Wednesday, April 7, 2021

BÁC SĨ BẠCH THẾ THỨC (BS. TRẦN XUÂN DŨNG)

HÌNH MINH HỌA

 

                              Bác Sĩ Bạch Thế Thức

 

1975. Con trai  lớn của bác sĩ Bạch Đình Minh là bác sĩ Bạch Thế Thức, khóa 21 quân y hiện dịch, đang phục vụ trong trại ngoại khoa tại Tổng y viện Duy Tân,  Đà Nẵng.

 

Bác sĩ Bạch Thế Thức đã trở thành một bác sĩ giải phẫu vì lý do sau đây: Tết Mậu Thân 1968 ,Việt Cộng đánh 41 tỉnh cùng một lúc.Chúng đã chiếm được nhiều nơi trong thành phố Sàigòn.Các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang cố gắng đánh bật chúng ra. Nhiều chiến sĩ hy sinh. Xe hồng thập tự ùn ùn chở thương binh tới Tổng Y viện Cộng Hòa. Các bác sĩ và y tá  khẩn cấp làm việc không kịp thở.

 

Anh Thức thấy rất nhiều thương binh,lẫn tử sĩ, chật  ních bên trong phòng cấp cứu và cả bên ngoài nữa,trong số đó có một chiến sĩ  thủy quân lục chiến bị thương nặng, đang quằn quại  nằm, chờ được cứu chữa.

Khi đó Anh Thức đang học APM ở Khoa học  Đại Học, nhưng trù trừ chưa  biết rồi sẽ học ngành nào. Đứng  trước cảnh này, anh Thức lập tức quyết định:_

“Mình phải học Bác sĩ, và  phải trở thành một bác sĩ giải phẫu,để sau này có thể  cứu giúp được người, trong  những hoàn cảnh thập tử nhất sinh như thế này.”

 

Trong những ngày cuối tháng 3-1975, Đà Nẵng trong một  tình trạng kinh hoàng. Đã có  thể hơn cả 100.000 người chạy từ Quảng Trị và Huế vào. Người ở Đà Nẵng cũng đang cuống cuồng chạy đi. Bằng bất cứ phương tiện nào. Dân  dùng những phương tiện dân sự như tầu  buôn, thuyền. Lính  dùng phương tiện của quân đội như máy bay , tầu chiến, xuồng máy, vân vân… Rồi tới mức, lính và dân không còn phân biệt nữa. Dân cố leo lên tầu lính. Và ngược lại, lính xuống cả thuyền đánh cá, ghe  nhỏ  của dân. 

Các đơn vị tan rã vì không còn bom đạn để xử dụng.

Ngay cả vị tướng Tư lệnh Quân đoàn  I  cũng không còn  một toán quân nhỏ  trong tay.

 

 Xin mời đọc phần dưới đây của Đại tá Nguyễn Thành Trí Tư lệnh phó  Sư Đoàn Thủy quân lục chiến để  hiểu rõ tình trạng bấy giờ.

 

 

Khoảng 23:00 giờ hơn, một Quân Cảnh Thủy Quân Lục Chiến bước vào Trung Tâm Hành Quân báo cho tôi hay có Tướng Ngô Quang Trưởng đến. Vì không được báo trước nên tôi vội vã bước ra thì gặp ngay Tướng Ngô Quang Trưởng trước cửa Trung Tâm Hành Quân. Cùng đi với Tướng Trưởng gồm có Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh,  Sư Đoàn 1 Không Quân, Đại tá Phước, Không Đoàn trưởng Không Đoàn 51 Trực Thăng, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Tỉnh trưởng Thừa Thiên và cuối cùng là Đại úy Hòa, Tùy viên của Tướng Ngô Quang Trưởng.

 

Tôi chào tất cả các vị và mời vào xa lông của Trung Tâm Hành Quân. Tướng Ngô Quang Trưởng mở lời nói với tôi:

“Họ đã đi hết cả rồi, bây giờ anh em Thủy Quân Lục Chiến ở đâu thì tôi theo đó”.

 

Sau một hồi im lặng, ông quay qua nói với Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh và hai vị Đại tá:

“Riêng các anh không còn nhiệm vụ gì ở đây thì có thể đi đâu tùy ý”.

 

Không khí thật nặng nề và buồn thảm. Không ai nói lên được điều gì trong hoàn cảnh tế nhị và khó xử này. Mọi người như đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Cuối cùng Tướng Nguyễn Đức Khánh và hai vị Đại tá đứng lên chào Tướng Ngô Quang Trưởng để ra trực thăng. Tướng Trưởng bắt tay từng người nhưng không quên dặn riêng Đại tá Phước là nếu liên lạc được các “toán nhảy” (Lôi Hổ) nào còn đang hoạt động ở ngoài, thì cố gắng bốc họ về đơn vị. Tôi tiễn ba vị ra khỏi cửa Trung Tâm Hành Quân và chúng tôi chia tay.

 

Khi tôi trở vào Trung Tâm Hành Quân thì Tướng Ngô Quang Trưởng nói ông thấy trong người không được khỏe. Tôi cho bắc một giường xếp quân đội để ông nằm nghỉ lưng tạm cạnh xa lông đồng thời cho mời một Bác sĩ trực của Tiểu Đoàn Quân Y Thủy Quân Lục Chiến đến săn sóc và tiêm thuốc khỏe cho ông. Sau đó tôi trở qua tiếp tục theo dõi cuộc rút quân của Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, cạnh các máy truyền tin của Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn.

 

Khoảng 24:00 giờ, Tướng Ngô Quang Trưởng hỏi mượn một xe Jeep và tài xế để đi thăm một vị Giám Mục nào đó ngoài Thị xã Đà Nẵng. Tôi tỏ ý cản ngăn, viện lý do không có an ninh. Nhưng Tướng Trưởng một mực nói không sao đâu. Tôi đành chỉ thị cho Tiểu Đoàn Tổng Hành Dinh, Thủy Quân Lục Chiến, cung cấp một xe Jeep cho Tướng Trưởng, một xe Jeep thứ hai cho toán Quân Cảnh Thủy Quân Lục Chiến dẫn đường và một xe GMC cho Tiểu Đội hộ tống, đặt dưới quyền sử dụng của ông. Khi ông đi rồi tôi tự trách sao không cố thuyết phục để giữ chân ông lại. Nếu có chuyện không may xảy ra, tôi sẽ ân hận suốt đời. Dù sao ông cũng là vị Tướng Tư Lệnh của một Quân Đoàn, lúc nào cũng phải được bảo vệ tối đa và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến nói chung, giờ đây phải có trách nhiệm đó... Khoảng một giờ sau  thì ông trở về và nằm nghỉ trên giường bố. Khi đó tôi mới cảm thấy yên tâm.

 

(Trích Ngày Tháng Không  Quên,Chiến Sử Thuỷ Quân Lục Chiến , 2007)

 

Trong lúc mọi người chỉ còn lo chạy, không ai có thì giờ lo cho người khác , thì Bác sĩ Bạch Thế Thức, lại chỉ đứng trong  phòng mổ,  chuyên  tâm giải phẫu chữa trị cho  những  người bị thương , bất kể là lính hay là dân.

 

Một người bạn cùng lớp, là bác sĩ Ngọc, thấy tình trạng cấp bách, rủ bác sĩ Thức  bỏ hết đi, để cùng chạy . Bác sĩ Thức từ chối, khiến bác sĩ Ngọc phải phát khóc, vì nghĩ khi vào tới Sài Gòn sẽ không biết nói sao với vợ của bác sĩ Thức là bác sĩ Thúy San đang có đứa con đầu lòng được bốn tháng.

 

Khi biết được câu chuyện này tôi sực nhớ đến một nhân vật có lòng vị tha rất lớn , chuyên nghĩ đến việc nghĩa, trong khi cả thiên hạ không còn  ai lo đến chuyện  gì cho người khác.

 

 

Khổ thân làm việc nghĩa.

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng:  “Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc “nghĩa”, một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà  thôi đi có hơn không?”

 Mặc Tử nói: “Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cầy, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa  cầy chẳng nên càng chăm   cầy hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không thì nhiều , đứa đi cầy ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!”

 

Trời không phụ  lòng người.

Tháng ba  1975, Đà Nẵng mất.Bác sĩ Thức chạy vào được Sài Gòn.Vào những ngày cuối tháng tư, dân số thủ đô khoảng 2,000,000 người. Ai cũng mong thoát. Nhưng với dân số đông như vậy, hy vọng thoát được cho mỗi người là một phần triệu.Thoát cách nào cũng được, đường bộ, đường thủy, phi cơ.Ngày 29-4, trong tình trạng tuyệt vọng chẳng làm sao tìm ra được phương tiện để chạy, bác sĩ Thức chán quá, nằm ngủ trong căn nhà ở Khánh Hội. Anh Thức tuy ở quân y nhưng lúc nào cũng thích không quân. Anh nghiên cứu đủ loại máy bay. Anh có tài lạ, là dù  ngồi trong nhà hay  làm trong bệnh viện,chỉ cần nghe tiếng máy bay xa xa, ở trên trời, là anh đã biết ngay đó là chiếc máy bay gì.

 

 Trong lúc đang ngủ trưa, giữa niềm tuyệt vọng, anh chợt nghe tiếng máy bay hơi lạ trên bầu trời Khánh Hội.Anh hiếu kỳ, vùng dậy, chạy ra ngoài đường ngó lên trời.  Xong, anh cúi đầu nhìn lại xuống đất.Anh thấy mọi người rùng rùng chạy.Anh chợt nghĩ, tại sao mình không  tiếp tục đi tìm đường chạy, mà lại nằm ngủ một cách vô lý như thế này?Anh  lấy chiếc xe gắn máy Honda chạy  đi thám sát bến Bạch Đằng. Rồi lại chạy về.

 

 Anh dắt mẹ và vợ là bác sĩ Nguyễn Thúy San, vốn học cùng lớp, và  đứa con đầu lòng mới 4 tháng , cộng thêm 5 đứa em, tất cả là 9 người chạy trở lại bến Bạch  Đằng. Trời xui đất khiến, mới tới Thương khẩu ở Khánh Hội, chợt thấy  một xà lan Mỹ không biết từ đâu chạy tới, tắp vào bờ . Anh kéo cả gia đình bước xuống. Gia đình Anh là một trong những người đầu tiên đặt chân lên sàn xà lan này. Thẳng ra biển.

 

 

Bác sĩ Trần Xuân Dũng

(Trích Văn Học Quân Đội )


No comments: