Wednesday, April 21, 2021

SÔNG NÚI TRỞ MÀU (ĐẶNG KIM CÔN)

 

Sông Núi Trở Màu

                “Đoạn trường nước chảy qua cầu

                   Gặp nhau sông núi trở màu đắng cay”

                                        (ca dao)

1

May mắn hơn những lần về phép trước, lần này nhờ có thằng bạn làm dưới phòng ba, xin cho tôi được trở lại đơn vị bằng phi cơ, thay vì phải vật lộn với con đường vòng vo gần 400 cây số đầy bất trắc qua gần hai ngày đường.

Tôi ra phi trường Chóp Chài, thằng bạn tiễn tôi ra tận chiếc C130, và ít phút sau máy bay cất cánh. Máy bay không thấy hành khách, toàn là hàng hóa và phi hành đoàn, họ đều là quân nhân Mỹ. Trong sợi dây nịt an toàn, tôi lơ mơ ngủ, sẽ không bao lâu, chừng ba, bốn chục phút nữa thôi, là tôi có thể uống một ly café của thành phố Cheo Reo nhỏ bé, thân quen.

Tôi tỉnh hẳn người (thật ra không phải là ngủ, mà ít thường đi máy bay, thấy lo lo, nhắm mắt để quên), khi cảm giác được bánh máy bay chạm xuống phi đạo, với tâm trạng vui mừng, tôi ngước đôi mắt rạng rỡ nhìn mấy người lính Mỹ, như muốn ngỏ một lời cám ơn. Lát nữa trước khi bước ra khỏi máy bay, tôi phải xổ một câu tiếng Anh dễ, mà tôi học hồi trung học, đã lâu không dùng tới “Thank you very much”.

Máy bay đã dừng hẳn, tôi hí hửng tháo nịt an toàn, nôn nao nhìn cửa sau hạ xuống, một cảnh quang lạ hoắc đập nhanh vào mắt tôi, một phi trường rộng, có nhiều loại máy bay đậu không giống như phi trường quen thuộc nơi tôi đóng quân, tôi ấp úng nhìn người lính Mỹ, chỉ vào ngực mình:

-Hau Bon? Me here? (tôi muốn nói có phải đây là phi trường Hậu Bổn, có phải là chỗ đến của tôi không?)

Người lính Mỹ, hẳn đã biết tôi đi Cheo Reo, khoát tay, nói mấy tiếng mà hắn nghĩ là dễ, tôi nghĩ hắn cũng nói tiếng bồi cho tôi hiểu:

-No, no, here is Phu Cat. You just stay, we’ll go right now. (Không phải, đây là Phù Cát, bạn phải ngồi đó, chúng ta sẽ đi ngay).

Tôi tiu nghỉu, và hiểu là máy bay phải ghé phi trường Phù Cát bỏ hàng xuống, bốc hàng lên rồi bay tiếp. Thôi cũng đành. Sao cũng được. Đỡ hơn xe đò phải nằm đường nằm sá, trễ một chút thôi mà.

Lại nhắm mắt lim dim, không lâu sau máy bay lại cất cánh, tôi xem đồng hồ, nhẫm tính thời gian…

Máy bay lại hạ cánh, cửa mở, người lính Mỹ ra hiệu cho tôi ra khỏi máy bay, nói tùm lum tà la gì đó, tôi hiểu là xuống ăn uống đi, và phải chờ, như là hiện giờ không có chuyến đi Cheo Reo. Hắn chỉ cho tôi chỗ để tôi vào, cách đó chừng hơn trăm mét.

 

Tôi thất thểu mang ba-lô đi. Phi trường lớn quá, đủ thứ máy bay, vận tải, phản lực, trực thăng. Chỗ tôi vào là một câu lạc bộ, rất đông lính Mỹ và như là không thấy bóng dáng một người lính Việt Nam nào. Cũng may, có mấy cô bán hàng người Việt, tôi lân la lại hỏi thăm, mới biết đây là phi trường Cam Ranh, và nơi này chỉ là riêng của quân đội Mỹ. Đến chiều, tôi đói bụng, định hỏi mua cơm ăn, cô bán hàng nhìn quanh, áy náy: “Ồ, xin lỗi ông, ở đây không dùng tiền Việt”.

Tôi ngán ngẩm nói cám ơn, rồi xách ba-lô đi tìm một chỗ nghỉ, cũng cóc cần ngồi lên ghế của mấy cái bàn ăn, thả ba-lô đánh phịch xuống đất, ngồi dựa lưng vào một cây cột, mơ màng, hát một câu vu vơ, hồi ở Thủ Đức thường hát “Sá gì, cá mối dưa leo” mà nghe bụng mình cồn cào như đang muốn rủ nhau đi biểu tình, cũng chả buồn nhìn mấy cô gái Việt hiếm hoi, xinh xắn đang có vẻ ném thật nhanh những ánh mắt “gian gian” về phía gã con trai bơ vơ lạc lõng đói khát tội nghiệp này. Thằng Mỹ nói chờ, thì cùng lắm là ngày mai, cùng lắm nhịn đói một đêm hôm nay, bạn bè đi trận, nhịn đói năm bảy ngày thì sao. Tự an ủi thế, nhưng giá như có được một bát cơm Phiếu mẫu thì Hàn Tín kia cũng chả thiết hai tiếng anh hùng.

Có bước chân rón rén, tôi nhìn lên, một Phiếu mẫu bằng xương bằng thịt đang bưng một đĩa cơm đầy, e dè ngồi xuống trước mặt tôi, nói giọng run run:

-Vừa rồi thấy anh không sẵn tiền đô, tôi muốn mời anh bữa cơm. Anh đừng ngại, ai cũng có lúc lỡ đường mà.

Tôi mở to đôi mắt nhìn sững nàng, nước bọt tươm ra (xấu hổ, đâu phải vì đói quá?), giọng nói ở đâu mà trong trẻo đến thế, phát ra từ đôi cánh hồng chậm rãi hàm tiếu, với đôi mắt to đen, sâu thẳm ánh lên nét khẩn khoản ngọt ngào. Tôi có thể từ chối sao? Chắc cô ta cũng là một trong những nhân viên bán cơm kia… Tôi bối rối nói lí nhí “cám ơn” và đỡ đĩa cơm từ đôi tay nhỏ nhắn, chạm khẽ vào mấy ngón thon dài như tay của mấy mannequin trong những gian hàng quần áo.

-Anh lại bàn ngồi ăn.

-Thôi được cô, lính tráng bụi đời quen rồi.

-Nhưng mà mấy thằng Mỹ nó cười…

-Hở mười cái răng. Cô ngồi chơi đây có sao không?

-Ồ, tôi cũng đi mua cơm như anh mà.

Tôi ngạc nhiên:

-Vậy sao cô biết tôi không mua được cơm?

-Chắc tại tâm trạng bất an quá nên anh đâu để ý gì chung quanh, tôi đứng cạnh anh chứ đâu.

Tôi vã lã:

-Ồ, xin lỗi, tôi vô ý quá, làm lỡ dịp quen biết một cô tiên nhỏ…

Nàng bật cười:

-Tán hay đấy, thế chứng tỏ là cái bụng nó đã nuốt mất tiêu hai con mắt rồi. Ăn cơm đi. Lát tôi sẽ lấy nước cho ông, ông uống coca nhá.

Nàng ân cần chu đáo như một tiếp viên chuyên nghiệp, chắc cũng là tiếp viên, tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:

-Tôi ăn đây, cô nhé.

-Vâng, ông muốn bụi thì bụi, cũng vui mà. Ông có hút thuốc không?

Tôi vừa xúc cơm đưa vào miệng, vừa trả lời:

-Tôi còn, mà cũng sắp hết, chao ơi, sao bà tiên tốt bụng quá.

Nàng cười hăm he:

-Ông chọc quê tôi, tôi đi về, cần gì ráng chịu đấy.

Rồi nàng nhanh nhẹn đứng dậy, những bước chân tiên thanh thoát đi về phía quầy hàng, và mang trở lại hai lon Coca, hai gói thuốc lá Lucky, cười cười:

-Hút Lucky cho nó may mắn, quên nói với anh đĩa cơm là tôi mua, còn thịt lấp bên dưới là của cô làm cơm cho thêm, đêm nay mà cô ấy trực là anh có bạn rồi.

Tôi quay mặt về phía quầy, quan sát, không biết cái cô làm cơm là cô nào, thảo nào, đĩa cơm thịt ơi là thịt, tình đồng bào béo ngậy trong mấy miếng thịt heo nạc dày cộm này. Tôi thật sự cảm động, không dám ngấu nghiến cái tình cảm chân thành của mấy cô, với lại còn phải làm dáng với người đẹp bất lịch sự cứ chăm chú nhìn tôi ăn mà lỏn lẻn cười. Tôi chợt nhớ:

-Chớ bộ đêm nay cô không trực sao?

-Không anh, tôi không làm ở đây, không gặp anh nãy giờ tôi về nhà rồi.

Tôi ú ớ:

-Thế, thế… cô làm đâu?

-Dạ, trên văn phòng.

Tôi như đang chới với trên sóng chợt chụp được cái phao:

-Cô ở văn phòng cô có biết sao chiếc C130 mắc dịch kia nó bỏ tôi ở đây không? Nó có nhầm lẫn gì không? Bao giờ thì tôi mới về tới đơn vị tôi được?

Rồi tôi kể sơ cho nàng câu chuyện quá giang, nàng nhíu nhíu đôi lông mày thanh mảnh cong vòng, rồi bảo những việc đó không nằm trong phần việc của nàng, nhưng nàng hứa sáng mai nàng sẽ vào sớm và hỏi giúp tôi:

-Tôi tên Minh, Kim Minh, chắc chắn tôi sẽ hỏi được. Sáng vào làm chút chuyện, và khi tôi tới đây tức là đã có câu trả lời cho anh.

-Tôi là Hoài, Thế Hoài

-Nghe quen quen.

-Kiếp trước…

-Nữa, tán nữa, nhỏ sợ quá biến mất đừng nói ngày mai sao không đến.

-Cô không đến hay ngày mai không đến?

Minh đánh trống lãng:

-Câu lạc bộ có nhà vệ sinh phía sau kia, còn ngủ thì tạm theo kiểu của anh…

-?

-Bụi đời ấy

-Cám ơn cô

Nàng cười dòn tan, một chút buồn buồn, ngập ngừng:

-Thôi, em về

Mái tóc dài thả ngang thắt lưng, chiếc quần tây đen với chiếc áo sơ mi tim tím đã khuất phía dãy nhà bên trái câu lạc bộ, cuốn theo tiếng em mới mẻ ngọt xớt. Tôi bật lon Coca, châm một điếu thuốc…

 

***

 

 Minh đến sớm hơn, mới 7g30 sáng, nhưng không phải đem lại cho tôi cái kết quả mà tôi mong đợi, nàng liếng thoắng:

-Em chưa hỏi được cho anh, ghé lại anh trước vì cái ly café này. Mua đại café sữa vì không biết anh uống gì. Em đi làm, tí nữa hỏi cho anh. Ngủ được không?

-Muỗi, hơi lạnh.

Thấy nàng đổi cách xưng hô, tôi cũng đâm dạn dĩ:

-Cám ơn nhỏ.

-Em phải cám ơn anh. Lâu lâu có được việc làm mới, ngồ ngộ, cũng vui. Tối ngày cắm đầu vào ba cái báo cáo, chết sướng hơn.

11g Minh trở lại, huyên thuyên:

-Máy bay chở anh bất ngờ nhận lệnh quay lại Cam Ranh, vì phải tiếp vận khẩn cấp cho chiến trường gì đó, họ nói họ không quên anh, và họ đang tìm cách giải quyết. Em nói vậy người ta trễ phép làm sao, họ nói là thì cô cõng người ta đi đi. Anh giúp em lấy cơm tí.

Chúng tôi đi với nhau lại quầy, Minh mua hai đĩa cơm, nàng đùa với mấy cô ở quầy cơm “Tối qua mấy chị có bắt nạt anh mình không? Hôm nay phần cơm của anh có còn được đặc biệt không, mình quên, khi nào anh cần nước lã, mấy chị ưu tiên cho nhá…”

Hai đứa bưng hai phần cơm, nước ngọt quay lưng, tôi hỏi nhỏ:

-Mình ăn ở đâu?

Minh cười:

-Bụi đời.

Chúng tôi ngồi dưới sàn ăn với nhau. Bữa cơm chậm, nói đủ thứ chuyện, từ chuyện học hành, chiến trận, đến thơ nhạc, sách báo.

Minh gốc Bắc 54, gia đình Saigon, bố nàng làm trong Bộ Tổng tham mưu, có ông chú ruột làm lớn ở Đặc khu Cam Ranh, gặp lúc có một cơ quan an ninh Mỹ đang cần một thư ký, nàng lại mới ra đại học, rảnh rỗi, bố muốn gửi nàng ra đây, coi như một cơ hội rèn luyện Anh ngữ, làm bàn đạp… trở về sau này.

-Đem con bỏ chợ, sao không sợ cục mỡ quá thơm trước mũi đám mèo?

-Mèo là anh mèo ấy. Cục mỡ này đi một đuờng, về một ngõ, anh thấy con nhỏ dễ với anh, anh đánh giá hả? Ai dám đụng vào cháu ruột của Đặc Khu phó Cam Ranh nào? Tưởng bở, người ta thấy tội nghiệp thôi, không biết thân.

Tôi cười cầu tài:

-Người ta nói Bắc Kỳ chua ngoa, hôm nay mới thấy. Gớm, anh lo quá mới nói vậy.

-Lo kiểu gì kỳ. Em cũng không hiểu em sao thế. Đùa thôi, cứ coi như một giấc mơ, thoắt đó, mất đó, anh lên máy bay, là xong. Giống như hồi học sinh, đám bạn, nhớ là không có em nhá, rủ nhau đi bắt bồ với mấy anh Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức, để được cuối tuần mua quà đi thăm viếng, để được lâu lâu các anh về giung giăng giung giẻ, để viết thư, thề non hẹn biển, cười khóc như thật, khi mấy chàng ra trường, mấy nàng quẹo cua “chuồi” xuống đám sinh viên đàn em mới. Vâng, một trò chơi.

-Nếu anh có gì sai, cho anh xin lỗi.

-Anh có lỗi gì đâu. Anh nói lo cũng phải mà. Có điều mới mà đã cãi nhau chí chóe, chắc sẽ một tiền đồ không mấy sáng sủa.

Tôi nắm chặt bàn bay Minh, cười cười:

-Thì cũng cắn nhau… đau chút chút mà. Tiền đồ là mình mà, cái gì em cũng đúng hết là xong.

-Nữa. Em muốn vậy sao. Càng lúc khoảng cách càng xa. Thấy ghét.

-Ừ, anh cũng thấy ghét anh thật, anh… làm sao anh ôm em đây.

Chúng tôi cùng đảo mắt nhìn quanh, nàng rút tay lại:

-Giữa thanh thiên bạch nhựt, khiêu khích thiên hạ kiểu này, chỉ tổ để lại tai tiếng cho em. Thương kiểu gì…

Minh đi làm. Chiều về, nàng ghé lại tôi, giao tay lái chiếc Honda Dame cho tôi, ra lệnh:

-Anh lái đi.

Tôi đặt cái ba-lô đằng trước, Minh ngồi sau, chỉ đường tôi đi về nhà nàng. Minh đùa:

-Cư xá sĩ quan đấy, em được cấp một căn. Không phải sĩ quan không ở được đâu.

-Bà sĩ quan ở được không?

-Không luôn. Anh tắm rứa đi, em làm cơm. Bụi đời hoài chán rồi.

-Có một bữa, kêu hoài.

-Em nói anh ý. Ăn xong em cho anh trở lại chỗ của anh.

-Anh không đi.

Không thấy nàng nói gì.

Tôi tắm rửa, thay đồ, bước ra thì thấy Minh đang đứng làm cơm bên bếp. Tôi bước nhè nhẹ đến (nhưng dĩ nhiên là Minh biết) phía sau lưng nàng, vòng hai tay ôm eo nàng hôn nhẹ lên tóc, Minh không quay lại:

-Đừng phá em, em cho ăn cơm khét, ráng chịu.

Tôi xoay Minh lại, Minh ôm tôi, miệng lẩm bẩm:

-Lì quá.

-Anh yêu em.

Hai đôi mắt nhắm nghiền, hai đôi môi gắn chặt vào nhau. Minh run bần bật trong tay tôi, thều thào:

-Anh, anh đừng làm em sợ…

Bếp lửa reo vui, Minh đẩy tôi ra:

-Ông táo cười kìa.

-Cười nghĩa là chứng nhận mối lương duyên này.

-Nói liều mạng. Để em làm mà.

-Anh làm với em.

-Phá thì có. Anh hút thuốc nghỉ ngơi chút ăn cơm, kẻo nữa cơm ngon nói là nhờ anh.

Minh nằm gối đầu lên tay tôi, lặng lẽ nhận những nụ hôn dài nhứt, tấm thân mỏng mảnh của nàng cơ hồ chết ngất trong vòng tay siết cứng của tôi.

-Trời ơi, sao mà… em đẹp quá, anh yêu em, Minh ơi.

-Em không đẹp, không yêu?

-Không phải, anh nói, hai mệnh đề khách nhau. Em là em.

-Xạo quá. Em là đại danh từ chung. Ai cũng em hết

-Cũng như Anh?

-Khác. Em ngu rồi. Sau đĩa cơm đầu tiên, đêm qua về em không chợp mắt. Em bị mũi tên tình ái xuyên tâm rồi. Cho nên anh có quyền khinh em, em điên rồi, em mà biết yêu bao giờ thì em đã không đi tới Cam Ranh này.

Tai tôi không nhận được âm thanh nữa, chỉ còn bàn tay rạo rực của tôi tìm đường vuốt ve an ủi Minh, bất chấp bàn tay mềm mại của nàng ngăn cản, mấy hột nút áo cũng đã hốt hoảng bung ra, tôi đặt tay lên bầu ngực no tròn phập phồng ấm áp của nàng, định úp mặt vào đó. Tôi cũng đang run lên, một câu nói dại dột không kiểm soát đã bắn ra từ cửa miệng cuồng loạn say mê của tôi:

-Con gái xa nhà thoải mái em hở?

Bất ngờ, Minh hất tay tôi ra, òa khóc:

-Em bị tê liệt bởi mũi tên của thần Cupid rồi. Em không còn kiểm soát em được nữa, không còn cái gì là của em nữa, anh có quyền lấy đi hết, nhưng không được khinh em. Thoải mái? Anh lầm rồi.

Nàng khóc nức nở, khóc rung cả người, tôi ngỡ ngàng lồm cồm ngồi dậy ôm nàng, cắn những giọt nước mắt mằn mặn đang túa xuống bờ má hơi cao và tràn nghiêng qua sóng mũi nhỏ nhắn, dọc dừa với chóp mũi nhô xinh kiêu mạn của nàng, bao nhiêu háo hức tan biến hết. Chặp lâu sau, Minh bước xuống giường, thay quần áo, dịu dàng:

-Thay đồ đi anh, em chở anh vào phi trường.

-Giới nghiêm rồi đi đâu?

Nàng ngồi rũ xuống cạnh giường:

-Thôi anh ngủ đi. Thật ra hôm nay em có thể xin máy bay Việt Nam cho anh đi được, nhưng… bởi vì em muốn còn được có anh.

Tôi cảm động đưa tay níu nàng nằm xuống:

-Anh xin lỗi em. Cũng may, anh lỡ nói một câu ngu xuẩn, nếu không…

-Nếu không, anh hại em rồi phải không? Có được thêm một cái tên trong danh sách bẻ hoa của anh?

-Anh xin lỗi rồi.

Minh nghiêng mình, úp mặt vào mặt tôi, hôn nhẹ, thì thầm:

-Sao em lại thảm hại đến thế này, anh đi rồi, em làm sao đây?

Nàng lại rưng rức khóc. Tôi nói như mơ:

-Anh sẽ về mà. Đừng khóc nữa. Từ Thức ngu chứ anh không ngu đâu, nàng tiên của anh.

Không biết là Minh thôi khóc, hay tôi không còn nghe nàng khóc nữa. Giấc ngủ bủa xuống tôi như một mẻ lưới bất ngờ.

Sáng sớm chúng tôi đã dậy, Minh lấy xe đi mua café cho tôi, về dọn bữa sáng rồi đi làm, dặn tôi ở nhà chờ nàng vào hỏi máy bay. Tôi nói đùa, “Anh không đi nữa đâu”

Đến hơn 10g Minh hối hả chạy về, ôm chầm lấy tôi, thổn thức:

-Em nhờ ông chú em, có chuyến trực thăng của Không Quân Việt Nam 11g30 đi Phú Bổn, em cũng đi với anh.

-Đi luôn?

-Ham lắm.

Chúng tôi lại hôn nhau, nụ hôn bùi ngùi thắm thiết, tôi kéo nàng xuống giuờng, và Minh không ngăn bàn bàn tay sỗ sàng của tôi trên bất kỳ một vùng da thịt nào. Nếu tôi muốn tung hết áo quần nàng ra, phút giây này, chắc nàng không từ chối.

Trực thăng thả tôi xuống phi trường Hậu Bổn, rồi lại bay đi. Vẫy tay chào và nước mắt. Một giấc mơ đẹp.

Về đơn vị không trễ, nếu tôi đi xe đò, chưa hẳn giờ này đã tới. Nhưng nếu không có chuyến trực thăng của không quân Việt Nam thì không biết tôi đợi đến bao lâu mới nói được câu thank you very much.

Mười ngày sau tôi nhận được thư Minh:

“Anh thương yêu,

Đêm ấy anh ngủ ngon quá, có lẽ ở ngoài phi trường anh đã quá mệt, em không nỡ đánh thức anh dậy, dù em đang cần anh vô cùng. Em hư quá, em yếu đuối quá phải không anh?

Anh, căn phòng trở nên ngột ngạt quá, đâu cũng đầy hình bóng anh, nhất là ban đêm, em cứ ngồi nhìn chiếc giường, để thấy anh vẫn ngủ say sưa trong hạnh phúc mình. Thốt nhiên em thấy sợ quá, em không thể không có anh, em không thể ngồi nhìn anh ngủ, ngồi làm thơ, chắc em phải về lại Saigon thôi. Có xa anh hơn chút nhưng em có nhiều việc để làm cho chúng mình. Hôn anh.”

 

***

 

Những cánh thư liên tục đi về, Minh tỉ mỉ gửi cho tôi những bảng tên thêu, những bộ áo quần dân sự, những cuốn truyện dịch, đến gần cuối năm 1972, nàng gửi cho tôi một thùng hàng, trong đó có cả chiếc cassette nàng dùng, với những băng nhạc của các nhạc sĩ thời danh và tiền chiến, với những giọng ca đang được ái mộ, và đặc biệt có những câu thơ Minh viết, nàng thu âm giọng đọc của nàng vào băng cassette. Minh viết là nàng phải trở lại Saigon, Bố nàng nói hiệp định Paris sắp ký, nàng còn có thể làm việc chung với Mỹ đến nửa năm sau, nhưng nàng không thể “ngồi nhìn anh ngủ mãi”. Nàng “ra lệnh” cho tôi gửi gấp hồ sơ về cho nàng, nàng nói nàng muốn nhờ bố nàng giúp chuyển tôi về Saigon, “chuyện đám cưới chỉ còn đợi anh, xe hơi đang nổ máy ngoài ngõ…”

Nhưng tôi muốn được về Tuy Hòa. Ba Má tôi đã cạn khô nước mắt mòn mỏi trông mong tôi bao nhiêu ngày tháng, nhất là sau mấy lần bị thương thập tử nhất sinh mà ba má tôi đã không ở gần tôi được. Vậy là giữa năm 73, tôi được lệnh thuyên chuyển về Phú Yên. Mười ngày phép cuối năm 74, tôi về Saigon thăm Minh, chúng tôi có được những ngày đào nguyên tuyệt diệu, ở đâu chúng tôi cũng gặp lại cư xá sĩ quan Cam Ranh ngày ấy.

 

Và đúng là hết chuyện nếu như chúng tôi lấy nhau (như Nguyễn Nhược Pháp viết), chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc nhau từ ngày Saigon sụp đổ. Ra tù, tôi về tìm lại địa chỉ nhà Minh cũ, chủ nhân đã hoàn toàn xa lạ. Nghe nói gia đình nàng đã di tản trước ngày 30-4-1975.

 

 

2

Là một nhân viên Xã hội, tôi được quyền “phỏng vấn” anh ta đủ mọi chuyện. Tôi đọc danh sách xin trợ cấp của những gia đình HO, thấy có tên anh, tôi giành lấy mấy bộ hồ sơ gia đình anh.

Tôi cố gắng nghiêm nghị nhưng cũng không nén nổi mấy giọt nước mắt xót xa khe khẽ rớm trên mi. Gần hai mươi năm không một chút xíu tin tức, phần thì anh không quen biết nhiều những người thân quen của tôi, phần những bạn bè quen biết của tôi cũng không có điều kiện hỏi thăm về gia đình anh ấy. Những năm đầu của 75, tôi có viết thư về Tuy Hòa nhưng tất cả đều bặt vô âm tín.

Anh ngồi trước mặt tôi, gầy nhom, răng chiếc rụng chiếc xiêu vẹo, móm mém như ông cụ, đôi mắt u uẩn xa xôi. Tôi nói bằng tiếng Việt, giới thiệu tên tôi là Jasmine, tôi dẫn anh đi theo những câu hỏi mà trong chương trình phỏng vấn không có:

-Xin lỗi, ông ở tù cộng sản bao nhiêu năm?

-Dạ 4 năm, thưa bà

-Ra tù ông được về lại địa chỉ cũ nhà ông chứ?

-Dạ thưa, về lại nhà tôi, nhưng không phải là địa chỉ cũ.

-Tại sao?

-Đa số nhà sĩ quan chế độ cũ đều bị nhà nước lấy, đẩy gia đình chúng tôi đi kinh tế mới hay về quê.

-Vậy nhà ông bị lấy từ lúc nào?

-Sau ngày Saigon mất, nhà chúng tôi mất theo.

-Vậy ông lập gia đình năm nào?

-Thưa bà, sáu năm sau khi ở tù về.

-Gần mười năm sau mới đi HO, ông bà được mấy người con?

-Chỉ có một con chung, gái, nay bảy tuổi, bà nhà có ba người con riêng.

-Cùng đi Mỹ cả?

-Dạ. Xin lỗi bà cho phép tôi hỏi một câu ngoài lề.

Tôi giật mình, nhưng cố lấy bình tĩnh, nén tiếng thở dài:

-Tên Việt của bà là gì ạ?

-Ồ, là Lài, thưa ông. Lài dịch qua tiếng Anh là Jasmine.

-Cám ơn bà, tôi thấy ngờ ngợ.

-Giống ai phải không?

-Dạ… xin lỗi, bà xã trước của tôi.

-Ông… có vợ trước?

-Dạ, sắp cưới thì biến cố 75. Chúng tôi mất liên lạc nhau.

-Ồ, xin lỗi. Giống lắm sao?

-Thưa, không lắm, nhưng tôi có ý định gặp ai trạc cô ấy mà nói giọng Bắc thì tôi hỏi thăm.

-Để làm gì? Ông đã có gia đình. Rồi lỡ như người ta cũng đã có gia đình thì phiền phức. Hơn nữa, hoàn cảnh đã đổi thay, lòng người chắc gì còn như trước.

-Tôi hiểu, thưa bà. Cám ơn bà nhiều.

Lần phỏng vấn đầu tiên để lập hồ sơ trợ cấp cho những người tỵ nạn mới đến Mỹ định cư đó là đã từ hơn một năm về trước. Anh có con nhỏ, nên được hưởng trợ cấp đến khi con anh 18 tuổi, thay vì chỉ được nhận 8 tháng như những người khác. Nhân danh là một nhân viên xã hội chịu trách nhiệm hồ sơ của anh, tôi gọi đến hỏi thăm anh hàng tuần, và cũng nhiều khi tôi gọi điện thoại mời anh đến chỗ tôi để “hỏi thêm”, mà chỉ vì tôi nhớ anh quá. Thỉnh thoảng tôi cũng giúp anh một khoản tiền mặt, mà anh ngây thơ chỉ hiểu như tôi nói “trợ phí xã hội không ghi hồ sơ, và không cần báo cáo”, cũng không được cho mấy HO khác biết.

Anh nằm bệnh viện đã hơn tháng nay. Tôi có bạn là bác sĩ, y tá trong bệnh viện này, hỏi thăm họ, họ nói thật với tôi là anh chỉ còn là thời gian. Tôi òa khóc ngay trước mặt họ, tôi van họ còn cách nào giúp được không, tiền bạc thế nào thì có thể cứu chữa được, họ buồn bã lắc đầu.

Cũng lấy tư cách là nhân viên xã hội, tôi xin người nhà anh cho tôi gặp riêng anh, cần gì xin gõ cửa trước, trong khi tôi còn nói chuyện, và dĩ nhiên không ai khó dễ gì tôi.

Anh vẫn còn rất tỉnh táo, thấy tôi cầm tay anh sụt sịt khóc, anh hiểu ngay, nước mắt anh cũng trào ra:

-Sao không giấu anh nữa đi, chứ không phải là thời thế thay đổi, lòng người cũng đổi thay?

Tôi ôm cánh tay anh, nằm sấp xuống cạnh anh, hôn lấy hôn để trên khuôn mặt tóp rọp nhăn nheo của anh:

-Không anh, em không thay đổi gì hết, anh đã có gia đình, em muốn anh được vui trọn vẹn…

-Em biết anh sắp chết nên không giấu chân tướng nữa?

-Dạ không, lâu không gặp được anh, mà lại gặp ở đây, bất ngờ quá nên em không kìm được nước mắt.

-Tại sao không mãi mãi là Jasmine, mà lại là Minh trong hoàn cảnh này?

-Mine là Minh, anh yêu. Mình còn một cái tên chung nữa mà anh chưa biết. Hope, là hy vọng, là tên em đặt cho con gái của mình. Nó ra đời năm 75, nay đã 20 tuổi. Đó là niềm an ủi, niềm tự hào, niềm thương yêu của em.

-Nó đâu?

-Anh đã gặp nó ở chỗ làm của em, và cũng như anh không biết gì về nó, em đã không nói gì với nó về anh.

-Có ác không?

-Sau này em sẽ cho nó biết. Em với “anh sau này” không con, chúng em lấy nhau khi tuổi đã lớn, như đậu gạo nấu cơm chung, anh bỏ em lâu quá, em muốn có một chỗ đùm bọc tuổi già, nó cũng quý ảnh và ảnh cũng rất cưng nó, nên em nghĩ thôi cứ tạm để cho nó vô tư.

-Nếu em đã biết là anh sẽ không qua khỏi, em cứ vẫn không muốn cha con anh gặp nhau?

-Em đang tính. Em sẽ cố gắng, anh đừng nói gỡ, anh sẽ mạnh mà, đừng làm em sợ. Hôn em đi.

-Không. Em muốn hôn tử thần thì cứ ra cầu highway mà nhảy xuống.

-Không sợ em chết?

Anh lặng thinh, tôi ôm lấy mặt anh, nhìn đắm đuối vào đôi mắt mỏi mệt sâu thẳm của anh, nước mắt tôi tuôn giàn giụa trên mặt anh, tôi cúi xuống rít một hơi thật dài, thật nóng bỏng lên môi anh. Anh như cố mím môi lại.

Hình như cả hai chúng tôi đều nghĩ về một chỗ đến, trong đó có cả hình ảnh một phi trường mà mũi tên của thần Cupid đã đáp xuống ngày nào, xuyên suốt qua hai quả tim, nhẹ nhàng, ngọt xớt. Anh nhắm mắt lại, trên khuôn mặt nhòe nhoẹt của anh, đã không còn phân biệt được là nước mắt của ai.

 

Tôi mở cửa bước ra ngoài, vợ con anh đang đứng khoanh tay cúi mặt thiểu não. Thấy nước mắt còn đọng lại trên đôi mắt đỏ của tôi, họ lúng túng:

-Thưa bà…

Tôi đặt vội mấy ngàn tiền mặt vào tay họ:

-Tội nghiệp ông ấy quá, bà xem ông ấy cần ăn uống gì bà lo hộ cho. Khoản trợ phí xã hội này không cần hoàn lại, cũng không cần báo cáo. Có gì, hay cần gì bà cứ điện thoại cho tôi ngay, đừng ngại.

-Dạ, xin cám ơn bà.

-Đó là nhiệm vụ của tôi.

Tôi quay mặt, vội vã bước đi

 

ĐẶNG KIM CÔN


No comments: