GIẤC MỘNG DÀI
Tôi vừa về đến nhà
là bố tôi hỏi ngay: – Thủ tục đã xong xuôi chưacon?–
Xong cả rồi bố ạ, bên ấy ông Mấn chỉ đợi phỏng vấn thôi.
Ông Mấn là chú của bố tôi, người mà tôi phải gọi bằng ông trẻ. Ông đang sống ở miền Bắc Việt Nam, và bố tôi đang làm thủ tục bảo lãnh chú sang Mỹ theo diện du lịch. Sau
năm 1975, bố tôi phải đi “Học tập cải tạo” ròng rã 8 năm trời. Ra tù, về nhà bố
tôi sống khép kín cho qua ngày, vả lại, một người sĩ quan chế độ cũ đi tù về,
chẳng có cơ hội nào để vươn lên trong xã hội mới cả. Cho tới khi có chương
trình HO, cho những người tù cải tạo được định cư tại Mỹ, thế là cả nhà tôi đi
Mỹ.
Cuộc sống mới nơi xứ
người đã phục hồi lại con người thật của bố tôi, bố mẹ đã đi làm, nuôi chúng
tôi ăn học, cuộc sống dần dần ổn định mọi bề. Năm 2000 bố mẹ và tôi lần đầu
tiên về thăm quê hương Việt Nam, hay nói cho đúng hơn là về miền Bắc để tìm lại
người thân. Bố đã gặp lại người mà bố muốn gặp, đó là ông Mấn, vì bố đã nghe
tin ông vẫn còn đang sống ngay tại làng quê cũ. Ký ức tuổi thơ của bố vẫn còn
những kỷ niệm đẹp với ông chú, thuở còn trai trẻ, chú Mấn đã bỏ làng, đi buôn
bán phương xa, từ buôn bè trên sông đến buôn hàng chuyến đủ loại thượng vàng hạ
cám, miễn là cuộc đời được giang hồ tứ xứ.
Đi xa như thế, mỗi lần trở về làng, dù lời lãi hay không, chú Mấn đều mang quà
về cho nhà, bố tôi là cháu ruột, cũng được nếm đủ loại quà bánh của chú, ngon
như bánh cốm, bánh xu xê, bánh đậu xanh, bánh khảo của Hải Dương, hay tầm thường
thì có những cục kẹo lạc, kẹo vừng hay kẹo bột ngọt ngào mà trẻ con nào không ưa thích!
Bố đã nhìn ông chú bằng ánh mắt kính phục
và ngưỡng mộ, đôi chân chú khoẻ, đi hoài mà không biết mỏi, không chịu quay về
làng quê ở hẳn như gia đình mong muốn. Ngoài quà bánh, chú Mấn còn có nhiều câu
chuyện kể cho lũ cháu trẻ ranh làm chúng nó mê mẩn, bố tôi thích nhất những câu
chuyện chú Mấn đi buôn bè trên sông, thả gỗ từ thượng nguồn xuôi về hạ nguồn,
có khi gặp nước lũ, bè trôi, những người buôn bè phải chống trả với phong ba
bão táp, những hình ảnh ấy hồi hộp và ly kỳ hơn trong phim truyện. Đến nỗi bố
đã từng mơ, lớn lên sẽ đi buôn bè, giang hồ dọc ngang như chú Mấn. Chú Mấn rất
hào phóng, nhiều lúc chú đã dúi tiền cho bố tôi, bảo tao cho mày, cất đi mà
tiêu, đừng cho bố mẹ mày biết. Những đồng tiền ngày đó đối với bố tôi đã lớn biết bao.
Chúng tôi đến nhà con gái ông Mấn, họ bảo ông đang ở căn lều ngoài nghĩa địa,
ông thích ở riêng, khỏi phiền con cháu, mà nhà chúng nó cũng chẳng phải là một
căn nhà nên ông chẳng chen chân vào làm gì, rồi lại mang tiếng ở nhà con rể. Đứa
cháu ngoại của ông dẫn chúng tôi đến căn lều, cô hơn 20 tuổi mà trình độ, kiến
thức của cô vẫn ngô nghê như một đứa trẻ bậc Tiểu học, làm như từ hồi cha sinh
mẹ đẻ đến giờ, cô chỉ từ làng quê này đi kinh tế mới Lào Cai, và trở lại làng,
nên chẳng biết gì hơn ngoài núi rừng và đồng ruộng.
Huyền thoại về “chú Mấn”
cũng làm tôi thích thú và khao khát được gặp ông bằng xương bằng thịt. Bây giờ
“chú Mấn” là một ông già 73 tuổi, ông to cao như cây cổ thụ, nước da nâu sẫm của
người nông dân cả ngày phơi mặt ngoài đồng. Ông Mấn dựng một túp lều nhỏ ngay tại
nghĩa địa, sống một mình, ngoài thì giờ làm vườn, làm ruộng, ông về lều thảnh
thơi ngồi uống rượu như một kẻ nhàn du. Khi tôi hỏi ông ở một mình nơi nghĩa địa
ông có sợ ma không? Thì ông Mấn coi như đó là một câu hỏi ngớ ngẩn, ông bảo ma
sợ ông chứ ông sợ gì nó!
Ông có một đứa con gái, hai vợ chồng nó nghèo xơ xác, căn nhà ọp ẹp dựng ở ven
đê, mùa mưa con đường đê dấy lên bùn sình như bột nhão, đặt chân xuống bùn, dở
lên để đi bước nữa thật là vất vả và khó khăn, vợ chồng chị đã từng đi kinh tế
mới ở Lào Cai, chẳng thể sống nổi lại kéo nhau về làng cũ với căn bệnh sốt rét,
nay ốm mai đau, tiền bạc không có, ruộng vườn trắng tay, đành phải ra đê mà ở
là vậy. Sau này cũng đơn lên đơn xuống các cấp xã, huyện, mới xin được một mẩu
đất ruộng xấu nhất cuối làng, để cày cấy lấy hạt gạo đổ vào mồm, tuy không đủ
no nhưng có còn hơn không. Vợ chồng chị đều ốm yếu, con thơ nhếch nhác, nên ông
Mấn đã phải xông pha, mang hết sức lực ra, đổ mồ hôi trên ruộng vườn để phụ
giúp con cháu suốt bao nhiêu năm nay, ngoài ra ông còn sẵn sàng làm thuê cuốc
mướn cho những nhà khác nữa.
Khác với lòng mong ước và sự tưởng tượng
của tôi, ông Mấn không hề vồ vập hay xúc cảm với bố tôi, thằng cháu nhỏ năm xưa
ông từng âu yếm cho quà và cho tiền, ông nhìn chúng tôi bằng ánh mắt không thiện
cảm cho lắm, ánh mắt ấy như nói rằng, lũ chúng tôi đã chạy theo “Mỹ Ngụy” chẳng
tốt lành hay ho gì. Suốt câu chuyện, ông kiêu ngạo và hãnh diện khoe đất nước
Việt Nam sau cuộc chiến thắng vinh quang 1975, đã dần dần đổi mới và tiến lên.
Cụ thể là ngôi làng này, con đường làng bụi đất và gồ ghề khi xưa nay đã được
tráng nhựa, nhiều nhà gạch xây lên và có điện thắp sáng, có tivi, có đài radio,
dân không phải nghe tin tức bằng cái loa ở trụ sở ấp nữa…
Dĩ nhiên, không phải cả
làng ai cũng khá giả như thế, bằng chứng là nhà con gái ông và ông vẫn chưa có
những thứ ấy. Nhưng ông Mấn vẫn khẳng định chắc như đinh đóng cột, trong tương
lai nhà nhà sẽ no ấm hơn, cuộc sống tiện nghi đầy đủ hơn, xã hội chủ nghĩa sẽ
đi đến đỉnh cao của thành công và quang vinh. Ông Mấn khoe thêm, cuộc sống bây
giờ dân chủ, ai có tiền thì cứ việc ăn ngon mặc đẹp, không như dạo xưa, giết một
con gà để ăn cũng phải lén lút, dấu diếm sợ hàng xóm phê bình.
Tội nghiệp ông! Đã trải qua những
năm dài đằng đẵng đói ăn, thiếu mặc của miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh, đã
quen với những vùi dập của cơ chế bao cấp thị trường, gạo, thịt, nhu yếu phẩm
mua bằng tem phiếu. Nay được hưởng một chút tiện nghi rất sơ đẳng, rất bình thường,
đã cho là đổi mới vĩ đại, đã hài lòng mãn nguyện. Chúng tôi được biết ông Mấn
đã là đảng viên, đang lãnh lương hưu trí, số tiền hưu cho một anh bộ đội quèn
chẳng là bao, nhưng nó khẳng định cái giá trị công lao của anh đã đóng góp cho
đảng và nhà nước.
Bố tôi và tôi đều thất
vọng về “chú Mấn” ngày xưa, bố mẹ đã biếu ông Mấn một số tiền và đặc biệt là một
cái áo ấm bằng da mà chính tay bố đã mua cho ông, vì bố đã biết mùa Đông đất Bắc
mưa phùn gió bấc lạnh thế nào! Tuy ông Mấn có ý chê trách chúng tôi theo “Mỹ Ngụy”,
nhưng ông không chê những món quà của “Mỹ Ngụy”, ông cẩn thận gấp những đồng tiền
đô la bỏ vào túi và mặc thử cái áo ấm to dày với vẻ hài lòng. Tôi liếc nhìn
quanh căn lều chông chênh, trống toang toác của ông, bốn bề gió lộng giữa bãi
tha ma, làm sao mà không lạnh!
Về tới Mỹ, nghĩ đi
nghĩ lại, bố tôi vẫn thương “chú Mấn”, ở cái tuổi già bên Mỹ đã được nghỉ ngơi,
an hưởng đời sống đầy đủ từ vật chất đến y tế thuốc men, thì ông Mấn vẫn cơ cực
làm công việc nặng nhọc, mà đời sống vẫn thiếu thốn mọi bề, chỉ có những giấc mộng
của ông thì đầy ắp những ấm no, giàu đẹp. Không biết giấc mộng sẽ kéo dài tới
bao lâu? Và ông có còn sống để mà hưởng không hay phải đợi đầu thai kiếp khác?
Mỗi năm sau đó, chúng tôi
vẫn gởi tiền về cho ông Mấn, dù bất đồng ý kiến, nhưng chẳng ai nỡ nhìn người
thân của mình ở tuổi già gần đất xa trời vẫn loay hoay đánh vật với cuộc sống để
kiếm cơm cháo qua ngày như thế ! Cô cháu ngoại của ông Mấn thỉnh thoảng viết
thư cho chúng tôi, kể về ông, năm nay ông 79 tuổi rồi, không còn khoẻ như hồi
chúng tôi về thăm nữa. Bố tôi ngậm ngùi thương cho ông, và có ý định làm bảo
lãnh cho ông Mấn sang Mỹ thăm thân nhân, coi như một món quà bất ngờ cho ông. Một
con người từng yêu thích ngang dọc một thời, đây là cơ hội ông không thể bỏ
qua, dù ông chưa tin tụi Mỹ cho lắm.
*** *** ****
Ba tháng sau, ông Mấn
của chúng tôi đã đặt chân đến Mỹ, ông như người từ cung trăng vừa rơi xuống mặt
đất này, cái phi trường, nơi ông vừa ra khỏi máy bay đã làm ông choáng váng,
ông bảo nó to đẹp cực kỳ mà ông chưa bao giờ tưởng tượng được. Rồi đường xá, xe
cộ…Trời ơi, thì ra có đất nước giàu có và tiện nghi cao cấp vượt bực đến vậy!
ông bảo có nằm mơ ông cũng không thấy, ông đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên
khác, mỗi ngày ông biết thêm những điều mà ông cho là từ “vô lý” đến “đại vô
lý” không thể tin được.
Ai đời, một người khách
lạ đến từ nước khác, một nước theo xã hội chủ nghĩa như ông, mà chẳng cần phải
khai báo, đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương gì cả, tự do dân chủ đến độ
ông không tin nổi ! Ai đời, người già, người tàn tật, dù không sinh đẻ ở Mỹ, dù
chưa đi làm ngày nào trên đất Mỹ, chỉ được thân nhân bảo lãnh sang đây, cũng được
hưởng tiền trợ cấp và bảo hiểm sức khỏe ! Ông bảo nước Mỹ giàu có quá hoá…ngu !
Chúng nó bảo lãnh nhau sang đây, được nước chủ nhà cho định cư là quý rồi, thì
vợ chồng, con cái chúng nó phải nuôi nhau, lo cho nhau, việc gì nhà nước phải đứng
ra trợ cấp? Đã thế, tiền trợ cấp hàng tháng được gởi tới tận nhà, không bao giờ
trễ nải hay sai sót, trong khi ở làng quê ông, có chuyện gì cần đến xã, đến huyện
thì thật là nhiêu khê, với đầy đủ giấy tờ, chứng cớ trong tay mà phải chầu
chực, xin xỏ, có khi vẫn không xong. Đây là những bài học dân chủ lần đầu tiên
ông học được trong đời .
Hai tháng ở Mỹ, ông đã lên cân, khỏe mạnh
hẳn ra và vui vẻ thư thái, có lẽ vì ông được ăn uống đầy đủ, không phải vác cuốc
ra đồng mỗi ngày, và nhất là ông đã cảm nhận một đời sống tự do, thoải mái? Dường
như ông thấy thời gian trôi quá nhanh, ông chưa muốn trở về làng quê, dù đôi
lúc ông cũng nhớ con nhớ cháu, dòng máu giang hồ đang trổi dậy trong người ông,
y như ngày xưa, ông trôi dạt đó đây, thú vui phương xa đã níu giữ bước chân
ông. Ông Mấn đến Mỹ với chiếc áo ấm to dày mà ngày xưa bố mẹ tôi đã mang từ Mỹ
về để tặng ông, chắc đây là chiếc áo ông quý lắm và chỉ mặc khi có chuyện “đại
sự” nên trông vẫn còn tốt. Nhưng bố tôi vẫn bảo ông bỏ đi và dẫn ông đi sắm vài
bộ đồ khác ở chợ Walmart. Ông Mấn tưởng đây là cửa hàng quần áo sang trọng
bậc nhất thế giới mà ông đã hân hạnh được vào, dù bố tôi đã nói là cửa tiệm
bình dân, nhưng ông nào tin, cứ cho là bố tôi khiêm nhường hay nói đùa. Ba
tháng du lịch của ông Mấn trôi qua, tới ngày ông phải trở về Việt Nam. Chúng
tôi sắm cho ông hai va li đầy những quần áo và quà cáp.
Cả nhà ra phi trường
tiễn ông, trước khi đi vào trong cổng, ông đã nắm tay bố tôi, ân cần, thân thiện
như “chú Mấn” ngày xưa, và rưng rưng:
– Năm xưa cháu về Việt Nam, chú đã
tuyên truyền cho cháu một thiên đường trong mộng, nhưng vẫn không bằng một góc
cái hiện tại này, thực tế này, mà các cháu đang được hưởng. Gẫm lại, cùng một
kiếp người mà đời chú và con cháu của chú đã gánh chịu bao nhiêu thiệt thòi. Cả
thời tuổi trẻ, chú từng đi xa, đây là một chuyến đi xa đẹp nhất và có ý nghĩa
nhất trong cuộc đời chú.
Rồi ông cười nhếch mép,
vừa đùa vừa tủi thân:
– Kiếp sau, chú vẫn sẽ là một thằng
thích giang hồ, xa xứ. Nhưng chú mong sẽ bước tới bất cứ miền nào, vùng đất nào
có tự do, dân chủ và no ấm như nước Mỹ này.
Máy bay cất cánh, mang
ông Mấn trở về Việt Nam, về ngôi làng quê, nơi có con đường tráng nhựa, có những
căn nhà gạch, có ánh điện, có tivi, có đài..
Nhưng chắc chắn giấc mộng dài của ông về
một đất nước xã hội chủ nghĩa thì không còn nữa.
Nguyễn Thị Thanh Dương
No comments:
Post a Comment