Tình Nghĩa Vợ-Chồng của những
cựu tù “cải tạo” - Bài 2 -
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
Trở lại với bài viết cùng tựa
đề. Nhưng khác với bài trước, vì trước đây, người viết chỉ kể lại những cảnh ngộ
của các gia đình của các cựu tù nhân Chính trị Việt Nam Cộng Hòa, tức cựu tù “cải
tạo” dưới chế độ của bạo quyền Cộng sản Hà Nội.
Lần này, tôi đang viết về sự
ra đi của một người vợ trung trinh, tiết liệt của một cựu tù “cải tạo”: Chị Trần
Thị Thanh Dưỡng. Chị mới mất hai ngày qua, hiện vẫn còn đang nằm đó, phải chờ
10 ngày nữa, mới được an táng, trong lúc Anh Lê Xuân Chuyên, chồng của chị,
đang bị khủng hoảng tinh thần. Anh ngồi đó, trong căn nhà rộng lớn, khóc thương
không ngừng, khiến các con cháu của anh lo sợ, nên hơn mười người con cháu của
anh, phải cùng nhau trờ về nhà, túc trực bên người Cha đang đau đớn đến tận
cùng, chỉ biết gọi tên Chị, rồi khóc!
Và đây là những dòng của anh Phan Thanh
Thắng đã viết:
“Anh Lê Xuân Chuyên thân quý,
Chúng tôi vô cùng bàng hoàng khi
hay tin hiền thê của anh vừa giã từ chồng con và các cháu yêu thương để đi vào
miền vinh hiển trên Nước Thiên Đàng!
Thay mặt Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị
QNĐN chúng tôi xin gửi tới Đại Tang Quyến lời Phân Ưu chân thành và sâu sắc nhất
để bày tỏ lòng tiếc thương đối với một người vợ tù đã một thời phải gánh chịu
bao gian truân, khổ ải, nhọc nhằn để thăm chồng đang bị đọa đày trong chốn
lao tù và nuôi con thơ dại sau biến cố tang thương 30 tháng Tư, 1975!
Cầu xin Thiên Chúa yên ủi anh và các
cháu trong lúc đau thương này!
Thân mến,
Phan Thanh Thắng
(Nhà 12 trại Tù Tiên Lãnh, QNĐN)”
Riêng tôi, chẳng những tôi vẫn nhớ hình ảnh
của anh Lê Xuân Chuyên lúc còn ở trong “Nhà 12” trại tù “cải tạo” Tiên Lãnh, Quảng
Nam, mà cho đến khi nhắm mắt lìa đời, tôi vẫn không bao giờ quên những hình ảnh
của các cựu tù “cải tạo” ở trong trại này. Một trong những hình ảnh ấy, có hình
ảnh của anh Lê Xuân Chuyên và các vị cựu tù đã từng bị giam chung với anh ở
“Nhà 12”.
“Nhà 12” của trại tù Tiên Lãnh, nằm sát
cái “Hội trường” chung, của toàn trại nam và nữ thuộc “Trại 1” tức “Trại
chính”. Bởi vậy, mỗi lần có “Học tập Chính trị toàn trại” hay họp “thường kỳ”
vào mỗi tháng, thì nữ tù đều phải vào cái “Hội trường” này, để “họp” chung với
nam tù, về “lao động sản xuất” hay “kiểm điểm những vi phạm nội quy” trong trại.
Tôi vẫn nhớ tên nhiều vị tù lớn tuổi, ở
“Nhà 12” như Giáo sư-Nghị sĩ Bùi Văn Giải, khi Ông sang đất Mỹ, Ông thường gửi
thư, gửi báo, điện thoại cho tôi, để nhắc nhở cho tôi viết bài. Giáo sư Bùi Văn
Giải bảo tôi đừng bao giờ viết sai, những gì chưa biết chính xác ngày tháng, hoặc
những gì xảy ra trước và sau 1975, cũng như những gì xảy ra trong “Nhà Biệt
Giam Đồng Mộ” và khu “biệt giam Nhà Trắng”, thuộc trại tù Tiên Lãnh, vì đã từng
qua các nhà “Biệt giam” này, nên Giáo sư tận tụy nhắc lại rõ ràng, cho tôi biết,
trước khi tôi viết.
Trong “Nhà 12” còn có Thiếu tá Võ Hiển,
là anh cả của Ông Võ Đại Tôn, đã nhận tôi là “nghĩa tử” trong tù. Nhà này, gồm
các vị cựu tù từ các nhà khác trong trại, “được Ban giám thị” “cho” ra các công
việc, được gọi là “chuyên môn” như Trung tá Hoàng Em, làm ở “Tổ rau xanh”… Hoặc
“được” làm công việc, đi “đắp giữ nước” ở các đồng lúa, hay đi chăn bò, chăn
trâu… đều là “chuyên môn”.
Trở lại với Anh Lê Xuân Chuyên, tôi được
sinh ra ở Làng Thạnh Bình, Tiên Phước, Quảng Nam, nhà tôi gần nhà của Anh Lê
Xuân Chuyên. Ngày xưa, sau khi học hết lớp Đệ Tứ tại Tiên Phước, thì anh học tại
Trường Trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Quảng Nam. Phần Chị Trần Thị Thanh Dưỡng,
cùng là nữ sinh tại Tam Kỳ. Sau đó, khi Chị là nhà giáo tại Tam Kỳ, thì anh Lê
Xuân Chuyên đã lên đường nhập ngũ, tòng chinh, để Bảo Quốc-An Dân.
Ngày Quốc Hận, 30 tháng Tư, năm 1975,
khi Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa đã bị rơi vào tay của bạo quyền Hà Nội, anh Lê
Xuân Chuyên và người anh ruột, là anh Lê Xuân Trung, cũng bị Việt cộng bắt đưa
vào trại tù Tiên Lãnh. Anh Lê Xuân Trung, khi ra tù thì mất vì bệnh tật lúc ở
trong tù.
Phần Chị Trần Thị Thanh Dưỡng, hiền thê
của anh Lê Xuân Chuyên, sau ngày mất nước, đã bị Việt cộng thẳng tay đuổi Chị
ra khỏi nhà trường, không cho chị dạy học nữa, vì có “lý lịch chồng là “Sĩ quan
ngụy, đang cải tạo”. Chị đã mất hết tất cả, với hai bàn tay trắng, Chị phải dắt
con thơ về quê Anh Lê Xuân Chuyên, cũng là quê tôi, để rồi chị đã phải lâm vào
cảnh ngộ vô cùng gian khổ, đắng cay, để vừa nuôi con, vừa thăm nuôi chồng, suốt
trong những năm tháng dài, Anh Lê Xuân Chuyện ở trong nhà tù “cải tạo”!
Tôi vẫn nhớ, sau ngày tôi ra tù, tôi có
đến nhà của Anh-Chị Lê Xuân Chuyên. Tôi thấy Anh-Chị đã cất một ngôi nhà nhỏ ở
bên đường, Chị bán những “món hàng” vặt như, đường, sữa… Anh Lê Xuân Chuyên làm
“nghề” sửa xe đạp, vì Anh đang bị “quản chế tại gia” nên không thể đi đâu.
Tôi hiểu được Anh Chị Lê Xuân Chuyên rất
thương cảm cho cảnh ngộ của tôi, vì đâu có khác gì cảnh ngộ của Anh-Chị!
Khi được anh Phan Thanh Thắng cho hay,
chị Trần Thị Thanh Dưỡng đã vĩnh viễn ra đi, tôi liền gọi cho Anh, nhưng không
ai bắt máy, nên tôi gọi cho người em họ gần của anh Lê Xuân Chuyên, cũng là một
người vợ của cựu tù “cải tạo”, thì được chị kể rõ cho sự ra đi của hiền thê Anh
Lê Xuân Chuyên, và nói:
“Chị vợ anh Chuyên đã mất rồi. Hiện giờ
anh Chuyên ảnh khóc quá chừng đi, nên mấy đứa con, cháu của ảnh, hơn chục đứa
đang về ở nhà của ảnh, để túc trực bên cha, vì sợ cha nó không được bình tĩnh.
Phải chờ 10 ngày nữa, mới chôn cất. Bây giờ, em có gọi, cũng không có ai bắt
máy, em có gửi email cũng không ai mở đâu em, vì cả nhà đều khóc. Khóc quá, con
khóc theo cha. Tội lắm em ơi!”.
Nghe hết những lời của người em họ của
anh Lê Xuân Chuyên, tôi liền vào Facebook để viết lời báo tin cho thân nhân và
bằng hữu của anh Lê Xuân Chuyên ở quê nhà được biết.
Tạm kết
Nếu muốn viết về những hy sinh, gian
truân, nước mắt chan hòa với những cay đắng muôn phần của những người vợ của
các cựu tù “cải tạo” thì theo tôi, không có ngôn từ nào có thể diễn tả cho vừa.
Người viết biết rằng, đa số các Chị, đã
hết lòng yêu thương chồng con, nên đã làm tất cả những gì có thể làm được, với
ước nguyện, đem đến cho người chồng yêu quý, đang bị sống trong thảm cảnh đày đọa
dưới những bàn tay sắt máu, tàn ác, phi nhân của bạo quyền Cộng sản Hà Nội, để
các Anh có một niềm tin để tiếp tục chịu đựng những hành vi trả thù tàn độc của
Cộng sản, để sống, và để tin rằng, vợ con mình vẫn nguyên vẹn ở đó, chờ đợi chồng
về, để sum họp bên nhau.
Tình nghĩa của các Chị, là vợ của các cựu
tù nhân chính trị, đã hy sinh suốt trong những năm tháng dài đầy đau thương và
thử thách ấy, có thể sánh bằng non, bằng bể.
Riêng các con cháu của các cựu tù “cải tạo”
người viết muốn nhắn gửi:
Các cháu phải luôn tự hào, vì đã có được
người Cha đã hết lòng sống trọn vẹn cho Lý Tưởng, đã tình nguyện chấp nhận mọi
gian nguy, gót chinh nhân đã hiên ngang, hào hùng, lưu dấu khắp Bốn Vùng Chiến
Thuật, đối diện với tử-sinh, trong suốt hơn hai mươi năm, để bảo vệ đồng bào, bảo
vệ Tự Do, bảo vệ từng tấc đất của Quê Hương!
Đồng thời, các cháu đã có được một người
Mẹ, là một người vợ của Cựu tù Chính Trị, đã gánh chịu quá nhiều những đau
thương, vượt qua những thử thách, để Cha của các cháu, và các cháu có cuộc sống
bình yên như ngày hôm nay.
Chính vì thế, các cháu nên làm như thế
nào, để đền đáp công ơn Sinh-Dưỡng đối với hai đấng Sinh-Thành.
Không có Đạo nào bằng Đạo Làm Người và Đạo
Làm Con!
15/07/2021
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
No comments:
Post a Comment