Wednesday, July 28, 2021

THIẾU NỮ NHÌN HỎA CHÂU (AN SƠN)

 

THIẾU NỮ NHÌN HỎA CHÂU

 

   Trong quán vắng trên đồi, chiều tàn dần, bên ly cafe vơi anh chỉ tay lên trời hướng núi Lá nói : Hồi xưa thỉnh thoảng anh bắn trái hỏa châu 105 ly lên bầu trời đó, và anh kể lại kỷ niệm :

   Ngày ấy anh là sĩ quan pháo binh, nhận lệnh lên đóng quân tại căn cứ quân sự Hòn Ngang, người ta nói đi Sơn Hòa là coi như bị đày, anh vẫn phớt tỉnh, chiến tranh mà, đạn tránh mình chứ mình làm sao tránh đạn. Ngồi trên trực thăng lên đơn vị, nhìn xuống dòng sông Ba quanh co chia núi rừng trùng điệp thành hai mảnh anh nghĩ người ta nói cũng có lý, nhưng chỉ 15 phút sau đã tới nơi, và anh càng thấy đúng, một thung lũng bị cắt đứt đường bộ với bên ngoài, nếu bị đối phương tấn công bằng hỏa lực lớn mà mà phi cơ không can thiệp kịp thời thì thật là khó lường .

   Sau khi nhận chức vụ, trách nhiệm anh hỏi thăm tình hình chiến sự ở nơi này, được anh em cho biết mùa khô năm 1971 có trận tấn công lớn, đối phương dùng 2 cánh quân , 1từ phía Bắc chiếm Hòn Ngang, cánh còn lại lội sông Ba chiếm chi khu quân sự, quận hành chánh, tới giờ G cánh Hòn Ngang phát hỏa, nhưng cánh kia bị kẹt ở bờ sông vì đêm đó nước lớn bất ngờ đổ về trái qui luật thời tiết từ xưa nay, tình thế thung lũng Củng Sơn giống như trời cứu cha con Tư Mã Ý ở eo Kỳ Sơn trong truyện Tam quốc, đối phương thiệt hại nặng. Từ đó đến giờ không có giao tranh trong trung tâm quận lỵ .

   Những lúc rảnh rổi anh thường lái xe jeep xuống làng, anh thích xóm vườn với những ngôi nhà nhỏ ẩn mình trong vườn cây trái, những hàng cau trầm tư treo giọt nắng buổi chiều, ăn trái cam vườn nhà nghe người dân quê kể chuyện xưa, chuyện mới, nhìn nụ cười tuổi dậy thì của em gái chủ vườn nửa e thẹn nửa đong đưa mà nghe như cam ngọt hơn. Dần dà anh thấy như đây  là chốn để yêu thương chứ không phải để sợ. Những lần xuống làng rong chơi sau này anh mời nàng lên xe chở đi lòng vòng rồi tìm chỗ vắng thoáng gió đậu xe, cả hai cũng ngồi trong xe nói chuyện, anh luôn tìm thế đậu xe để nàng ngồi phía đầu gió, trước khi chia tay anh dặn nàng : Tối nay vào khoảng giờ đó anh sẽ bắn trái hỏa châu hướng trước mặt nhà em, chúng ta sẽ nhìn lên bầu trời sáng để nhớ về nhau, để cầu nguyện cho nhau và chúc nhau  ngủ ngon nhé . Chút hạnh phúc mong manh , thánh thiện ấy cũng đủ làm gia vị cho đời anh vui tươi trong đời lính vốn đơn điệu .

   Hạnh phúc nổi trôi theo thời gian chưa lâu thì đến hồi chiến tranh kết thúc, đoàn người di tản xơ xác từ cao nguyên về tràn qua làng, anh tìm gặp nàng báo tin : Hôm nay đơn vị anh rút quân, từ sau buổi trưa, khi nào em thấy trên trời trước nhà có 2 trái hỏa châu nở liên tiếp là lúc đó anh đang đến đưa em cùng đi về tạm ở nhà anh . 

   Trước khi phá hủy vũ khí anh đã bắn những trái hỏa châu cuối cùng của khẩu đại bác và cũng là lần anh ra lệnh cuối cùng cho binh sĩ bắn của cuộc chiến này . Nhưng bí mật quân sự đã buộc anh rút quân theo lộ trình khác, đành ngậm ngùi để lại lỗi hẹn cho một trái tim khắc khoải đợi chờ rồi tuyệt vọng.  Đời anh như cánh chim bạt gió, cánh chim ấy đã vắt hết sức lực bay qua một đại dương là Thái bình dương 

 

   Trong quán cafe cóc bên đường, có người nhìn ra đường cười đáp lễ nụ cười của một người đàn bà lớn tuổi mới nhìn vào quán chào người quen, sự kiện ấy lập tức trở thành chuyện cà pháo : 

   Hồi xưa bã đẹp lắm, bồ ông sĩ quan trên hòn Ngang thường lái xe jeep xuống chở bã đi chơi, bảnh lắm . Nhưng sau giải phóng ông đi luôn nên có thời kỳ bã ngơ ngơ, hay hát một câu gì đó nhỏ nhỏ nghe không rõ ...

 

   Tới phiên tôi, làm người xâu chuỗi ráp nối câu chuyện :

   Trong tình cờ gặp chị ở một đám cưới, nhìn chút dung nhan được phục hồi tôi liên tưởng như một " Cleoptra xóm vườn " năm xưa . Tôi cố tình ngồi bên chị gợi chuyện :

   - Nhan sắc của chị bền bĩ ghê, nghe nói hồi thời con gái chị hay hát nhạc dịch lắm hở ?

   Mắt chị vui lên, người phàm mà, ai chẳng vui trước lời khen, nhất là phụ nữ được khen đẹp, chị cười hỏi lại :

   - Ai nói vậy, gái nhà quê làm gì biết nhạc dịch mà hát

   - Nghe nói hồi chị làm việc ở cửa hàng dược, những lúc rảnh chị hay nhìn xa xăm hát khẽ đủ mình nghe một câu duy nhất, đại khái là : Từ nay cách xa nghìn trùng ...

   Nét vui trên mặt chị có vẻ chùng lại, chị chậm rãi kể :

   - Hồi mới lớn tôi có quen người bạn lính, dân thành phố, thỉnh thoảng ảnh hay lái xe jeep chở tôi đi chơi, trên xe ảnh có cái cassete mà chỉ có một cuộn băng hát đi hát lại hoài à, có lần ảnh chở xuống đầu dưới sân bay gần cầu Mống, anh nói ước gì mai mốt anh đi công tác em ra phi trường tiễn anh như bài hát này thì vui há, và tôi nghe cũng thích thích nhưng không thuộc .Chiến tranh tàn cuộc mỗi người mỗi nơi, tôi xin vào nấu cơm cho cửa hàng dược, nhưng mà cứ bị sai vặt miết, cứ phải phụ thủ kho vác những thùng thuốc tây ra vào kho, có khi mệt ứ, nghĩ lại ước mơ thời con gái mà buồn, rồi nhớ anh ấy, nhớ bài hát cũ nên tôi độ chế lại hát giống như thực tế đời mình cho đỡ buồn chứ có trúng trật gì đâu, đại khái là :

   " Từ nay cách ca nghìn trùng, đường bay não nùng, còn em ở lại vác thùng ... ".

   Tôi nói đó là bài hát được dịch thành lời Việt từ nguyên bản nhạc Pháp tên là Adieu Jolie candy, hay lắm, hồi trẻ tôi cũng thường hát

   Chị nói : Tôi thấy nó hổng hay như nhạc bolero nên hổng tập cho thuộc hết bài . Chuyện bao nhiêu năm tôi quên bẵng giờ anh nhắc lại thấy cũng vui, cũng buồn ... Già hết rồi ! .

 

   Chia tay chị , tôi nghe tâm hồn mình lân lân,  nghĩ đến anh hùng và giai nhân, một chút tình chưa dài nhưng rất đẹp, nghĩ đến hồng nhan và số phận . Và mọi việc đã được an bài

   Tôi dặn lòng nếu mai này có gặp lại tôi không nói cho anh biết khúc sau trong chuỗi ngày vác thùng buồn tẻ của chị, cứ để cho mặt hồ Thu cuối đời yên tĩnh như vốn nó đã yên tĩnh trước khi gặp tôi

 

An Sơn

No comments: