Tài tử Kiều Chinh, Báo Tuyết
và sự nghiệp điện ảnh để đời
Lê Hồng Lâm
24 tháng 2 2021
NGUỒN HÌNH ẢNH,KIEU CHINH
Chụp lại hình ảnh,
Bà Kiều Chinh tại Hoa Kỳ
Liên hoan phim Thế giới Châu Á (The
Asian World Film Festival) tại Mỹ vừa thông báo, nữ diễn viên huyền thoại người
Mỹ gốc Việt Kiều Chinh sẽ được vinh danh với giải thưởng cao quý nhất tại LHP:
Giải thành tựu trọn đời có tên là Snow Leopard (Báo Tuyết) tại Lễ Gala Đêm bế mạc
vào ngày 15/3 tới.
Kiều Chinh được biết nhiều nhất tại Mỹ với
vai chính trong bộ phim The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội) và bộ phim về cuộc sống
của người Việt tại Mỹ sau chiến tranh có tên là Journey of the Fall, cũng như
các thành tựu về hoạt động nhân đạo và từ thiện của bà. Nhưng trước 1975, bà đã
có một sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy tại Sài Gòn với nhiều bộ phim đáng nhớ.
Nhân cột mốc đặc biệt này, chúng tôi muốn
điểm lại sự nghiệp điện ảnh kéo dài hơn 6 thập niên của nữ nghệ sĩ tài danh
này, từ Hà Nội, Sài Gòn, Hollywood đến “cõi tôi” của Kiều Chinh.
Từ Hà Nội đến Sài Gòn
Kiều Chinh vừa kỷ niệm 60 năm hoạt động
điện ảnh vào năm 2017, tính từ bộ phim đầu tiên mà bà bước vào điện ảnh là Hồi
chuông Thiên Mụ (1957).
Nhưng sự nghiệp của bà vẫn chưa dừng lại
ở đó. Người phụ nữ 84 tuổi đầy mẫn tuệ này vẫn lái xe đi về từ ngôi nhà của bà
trên đường Huntington Beach (Orange County) đến Los Angeles để làm việc, vẫn hoạt
động trong Nghiệp đoàn diễn viên của Hollywood, tham gia chấm phim tại các LHP
quốc tế và vẫn nhận lời đóng các bộ phim của các đạo diễn trẻ người Mỹ gốc Việt.
Để phục vụ cho dự án khảo cứu điện ảnh
Sài Gòn trước 1975, chúng tôi đã liên hệ và được bà nhận lời phỏng vấn. Cuộc gặp
gỡ giữa tôi và Kiều Chinh diễn ra tại ngôi nhà của bà trên đường Huntington
Beach.
Đúng 9 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại
căn nhà riêng của bà.
Tiếp chúng tôi là một Kiều Chinh đầy lịch
thiệp trong bộ áo dài màu vàng hoàng yến. Bà chuẩn bị bữa sáng với trà, cà phê
theo đúng kiểu người Việt và một ít trái cây, bánh ngọt.
Vì buổi phỏng vấn có ghi hình nên Kiều
Chinh chuẩn bị rất chu đáo, từ vẻ ngoài của mình cho đến địa điểm phỏng vấn
trong căn phòng làm việc mà bà gọi là “office tại gia”, nơi bà trưng bày những
kỷ niệm, những thành tích, những bức ảnh trong các bộ phim lưu dấu ấn hơn 60
năm hoạt động điện ảnh của bà.
Và suốt 5 tiếng đồng hồ sau đó, xuyên
qua cả buổi trưa, Kiều Chinh say sưa chia sẻ với chúng tôi về hành trình điện ảnh
của mình. Một cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu đưa bà đi từ Hà Nội vào đến
Sài Gòn và sang Hollywood. Nhưng bất cứ ở đâu, Kiều Chinh vẫn có một “cõi tôi”
để bà ẩn mình vào đó.
Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Trinh,
sinh năm 1937 tại Hà Nội. Bà là con cháu dòng dõi làng Mộc ở Cự Lộc, Hà Đông
(Hà Nội ngày nay). Ông nội của Kiều Chinh là cụ Phán Phan, là một điền chủ, chỉ
có một người con trai duy nhất là ông Nguyễn Cửu, là bố của bà.
Chụp lại video,
Tài tử Kiều Chinh: Từ Sài
Gòn tới Hollywood
Sau này ông nội bà mất đi thì gia đình
bà chuyển đến Kim Mã, nơi có một gia trang do chính tay bố bà xây dựng.
Trong suốt những năm tháng tuổi thơ cho
đến năm 17 tuổi, Kiều Chinh sống với bố và anh chị ở gia trang đó và bà nói đó
là những năm tháng hạnh phúc nhất trong đời bà.
Mẹ Kiều Chinh mất sớm từ thời Đệ Nhị thế
chiến do trúng bom của giặc Pháp. Lúc đó Kiều Chinh còn rất bé nên không có nhiều
ký ức về mẹ, nhưng rất gần với bố.
Trong suốt những năm tuổi thơ ấy, bà được
bố cho học tiếng Anh, tiếng Pháp, học đàn piano và thường dẫn đi xem những buổi
chiếu bóng ở Hà Nội. Đó là những ký ức đẹp và trang bị cho bà một kiến thức nền
tảng để đưa bà vào con đường nghệ thuật sau này.
Kiều Chinh sống với bố cho đến năm 1954,
khi đất nước chia đôi sau hiệp định Genève thì bà di cư vào miền Nam, còn bố bà
ở lại để tìm người anh trai. Đó là một cuộc chia tay không có ngày gặp lại.
Bố mẹ Kiều Chinh có ba người con.
Anh cả, người chị thứ nhì và Kiều Chinh
là con gái út. Chị bà lúc ấy đã lấy chồng và theo chồng sang Pháp định cư. Bố
và anh trai ở lại miền Bắc. Chỉ có bà vào miền Nam. Hai năm sau Kiều Chinh lập
gia đình ở tuổi 18 với con trai của một người bạn với bố bà.
Vào miền Nam, do tình cờ mà Kiều Chinh
trở thành một diễn viên điện ảnh. Đáng lẽ sự nghiệp của bà bắt đầu từ bộ phim
The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng - 1957), khi đoàn làm phim của đạo diễn
nổi tiếng Hollywood Joseph L. Mankiewicz qua Sài Gòn để tìm diễn viên chính cho
bộ phim của ông.
Vị đạo diễn quyền lực muốn tìm kiếm một
cô gái Việt Nam để đóng vai nữ chính, nhân vật Phượng ở trong cuốn tiểu thuyết
gốc của Graham Greene và đáng lẽ Kiều Chinh bắt đầu sự nghiệp từ vai diễn đó,
nhưng một nguyên do khiến nó không thành.
Kiều Chinh kể lại:
“Gia đình tôi theo đạo Phật, nhưng học tập
trong một trường dòng nên tôi là một con chiên ngoan đạo, tập hát thánh ca, Chủ
Nhật nào cũng đi nhà thờ. Có một ngày Chủ Nhật, tôi ở nhà thờ Đức Bà đi ra trên
con đường Catinat. Tôi bước tới nhà hàng Girval, bên kia đường là khách sạn
Continental. Lúc đó có một người Mỹ từ khách sạn Continental băng qua đường và
vỗ vào vai tôi. Tôi quay lại và tưởng là một anh lính Mỹ đang trêu ghẹo mình.
Tôi nhìn anh ta một cách thản nhiên. Anh ta hỏi tôi có biết nói tiếng Anh
không. Tôi nhún vai không trả lời."
"Anh ta có vẻ nhận ra sự
đường đột của mình và xin lỗi tôi rồi nói rằng, chúng tôi là một nhóm làm phim,
đang đến Sài Gòn để tìm một cô gái Việt có thể nói được tiếng Anh, tiếng Pháp để
đóng vai chính trong cuốn phim về đề tài Việt Nam. Chúng tôi ngồi ở Continental
nhìn thấy cô từ rất xa và thấy dáng của cô rất phù hợp với nhân vật mà chúng
tôi đang tìm kiếm."
"Lúc đó tôi mới cởi mở
và trò chuyện với anh ta và gặp ông đạo diễn, một tên tuổi lớn mà lúc đó tôi
không hề biết. Sau đó ông ta đưa cho tôi cuốn kịch bản và yêu cầu về nhà đọc.
Và buổi chiều hôm sau quay trở lại để thử vai diễn.”
Lúc đó Kiều Chinh mới lập gia đình được
vài tháng. Người chồng của bà đang đi du học bên Mỹ.
Với phong tục phép tắc trong một gia
đình truyền thống gốc Bắc, trước khi làm điều gì Kiều Chinh cũng đều phải xin
phép bố mẹ chồng. Hai cụ có vẻ rất ngạc nhiên khi nghe bà nói có một đoàn làm
phim Mỹ mời bà đóng phim, vì lúc đó điện ảnh là một khái niệm khá mới mẻ.
Nhưng khi nghe bà mô tả nhân vật là một
cô gái Việt, làm gái nhảy trong vũ trường, hết cặp với một nhà báo lớn tuổi người
Anh đến một chàng điệp viên trẻ tuổi người Mỹ thì cụ bà gạt phắt đi không đồng
ý vì cho rằng đó không phải là hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam đã có gia
đình.
Trước sự phản đối của bố mẹ chồng, hôm
sau Kiều Chinh đành quay trở lại gặp ông đạo diễn Joseph L. Mankiewicz và nói rằng
bà không thể nhận vai diễn này.
Ông ta tỏ vẻ kinh ngạc và nói rằng cô có
biết đây là một cơ hội lớn đối với cả một ngôi sao Hollywood hay không?
NGUỒN HÌNH ẢNH,KIEU CHINH
Chụp lại hình ảnh,
Diễn viên Kiều Chinh thời trẻ
Bà nói rằng bà không giải thích được vì
đây là chuyện phong tục văn hóa và truyền thống gia đình. Hai tuần sau, họ tìm
được một nữ diễn viên người Ý tên là Giorgia Moll đóng vai Phượng, nhưng đạo diễn
vẫn có nhã ý mời bà đến dự buổi ‘opening party’ để đón chào tất cả các tài tử đến
Việt Nam quay phim.
Sau đó, Joseph mời Kiều Chinh đóng một
vai khách mời, trong đó có cảnh ông nhà báo người Anh đi tìm Phượng trong một
ngôi chùa ở Chợ Lớn và nhầm với một cô gái khác. Đạo diễn muốn mời Kiều Chinh
đóng vai cô gái có nhân dáng giống Phượng.
Đó là cơ duyên đầu tiên của Kiều Chinh với
điện ảnh. Hình ảnh bà xuất hiện trong bộ phim giống như cảnh ngoài đời khi anh
chàng casting director vỗ vai bà trên đường phố Catinat vậy.
Thời gian sinh hoạt với đoàn làm phim,
Kiều Chinh gặp một số người Việt Nam tham gia với tư cách là cố vấn, trợ lý sản
xuất hoặc trợ lý đạo diễn là ông Bùi Diễm, ông là chủ nhân của hãng phim Tân Việt
và đạo diễn Lê Dân, diễn viên Lê Quỳnh…
Ông Bùi Diễm hiểu được câu chuyện của bà
và có vẻ tiếc nuối cho một cơ hội lớn mà bà vuột mất.
Ít lâu sau khi kết thúc phần quay Người
Mỹ trầm lặng, hãng phim Tân Việt bắt tay làm bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ.
Nhà sản xuất Bùi Diễm và đạo diễn Lê Dân
quyết định mời Kiều Chinh, một gương mặt hoàn toàn mới mẻ với khán giả đóng vai
chính trong bộ phim, bên cạnh tài tử Lê Quỳnh, cũng là một người gốc Hà Nội nổi
lên nhờ bộ phim Chúng tôi muốn sống.
Biết được câu chuyện gia đình nhà chồng
bà rất khó khăn nên thay vì trực tiếp mời Kiều Chinh, họ đến tận nhà để xin
phép bà mẹ chồng cho bà đóng phim.
Bà cụ có vẻ ngạc nhiên vì không biết tại
sao cô con dâu mới về nhà chồng được hết đoàn phim này đến đoàn phim khác mời.
Nhưng khác lần trước, khi biết lần này
Kiều Chinh đóng là một ni sư sống ở chùa Thiên Mụ thì bà cụ mừng lắm và đồng ý
lập tức vì cụ cũng là một người theo đạo Phật. Đó là vai chính đầu tiên trong sự
nghiệp điện ảnh của Kiều Chinh.
Bộ phim được quay hơn một tháng trời ở
Huế.
“Lúc đó tôi còn ngây thơ
chưa biết gì nhiều về đóng phim nhưng rất yêu thích điện ảnh vì trong giai đoạn
sống cùng bố ở Hà Nội, cuối tuần nào bố cũng dắt tôi đi coi cine. Bố tôi là dân
học trường Bưởi ra và rất giỏi tiếng Pháp. Thời đó phim lại chạy phụ đề tiếng
Pháp nên bố xem rất nhiều và hay trò chuyện với con cái về phim ảnh."
"Không bao giờ tôi nghĩ
mình trở thành tài tử điện ảnh cả vì nền điện ảnh Việt lúc đó vẫn còn rất sơ
khai. Mộng của tôi lúc đó là trở thành nhạc sĩ nên bố tôi cho tôi đi học piano
từ lúc còn bé. Nên khi vào Sài Gòn và bắt đầu theo đoàn làm phim, lại được đóng
vai chính, nó giống như một giấc mơ với tôi vậy."
"Lúc đó tôi hãy còn trẻ
nên được những anh chị trong đoàn phim rất chiều chuộng, từ ông sản xuất là Bùi
Diễm, đạo diễn Lê Dân đến nam tài tử chính là Lê Quỳnh. Tài tử Lê Quỳnh còn là
bạn của chồng tôi lúc đó. Cho nên cả đoàn làm phim sống chung với nhau như
trong cùng một gia đình vậy. Lúc đó tôi diễn bằng bản năng và cảm xúc là chính
vì có được học qua trường lớp điện ảnh gì đâu. Bối cảnh của bộ phim hoàn toàn
trong chùa Thiên Mụ, cũng nhìn xuống dòng sông Hương ở đoạn uốn khúc. Thời gian
đó tôi hiền lành ít nói lắm nên trong đoàn phim ai cũng yêu quý coi như một đứa
em út vậy đó” – Kiều Chinh nhớ lại kỷ niệm
đóng vai chính trong bộ phim đầu tay từ 62 năm trước.
No comments:
Post a Comment