Wednesday, April 28, 2021

CUỘC DI CƯ NĂM 1954 (NGUYỄN VĂN LỤC) & DI TẢN NĂM 1975

 


Cuộc di cư năm 1954 và di tản năm 1975

 

Xin gửi đến quý bạn những hình ảnh đau buồn về cuộc Di cư năm 1954 và những hình ảnh bi thảm của cuộc Di tản năm 1975 của người dân Việt Nam. Chúng tôi rất cảm ơn các tác giả  những bức hình cùng với những bản nhạc, nhờ quý bạn mà Lịch sử của chúng ta sẽ còn mãi và được ghi đậm vào tâm hồn của mỗi người con dân Việt.

 Nhìn lại cuộc di cư 1954-1955

Nguyễn Văn Lục


Một vài chứng từ của những người đã di cư vào miền Nam
Kiều Chinh, tháng 8, 2004

 

“Là con út trong ba anh chị em, tôi được bố thương nhất. Suốt thời niên thiếu, tôi chi biết có bố. Bố tôi quyết định vào Nam. Nhưng đêm trước ngày ra đi, anh tôi bỏ nhà trốn ra khu theo phong trào thanh niên cứu quốc. Anh Lân là con trai duy nhất của bố, năm đó mới 20 tuổi. Sáng hôm sau, chỉ còn hai bố con ra phi trường Bạch Mai, Hà Nội. Hàng ngàn người già trẻ lớn bé nằm ngồi la liệt dưới nắng cháy, chờ đợi đển được lên máy bay di cư vào Nam. Mãi tới cuối ngày mới tới lượt bố con tôi. Bố đẩy tôi lên máy bay rồi bất ngờ nói: con vào Nam trước, bố ở lại tìm anh Lân rồi sẽ vào sau. Tôi la khóc cố nhào ra với bố, nhưng bị đám đông xô lấn đẩy lui. Cửa máy bay đóng xập xuống. Đó là lần cuối, tôi được nhìn thấy bố. Lần đầu xa bố, lần đầu xa nhà, lần đầu đi máy bay. Tôi ngồi co rúm trên sàn máy bay vận tải nhà binh Pháp, suốt chuyến bay nôn oẹ khóc sướt mướt giữa đám người chen chúc ngột ngạt... Tôi chờ bố từng giờ. Hy vọng mỏng dần...Tôi đếm từng ngày cho tới buổi phát thanh cuối cùng của đài Pháp Á loan tin thời hạn 300 ngày đã hết...Tôi òa khóc. Bức màn tre đã sập xuống, chia đôi đất nước ngăn cách bố con tôi. Năm mươi năm sau cuộc di cư đã qua. Bố tôi đã chết. Anh tôi đã chết. Nhiều người di cư thời năm mươi năm trước đã ra đi vĩnh viễn.Thế hệ tôi cũng sắp ra đi. Xin thắp một nén nhang cho những người quá cố. (Trích 50 năm Bắc Kỳ di cư 1954-2004, trang 82-83)
 

Nguyễn Duy Chính


 

Nguyễn Duy Chính
Nguồn: imageshack.us


“Cho đến giờ phút này tôi vẫn không sao hiểu được tại sao gia đình tôi lại di cư vào miền Nam. Mà nào có phải ra đi một cách thoải mái, dễ dàng gì, trải qua chín chết, một sống, ba bốn đợt mới dắt díu nhau xuống Hải Phòng… hôm đó, cha tôi chở hai anh em trên xe đạp từ làng lên Thạch Thất nói dối là đưa chúng tôi sang làng Nủa ăn giỗ. Mẹ tôi và đứa em út phải ở lại để cho người ta tin rằng chúng tôi không có âm mưu trốn đi. Lên Sơn Tây, chúng tôi lên xe về Hà Nội, có chú tôi chờ sẵn, đợi những đợt sau ra được để thu xếp cho gia đình xuống Hải Dương. Đầu năm 1955, một ít ngày trước khi thời hạn di cư chấm dứt thì mẹ tôi ôm đứa em trai đi thoát. Gia đình tôi phải đi làm nhiều đợt nên mới lâu như thế.

Chúng tôi lại bồng bế nhau xuống tầu há mồm đưa ra tầu lớn đậu xa xa ngoài khơi. Chiếc tầu đó là của nhà binh Pháp đi từ bến Hải Phòng đến bến Sài Gòn mất cả thảy 3 ngày, hai đêm, sau đó có xe cam nhông chở vào trại di cư Phú Thọ cạnh trường đua, xế trường Bách Khoa ngày nay…

Quả thực những người như gia đình tôi không đủ trí tuệ và kiến thức để bảo rằng ra đi nhằm mục đích tìm tư do, hay chọn lựa một chính nghĩa theo lằn ranh Quốc Cộng. Chúng tôi quyết định hoàn toàn do bản năng, theo linh tính như những con thú đánh hơi thấy hiểm nguy, đằng trước là sự sống, đằng sau là sự chết. Hình ảnh đó tôi lại thấy trên khuôn mặt những người dân hoảng hốt di tản năm 1975. (Trích 50 năm Bắc Kỳ di cư, trang 69-70)
 

Đời tỵ nạn của N.N.T
 

Cha tôi bị Việt Minh giết. Vâng, bị Việt Minh giết. Anh tôi, vì là người phòng vệ Giám mục Phạm Ngọc Chi nên tính mạng luôn bị đe dọa. Thời gian đình chiến, Việt Minh công khai hoạt động. Chúng lùng bắt người quốc gia gán cho tội theo Tây theo Pháp hay theo Ki tô giáo. Chúng gọi những thành phần này là phản động. Có những lần chúng đem theo giáo mác, súng ống, gậy gộc, xiên nhọn, đi từng nhà lùng bắt, chúng lục lạo từ nhà trên nhà dưới, bụi tre, đống rơm để tìm kiếm. Vào một buổi chiều, đại gia đình tôi gồm 9 người chuẩn bị rời nhà. Từ nhà đến địa điểm của thuyền chờ đợi cách xa chừng bốn cây số. Không ai nói với ai, cứ đi theo người đi trước mình... Thuyền được rời bến ngay sau đó. Chừng hơn 30 thuyền lênh đênh trên sông Hồng. Người thuyền trưởng cho biết đọan đường nguy hiểm đã qua. Nghe thế, mọi nguời trên thuyền đều mừng rỡ. Xa xa, có nhiều ánh sáng như thiên đàng chờ đón ngươòi tỵ nạn chúng tôi. Càng chạy tới thì ánh sáng càng tỏ hiện. Nhiều tầu chiến, nhiều tầu há mồm, ánh sáng tỏa ra như một thành phố trước mặt. Đối với tôi, đó là một thiên đường… (Trích Đời Tỵ nạn, trong 50 năm Bắc Kỳ di cư, trang 64)

Một Ngày 54 Một Ngày 75 trình bày Elvis Phương

https://www.youtube.com/watch?v=Dl8DbJGyB5o


No comments: