Wednesday, October 6, 2021

NHỮNG BÀI THƠ TÌNH (ĐỖ BÌNH)

 


NHỮNG BÀI THƠ TÌNH

Đỗ Bình


Cuối thế kỷ trước có một thi sĩ tặng tôi tập thơ và  muốn tôi có đôi dòng cảm nhận. Tập thơ in đẹp lời thơ lãng mạn nhẹ nhàng,  ý thơ sâu sắc. Ngôn ngữ trong thơ là những hình tượng đầy màu sắc của hội họa ẩn vào con chữ vọng lên từ đáy tim. Nhà thơ đã nói lên tiếng lòng bằng cảm súc thật nên không dùng sáo ngữ, cường điệu cố nặn những những hình ảnh giả tạo trong thơ , như loài bướm lượn cành hoa thường thấy trong những lời tán tụng tình yêu. Có lẽ thi sĩ quá yêu thơ mình nên đã đắm hồn vào thơ để sống với những hình ảnh vần điệu trong mộng tưởng, tận hưởng cái mật ngọt đắng cay của tình yêu đầy màu sắc quyến rũ. Đây là những bài thơ tình nửa hư nửa thật tạo cho không gian trong thơ bồng bềnh mờ ảo, dẫn người đọc bước vào một thế giới mộng mị nơi đó có hai mảnh hồn yêu nhau say đắm. Đọc những bài thơ tình nồng thắm trong thi tập lòng tôi xao xuyến, thương cảm cho cuộc tình lãng mạn của hai kẻ yêu nhau bằng tâm tưởng nhưng lại gặp nhau rất muộn màn! Tôi bỗng cảm hứng đã làm một bài thơ như chia sẽ nỗi thương cảm của mối tình thi sĩ trong thi tập nên đặt tựa là: “Tình Chỉ Là Mơ”. Sau đó lại phóng hồn hư cấu thêm bài thơ “Cõi Tình”đẩy tác giả và nàng thơ vào cõi mê cho tình thơ sắc màu!

 

Từ ngàn xưa Thơ là ngôn ngữ thật thà của con tim nên tác giả không thể che dấu được khi viết lên con chữ diễn tả nỗi lòng của mình. Ở đây, trong trang thơ những con chữ đã bộc bạch lời của kẻ lỡ vướng vào lưới tình nên trăn trở viết thành những vần thơ. “Thi sĩ và Nàng thơ  cả hai tâm hồn đầy lãng mạn, họ yêu nhau qua thơ nên lạc vào mê lộ nên vướng cảnh oan trái vì hai người đều đã có gia đình! Tôi chưa hề quen biết người trong thơ nhưng lại thương cảm cho nàng qua cách diễn đạt tài tình của thi sĩ, phải chăng nàng cũng biết làm thơ nên đã yêu thi nhân?


 Vì cảm hồn thơ của thi nhân tôi đã trân trọng giới thiệu thi tập với các bạn văn nghệ ở Paris, và có nhờ vài người bạn là nhạc sĩ phổ nhạc giúp vì hiếm gặp được những bài thơ tình hay và độc đáo như thế. Nhưng thuở ấy trên các tạp chí, những diễn đàn đã xảy ra  những trận bút chiến hãi hùng của những người nổi tiếng ở hài ngoại , mà tác giả tập thơ đang bị kéo vào trận bút, do đó đã làm ngần ngại những nhạc sĩ đồng cảm muốn phổ nhạc thơ ông! Ngày trước tôi có học nhạc và đã viết một số ca khúc cho mình, cho quê hương, nhưng không dám phổ thơ của các bạn vì sợ không phổ được cái tinh hoa trong thơ! Mang thi tập về nhà lòng tôi cứ bâng khuâng, chẳng biết làm sao để những vần thơ hay này được nương cánh nhạc bay cao lan toả đến công chúng! Có lẽ sự băn khuăn của tôi hơi thừa vì thật ra một bài thơ hay tự nó đã có giá trị lâu dài. Còn thơ được phổ nhạc phải chăng là muốn đem thêm chút nghệ thuật âm thanh vào trong thơ làm nổi bật hình ảnh ý thơ đầy sắc màu tính nhạc theo nhiều giai đi
ệu trầm bổng”?
Một bài thơ phổ thành ca khúc hoàn hảo rất khó, vì bài thơ được phổ sẽ không bị cắt những chữ làm mất hình ảnh câu, hụt ý nghĩa của tứ thơ. Nhưng đâu phải bài thơ nào cũng chuẩn luật, cũng có tính nhạc! Có những bài thơ câu chữ thừa, hoặc những câu chữ bị lập lại vì trùng ý, trùng nghĩa ở những đoạn trên. Do đó nhạc sĩ cần phải cắt xén câu chữ, sắp xếp lại cấu trúc giai điệu để hình nốt vút theo từng cung bậc của ngữ nghĩa thành tác phẩm. Những ca khúc VN được gọi là hay thường có “lời” hay, “ý ca từ ” đẹp như thơ. Tuy nhiên, trong số đó cũng có những bài thơ ngôn ngữ thơ mộc mạc, tứ thơ bình thường, nhưng được người nhạc sĩ có tài phổ sẽ làm tăng giá trị bài thơ trở thành ca khúc hay vì nhạc sĩ đã cắt xén, ráp nối câu chữ lời thơ thành ca từ nương theo tính nhạc của bài thơ để phổ. Nhưng cũng không ít những bài thơ rất hay “bị phổ” cho lấy có, tác giả chẳng để ý đến lời thơ, ẩn ý trong thơ mà phổ quá nhanh, vội vã để thành bản nhạc nên thiếu chất nghệ thuật làm giảm giá trị bài thơ!


Trong kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng qua một vài bài thơ, ít ca khúc nhưng những sáng tác đó đã để cho đời những áng thơ hay những giai điệu tuyệt vời: Thi sĩ Vũ Đình Liên, Thi sĩ T.T.KH, thi sĩ Hữu Loan, Thi sĩ Linh Phương… Phía âm nhạc: Nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Lê Trạch Lựu, Đoàn Chuẩn& Từ Linh, Nguyễn Văn Khánh, Lê Hoàng Long, Hiếu Nghĩa, Dzũng Chinh, Nguyễn Mỹ Ca, La Hối, Nguyễn Ánh 9....vv….Họ là những nhạc sĩ sáng tác thực tài mà trời đã ban cho một năng khiếu âm nhạc đặc biệt để thẩm thấu những nét độc đáo của âm thanh kết thành giai điệu đẹp. Sáng tác một ca khúc, nhạc sĩ không cần vận dụng những lý thuyết hàn lâm quá phức tạp trong âm nhạc, trời đã cho họ những ưu điểm từ trong vô thức đã có một giác quan rất bén nhạy chứa sẵn lý thuyết âm nhạc trong cảm hứng khi sáng tác.
Đối với những nhạc sĩ đã sáng tác chỉ cần một vài ca khúc để đời là mãn nguyện. Nhưng nếu nhạc sĩ sáng tác hàng trăm ca khúc và có nhiều bài hay thì đó là những người có tài. Tâm hồn nhạc sĩ phải thật phong phú mới làm nổi nhiều nhạc phẩm hay, nếu không chỉ là số lượng dù viết hàng trăm ca khúc! Có những thi sĩ làm hàng trăm bài thơ mà người đời cũng chẳng biết đến, hoặc nhớ một câu! Nhưng nếu người đời chỉ nhớ vài bài thì cũng làm cho tâm hồn thi sĩ ấm áp. Cũng có những ca khúc nghe qua chẳng gợi lại trong lòng người thưởng thức một chút ấn tượng thì ca khúc đó sẽ bị chóng quên! Phải chăng giá trị đích thực của nghệ thuật vẫn là hướng về chân thiện mỹ? Thời gian trôi đi, người nghệ sĩ dù có bị người đời vô tình quên tên tác giả, hay người đời “cố tình quên” thì họ vẫn cống hiến cho đời những tác phẩm. Những tâm hồn phụng sự cho những giá trị cao đẹp đều tuyệt vời!


 Trong cuộc sống đầy bon chen vội vã của thế giới vật chất hôm nay, có lẽ chỉ có Tình Yêu là đáng qúy vì trong đó có cả “tình lứa đôi.”
khi đọc những trang thơ tình của người bạn thơ hồn tôi bỗng dạt dào cảm xúc hồi tưởng lại cái hồn thơ của thuở học trò đầy hương thơm mộng mị,  tưởng đã chìm theo thời tuổi xanh!
Nhân dịp có người bạn là Nhà báo, Nhà Biên khảo GS Đặng Văn Nhâm ở Đan Mạch qua thăm Paris và đến nhà ở chơi với tôi. GS Đặng Văn Nhâm là tác giả nhiều bộ sách biên khảo như Dại Từ Điển Đan Việt,Tự Điển Báo Chí, Chính Trị, và Văn Học..vv…Anh còn là một họa sĩ vẽ tranh biếm họa trên các tạp chí Sài Gòn năm xưa vào cuối thập niên 50 đầu 60. GS Đặng Văn Nhâm kiến thức rất uyên bác, anh có khả năng viết trong ngày cho nhiều tờ báo với nhiều đề tài khác nhau mà vẫn giữ được chất lượng.
Ngày đó, chúng tôi tổ chức đêm họp bạn văn nghệ quy tụ nhiều khuôn mặt trong giới trí thức văn nghệ sĩ ở Paris. Mở đầu, một số bằng hữu đã giới thiệu những sáng tác mới của mình hoặc trình bày một đề tài văn học. Để tham gia trong chương trình tôi đem tập thơ của người bạn phương xa gởi tặng ra giới thiệu, trích đọc vài bài thơ tiêu biểu trong thi tập. Mọi người đều lắng nghe và khen thơ hay, nhưng có lẽ ít ai hiểu những ẩn tình ngang trái trong những bài thơ! Để kết thúc phần giới thiệu về thi tập, tôi đã đọc bài thơ “Tình Chỉ Là Mơ” của tôi viết tặng tác giả như sự đồng cảm giữa những người làm thơ sống trong cõi thơ.
Trong văn học người ta thường ví đóa hoa là phái đẹp, vì cánh hoa  mong manh, có muôn sắc màu rực rỡ, nhất là hoa lại chóng tàn. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu nên được các văn nghệ sĩ ca tụng. Thi sĩ Tản Đà  Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), đã diễn tả qua câu thơ:

“Cái giống yêu hoa giống lạ đời,

Mắt xanh chưa lọt đã mê tơi.

Tản Đà

Trong bài thơ “Chỉ Là Mơtôi ví “nàng thơ“  trong thi tập của thi sĩ là hoa, vì tình yêu đã làm tâm hồn nàng trở nên sầu úa như đóa hoa thiếu nắng! Trong thiên nhiên, một cành hoa dù cho hương thơm sắc màu rực rỡ nhưng thiếu nắng lá sẽ kém tươi tốt, cánh hoa bị nhạt màu. Câu thơ: “Như mất nửa hồn theo áng mây”. Trong thi ca áng mây là ngôn ngữ hình tượng mang sắc màu hội họa, biểu tượng của sự tự do. Mây là những hạt nước li ti kết tinh bồng bềnh như giải lụa muôn sắc bay trên trời. Hình dáng mây thay đổi theo gió nhìn rất đẹp, nhưng luôn cao xa không với tới! Ở đây mây tượng trưng cho thi sĩ, tác giả thi tập, kẻ đã bước vào vườn tình  đầy trái cấm!

CHỈ LÀ MƠ
Thơ thẩnvì, đóa hoa* thiếu nắng,
Khép mi cho lòng đỡ ngất ngây!*
Bỗng dưng ta thấy đời im lặng!
Như mất nửa hồn theo áng mây!*
Nếu lỡ đã say mà quên lối?
Thì đành ôm chút mộng hờ thôi.
Tình,  chỉ là mơ sao bối rối?
Quay đi …hồn vướng mãi nụ cười!
Đỗ Bình

 Tan buổi sinh hoạt, khi ra về, giáo sư Nhâm mới cho tôi biết chuyện tình trong thơ của tác giả mà tôi làm thơ tặng đó là chuyện tình thật, tác giả không vết hư cấu! Dù được nghe kể những ẩn tình về của cuộc tình tác giả thi tập, nhưng hồn tôi vẫn  rung động những bài thơ hay, tôi đẩy cảm xúc lên cao độ nên vẫn làm thêm bài Cõi Tình, như thể hiện sđồng cảm với tác giả trong sáng tác, đó chỉ là  một phần hư cấu của thơ, mà đã là thi nhân thì chẳng có ai làm thơ lại không đi giữa cõi hư và thực?
Cõi Tình

Chiều cuối thu lá vàng bay khắp lối
Dìu em đi trong vạt nắng xanh xao.
Tóc em bay thoảng mùi hương cỏ nội,
Tình trao nhau…ôi trái cấm ngọt ngào!
Em chợt đến như cuồng phong bão nổi,
Trời bao la ta mắc cạn nhánh sông!
Dựa vai nhau hai mảnh hồn buộc vội
Ðời phù du xin giữ chút tình nồng.
Vui em nhé, dù non cao tuyết phủ,
Quên nẻo về hồn trượt xuống vực sâu,
Cứ mặc ta nơi đáy thẳm mịt mù,
Thành sương khói hóa vần thơ hư cấu.
Tình tuyệt diệu thắm nụ hôn khờ dại,
Ta vì em, đành gục ngã bên đời
Dẫu ngàn sau hồn hút bóng xa xôi,
Ta vẫn nhớ …màu môi em đắm đuối.

Đỗ Bình

 

Dù nghe kể nhưng tôi vẫn nghĩ:
 “ Có lẽ họ đang chống nhau trên lãnh vực văn bút nên khắt khe chăng?
Tôi tự nhủ: “Ở trên đời có nhiều điều nhìn thấy cũng chưa chắc đúng, huống chi chỉ nghe đồn. Làm sao có thể hiểu hết sự bí ẩn trong tâm hồn con người, nhất là tâm hồn thi sĩ là một cõi vô tận!

Rabindranath Tagore người Ấn Độ, là nhà thơ của tình yêu, ông cũng là nhà văn, triết gia, họa sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ, nhà giáo dục. Nhà đại nghệ sĩ đã được giải thưởng Nobel 1913. Ông quan niệm về tình yêu:

“Tình yêu là sự toàn thiện của tâm thức, ta không yêu vì ta không hiểu, hay nói đúng hơn, ta không hiểu vì ta không yêu

Trong thơ văn cũng như ngoài đời cũng có những mối tình Nghệ sĩ rất lãng mạn và đẹp. Thi sĩ Xuân Diệu người được mệnh danh là con chim đầu đàn trong dòng thơ Tình lãng mạn của thế kỷ trước. Bài thơ Xa cách viết về tình yêu lứa đôi vẫn còn lưu truyền trongvăn học mãi hôm nay:

Xa Cách

“Có một bận em ngồi xa anh quá

Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn

Em xích gần thêm một chút: anh hờn.

Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.

Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã

Đến kề anh, và mơn trớn: "em đây!"

Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay.

Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.

Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!

Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!

Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều

Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.

Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.

Em là em, anh vẫn cứ là anh.

." 

Xuân Diệu


Thi sĩ Lưu Trọng Lư thuộc thế hệ mở đầu của phong trào Thơ Mới. Thơ của ông rất trữ tình lãng mạn, ý thơ phóng khoáng mang chút tư tưởng Tây Phương nhưng vẫn giữ nét truyền thống luân lý Đông Phương. Bài thơ Một Mùa Đông là một bài thơ đặc sắc, thanh thoát, giàu nhạc điệu được lưu truyền trong văn học mãi đến hôm nay. Bài thơ viết về một câu chuyện tình dang dở có thật của đời ông. Chuyện tình đẹp và trong sáng đó là nguyên do thúc đẩy nguồn cảm hứng trong thi sĩ dạt dào để hoàn thành một tác phẩm trữ tình để đời. Chuyện tình như một bài thơ về cuộc tình của chàng thi sĩ với một nữ sinh xinh đẹp của đất Hà Nội thuở ấy. Nàng thơ sau này trở thành một danh nhân của Việt Nam, và Thế giới. Bà là điêu khắc gia nổi tiếng trên thế giới và là thành viên của Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu. Bà được đưa vào danh sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse.

 

Một Mùa Đông

“Em là gái trong khung cửa,

Anh là mây bốn phương trời;

Anh theo cánh gió chơi vơi,

Em vẫn nằm trong nhung lụa.

Em chỉ là người em gái thôi,

Người em sầu mộng của muôn đời,

Tình em như tuyết giăng đầu núi,

Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.

Ai bảo em là giai nhân

Cho đời anh đau khổ?

Ai bảo em ngồi bên cửa sổ

Cho vướng víu nợ thi nhân

Ngày một ngày hai cách biệt nhau
Chẳng được cùng em kê gối sầu,
Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo,
Cùng cười những chuyện thế gian đau.

Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.

Môi em đượm sặc mùi nho tươi,
Đôi má em hồng chúm nụ cười,
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.

Tuy môi em uống, lòng anh say,
Lời em càng nói càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa,
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay.

Lưu Trọng Lư

Bốn câu thơ cuối nhà thơ đã diễn tả sự tan vỡ tình yêu đến tột cùng! Nhưng đó chỉ là tưởng tượng vì quá nhớ nàng :
“ Tuy môi em uống, lòng anh say,
Lời em càng nói càng chua cay..”

Câu thơ tình tuyệt vời!

Dù được nghe anh Nhâm kể về sự thật của cuộc tình, nhưng tôi vẫn nghĩ có lẽ cái nhìn của anh đứng trên quan niệm đạo đức quy tắc chuẩn mực của xã hội nên rất nghiêm khắc, mà không mang tâm hồn thơ đầy mơ mộng nhưng trong đó có chứa sự bao dung tôn trọng sự khác biệt đối với tha nhân như tôi! Chẳng thế mà ngòi bút của anh sắc hơn gươm đao nên dễ làm người bật máu. Có lẽ vì bản tính khó kăn đó, nên anh rất ít bạn thân! Cho dù anh thích giao du bằng hữu bốn phương. Những người bạn của tôi ở Paris đều qúy trọng kiến thức uyên bác và tài năng sáng tác của anh, nhưng chẳng ai dám lại gần vì vẫn cảm thấy ngần ngại cây bút lành lạnh của anh! Giáo sư Nhâm rất qúy tôi, xem tôi như một người em nên tặng cho tôi cây bút Mont Blanc, anh nói:
 “Cây bút này như tấm lòng của tôi để viết những điều tử tế.”
Nhưng từ những năm sau này anh vì bận rộn viết sách nên ít liên lạc với tôi!
GS Đặng Văn Nhâm qua đời năm 2017.
Năm 1997 tôi chuẩn bị in tập thơ “Bóng Quê.
Ngày đó Văn Bút VN Hải Ngoại vẫn còn bị tách làm hai, giáo sư Đặng Văn Nhâm dang làm chủ tịch Văn Bút Hải Ngoại. Anh Nhâm muốn giúp tôi mang tập thơ qua Mỹ in, nhưng tôi đã được vợ chồng người bạn thân cũ là thi họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật và Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh ở Nauy lại muốn tự tay chăm sóc trình bày và in ấn tập thơ của tôi tại Nauy. Đây là điều tế nhị vì nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật& Nguyễn Thị Vinh đang sinh hoạt cùng nhóm Văn Bút VN Hải Ngoại với người thi sĩ tặng tôi tập thơ, họ đều chống anh Nhâm. Nguyễn Hữu Nhật và tác giả tặng thơ cho tôi cả hai đều là chủ bút một tờ báo và làm thơ rất hay.

Bài thơ “Tình Chỉ Là Mơ”và bài thơ “Cõi Tình tôi chọn đưa vào in trong thi tập với lòng yêu thơ. Tôi thường làm thơ về quê hương, về thân phận con người, nay làm được những bài thơ về tình yêu lứa đôi lãng mạn của tha nhân tôi cảm thấy vui, tập thơ sẽ có thêm màu sắc. Tôi cho in vì chỉ muốn ghi lại trên sách vài bài thơ tôi thích ở một giai đoạn mà khá nhiều bằng hữu tôi đang bút chiến. Thuở ấy tôi đứng bên ngoài những cuộc bút chiến nên tôn trọng những suy tư, và quan niệm riêng của mỗi người. Tôi chọn lựa một thái độ đứng giữa không nghiêng ngả bên nào quả thật rất khó khăn! Để tránh bị lôi kéo, tôi đã “tự ý ngưng gởi bàicộng tác với các báo nhiều năm, vì không muốn bị lôi cuốn vào phe phái, nhất là không thể gởi bài cho các tờ báo mà trong đó có các bạn của tôi đang chống nhau! Cũng kể từ ngày đó tôi không còn thiết tha gởi bài cho báo!

Chỉ vì quan niệm muốn bảo vệ giá trị đích thực của một nhà văn! họ tiến ra tuyến đầu xung khắc nhau kịch liệt! Đã có biết bao bạn văn của tôi ở hai phía phải tạm gác bút vì ngại bị vướng mực do ngộ nhận. Thuở đó, bên nào cũng mạnh cũng tài giỏi và sắc bén như nhau, tôi ở giữa hai làn đạn nên chỉ biết thở dài sau đó lánh xa chốn tranh chấp! Tôi đến với các bạn bằng một trái tim chân tình, có lẽ thế sau bao năm dù đời có nhiều thay đổi, bằng hữu cũ có người mất người còn nhưng tình bạn xưa vẫn khắn khít còn mãi đến hôm nay. Khi tập thơ được in xong, các bạn văn vì cảm mến tôi nên đã cùng nhau tổ chức một buổi ra mắt sách rất trang trọng vào ngày 4 tháng 10 năm 1998 tại Hội Trường Quốc Tế Paris, quy tụ tất cả các văn nghệ sĩ ở Paris và khắp nơi đến. Đặc biệt những danh ca chỉ dành hát độc quyền cho các trung tâm Nhạc cũng về Paris trình diễn cho buổi ra mắt sách. Ngày ra mắt sách tôi có gởi thơ mời  GS Đặng Văn Nhâm nhưng vì ở Đan Mạch xa xôi nên anh không qua dự được. Tôi gởi sách tặng, nhận được anh gọi phôn chúc mừng.

 

Gần hai mươi năm sau trong một lần họp bạn văn nghệ ở Paris, có người yêu cầu tôi đọc bài thơ cũ. Để đẹp lòng người bạn tôi đã đọc. Khán phòng đẹp, trang trí ấm cúng, điều tuyệt vời là khách tham dự giữ yên lặng vì sự tôn trọng nhau. Đến lượt trình bày tác phẩm của nhà biên khảo nổi tiếng ở Paris, với một giọng trầm buồn anh chậm rãi kể lại một câu chuyện tình trong văn học. Mọi người trong khán trường nghe anh kể rất hay nhưng có lẽ không hiểu những đièu bí ẩn trong câu chuyện! Ngoại trừ tôi và anh, vì người đàn bà trong thơ đó có một thời là chị dâu của anh.

Đó là một người đàn bà đã có gia đình rất yêu thơ văn nên thích sống bằng mộng. Một hôm người đó gặp được người thi sĩ tác giả những bài thơ mà mình yêu thích nên hai người trân trọng nhau. Từ đó họ trở thành đôi bạn ngưỡng mộ nhau qua thơ văn. Người thi sĩ có tài làm thơ nên đã viết những vần thơ rất trữ tình nửa hư nửa thật để tặng đời. Vì quá yêu thơ mình, và cũng để cho vần thơ thật lãng mạn thi sĩ đã đẩy cảm xúc lên tột cùng,  mượn hình ảnh nàng thơ để sáng tác nên ngôn ngữ thơ trở thành mời gọi, quyến rũ tâm hồn nàng để rồi thi sĩ và nàng thơ đã thật sự bị đắm đuối! Ở Tây phương mấy thế kỷ trước Thi Văn hào Victor Hugo người Pháp đã nói câu để đời:“Chết vì thiếu tình yêu thì ghê gớm qúa. Đó là sự chết ngạt của tâm hồn.  

 

Thơ tình “lứa đôi” là những trái mộng đầu đời ai cũng có thể hái dệt thành thơ. Người làm thơ đã chắt chiu kỷ niệm gom nhặt cảm xúc rồi trang trải lên trang giấy học trò thành nhiều bài thơ tình có bài hay có bài dở. Những bài thơ tình thơ mộng đó dễ bị quên lãng hoặc người đời không hề biết đến vì nó thiếu tính độc đáo, bài thơ nào cũng na ná giống nhau! Để thành một bài thơ tình xuất sắc, độc đáo được cả nội dung lẫn hình thức rất khó! Ở tuổi mới lớn tình yêu vừa chớm tâm hồn còn trong sáng đầy mơ mộng tình yêu như nụ hương ngây ngất khiến hồn bồng bềnh say đắm dễ cảm xúc nên có thể làm một bài thơ tình hoặc nhiều bài thơ nặng chất học trò nhưng lại khó hay vì lời và ý còn mộc mạc! Người làm thơ không có ý trở thành thi sĩ nên chưa chú ý về nghệ thuật cấu trúc thơ để có thể diễn đạt được những cái hay cái đẹp của thi ca bằng ngôn ngữ chắt lọc thành bài thơ tình muôn thuở. Nếu cái nguyên sơ mộc mạc của lời tỏ tình diễn tả được ý nghĩa sâu sắc, chất độc đáo của cuộc tình thì bài thơ sẽ là cõi riêng, thơ sẽ chắp cánh và đi vào lòng người tồn tại lâu dài với thời gian. Ở tuổi về chiều làm một bài thơ tình rất khó vì con tim đã cằn cội lại chứa đầy những biến động thăng trầm nên hồn thơ bị trầy trụa, cảm xúc dễ bị sơ cứng do đó hụt hẫng trước cuộc đời nên lời thơ kém óng ả mượt mà, nhất là không dám thổ lộ tiếng nói thật của con tim cho dù kỹ thuật làm thơ rất điêu luyện! Trong vườn thơ hải ngoại đa số các thi sĩ đã qua thời thanh xuân cháy bỏng làm những bài thơ tình dù nỗi đam mê sáng tác và nguồn cảm hứng thơ vẫn còn nhưng đa số là thơ hoài niệm về quê hương. Đây là nguồn cảm hứng vô tận trong tâm thức của người tha hương vì khi ra đi họ đều mang theo một quê hương trong trái tim.


Thủơ xa xưa ở quê nhà vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước trên làng thi văn xuất hiện những bài thơ tình độc đáo của thi sĩ Anh Hoa nhưng những vần thơ ngọt lịm đó chẳng bao lâu bị chìm khuất bởi khói lửa chiến chinh, nhà thơ bị cuốn hút vào vòng lửa đạn, tiếng thơ bị át bởi tiếng vọng quê hương. Thế sự thăng trầm nhà thơ giã từ chiến trường để đi vào chốn lao tù trại tập trung. Hơn mười mấy năm khổ ải trong ngục tù nhà thơ Anh Hoa đã vui với vần thơ, đã dựa vào thơ mà sống. Ra được hải ngoại Anh Hoa đã cảm ơn vần thơ và cảm thấy chung quanh đời vẫn đẹp, còn nhiều sắc màu như muôn hoa  nên nhà thơ đã đổi bút hiệu thành Hoa Văn để làm những bài thơ tặng người, tặng đời. Nay tuổi đã xế chiều nhà thơ vẫn sáng tác đều, vẫn cho ra nhiều tập thơ mà trong đó có hàng trăm bài thơ tình sướt mướt thi sĩ đã viết cho người mình yêu dù đó chỉ là mối tình đơn phương! Tình yêu đã giúp cho hồn thi nhân thăng hoa nên nguồn cảm xúc của Hoa Văn vẫn mãnh liệt, vẫn nhạy bén trước ngoại cảnh bằng một sự rung động thật. Phải chăng nó là hoa thơm cỏ lạ bắt nguồn từ hình bóng người mà nhà thơ yêu qúy rồi biến đối tượng thành một một nàng thơ để thi sĩ thả hồn và dệt mộng chấp cánh. Trong những thi tập viết về Tình Yêu tâm hồn nhà thơ Hoa Văn đã rung động thật trong sáng tác trước nàng thơ, cho dù thi sĩ chưa bao giờ được may mắn đối diện. Cái thực trong đời  sống và cái mộng trong ảo giác đã hòa nhau như cung bậc bản tình ca giao hưởng nên ngôn ngữ thơ mượt mà óng ả có rất nhiều hình ảnh của bóng hồng, nàng thơ trong mộng và cũng là người thật nhưng xa vời hư ảo, tất cả đã lướt qua trong tâm hồn thi nhân trong sáng tác để kết thành nàng thơ. Màu sắc, không gian trong thơ Hoa Văn đôi khi là những hình ảnh tưởng tượng không nhất thiết phải có thực ngoài đời và nàng thơ trong của thi sĩ cũng thế, cũng được nhà thơ thăng hoa  trong  mộng, hóa thể nhập vào thơ làm rung cảm người đọc như lời tình tự của thi sĩ đang viết cho mình. Nhà thơ yêu thơ của mình hơn những thực thể ở ngoại cảnh nên đã tô vẽ màu sắc cho lời thơ óng ả, sướt mướt làm đẹp con chữ, ý thơ. Tình yêu lứa đôi là chất liệu nhạy bén làm rực cháy tâm hồn, phải sống với hơi thở của tình yêu mới cảm được lời thì thầm của con tim thì mới viết được bài thơ Tình độc đáo để đời, nếu không chỉ là những bài vần điệu đã có từ hàng ngàn năm trước xếp nếp vì quá cũ mà ai cũng có thời dệt sợi tơ tình làm thơ. Nàng thơ đóa hoa nghệ thuật, là người thật đã được nhà thơ chọn làm đối tượng cho tác phẩm 300 bài Những áng thơ tình tuyệt diệu dù chỉ một bài vào trang sách cũng đủ cho đời thưởng lãm vì tình yêu thì muôn đời không phai:
«Tình em mãi mãi mền như lụa
Mãi mãi lung linh chẳng tận cùng
Bát ngát hương hoa ngào ngạt tỏa
Bên đời chỉ thấy những thương mong. »

( trích: Hương Tình Hoài Điệp)

Viết Cho Nhau

Em ơi quá khứ nhủ thầm
Tạ từ mười ngón tay câm nín buồn
Đêm về ngõ mắt cô đơn
Lệch đôi dép cũ nghe mòn thời gian
Năm dư tháng đủ ngày tàn
Buồn xê dịch thuở đời man dại rồi
Mùa đi mắt đỏ chân trời
Mùa về môi ngọt tiếng cười hồi sinh.

( Thơ thập niên 60)
Trên đời có cái gì tồn tại mãi chẳng tàn phai theo thời  gian? Cuộc tình nào rồi cũng phải qua đi nhưng tình thơ vẫn còn đọng lại trang sách. Dù hư cấu hay chuyện thật thì sáng tác của thi nhân vẫn góp cho đời những những vần thơ hay, áng thơ đẹp làm xao xuyến lòng. Ngàn năm sau những người yêu thơ đọc lại trang thơ cũ có ai thương cảm nỗi lòng thi nhân?  Người thi sĩ ngày đó nay tóc đã bạc phơ, cuôc tình trong thơ năm xưa đã bay theo gió. Nhưng tình yêu vẫn nguồn cảm hứng bất tận của người làm thơ, đó còn là nơi chỗ trú ngụ để tâm hồn thi nhân bay bổng vào cõi diễm tuyệt trước khi là phu du. Những vần thơ say đắm tình vẫn cô đơn nằm trên trang sách, cho dù nhà thơ có muốn quên nàng thơ nhưng hồn thi nhân vẫn nh mãi nụ cười của người tình năm đó? Những mối tình lứa đôi dù dang dở hay trọn vẹn thì vẫn giúp cho thi nhân có thêm nguồn cảm hứng dệt cho đời những áng thơ tình muôn sắc.

Đỗ Bình



Ghi Chú


*Thi, Họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật qua đ
ời  2014

*Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh người cuối cùng của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, qua đời  8.1.2020

GS Đặng Văn Nhâm qua đời 2017.

No comments: