Wednesday, July 14, 2021

NGẬM NGÙI THEO VÌ SAO VỪA TẮT (PHÚC LƯU)

 



NGẬM NGÙI THEO VÌ SAO VỪA TẮT

 

   Sáng nay biết tin cô Lê Thị Chiên  cựu giáo sư Trung học Nguyễn Huệ trước 1975 ...vừa qua đời ở tuổi 80 tại Saigon . Một nỗi buồn nữa cộng thêm với nỗi buồn mênh mông mùa dịch.

 

   Ngày đó chúng tôi ở lứa tuổi choai choai, là những con ngựa non vừa trổ cá tính . Vậy mà năm học lớp 8 được cô Chiên dạy sử, đến giờ của cô thì cả lớp ngoan ngoãn nghe cô giảng từng lời. Cô thuộc tube giáo sư lớn tuổi, phong cách của người Bắc 54 luôn toát ra phong cách lễ giáo Hà thành, nói năng nhỏ nhẹ, luôn trung dung cách mặc không quá tân thời mà cũng không quá bình dị, có lẽ đây cũng là một phần cảm hóa học trò, khác hẳn với tính cách của chồng cô luôn tỏ ra " con hùm xám " làm cho học trò luôn đối phó hơn là  gần gũi.

 

   Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cô dạy lịch sử nước Việt gian đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh rồi đến nhà Tây Sơn khởi nghĩa, cô dùng 2 tay thể hiện lên bảng giống như một nhà thuyết trình quân sự hơn là cô giáo trong lớp học, giọng nói Bắc 54 vừa chậm vừa chuẩn càng cuốn hút người nghe nên học trò của cô luôn ngoan ngoãn và kính trọng.

 

   Cô Chiên kính mến

   Gần năm mươi năm, biết cô có vài lần về thăm lại trường xưa và người xưa nhưng không mấy học trò cũ được may mắn gặp lại. 

   Hôm nay cô ra khỏi cuộc đời này, biết rằng cũng là  thường tình trong lẽ tử sinh, nhưng chúng em không thể không thương xót . Học trò của cô bây giờ cũng đều đứng trên đỉnh dốc nhân sinh rồi, nhiều đứa đã lần lượt ra đi, số còn lại đều mang trong mình ít nhất một căn bệnh mãn tính, bởi vậy nên mang thêm căn bệnh của tâm hồn : Bệnh hoài niệm 

   Thương cô ra đi trong lúc này cô đơn quá, mà biết sao hơn khi Saigon đang phong tỏa , từ cô em liên tưởng đến thiên tài âm nhạc thế giới Mozart cũng chỉ có vài người thân thiết đưa tiễn ra nghĩa trang dưới trời tuyết lạnh dễ làm đông máu người. Thế mới hay định mệnh chọn người chứ người không thể chọn định mệnh cô ạ !

   Xin nghiêng mình thương xót và mặc niệm cô . Kính mong cô sớm về miền cực lạc

 

PHÚC LƯU.

No comments: