GS. NGUYỄN ĐẢM |
Còn Đâu Thỏ Trắng Bao Quanh Những Tựa Bài
Vào bệnh viện Thống Nhất, leo mấy tầng lầu
rồi cũng tìm ra được phòng Hô Hấp Tích Cực, nơi cô Nguyệt , trưởng nữ đang chăm sóc cho phụ thân, Thầy Đảm , nhìn Thầy đã hôn mê, có
lúc thở bằng dưỡng khí, đến nắm tay thầy tôi có linh cảm
“
thôi rồi tay nắm tay lần cuối/ chia nẻo dương
trần vĩnh biệt nhau “, dù rằng
không giám thổ lộ cùng ai trong phòng bệnh. Mấy hôm sau cứ phải gồng mình gọi
điện thoại, hỏi thăm tình trạng sức khỏe của Thầy nhưng cô Nguyệt có lúc bận rộn không trả lời
điện thoại, đợi lúc cô gọi lại thì cũng chẳng mấy chút khả quan.
Lần sau cùng gọi cô Nguyệt thì có lẽ Thầy đã ra đi, vì quá bận rộn nên cũng
không trả lời tôi ngay, lúc Nguyệt lấy can đãm gọi trả lời, giọng nghẹn ngào
“ ba cháu đã…” , tôi chẳng nói được lời gì chỉ vắn tắt an ủi Nguyệt rồi tắt máy vì biết Nguyệt quá bề bộn, nhiệm vụ đang nặng nề , tôi tự nén cảm xúc mà
cũng không muốn Nguyệt xúc động mạnh
trên chiếc xe hồng thập tự đưa Thầy về
quê. Sau đó tôi vội gởi thư điện tử cho các bạn phương xa và gọi điện thoại báo
tin cho vài bằng hữu.
Dẫu biết sinh ly tử biệt cũng chỉ là
chuyện thường tình của một đời người nhưng trước sự ra đi của một vị thầy khả
kính , mấy ai không thương tiếc. Giờ đây bình tâm hoài niệm lại những gì thầy
đã trút bỏ hết những gì của trần gian
cho thế nhân nhưng thế nhân chịu
ơn thầy chắc không ít.
Nhớ ơn thầy không thể không kể đến những
gương tốt mà thầy để lại cho đám môn sinh vậy có mấy hàng ghi lại vài kỹ niệm một
thời nghiên bút với thầy.
Xuất thân từ một gia đình danh giá sở Mỹ
Lệ - Hòa Bình mà tư chất gói ghém trong
câu ”thói nhà băng tuyết/ chất hằng phỉ phong” đủ nói lên gia cảnh,
sinh ra ở một tỉnh mới khai phá , việc học
hành của con dân ở đây chẳng dễ dàng gì thời thơ ấu, chữ nghĩa thầy được học từ trong nhà, các bậc
phụ huynh , rồi, lại chiến tranh triền miên, chắc hẳn phải trải qua cảnh vừa học
vừa tránh đạn tránh bom.
Qua thời Cộng hòa, để chạy kịp những
thanh thiếu niên cùng lứa, thầy được gia đình đưa vào Saigon học tập. Đây mới
là giai đoạn cam go cho một thanh niên xa nhà lập chí. Từ một tỉnh lẻ mới khai
phá, lạc vào nơi đô hội nhất nước chàng thanh niên mới lớn chắc chắn không khỏi
cảm tưởng lạc lẫm, nhưng rồi với bản lĩnh và tự tin, người thanh niên hiếu học đã
vượt qua khỏi mọi thách thức để theo kịp
những học sinh xuất sắc nhât ở đây, họ có đầy
đủ điều kiện ăn học tại một nơi an bình.
Và rồi kết quả những kỳ thi tú
tài người thanh niên ấy đã cùng anh mình
mang vinh dự về cho thôn Mỹ Lệ.
Tiếng lành đồn xa, cái vinh quang của các ông tú tài Mỹ Lệ đã đánh thức tinh thần
hiếu học của mấy anh em họ Phan trong gia đình ở tả ngạn sông Ba và nhiều gia đình khác, tiếng
tốt cũng vông gần về gia đình họ Phạm ở
Mỹ Lệ.
Lên đại học, lại gặp những thử thách cam go
khác, người sinh viên tuổi trẻ ở tỉnh lẻ lại thừa can đãm, chọn môn học khó nhất
, ngành học khó nhất thời bấy giờ để lập
thân : chứng chỉ Toán Học Đại Cương –Vật Lý (Mathématique générale –Physique
MGP) tại Đại học Khoa học Saigon, môn học
đầy thách thức quả thật, cái môn học mà những ông giáo sư Pháp và Việt dạy
học ở đây đều đem tiêu chuẩn và chương trình
Đại Học Sorbonne áp dụng vào xứ Việt Nam mới vừa độc lập. Không lạ lẫm
gì khi những kỳ thi cuối năm có những chứng chỉ
mà bảng kết quả thẳng thừng ghi một
chữ ngắn gọn bằng tiếng Pháp vào danh sách thí sinh trúng
tuyển :” Néant” ( không có thí sinh
nào). Các ông giáo sư Monavon, Benneton đòi hỏi sinh viên phải có những lý luận
toán học sắc như gươm chưa kể chương trình
toán học tú tài Việt hồi đó còn lạc hậu hơn Chương trình Pháp, họ đã áp
dụng Tân toán học từ vài năm trước . Những cam go đoạn trường này được đánh giá
bằng kết quả những kỳ thi cuối năm, số sinh viên đậu kỳ thi chứng chỉ MGP chỉ đỉ
đếm trên đầu ngón tay của hai bàn tay trong khi đại giảng đừơng có thể chứa gần
một số ngàn sinh viên vào nghe giảng, và số sinh viên ghi danh đầu niên học
cũng lên gần con số ấy. kết quả bi thảm như vậy, tôi nhớ có một bài thơ than
thân trách phận của các sinh viên không vượt qua chứng chỉ dự bị Đại học Khoa học
: “…Mười mấy năm trường Việt/ Thua kém bạn trường Tây…”
Học hành, thi cử khó khăn dường ấy mà
người sinh viên Làng Mỹ Lệ năm ấy chỉ học một năm làm được chuyện thần kỳ , đậu
ngay chứng chỉ MGP trong năm học đầu. Và còn những chứng chỉ chuyên cao Toán Học
Vi Tích Phân, Cơ Học thuần Lý, Vật Lý
Đại Cương cũng chẳng dễ dàng gì ,
mà rồi mấy năm sau người ta trân trọng ghi tên ba ông cử nhân
toán học vào Công báo VNCH để tôn vinh :
ba tân cử nhân toán học : Nguyễn Đảm, Huỳnh Huynh, Nguyễn Viêm, lúc ấy Tạp chí Văn Hóa Nguyệt San , tờ báo dành cho
những học giả uy tín nhất miền Nam viết
cũng không quên đưa tên ba ông cử
ấy vào bảng “Tin Tức Văn Hóa “ quả thật những
người có văn bằng đại học của Miền Nam trước đây đều được xem là nguyên
khí của quốc gia, dễ gì tìm được những
hạt minh châu trong tâp hợp sỏi đá. Về
sau hai ông cử nhân kia, một vị qua Mỹ du học, sau trở thành giáo sư toán học
thống kê, còn một vị giữ lại làm giảng nghiệm viên và phụ giảng tại Đại học
Khoa học, riêng Thầy Đảm, với đầy nhiệt huyết muốn khai phóng quê hương, về lại
Tuy Hòa dạy học, với bút hiệu Yên Lĩnh của
thầy đủ nói lên điều ấy.
Những ngày tháng đại học với tư cách là
sinh viên đi đầu trong nhóm sinh viên Phú yên, thầy Đảm đã ân cần truyền đạt vài kinh nghiệm học toán
cho các bạn bè đồng môn, đàn em v .v..
mọi bạn bè theo gương Thầy Đảm rồi cũng chăm chỉ, thành đạt phải kể đến những bậc
đàn anh của nhóm sinh viên Phú yên thời
bấy giờ, những vị này nếu không được Thầy
Đảm truyền thụ được học thuật thì cũng có chút ảnh hưởng của hai anh em thầy
Nguyễn Bá Quát và thầy Đảm về cách ứng xử
ở đời và vài kinh nghiệm thi cử . Phải kể đến các anh Phan Phùng , Lê Kính Cao thị Cẩm Nhung, Huỳnh duy Phốc, Nguyễn đình Chúc , Võ Duy Thành, Phan Bổ,
Ngô Liên Phương, Nguyễn Thị Ngọc,Nguyễn Đức Minh, Trần Lê Nhân. Nguyễn Chung.
V.v… là những người thành đạt có ít nhiều ảnh hưởng của hai vị sư huynh tiền bối
này và quả nhiên người Pháp không hề sai khi bảo rằng “Hãy cho biết anh chơi với
ai,tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào.”
Phần đánh giá của tôi chắc cũng có phần thiếu sót không tránh khỏi. Ấy
là mấy nét về cách đối nhân xử thế của Thầy đảm với bạn bè với bạn bè.
Là học trò giỏi rồi khi làm thầy, thầy Đảm
cũng truyền thu cho một đám đông môn sinh thành công. Phải kể đến những học sinh chịu sự diều dắt của
thầy mà nên người đa số xuất thân từ các
trường TH Nguyễn Huệ, Bồ Đề,Đặng Đức Tuấn, Văn Minh. Con số môn sinh của thầy
trước sau chắc cũng lên đên số vạn.
Trong số này thành đạt không ít, những môn sinh thành đạt trước
1975 xin được nêu tên vài người : Huỳnh Bá Củng , Trương Đình Thanh, Lữ Thu Thủy Nguyễn Phụng lãnh, Lữ Đức Tường, Trần Khắc Toàn, Huỳnh Minh, Diệp
thế Hùng, Lữ Hạnh, Đỗ Ngọc Huỳnh,Cao
quang Đức, Bùi Ngọc Sơn,Nguyễn Hanh. Nguyễn Hữu Phước, Phạm Văn Hướng, Trịnh
thi Phương Tùng, Thái Văn Châu, Phạm Hoàng, Nguyễn Tùng Châu, Phan ngọc Hà,
Nguyễn Hoài Trung , Lữ Đức kỳ, Nguyễn văn Tăng, Bùi thị Ngọc Điệp, Đặng Ngọc Cảnh,Nguyễn
Tấn Công, Nguyễn Văn Hùng, Trần Đình Minh, Đào Tấn Hỗ, Đào Tấn Hoan, Đào Tấn Lộc,
Nguyễn Tùng Lộc, Nguyễn Minh Hựu, Nguyễn Minh Hào. Trần Hữu An, Nguyễn Văn An,
Nguyễn Tài My, Phạm Minh Bửu, Phạm Minh Diệu, Phạm Trị .v.v.. Những người thành
đạt này đã có nhiều người là chuyên gia
quốc tế.
Sau 1975 thầy Đảm cũng tiếp tục đào tạo và nhiều
học sinh sau trở thành những chuyên viên tài giỏi , phải kể trước tiên các học
trò nhà , các chị em Nguyễn thị Minh Nguyệt, Nguyễn Bá Quân, Nguyễn bá Quỳnh và
sau đó Đặng Hồng Lĩnh, Phan Thị Bích Vân, Phan Ngọc Tuấn và biết bao nhiêu bạn
trẻ khác mà tôi chưa biết đến.
Người ta bảo danh sư xuất cao đồ, nêu
tên những người thành đạt này để biết
công ơn gầy dựng của thầy .
Cái yếu tố chính để những học trò của thầy
thành công là lòng nhiệt tâm của thầy khi thầy giảng dạy. Ngoài những chuyên
môn là toán, thầy còn có kiến thức rộng về Vật lý , nên trong giờ dạy , thỉnh
thoảng thầy có giảng giải về vài hiện tượng Nhiệt động lực hoc cũng rất thú vị.
