Wednesday, July 7, 2021

BIÊN CƯƠNG LÁ RƠI THU HÀ EM ƠI (VŨ THẾ THÀNH)

 Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi…

 

Trước khi đọc bài viết có liên quan tới Lịch Sử , mời các ACE bốn phương trời nghe Youtube sau đây để nhớ về Cải Lương của dân Nam kỳ , dân Saigon :

 

***** Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà - Cải Lương Minh Phụng *****

 

https://www.youtube.com/watch?v=v7Yas8LGrH8

 

Bài vọng cổ “Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà” hồi thập niên 60 tôi “bị” nghe ra rả cả ngày, nghe từ radio thì ít, nghe hàng xóm lên 6 câu thì nhiều… Nghe riết nhập tâm, bây giờ vẫn còn nhớ được vài câu ư…ử…cho đỡ buồn.

Người ta cho rằng, Võ Đông Sơ là con của Võ Tánh. Con thì không biết, như cha thì tôi biết.

Võ Tánh là nhân vật khai quốc công thần thời Gia Long tẩu quốc.

( Đính kèm hình 1 là Võ Tánh )

 

Hồi lớp ba, môn lịch sử tôi có học về Võ Tánh và Ngô Tòng Châu tuẫn tiết.

Chuyện kể, Võ Tánh và Ngô Tòng Châu trấn giữ thành Quy Nhơn, bị quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy bao vây. Trong thành không còn lương thực, phải giết cả voi ngựa để ăn. Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu, đồng ý nộp thành nhưng xin đừng giết lính giết dân.

Trước khi giao thành, Võ Tánh nói với Ngô Tòng Châu, tôi là quan võ, không thể hàng giặc. Ông là quan văn, chắc giặc để yên. Nhưng Ngô Tòng Châu quay về phòng uống thuốc độc tự vẫn. Còn Võ Tánh đứng trên lầu Bát giác, châm lửa tự thiêu..

Trần Quang Diệu vào thành, giữ lời hứa, không giết một ai, lại cho chôn cất Võ Tánh và Ngô Tòng Châu tử tế.

( Đính kèm hình 2 là mộ của Võ Tánh và Ngô Tòng Châu )


Tiếc rằng sau này vợ chồng Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân bị sa cơ, Gia Long lại hành hình họ tàn bạo.

Lăng mộ, đền thờ Võ Tánh hiện nay còn ở Phú Nhuận. Trước 75 có hai đường Võ Tánh, 1/ là đoạn đầu của đường Nguyễn Trãi ngày nay, quận 1, và 2/ ở Phú Nhuận, gần lăng mộ của ông, nay là đường Hoàng Văn Thụ.

Ngô Tòng Châu cũng có 2 tên đường, 1/ ở quận I, nay là đường Lê Thị Riêng, và 2/ ở Gia Định, nay là đường Nguyễn Văn Đậu.

 

Sau 75, chính quyền coi nhà Nguyễn là phản động, các công thần nhà Nguyễn cũng bị loại bỏ khỏi lịch sử, đường Võ Tánh và Ngô Tòng Châu bị thay bằng tên khác.

Hình ảnh Võ Tánh đứng trên lầu Bát Giác trong bài học lịch sử đã ghi sâu trong đầu tôi từ thuở lớp Ba, những gì tôi kể lại về Võ Tánh là theo trí nhớ.

Võ Đông Sơ là nhân vật của cải lương vọng cổ, trước đây tôi nghĩ thế.

 

Chỉ mãi đến năm 78 hay 79 gì đó, tình cờ đọc lướt qua quyển “Giọt máu chung tình” ở nhà người bạn, tôi mới biết Võ Đông Sơ là nhân vật tiểu thuyết của Tân Dân Tử. Theo truyện này, Võ Đông Sơ là con của Võ Tánh.

Nhân vật tiểu thuyết thì không có thật, nếu có tên (thật) thì câu chuyện cũng chỉ là hư cấu. Các tài liệu sử nhà Nguyễn không thấy ghi Võ Đông Sơ là con Võ Tánh.

Truyện “Giọt máu chung tình” kể (nói theo trí nhớ), Võ Đông Sơ cứu tiểu thư Bạch Thu Hà khỏi vụ cướp bóc gì đó, rồi hai người yêu nhau, thể non hẹn biển.

 

Võ Đông Sơ là võ tướng được phái ra trận vùng biên ải.

Ở hậu phương, gia đình Thu Hà không ưng mối tình của hai người, ép Thu Hà lấy chồng. Cô bỏ nhà đi tìm người yêu nơi biên ải. Trên đường đi, nghe tin Võ Đông Sơ tử trận, Thu Hà tự vẫn cho trọn tình.

Nghe nói “Giọt máu chung tình” được chuyển thể thành tuồng cải lương, nhưng rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Khoảng gần 30 năm sau, đầu thập niên 60, soạn giả Viễn Châu viết thành bài ca vọng cổ (không phải tuồng), thì câu chuyện Võ Đông Sơ mới trở nên nổi tiếng, nhất là với giọng ca Minh Cảnh.

Võ Đông Sơ là bài ca vọng cổ kinh điển mà những ai biết ngân nga chơi vài câu vọng cổ đều biết. Bởi vậy tôi mới “bị” nghe bài ca này khắp đầu làng cuối xóm.

Tân Dân Tử là nhà văn cùng thời với Hồ Biểu Chánh, cả hai đều là những nhà văn đầu tiên đóng góp tác phẩm nền văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20.

 

Tiểu thuyết Miền Nam thời đó đều theo xu hướng văn dĩ tải đạo, trọng nghĩa khinh tài như cá tính của dân Lục tỉnh.

Tiểu thuyết thường kết thúc có hậu, nhưng “Giọt máu chung tình” lại ngoại lệ, cuộc tình kết thúc trong bi thương, không kém gì Romeo & Juliet.

Nhưng Romeo & Juliet của Shakespeare đã thành kịch, thành phim, thành nhạc lan khắp thế giới, còn câu chuyện Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà chỉ là tiếng thét buồn bã trong bài ca vọng cổ, đang chìm dần giữa thế giới tân nhạc hiện đại, nhún nhảy.

 

Bài vọng cổ mở đầu với đoạn, Võ Đông Sơ bị trúng tên nơi sa trường, sắp tàn hơi, mong mỏi gặp Bạch Thu Hà đang trên đường đi tìm mình. Soạn giả Viễn Châu đã để Võ Đông Sơ cất tiếng bi ai tuyệt vọng trong đoạn mở đầu này…

Vũ Thế Thành ( Tác giả )

No comments: