TRỌN TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG
GS Nguyễn Hữu Ích, bút danh Phạm Hữu,
ông sinh ngày 10. 01 1935, nguyên quán làng Mộc Chính Kinh, thành Hà Nội, Làng
này đã được ca dao mô tả :
«Quan kẻ Mọc, thóc Thanh Trì »
Ông là cháu đích tôn của quan dực vận công thần Nguyễn Công Qúy, là cháu gọi tổng
đốc Nguyễn Hữu Đắc là bác. Sau năm 1954 ông ở lại miền Bắc nên đã chứng kiến cảnh
gia đình ông bị CS đấu tố trong vụ cải cách ruộng đất, ông còn sống xót nhờ trốn
vào được Thanh Hóa. Đến cuối năm 1957 ông cùng mười mấy thanh niên vượt vĩ tuyết
17 bơi qua sông Bến Hải vào nam tị nạn CS và đã được chính quyền VNCH đón tiếp
ân cần, sau đó cho ông tiếp tục đi học. Ông đỗ cử nhân triết và cử nhân văn
chương, và dạy triết ở các trường trung học : Văn Học, Văn Khôi, Hưng Đạo,
Thăng Long và Lac Hồng …
Mùa hè 1976 ông vượt biên sang Singapour và xin tị nạn ở Pháp. Ông tới Paris giữa
mùa hè năm 1976. Năm 1977 ông là người đầu tiên được bầu vào chức tổng thư ký
văn phòng Liên Lạc Các Hội Đoàn Người Việt Tự Do tại Pháp, nhiệm kỳ 2 năm, và được tái cử thêm một nhiệm
kỳ nữa. Từ năm 1978 đến năm 2000 ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút hai tờ Chiến Hữu
va Tiếng Dân. Ở tờ Chiến Hữu ông đã công bố đơn xin học trường thuộc địa Pháp của
Hồ Chí Minh( tài liệu này do nhà sử học TS Vũ Ngự Chiêu khám phá và cho báo Chiến
Hữu độc quyền công bố). Trên tờ Tiếng Dân số 16, Ông công bố văn thư của thủ tướng
CSVN gửi Chu Ân Lai công nhận hai hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN thuộc hải
phận của TC.
Từ năm 2001Phạm Hữu tuổi gìa sức yếu, thế
cô ông ngưng làm báo chuyển sang viết báo và viết sách để góp phần nhỏ bé phục vụ dân tộc VN, ông tạ
thế ngày 03.tháng 06 năm 2014 tại Paris.
Những Tàc Phẩm Phạm Hữu đã phát hành:
-Khám Phá Bộ Mặt Thật Hồ Chí Minh
-Bàn Về Một Khủng Hoảng Lãnh Đạo
Sắp Phát Hành :
Chinh Phụ Ngâm Khúc : Tác phẩm phản
chiến
-Chính Sách Cải cách Ruộng Đất Đã Thực Hiện Tại Bắc.
*
Cách nay trên hai mươi năm, nói đến nhà văn nhà báo Phạm Hữu trong giới trí thức
và đấu tranh ở Paris không ai mà không biết, ngoài chức tổng thư ký Văn phòng
Liên Lạc Các hội Đoàn Người Việt Tự Do đầu tiên ở Pris. Giáo sư Nguyễn Hữu Ích
bản tính rất hiền và ít nói, nhưng có chút gàn gàn ! Ông nổi tiếng về sự
trực tính và hay nói thẳng. Trong những
buổi hội thảo khi thấy có điều
sai trái ông dám chửi thẳng đối tượng trước đám đông mà không kiêng nể
né tránh dù người bị phê phán đó là ai,
điều đó làm va chạm nhiều người !
Ông là kẻ thù của những kẻ có tâm địa xấu làm những điều bất chính, những kẻ đã
lợi dụng cuộc đấu tranh chống cộng để tư lợi ! Nhưng ngược lại, những điều
ông vạch mặt những kẻ xấu trong các cuộc hội thảo chính trị đã làm hài lòng những
người thật lòng với đất nước, họ mỉm cười biểu lộ sự đồng tình vì ông đã thay họ
dám chửi thẳng vào mặt lũ buôn danh, hại nước ! Cá tính của ông giống như Cao
Bá Quát và Ông Ích Khiêm. Tôi là một trong số bạn hiếm hoi ở Paris được ông mời
đến nhà, và thường xuyên phône thăm hỏi.
Phạm Hữu sống rất đơn giản, thanh cao, có thể nói là một người nghèo nhất trong
giới văn nghệ sĩ ở Paris. Ông chấp nhận làm đủ nghề để có tiền nuôi tờ báo và
in sách ! Ông xem tờ báo như người tri kỷ vì nhờ nó ông có thể giải bày được
những ưu phiền, những suy tư về đất nước. Phạm Hữu là con người bảo thủ ! Ông không hề thay đổi những gì đã suy nghĩ,
đã chứng kiến. Có thể nói ông là một trong số nhân sĩ đấu tranh cố duy trì vai
trò của văn phòng liên lạc tại Pháp, dù rằng ở Paris người Việt quốc gia nhiều
năm sau cũng cố gắng xây dựng một Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia. Có lẽ ông e ngại ảnh hưởng của các nhóm đảng phái
biến cộng đồng thành một sân riêng cho phe nhóm mình nên ông quyết liệt chống đối và đòi hỏi phải giữ
văn phòng liên lạc song hành với cộng đồng. Do đó văn phòng liên lạc mới còn tồn
tại đến nay. Từ năm 2000 trở đi sức khỏe của ông sa xút hẳn, phải vào bệnh viện
thường xuyên, nhưng khi vừa ra khỏi viện lại cắm đầu vào viết sách, viết báo.
Phạm Hữu không chú ý đến vật chất, quần áo rất giản dị miễn là đủ ấm, hơn nữa ông đã quen sống một mình nên ăn uống rất đạm
bạc. Nhiều lần chúng tôi họp mặt văn nghệ, bằng hữu ở phương xa khắp nơi về
Paris do đó chúng tôi phải tổ chức thết đãi ở nhà hàng, lần nào tôi cũng trân
trọng mời ông, và ông đã đến sau khi chúng tôi dùng cơm, chỉ ngồi uống nước
trà ! Các bạn đều qúy ông, họ mời ông đi uống café, ông nhận lời nhưng khi tới quán café viện cớ
đau dạ dày không uống mà chỉ xin ly nước lạnh ! Một lần khác các bạn ở
phương xa đến muốn mời ông ăn cơm, và
ông đã đến nhưng trong miệng ngậm cây tăm như biểu hiện đã dùng bữa rồi,
mặc dù tôi biết ông chưa ăn gì !
Nhưng để giữ cho ông tự nhiên tôi đành
im lặng. Đây là phong cách của sgiới sĩ phu Bắc kỳ khi xưa, nếu chẳng may lỡ có
sa cơ thì vẫn giữ được khí khái, thà bụng đói miệng ngậm tăm chứ không bị miếng
ăn làm mờ mắt ! Ở Pháp đời sống an sinh xã hội thật tốt, những người có thu nhập
ít, khi bệnh tật đã có nhà thương, tiền thuốc men và điều trị được miễn phí. Với
số tiền gìa Phạm Hữu đủ sống, và có thể sống thoải mái, nhưng ông nghèo vì bao nhiêu tiền đều chi phí cho
sách báo. Phạm Hữu nghèo nhưng không
xin, thiếu nhưng không thèm ; luôn giữ cho mình một phong thái ung dung. Ông rất ghét những đám trí thức khoa bảng bủn
xỉn nhưng thích khoe khoang, ở những con người này gặp ông mà ti toe chắc hẳn sẽ nhận lãnh những câu
chửi tục rất nặng nề nhưng vô cùng thâm thúy. Dù bị chửi tận mặt họ chỉ biết
nhe răng ra cười xã giao rồi tự rút lui. Đây là nguyên nhân Phạm Hữu bị cô lập!
Họ không muốn có mặt của ông nên ra điều
kiện với người mời là nếu mời họ thì không được mời Phạm Hữu ,và nêu ra lý do
là không chấp nhận sự gàn rở đó! Do gìa yếu bệnh tật Phạm Hữu nhiều năm sau
cũng không còn đi tham dự các sinh hoạt nữa, lần sinh hoạt cuối cùng của là ông
tham dự chiều sinh hoạt văn học nghệ thuậtThu Tao Ngộ do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN
Paris tổ chức cho các nhà văn ở khắp nơi Canada, Mỹ, Âu Châu..về Paris ra mắt
tác phẩm. Ông thường kể với tôi về những
người bạn cũ mà ông qúy ở Mỹ, như cố luật sư Phạm Nam Sách, Nhà sử học TS Vũ Ngự
Chiêu, và sau này là nhà văn ưữ Nguyễn Thị Ngọc Dung, chủ nhiệm tờ Cỏ Thơm mà
anh cộng tác.
Có một điều lạ Phạm Hữu không bao giờ
nghĩ đến đàn bà, mà chỉ nghĩ cách chống cộng. Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên, nhưng
về sau biết rõ ý nghĩ, lý tưởng của
ông tôi không còn thắc mắc. Mười năm sau
cùng ông sống rất hạnh phúc, phải chăng
đó là nguồn an ủi, một món quà mà thượng đế ban cho anh thật bất ngờ vào lúc cuối
đời, như câu chuyện thần thoại. Có một lần nhà báo Phạm Hữu bị bạo bệnh phải nhập
viện khẩn cấp, tôi có một người bạn làm việc ở đó và cho tôi hay :
« Một ông văn sĩ vừa qua ca phẫu thuật, không có thân nhân, hiện đang nằm
điều trị », tôi vội vào nhà thương thăm ông.
Nhà báo Phạm Hữu là một mẫu người «đặc biệt», chữ đặc biệt dùng cho ông vì ông
sống rất cô đơn từ trong hành động đến sự cô đơn trong tình bằng hữu, ông không
muốn nhờ cậy một ai. Vì thế ông chọn cuộc sống độc thân và chấp nhận sự quạnh
hiu vui buồn một mình mãi cho đến năm 70 tuổi mới lập gia đình. Lần đầu tiên
ông kết hôn, nghĩa là phá bỏ đời sống độc thân, cái « chủ nghĩa » mà
ông thường hãnh diện.
Nhiều lần đến thăm ông, thấy ông sống cô đơn, nghèo túng nhưng tôi chẳng
biết nói gì vì ông không cần chúng tôi giúp đỡ. Tôi hỏi :
« Anh có tài, lại rất chí thú công
việc, nhìn anh còn tráng kiện lắm ! Tại sao anh không lập gia đình để cuộc
sống sung túc hơn ? ».
Phạm Hữu trả lời :
« Bằng cấp, danh vọng tôi cũng đã
có và đã trải qua rồi, tiền tài tôi lại không ham, thì đàn bà có nghĩa gì, tôi
chỉ thích làm báo đẻ chửi đời, vạch mạt bọn xấu ! »
Nghe ông nói làm tôi cảm phục !
Nhưng khi ông phôn mời tôi lên để giới thiệu người ngẫu phối. Tôi ngạc nhiên và
hỏi :
« Có thật không anh ? Thế là
anh chịu giã từ chủ nghĩa độc thân !
Vậy anh thấy sống một mình thích hơn hay có vợ thích hơn ? »
Phạm Hữu trả lời :
« Sống một mình được tự do thì
thích thật ông ạ ! Nhưng sống hai mình vẫn thích hơn ! ».
Về sau nhạc sĩ Trịnh Hưng tác giả nhạc
phẩm nổi tiếng một thời : « Lối Về Xóm Nhỏ, Tôi Yêu.. » đã làm
bài thơ Một Mình đăng trên tạp chí Nghệ Thuật
ở Canada của Nhạc sĩ Lê Dinh để đùa Phạm Hữu !
Sở dĩ Phạm Hữu chịu kết hôn có lẽ là để trả ơn người học trò đã tận tâm săn sóc
trong lúc ông bệnh thập tử nhất sinh. Mặc dù trên danh nghĩa là vợ chồng nhưng
thực tế họ là đôi Bạn Gìa. Người ngẫu phối
của ông vì thương cảm hoàn cảnh của người Thày sống trong cô độc lại bệnh hoạn
nên xót xa muốn giúp thày. Chuyện Phạm Hữu
lấy vợ như một câu truyện cổ tích. Sau một thời gian nằm điều trị bệnh, sức khỏe
của ông dần phục hồi. Hôm nhà báo Phạm Hữu xuất viện ông có cảm tưởng như người
từ cõi chết trở về, do đó ông rất vui sướng biểu lộ trong nụ cuời khóe mắt sự
yêu đời. Nghe tin ông xuất viện ít người bạn đến thăm, trong đó có ông Đào Qúy
San người duy nhất chịu mua nhiều sách
báo của ông như muốn giúp ông trang trải tiền in báo mỗi khi ông túng quẩn !
Nhìn Phạm Hữu hom hem như con meo ướt, Đào Qúy San cười đùa nói :
« Số ngài không chết, lại hay bệnh
liên miên, chắc thiếu hơi đàn bà đó ! Lấy quách vợ đi ông may ra lại còn sống
thêm ít năm ?»
Phạm Hữu cười nhăn nhở :
«Tôi gìa, bệnh hoạn, lại nghèo rớt mồng
tơi, Có ai điên mà chịu lấy tôi ?! Con lạy Cụ ! Nói chuyện khác đi, nếu
không con xổ tục bây giờ !»
Câu chuyện tưởng đùa chơi, nhưng khi trở về nhà ông Đào Qúy San đã cho gia
đình biết là Phạm Hữu đâu có ghét đàn bà, và cũng muốn có vợ !Tình cờ
trong thời gian đó có một bà bạn từ nước Bỉ qua Paris thăm gia đình, và ghé
thăm ông bà Đào Qúy San, trong câu chuyện họ nhắc đến GS Nguyễn Hữu Ích vì bà
là cựu học sinh trường Văn Học nhưng học triết với GS Trần Bích Lan (Nhà thơ
Nguyên Sa), bà cũng có thời là Ma sœur, và xuất tu đã lâu nhưng trong lòng bà vẫn
sống đạo nên thích làm phước. Nghe ông bà Đào Qúy San kể về nhà báo Phạm Hữu bà động lòng thương muốn giúp đỡ người
gìa bệnh tật. Ông Đào Qúy San đem điều đó nói với Phạm Hữu, nghe xong liền cự
tuyệt. Ông Đào Qúy San thương bạn nhưng phải thuyết phục mãi Phạm Hữu mới bằng
lòng vì nể tình bạn. Ông Bà Đào Qúy San đã đưa bà đến. Sau gần nửa thế kỷ xa cách, lần đầu thày trò gặp mặt, thoạt
trông giáo sư Nguyễn Hữu Ích chắc bà phải ngỡ ngàng ? Hình ảnh một ông
giáo sư Triết trẻ tuổi, đạo mạo, đẹp trai năm xưa biến mất, thay vào đó là hình
ảnh một ông gìa bệnh hoạn vừa mới ở nhà thương ra, thân hình khô đét, da mặt
nhăn nhúm, nhợt nhạt vì thiếu nắng ! Nếu bà không vì lòng thương bắt nguồn
từ tấm lòng một vị nữ tu chắc bà từ chối ! Thế rồi họ kết duyên, Bà Phạm Hữu
là người vợ hiền đã chăm sóc chồng từng miếng ăn giấc ngủ, chẳng bao lâu Phạm Hữu
trông béo tốt ra. Từ đó ông đã bớt cau có, nhưng mỗi khi xem tin tức thấy CS ở
quê nhà cưỡng chế dân oan, bịt miệng nhà tu, và
cầm tù giới sinh viên vì tranh đấu chống xâm lược Tàu là anh bừng bừng lửa
hận !
Mười năm sau cùng ông sống rất hạnh phúc, phải chăng đó là nguồn an
ủi, một món quà mà thượng đế ban cho anh thật bất ngờ vào lúc cuối đời, như câu
chuyện thần thoại.
Là một thành viên kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng ông không thể cầm lòng khi
thấy quê nhà sắp bị tận diệt do ngoại xâm, nên đã gọi điện thoại hô hào anh em
xuống đường phản đối TC và CSVN.
Ngày ông ra đi trời Paris mưa tầm tã, métro, xe lửa lại đình công làm Paris gần
như bị tê liệt ! Sáng đó tôi phải rời nhà thật sớm vì sợ ít xe sẽ trễ hẹn
với BS Nguyễn Bá Linh, GS Trần Văn Thu ở một nhà ga ngoại ô Paris. Chúng tôi đã
gặp nhau sau đó đi bộ trong cơn mưa vừa hỏi đường đến nhà thiêu. Cho dù có khó
khăn trong phương tiện di chuyển, một số bằng hữu cũ cũng có mặt tiễn đưa anh lần
cuối : Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, Nhà văn Chu Chi Nam, Nhạc sĩ Anh Huy, nhà
thơ Trịnh Cơ, nhà tranh đấu Ngô Tất Thái, KS
Lê Minh Triết, KS Nguyễn Kim Khánh, Nhạc sĩTrần Tử Miễn con trai của cố
LS Trần Văn Tuyên và một số bạn thuộc ngành ngoại giao, một số bạn của bà Phạm
Hữu, vài ngưòi học trò cũ của ông.
Nhà cựu công chức bộ ngoại giao VNCH Đào Qúy San đã thay mặt gia đình tổ chức
tang lễ. Nghi lễ tôn giáo do Hòa thượng Thích Tâm Đức, chủ trì chùa Tịnh Độ làm
lễ cùng với các vị chư tăng khác. Ông Đào Qúy San ngỏ lời cảm ơn tất cả các bằng
hữu đã dến tiễn đưa Nhà văn Phạm Hữu, sau đó ông mời đại diện Việt Nam Quốc Dân
Đảng là ông Trần Tử Miễn, và tôi, đại diện nhóm văn nghệ sĩ lên phát biểu. Một
bà đại diện học trò cũ của GS Nguyễn Hữu Ích lên nói lời tri ơn thày thày lần
cuối.
Một phần đời của GS Nguyễn Hữu Ích đứng trên bục giảng dạy cho bao học trò
thành nhân hiểu biết về nhân sinh, lý lẽ cuộc đời, nhưng lại không dạy trong bài
học triết lý về ý nghĩa của nụ cười còn
có chất chứa niềm đau ?! Phần đời ly hương còn lại ông dành cho đấu tranh
vì sự tự do dân chủ quê hương, để rồi chịu bao khốn khó và bị hiểu lầm !
Nhưng Nhà văn Phạm Hữu vẫn một lòng với lý tưởng , vẫn ngạo nghễ ngẩng mặt với
đời, không thẹn với lòng, cho đến khi lìa đời ông vẫn chưa trở về quê
hương. Ông ra đi bình yên trong giấc ngủ,
bỏ lại những ưu phiền trên xứ người, buông thả những trăn trở về một quê
hương còn nhiều vết hận thù chưa xóa!
Đỗ Bình
Paris 18. 06. 2014
TIỄN ANH
Anh bỏ nước ra đi và đi mãi
Thành khói chiều bay về cõi xa xăm
Miền miên viễn không hận thù cỏ dại
Hà Nội xưa theo cơn lốc thăng trầm !
Mùi hoa sữa màu bằng lăng đất bắc
Mảnh hồn quê thời cải cách năm nao,
Mùa đấu tố vầng trăng thu vằng vặc
Người giết người toàn miệng lưỡi gươm đao !
Đây lối mộng cửa thiên đường tê tái !
Kẻ đói chờ từng tem phiếu miếng ăn
Trời lạnh buốt chiếc loa đường nhai nhải
Hò thi đua quên khốn khó nhọc nhằn !
Anh dạy triết nhìn đời hơi sương khói
Nhưng bài văn sao lại qúa đắng cay ?
Lời nói thật đau lòng quân lang sói
Giải nỗi oan cho bao kiếp đọa đày.
Đó là mẹ của những người tử sĩ
Có chồng con đều mất xác trường sơn.
Tấm bằng khen chẳng bán được xu gì
Sống lây lất trên vỉa hè phố lớn !
Anh làm báo vì tự do dân chủ
Bút đấu tranh cho thân phận dân nghèo
Đỉnh chót vót bọn quyền cao một lũ,
Chúng buôn người bán biển đất ăn theo !
Hôm anh mất bọn Cộng Tàu chiếm biển
Tròi Paris mưa tầm tã buồn thiu !
Họa mất nước nhìn quê hương ly biệt
Anh đã đi Sài Gòn vẫn dập dìu !!!
Đỗ Bình
Paris 17.06.2014
No comments:
Post a Comment