Vài cử chỉ của thầy giúp học sinh tập trung ngay từ đầu giờ học là thầy viết đề
bài học xong là vẽ nhanh một con thỏ trắng bao quanh đề tài bài học, thầy không
nhắc nhở chúng ta vì sao quanh đề bài học lại quần một con thỏ trắng, có ý nghĩa gì?, tôi suy nghĩ nhiều lần và nghiệm
ra rằng, ngoái ý nghĩa nghệ thuật ra , còn một ý nghĩa triết lý thâm sâu : một học
sinh đứng trước một vấn đề toán học phải
thận trọng , dè dặt như con thỏ trắng
lạc trong vườn hoang, phải thật thận trọng quyết đoán không được có những định kiến trước,
cho dù có phải do dự đôi chút , chút do dự và dè dặt ấy là tinh thần nhận thức khoa
học theo trường phái Descartes duy lý , khi nhận định một vấn đề phải có chút
ít ngờ vực duy lý ‘‘ doute cartésien” , cũng nới rộng tinh thần dè dặt , do dự ấy
thầy Đảm có cắt nghĩa hai chữ do dự,
nghe quá quen thuộc nhưng không phài là một từ thuần nôm , mà là một từ Hán Việt
, cà hai chữ do và dự đều được viết với bộ khuyển , và chỉ một loài thú có tính
dè dặt, rụt rè, e ngại, có lẽ là một loài thú thuộc họ linh trưởng chăng.
Nhưng kỳ niệm sâu sắc nhất của tôi với
Thầy Đảm là lý thuyết ‘Hiện Sinh Tử”. Hồi đầu năm học 1966-1967 khi khai giảng
chương trình toán năm ấy , thầy mở đầu năm học với môn cơ học thuần lý , và bài
học đầu tiên là chuyển động, khi giảng về khái niệm thời gian thầy có đưa ra một lý thuyết : vật
chất khi chia nhỏ, chia không được nữa thì đó là nguyên tử, còn thời gian khi
chia nhỏ không chia được nữa thì tạm gọi là thời tử (chữ của Thầy Đảm gọi tempsum),
trong mỗi thời tử sẽ có vài thế giới lần
lượt hiện ra rồi lần lượt biến đi, kể cả thế giới chúng ta đang sống và mỗi thế giới riêng vẫn giữ cảm giác sống
liên tục mà không hề biết mình đã bị sinh- tử
ẩn hiện vô số lần – khoan hãy bàn lý thuyết này đúng hay sai vì chưa kiểm
chứng, ta hãy xem Théodore Vogel viết : chân lý là một từ vô nghĩa trong
lý thuyết vật lý (la vérité d’une théorie physique est un mot vide de sens), quả
đúng như vậy những lý thuyết hùng hổ nhất như thuyết tương đối của Einstein đều có những điểm bất cập , những
nhà vật lý nổi tiếng nhất thế giới, từ Hubble đến Bentley, Olbers đều phải lúng
túng trước những phản đề, điều quan trọng là mỗi lý thuyết có một vài thành quả
trong việc cắt nghĩa vài hiện tượng. Vậy thuyết Hiện sinh tử trên đây thì sao?
, tôi chưa giám bàn đến đúng sai của lý thuyết này nhưng tôi có thấy lý thuyết
này đã giúp ích tôi khi hiểu dễ dàng khi học về biến điệu xung để đưa vào kỹ thuật phân kênh thời gian trong truyền
thông (Time Division Multiplex). Quý vị
thử tưởng tượng xem, khi đọc bài này quý vị đang đọc nó từ một địa chỉ mơ hồ
nào đó trong đám mây điện tử, cùng lúc đó vô số người sử dụng máy computer hay
điện thoại thông minh cũng đang nhận những tài nguyên từ cùng một đám mây điện
tử như quý vị. Quý vị đang sử dụng chung một đường truyền, vậy là trong cùng một
thời gian này các vị, mỗi người sử dụng một kênh thời gian riêng, mỗi kênh thời
gian đều bị ngắt quãng ( bị biến mất ) mỗi
kênh chỉ được mở ra trong một khe thời gian (time slot) ngắn ngủi trong khi
kênh này phải tạm ngưng và chừa bao nhiêu thời gian còn lại cho các kênh
khác và chừng nào tương ứng đến khe thời
gian- time slot kế tiếp, kênh của quý vị được mở ra để quý vị sử dụng nhưng quý vị vẫn có cảm
giác đường truyền từ đám mây điện tử đến
máy của quý vị vẫn liên tục ( dù rằng đường truyền chỉ liên kết từng khe thời
gian rời rạc) và như thế đó cuộc sống trên
thế gian vẫn liên tục.
Tôi còn nhớ cuối buổi học hôm ấy Phạm
Hoàng có bảo với tôi “ thầy học đến
mức độ đề xướng được học thuyết – ghê gớm
thiệt”. Giờ này mỗi lần Hoàng gọi
điện thoại cho tôi Hoàng thử nhớ lại xem chuyện phân kênh thời gian với chuyện
hiện sinh tử của thầy Đảm chắc phải thú vị.
Những ngày hưu trí thầy dành hầu hết thời
gian cho việc nghiên cứu, từ văn chường , lịch sử, nghệ thuật đến khoa học, để
đạt đến trình độ văn chương cổ điển , tinh thông từng bộ môn thơ cổ phong đến từ khúc,
điệu lưu thủy hành vân, tứ đại cảnh
nói rằng thầy là một nhà nghiên cứu toán học rất nghệ sĩ, thầy đã mở rộng
những những giảng khóa của giáo sư Đẳng Đình Áng , đem kết hợp toán học với văn
chương để soạn ra tiểu luận : “Vài Phép Tính và Cấu Trúc Nửa Nhóm trong Tập Hợp
Thơ Đường Luật”, không dễ tìm trên thế giới có người tinh thông vừa toán học vừa
văn chương để làm được công trình này loại này. Trong một tờ báo xuân năm nào
thầy kể rằng trong cuộc binh biến của Bảy Viễn ở Rừng Sát, ban đềm nhìn những lằn
đạn bay trên không trung, thầy liên tưởng đến những đường parabol và với thầy
khi giải xong một bài toán khó vẽ được đường biểu diễn của hàm số thầy thấy như
một bông hoa đang nở, tính nghệ sĩ không thể thiếu trong người say mê toán học.
Như Henri Poincaré đã nói : “ Một nhà toán học mà không nghệ sĩ một chút
thì không là nhà toán học tài danh “
Viết về Thầy có mấy trang làm sao đầy đủ, vả lại
kiến văn của tôi còn hạn hẹp nhưng tưởng nhớ đến thầy thì cứ viết.
Thầy ơi! học trò phải nghĩ rằng thác là
thể phách còn là tinh anh
Đường vào cõi vĩnh hằng hay au delà de l’ infini là vùng nào đó trong tư duy toán học cũng là
tựa sách mà thầy trân quý , khi mỗi lần có
môn sinh nào về trò chuyện bên chén trà mà thầy hay đề cập. Thầy sẽ
qua những vùng ngoạn mục xin thầy hãy an nghĩ trong vùng “không
gian bưóc tới màu thay đổi/ giữa một thời gian khoảnh khắc ngừng”
Trời Saigon hôm nay ban ngày không mưa
mà nắng gắt chuẩn bị vào hè, nhưng lạ
thay hai đêm liền đến giũa đêm khi viết
xong những dòng này trời lại đổ mưa , ban đêm hơi lạnh, nhớ lại mấy câu thơ Thầy
viết , không khỏi ngậm ngùi, đọc lại cho thầy nghe, chắc là thầy có lần tìm được một điểm nào đó trong không
gian R4 mà thầy đã nhiều lần suy tưởng đến, xin đọc lại thơ Thầy để tiễn Thầy
đi
(.......................)
Trên đường về thấm lạnh
nghe vọng một mảnh
lòng
không - thời – gian
chợt mở
trong một phút mong
manh.
Hạ tuần Hạnh Nguyệt - Tân Sửu
Phan Ngọc Giang
No comments:
Post a Comment