũ hiện về – là nỗi kinh hoàng trong tôi – là khoảng thời gian vô cùng dễ sợ đối với tôi, một cô giáo trẻ đi dạy xa nhà. Một sự hụt hẫng tột cùng. Tôi như con chim non lạc đàn, bơ vơ lạc lõng, không kịp buồn với một cuộc tình vừa kết thúc. Sau khi nghe tin Ban Mê Thuột thất thủ, cục diện nơi thành phố nhỏ tôi đang ở sôi động hẳn lên. Mọi người vội vàng tất bật. Nơi tôi dạy hàng ngày đều nhìn thấy cảnh chiến tranh và pháo kích. Vậy mà Tòa hành chánh và các ty sở đều ra lệnh công chức không được rời nhiệm sở. Ngoài đường tôi thấy ai nấy đều lo chuẩn bị. Tôi cũng chuẩn bị nhưng chuẩn bị gì đây? Tin chiến sự xảy ra từng ngày rồi từng giờ. Chần chờ nữa rồi cũng phải tìm đường về nhà…

 

Tôi vội vàng liên lạc với tổng đài Mê Linh để xin gọi về nhà nhưng không đường dây nào liên lạc được. Nhân viên tổng đài nhìn tôi bằng cái nhìn lo lắng và lắc đầu tuyệt vọng. Nước mắt tôi tuôn trào và tim tôi như ngưng đập. Đầu óc choáng váng. Tôi lại càng hoảng sợ khi các con đường từ Đà Nẵng, Quảng Tín vào Quảng Ngãi đều bị pháo kích và không còn một chiếc xe đò nào từ Bình Sơn vào Quảng Ngãi nữa. Bến xe Quảng Ngãi vắng tanh không một chiếc xe. Mọi người chắc cũng đã đi tản. Không biết họ đi bằng đường nào. Tôi tìm mọi cách để về Qui Nhơn vì các chị tôi đang ở đó nhưng đường bộ thì hoàn toàn bị cô lập. Còn đang lang thang trên đường thì có tiếng gọi: Cô ơi! Cô ơi! Thì ra một em học sinh kỹ thuật đang chạy tới chỗ chúng tôi. Em vừa thở vừa nói: Các cô đi đâu đây? Bây giờ không có xe đò và cũng không còn chiếc tàu nào nữa. Chỉ còn chiếc tàu cuối cùng của nhà em thôi, các cô theo em cho kịp.

Chúng tôi đến Phú Thọ thì tàu đã chật kín. Nhìn những gương mặt buồn hiu thảng thốt, tôi chợt thấy nhớ nhà vô tả. Nhớ má tôi vô cùng. Chắc giờ này má đang lo lắng cho chị em chúng tôi, nhất là tôi, một mình ở rất xa gia đình. Nước mắt tôi lại chảy dài. Tôi mang những giọt nước mắt đau buồn lẫn lo sợ chìm vào giấc ngủ. Nói là ngủ thật ra tôi bị say sóng. Lúc đầu thì thấy khó chịu đầu óc quay cuồng. Tôi lịm dần vào cơn mê. Trong cơn mê man, tôi như nghe thấy có nhiều chiếc tàu đi ngang qua và họ đã thảy thức ăn qua tàu chúng tôi.

 

Tôi không biết con tàu này đi về đâu, đã đi qua những chặng đường nào và được bao lâu rồi. Tôi vật vờ trong cơn mê, cho đến khi chị bạn đánh thức gọi tôi lên bờ. Tôi giật mình, nhìn ra thì trời đã tối. Tôi vội hỏi: đây là đâu? Chị bạn trả lời: Nha Trang. Tôi hốt hoảng: mình không quen ai ở đây hết, làm sao bây giờ? Còn đang lo lắng thì tôi nghe giọng nói quen thuộc của Hoa Lê: Không sao đâu, về tạm nhà mình rồi tìm đường về Sài gòn sau cũng được. Tôi mừng quá. Muốn cảm ơn em học sinh kỹ thuật nhưng tàu nhà em đã đi rồi. Tôi bước chân lên đất liền mà như vẫn còn say sóng. Hoa Lê ơi, cũng may con có bạn.

Nhà Hoa Lê có quán cà phê. Buổi sáng, khi ngồi ở quán cà phê cho tỉnh táo, tôi thấy có hai chàng phi công nhìn về phía tôi. Có lẽ tôi là một khuôn mặt mới chăng? Rồi tôi chợt nhớ ra mình cũng có người nhà là phi công mà. Em rể tôi đang làm huấn luyện viên của Trường phi hành Nha Trang. Lập tức tôi nhờ Hoa Lê chở đến trại Phi Long. Ở trại Phi Long, tôi gặp người lính trực và nhờ nhắn là có người nhà của đại úy LKN muốn gặp. Khoảng 15 phút sau, một anh chàng đại úy lái chiếc Vespa chạy ra. Thấy chúng tôi đứng đó mà cứ lượn qua lượn lại cả chục vòng. Người lính trực thắc mắc: Đại úy tìm ai em chỉ cho. Tôi tìm “bà già” của đại úy Nam mà không thấy. Người lính trực cười: không phải bà già mà là hai người đẹp này đây. Sau khi hỏi ra thì được biết em rể tôi đang huấn luyện ở trường phi hành Phan Rang.

 

Tôi vội vàng đi Phan Rang dù trời sắp tối. Phan Rang đón tôi bằng một trận pháo kích kinh hồn. Cũng may Nam kịp thời đón chúng tôi vào trại. Chị em tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi nhưng ngày mai Châu lại về Sài Gòn trước. Tôi và người bạn ở lại hai hôm sau mới có chuyến bay về Sài Gòn. Tôi trở về Sài Gòn mà đầu óc trống rỗng, như một cái xác vô hồn. Lo lắng. Hoảng sợ. Lúc được lên máy bay, lòng mừng vô hạn, nhưng mãi đến bây giờ tôi không hiểu tại sao mọi người lại phải dẫm đạp chen lấn để lên máy bay trong khi trong tay ai cũng có thẻ lên tàu. Tôi thật sự rất may mắn vì là người ở xa nhất trong gia đình lại được trở về sớm nhất. Cả nhà mừng rỡ khi gặp lại tôi. Nhưng má tôi lại lo lắng cho gia đình hai chị còn ở lại Qui Nhơn.

 

Lúc bấy giờ Sài Gòn chưa thất thủ. Báo chí, truyền thanh, truyền hình liên tục đăng tải tin tức miền Trung khốc liệt, Hàng hàng lớp lớp người dân di tản. Gia đình ly tán. Cửa nhà mất mát. Cảnh giết người cướp của hoành hành ngay trước mắt. Những đại lộ kinh hoàng đẫm máu đầy xác người. Những bước đi trong tiếng đạn pháo kích. Càng đau lòng nhìn thấy tin tức khi có người mẹ ôm con trên đường lánh nạn chỉ còn là cái xác trẻ thơ, hay những đứa bé con khóc hãi hùng bên xác người mẹ xấu số…

 

Mỗi lần nghe tin tức là má tôi rơi nước mắt, lo cho gia đình hai chị, nhất là hôm nhìn thấy trên báo hình ảnh một cô gái mặc áo ba ba với mái tóc dài bay trong gió. Má tôi nước mắt như mưa, không ăn không ngủ, ngày đêm cầu nguyện. Bây giờ tôi là chị gái lớn nhất trong mấy chị em. Ngày nào má tôi cũng nhắc đi tìm các chị. Phải là người trong cuộc mới thấy được cái cảnh mỏi mắt đợi chờ người thân thất lạc. Có đến các bến tàu, bến xe, phi trường, mới thấy được những cảnh tượng đoạn trường đau lòng, trùng phùng mà rơi nước mắt. Ngày nào cũng vậy, mấy chị em chúng tôi hết lên xe buýt rồi lại xuống xe buýt, hết phi trường lại đến bến xe, bến tàu… Nhưng các chị vẫn bặt tăm. Các em nhỏ mỏi mệt hỏi tìm hoài sao không thấy chị? Không biết trả lời sao, tôi chỉ ngậm ngùi lau nước mắt. Trải qua những ngày tháng đợi chờ tin tức của gia đình hai chị sao mà dài đăng đẵng. Cả nhà tôi không còn ồn ào rộn rã tiếng cười như xưa. Những bữa cơm lặng lẽ kéo dài không ai dám lên tiếng…

 

Một hôm chị Nguyệt của tôi bỗng xuất hiện như một phép lạ. Trước mắt chúng tôi là chị và bốn đứa con, đứa nhỏ nhất vẫn còn ẵm trên tay của Đẹp. Anh rể tôi thì ở lại để giữ trại. Nghe kể lại cuộc hành trình của chị mà cả nhà rơi nước mắt. Tay dắt bốn đứa con thơ tìm đường lánh nạn mà không biết chồng mình ở lại ra sao! Trước đó, chị cương quyết không để anh lại một mình nhưng anh khuyên nhủ mãi cuối cùng chị mới chấp nhận mang con ra đi mà lòng rối bời canh cánh. Những chặng đường Sông Cầu – Tuy Hòa – Nha Trang đầy dẫy hiểm nguy, sự sống trên cái chết. Hình ảnh chị tôi, người phụ nữ hiền lành yếu đuối tay đắt bốn con thơ trên chặng đường lưu lạc, cứ làm nước mắt tôi chảy dài.

 

Mấy mẹ con đến được Phan Rang trăm bề gian khổ. Vậy mà chờ hoài chẳng có chuyến bay về Sài Gòn. Viết đến đây tôi vô cùng biết ơn LKN – người em rể đã hết lòng hết sức giúp đỡ chúng tôi chống đỡ làn sóng người ồ ạt chen lấn dẫm đạp để chúng tôi có thể lên được máy bay an toàn. Nếu không có Nam giúp đỡ, tôi không hiểu những chặng đường tiếp theo của tôi và gia đình chị tôi sẽ thê thảm như thế nào. Và rồi chúng tôi lại tiếp tục chờ đợi vợ chồng chị Nga. Rất lâu và rất lâu…, hai vợ chồng chị lưu lạc theo tàu đánh cá Phú Quốc mới về được đến Sài Gòn…

 

Buổi sáng ngày 30 tháng Tư, máy bay vần vũ trên Dinh Độc Lập. Tình hình bên ngoài thật nhiễu nhương. Lòng dân hỗn loạn. Nhìn thấy những chiếc xe tăng tiến vào thành phố mà lòng mọi người đau như cắt. Có những kẻ lợi dụng cơ hội này đi đập phá, hôi của ở nhà cửa, hãng xưởng hoặc building ngoại quốc. Nỗi lo sợ vẫn tiếp tục kéo dài khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Má tôi hối hả bắt chúng tôi cột tóc lại, mặc áo màu sẫm và phát mỗi đứa một cái quần đen. Má bắt mấy đứa con gái phải đeo nhẫn vào tay hết. Những chuyện buồn cười và bất thường như vậy dễ dầu gì chị em chúng tôi nghe theo nhưng lần này không hiểu sao chúng tôi lại răm rắp thi hành. Chị dâu tôi bối rối không tìm ra chai nước rửa móng tay vội lấy dao lam cạo đi lớp sơn trên móng.

 

Chúng tôi đã mất Qui Nhơn. Mất Ban Mê Thuột. Mất Huế. Mất hết. Tim vẫn còn rướm lệ. Bây giờ Sài Gòn cũng mất, vào một ngày tháng Tư buồn. Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt.

No comments: