Wednesday, October 13, 2021

DƯỚI TÀNG KHUYNH DIỆP THOẢNG HƯƠNG (NHẤT PHƯƠNG)

 

DƯỚI TÀNG KHUYNH DIỆP THOẢNG HƯƠNG

 

 

Tôi thường đi ngủ rất sớm và thức dậy cũng rất sớm, một phần vì nghe theo lời khuyên của Dr.T. Nguyễn, vị bác sĩ gia đình khả kính, một phần do cách sinh hoạt đã thành nề nếp, từ thuở mới bước chân vào “khung trời mất nước”, nên quen rồi.

Mỗi đầu ngày, thức dậy tỉnh táo bên hương cà phê lan tỏa thơm lừng, ngắm nghía cuộc đời chung quanh đang còn an giấc, tôi như ôm cả khoảng không gian êm đềm, yên ắng trong vòng tay, thú vị vô cùng.  Tôi mở rộng thêm khung cửa bếp, nhìn cây xanh hoa búp mơ huyền mờ ảo hơi sương, lòng cảm thấy tương đối mãn nguyện với chính mình. Ít ra, ở “ga cuối đường tàu”, mượn chữ của chú nhà văn Huy Phương, tôi cũng đang được hưởng một chút gì êm ái nhất.

 

Trời đã vào Thu.  Mới đó mà những người tôi quen gặp hàng ngày đã rộn ràng khoe áo ấm.  Thành phố của tôi, hay đúng hơn là nơi tôi ở, tuy không thật sự đổi màu khi chuyển mùa, nhưng những tâm hồn yêu thích thiên nhiên vẫn háo hức ngẩn cao đầu, khát khao nhìn cây đoán gió.

Từ nhà đi đến công viên, nơi có những tàng cây Khuynh Diệp um tùm, mạnh mẽ đong đưa dưới vòm trời mênh mông, tôi thật sự thấy mình quá bé nhỏ, li ti như các nụ hoa Mimosa vàng chanh, khép nép im lìm trong thăm thẳm hoàng hôn Đà Lạt, một thuở chưa từng biết khổ đau, gói ghém nỗi niềm ly xứ như bây giờ, với những người bạn thân sơ còn xót lại. 

Mỗi ngày, chúng tôi đều nhàn tản ngắm nhìn tàng cây khuynh diệp ấy.  Ngồi xuống chiếc băng gỗ cũ kỹ, im lìm lốm đốm dấu thời gian, được đặt ở cuối đoạn đường mòn, Dũng và tôi vẫn thường tự nhủ:

-Quê mình mãi tận miền Nam nước Việt, chỉ có hai mùa mưa nắng.  Muốn biết “Thu Quyến Rũ” dường bao thì phải ra đất Bắc, hoặc thưởng thức sự gợi hình bởi các áng văn thơ, hay các ca từ trong từng bản nhạc nổi tiếng của biết bao người nhạc sĩ tài hoa.  Miền Bắc cũng là quê hương mà sao chúng  mình chưa từng muốn thử một lần đặt chân ra chốn ấy!?

Hỏi để tự trả lời, để âm thầm đan hứng từng Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, một trận mưa kéo dài lê thê, trải qua nhiều thế hệ.  Không gian âm u ảm đạm bởi từng cơn mưa bão ở quê nhà đồng khổ, làm sao lột tả được hết nỗi nhọc nhằn, thương tâm của một dân tộc đã chìm đắm triền miên trong lửa khói chiến tranh, nồi da xáo thịt.  Những cơn mưa Thu đăng đẳng, kéo dài từ năm 1945 cho đến ngày tàn phai cuộc chiến, vẫn là nguyên nhân làm rụng rơi, mất mác nhiều cuộc đời non trẻ.  Thật tội nghiệp và cũng thật đáng hãnh diện cho thế hệ của những con người phải bảo vệ quê hương.

 

Dường như lúc nãy tôi có nhắc đến ‘những người bạn còn xót lại’ của chính mình?  Từng mùa rồi từng mùa đi qua cuộc đời, những người thân yêu, quen biết, phần nào đã bay theo nắng sáng mưa chiều dở dang mà đi luôn không thèm chơi với tôi nữa.  Mất họ rồi, tôi như mất từng mẫu ký ức êm đềm của chính tôi.  Tôi đã mất nhà họ Đoàn, nhà họ Lâm, nhà họ Đặng, nhà họ Phạm, nhà họ Nguyễn…  Họ là những người anh, những người bạn cùng chung sinh hoạt với chúng tôi trong cộng đồng chung, từ hồi “nước Bolsa” của mình mới vừa ổn định để an cư.  Từng giờ qua, từng ngày mất”, tôi âm thầm tiễn đưa các bạn ra Vườn Vĩnh Cữu, ra “thành phố Vui” để thực hiện đúng lời dạy truyền khẩu của các bậc trưởng lão “sống ở thác về”.  Tôi nghĩ đến ngày về của những người đến nơi này từ phương Đông, nhưng lúc này đang sống an lành bên bờ Tây của Hiệp Chủng Quốc. Và Đông Phương, cũng là tên gọi người bạn đời dấu yêu của Thiên Lôi NTĐ.  Tôi định viết bài này để tặng Hội BĐQ, vốn dĩ hy vọng có thể sẻ chia chút xíu những sự hụt hẫng, chia lìa không kịp báo, và dĩ nhiên phải tặng riêng cho ông Thiên Lôi mất búa ấy.  Nhưng ở đời sống vô thường này, đâu thể muốn gì có nấy, đưa tay vói là hái trái được liền.  Tất cả đều phải theo dõi sắc mặt của ông Thời Gian khi cần hứa hẹn, cần hoạch định, để khỏi thất hứa với các bạn hiền.

Gần như mọi lúc, tôi bị ông Thời Gian trói chặt cả hai chân lẫn hai tay trong suốt mùa Thu đẹp tuyệt vời vừa qua với nhiều nguyên nhân, lý do không chờ đợi.  Ông Thời Gian và tôi tranh cải tay đôi nhiều lần, lần nào tôi cũng thua, lần nào tôi cũng khóc vì không được ông cho phép sống 25 giờ trong một ngày. 

 

 Nói vậy cũng đồng nghĩa với lời tạ lỗi chân thành nhất của tôi đến với các bạn, đến với Đông Phương, hay đúng hơn, với nỗi niềm sâu lắng của Thiên Lôi trong ngày tiễn biệt.  Mặc dù cố ý che dấu, nhưng nỗi niềm riêng vẫn luôn phảng phất trên nét mặt, trong lời nói anh, ở thời khắc luyến lưu khi phải giả từ phân nửa kia, bay về nơi miên viễn… NTĐ đối với chúng tôi, như “cơn gió chướng”, bất ngờ thổi đến lúc nào không hay, đẩy Dũng và tôi vào gia đình “Biệt Động Quân…Sát”, cùng với tác giả của bài hát ấy, người nhạc sĩ tài ba và đào hoa, là một trong vài người anh Văn Nghệ, cũng đã bất ngờ từ bỏ chúng tôi, bay đi biền biệt, lâu rồi. Mặc dù vậy, những năm tháng tuy có dài, tấm lòng của người ấy vẫn luôn hiện hữu với cuộc đời này.

 

Riêng tôi, mỗi khi được ngồi thảnh thơi dưới tàng cây khuynh diệp thân yêu, thả lỏng nỗi niềm riêng tư về dĩ vãng, hiện tại hoặc tương lai, tất cả những người bạn của tôi, dù còn hay đã mất, đều không hề thiếu một ai. Tất cả, dường như vẫn đang mỉm môi cười thân ái với tôi.  Người nằm kín trong tim, người ngồi im trong tư tưởng, người đối diện với chính mình trong những khoảnh khắc thật mơ hồ, huyền hoặc nhưng vô cùng gần gủi. Nhớ lần nhấp nhỏm trong lòng con chim sắt, nhìn xuống sông Sài-Gòn tối tăm, như cuộc đời không ngày mai của triệu triệu đồng hương bên dưới cánh bằng.  Nước mắt tôi lả chả rơi, vừa cho mẹ, vừa cho quê hương, vừa cho tất cả những buộc ràng giữa chúng tôi vào thời bao cấp.  Tôi đã một lần, bắt buộc phải bay về phía đông, về đông phương, về nơi “cuống rún chưa lìa”, như con thiêu thân bay vào ánh đèn, may mà không dễ bị “hỏa thiêu”, chỉ bị “giam lỏng” sơ sơ bảy tiếng đồng hồ ở sân bay, suýt nữa không kịp giờ đến nơi đưa tiễn mẹ.  Có lẽ giờ này, Đông Phương cũng đã về tới phương đông mà không cần phải xuất trình Landing Visa như tôi đã từng bị làm khó dễ.  Tôi cầu nguyện để nàng đến được miền hạnh phúc của chính nàng, như tên gọi Đông Phương.

 

Hôm nay trời nắng ấm, một lần nữa được ngồi dưới tàn cây thoang thoảng hương, gió lộng thổi tung miền ký ức thăm thẳm sâu, khiến tâm tư của mỗi người chúng tôi, lại nhớ về khung trời quá khứ, với dòng sông, với con đò, với quãng đời xinh tươi có thật.  Tuổi trẻ Sài-gòn thời VNCH đầy ắp mộng mơ, tuy phải sống trong thành phố Lính bởi chiến tranh Nam Bắc.  Chiến tranh khiến con người trưởng thành hơn ở tuổi hồn nhiên.  Tuy được tự do, bình an trao dồi tri thức, hít thở bầu không khí thanh bình nơi hậu phương, nhưng tâm tư người dân thuở ấy, nói chung, đều cưu mang trong lòng “tình anh lính chiến”, và có lẽ cũng sẳn sàng chấp nhận hết mọi bất toàn không thể tránh, bất cứ khi nào.

Bây giờ, đang gần cuối mùa Đông của nước Mỹ, cây cành trụi lá, lạnh lẽo như băng sơn.  Tàn cây khuynh diệp dấu yêu của tôi như muốn cố gắng dang tay ôm chầm chính nó, bảo vệ sắc xanh ủ dột, hòa quyện đông phong.  Lạ lùng thay, giữa lúc tàn đông, ánh dương vẫn ngời sáng, ngày vẫn hùng dũng tới, chói chan và ấm áp.  Hạnh phúc là gì để ai cũng rắp tâm tìm kiếm?  Tôi đã cùng các bạn vượt thoát đến đây từ phương đông, vậy có phải sau lưng là miền Hạnh Phúc?

 

Nhớ lời của Cố Nhạc Sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang “bỏ nhà ra đi, chúng ta sướng vui hay chúng ta sầu bi”…  Bởi chỉ có chính mình là người hiểu mình, không có người thứ hai, càng không có ngoại lệ, nên tôi đặt hết niềm hy vọng thênh thang (tuy rất mong manh) lên những người bạn còn sót lại của chính tôi.  Hy vọng các bạn ấy sẽ cùng tôi tự vẽ con đường để đi tìm Hạnh Phúc.

Nhà họ Phạm, một người bạn cũ, có lần đã nói:

-Phải chăng, hạnh phúc tuyệt vời chính là đi tìm những thứ mình không bao giờ tìm được?

Có lẽ nhờ thế, đời sống sẽ luôn luôn ửng sắc tươi hồng.

Phương Đông của tôi, của chúng tôi ơi, giờ đây đã thật sự xa khuất tầm nhìn, tít tắp mù khơi, bên ấy…

Tạm biệt nhé, Đông Phương.

 

Nhất-Phương.

 

No comments: