TRỊNH CÔNG SƠN: NHỮNG BÓNG HỒNG VÀ THÂN PHẬN
LỜI MỞ ĐẦU
Trong những năm gần đây, trong những đêm khó ngủ, tôi thường mở máy nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Dù rằng ở trong quân đội, tôi cũng có 1, 2 lần gặp gỡ nhạc sỉ họ Trịnh. Năm 1962, tàu ghé bến Qui Nhơn, chúng tôi có dịp mời các anh chị của trường Sư phạm Qui Nhơn xuống thăm tàu, trong đó có anh Trịnh Công Sơn và chị Bích Khê. Ca khúc Biển Nhớ đã ra đời tại trường sư phạm Quy Nhơn - trong thời gian này. Và nhân vật để Sơn viết bài Biển Nhớ là một người bạn gái cùng khóa, nên có câu "Ngày mai nối bước Sơn - Khê". Tôi thường hay lầm lộn bản nhạc Mấy dặm sơn khê là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong khi đó thật sự là của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cũng vì cái tên Sơn - Khê. Năm 1997, tôi về Việt Nam trong một dự án tài trợ ngắn hạn. Bạn bè Quốc Học lại có dịp thường gặp nhau tại quán Huế gần nhà thờ Kỳ Đồng. Thỉnh thoảng cũng có gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng 2 anh Nguyễn Văn Hạnh, La Quang Thanh. Hy vọng bài này không gây tranh cãi với một ai. Tôi viết chỉ để trân trọng một thiên tài âm nhạc của quê hương trong giai đoạn đau thương nhất của lịch sử dân tộc.
TRỊNH CÔNG SƠN VÀ DIỄM XƯA
Được cho là người tình đầu tiên của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhân vật “bí ẩn” đã đi vào huyền thoại trong sáng tác “Diễm xưa” của chàng nhạc sĩ họ Trịnh. Nhà văn hóa Huế, giáo sư Bửu Ý, đã kể lại một câu chuyện tình về Sơn và Diễm. “Ngày xưa, cây cầu Phủ Cam tuy ngắn nhưng đầy duyên nợ. Trịnh Công Sơn ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ. Hàng ngày, chàng cứ đứng lấp ló sau cây cột, lén nhìn một người đẹp. Nàng đi bộ từ bên kia sông, qua cầu Phủ Cam, dạo gót hồng dưới hàng long não, ngang qua chỗ Sơn ở là lòng chàng ngây ngất. Một tình yêu “hương hoa” kéo dài cho đến cuối đời chàng. Sau này, mỗi một mối tình tiếp theo của Sơn đều có hình ảnh cô gái đó. Tên cô là Diễm, người đã tạo cảm xúc cho Sơn sáng tác vô số bản tình ca bất hủ”.
Không chỉ lồng ghép những cảm xúc của mình trong nhiều nhạc phẩm mà Trịnh Công Sơn sáng tác, ông còn dùng những lời đẹp như thơ để viết về Diễm: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não”. Trịnh Công Sơn đã ngắm nhìn Diễm như thế trong khoảng thời gian dài, qua bao ngày tháng: “Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt…”
Ngô Bích Diễm thời đi học
Còn Bích Diễm đã giữ im lặng mấy chục năm và không ai nhớ đến Diễm xưa. Chỉ tới năm 2010, trong một lần họp mặt các nữ sinh trường Đồng Khánh, Bích Diễm mới từ Mỹ trở về. Bà vẫn mặc một áo dài Huế xưa, chân đi hài. Nét mặt hiền, nhân ái và hay cười nhẹ. Độ tuổi 60 vẫn không làm mất đi nhan sắc thuở nào của “Diễm”. Và lần đầu tiên, bà chia sẻ về chuyện tình với Trịnh Công Sơn: “Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lớn lên ở Huế và vào học ở Sài Gòn, với tôi Huế là một tình yêu bất tận, tôi yêu anh Sơn như yêu Huế, bây giờ Huế đối với tôi là một quê hương thứ hai, là một phần trong tôi”.
Bích Diễm năm 2010 tại Huế
TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CÔ NỮ SINH DAO ÁNH
Sau khi loạt bài Công bố hàng trăm bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đăng trên Thanh Niên năm 2011, nhiều bạn đọc rất muốn biết thêm về Ngô Vũ Dao Ánh. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái út của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kể rằng nhà của Dao Ánh nằm gần nhà của Trịnh Công Sơn - chỉ cách một cây cầu nhỏ Phú Cam - nên hằng ngày Dao Ánh đi học thường ngang qua đó … Dao Ánh là em ruột của Ngô Vũ Bích Diễm. Tuy nhiên mối tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Bích Diễm không sâu nặng như với Dao Ánh. Chuyện kể lại, khi yêu Bích Diễm, những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao Ánh - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau, Dao Ánh trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt thanh tú, đôi chút trầm buồn. Cô là nhân vật chính trong hàng loạt tác phẩm do Trịnh Công Sơn viết tặng như "Mưa hồng", "Còn tuổi nào cho em", "Ru em từng ngón xuân nồng", "Lời buồn thánh"...
Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nói như nhạc sĩ Đinh Cường: “Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao Ánh để rồi thất vọng, để rồi …”
“Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao Ánh, Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao Ánh trở về Việt Nam thăm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao Ánh nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hạnh phúc với thực tại. Chính Dao Ánh là cảm hứng cho Trịnh Công Sơn viết bài Xin trả nợ người: “Hai mươi năm xin trả nợ dài/ Trả nợ một đời em đã phụ tôi”.
Ngay từ khi còn nhỏ, Dao Ánh đã ngưỡng mộ và yêu quý Trịnh Công Sơn. Chính vì thế, khi biết chị mình (Diễm) đã chia tay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dao Ánh viết thư cho ông để nói lên tình cảm thân thương đồng thời chia sẻ những chuyện không vui đang bủa vây ông. Ngay sau khi nhận thư, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hồi âm và từ đó cả hai thường xuyên trao đổi thư từ. Năm 1964, Dao Ánh mới 15 tuổi còn Trịnh Công Sơn 24 tuổi. Lá thư đầu tiên của ông viết cho Dao Ánh là vào ngày 2/9/1964. Đến lá thư cuối cùng qua E-mail vào ngày 17/1/2001, trước khi ông mất chưa đầy 3 tháng. Khi đó, ông đang nằm trên giường bệnh, không còn khả năng cầm viết, nhưng vẫn nhớ tới Dao Ánh nên nhờ bạn đánh máy và gửi hộ. Kể từ ngày gặp Dao Ánh cho đến tận cuối cuộc đời, trong 37 năm, ông đã viết 300 lá thư cho Dao Ánh, nhiều nhất là khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1967.
Qua những lá thư gửi cho người tình, Trịnh Công Sơn luôn bày tỏ nỗi hoài nghi về một cái kết hạnh phúc giữa cả hai. Ông cho rằng sự tan vỡ, đau khổ là điều khó tránh khỏi. Chuyện tình của họ tan vỡ vào năm 1967 do nhạc sĩ chủ động chia tay. Dao Ánh sang Mỹ học tập, lập gia đình song vẫn giữ quan hệ thân thiết với Trịnh Công Sơn và gia đình ông.
Trong những bức thư gửi tình yêu thanh xuân của cố nhạc sĩ đều chứa những tình cảm, suy tư, trăn trở về hạnh phúc giữa cả hai. Trích bức thư Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh ngày 18/2/1965: "Anh nhớ Ánh nhớ nghìn năm yêu dấu vô cùng. Bao giờ hư vô biến mất trên cuộc đời này trên đời anh hở Ánh. Ánh ơi, gió đã đầy cả căn phòng anh trọ. Nhớ Ánh rất thê thiết". Về nguyên nhân chia tay, anh Sơn cũng nhiều lần nói với Trinh là anh nhận phần lỗi về mình. Anh nói thời đó anh chưa thể đem lại cho người mình yêu một cuộc sống hôn nhân trọn vẹn, nên anh chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Năm 1993, ông viết ca khúc "Xin trả nợ người" tặng Dao Ánh khi bà từ Mỹ trở về. Những ngày tháng cuối đời, dù nằm trên giường bệnh nhưng vẫn nhớ tới cô. Lá thư cuối cùng ông gửi người tình vào ngày 17/1/2001 qua E-mail. Ông nhờ người đánh máy và gửi hộ vì sức khỏe không cho phép.
Chân dung Dao Ánh thời trẻ
Dao Ánh từ Hoa Kỳ về thăm TCS năm 1993
Một chiếc lá ép trong thư gửi từ Blao về có chữ Trịnh Công Sơn ghi trên mặt lá: “Mưa lạnh đầy đó Ánh - 23 Septembre 1965” - Ảnh gia đình Trịnh Công Sơn cung cấp
Dao Ánh qua nét vẽ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
TRỊNH CÔNG SƠN VÀ KHÁNH LY
Ướt Mi là bản nhạc đầu tiên được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1959 khi ông còn đang trọ học ở Sài Gòn, trong bài hát có hình bóng của một cô ca sĩ mới 16 tuổi, đêm đêm đi hát phòng trà đã rơi những giọt lệ sầu bi khi hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, người sau đó trở thành nữ danh ca Thanh Thúy. Sau đó Trịnh Công Sơn viết bài Thương Một Người để tặng cho chị với câu: “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi vai…”
Tuy nhiên, người giữ lái con đò âm nhạc của TCS trên dòng sông của đất nước chính là Khánh Ly kể từ khi Diễm Xưa ra đời. Cuộc gặp gỡ một cô ca sĩ bé nhỏ trông rất là nhếch nhác ở Ðà Lạt lại là một định mệnh. Sơn đi tìm một người ca sĩ trẻ – hoàn toàn vô danh và Sơn bắt đầu từ giọng hát của người ấy với sự tập luyện của chính anh, bởi vì lúc đó Sơn không quen biết những ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn. Và anh nghĩ dễ hơn là đi tìm một ca sĩ vô danh như Khánh Ly lúc đó. Ánh sáng của định mệnh đã chỉ cho Sơn đến với Khánh Ly – và từ đó Khánh Ly đã tìm được nơi nương tựa và nơi phát triển tiếng hát của mình lên đỉnh cao.
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến hơn, từ khi ông cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn, một quán cà phê đơn sơ dựng trên bãi đất cỏ sau Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn do nhóm sinh viên mang tên Khai Hóa trong phong trào phục vụ thanh niên xã hội chủ trương, từ cuối năm 1966. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly. Ông kể: "Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. “Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly", còn Khánh Ly kể lại giai đoạn cơ cực đói khổ nhưng đầy hạnh phúc những năm 1960 ấy: "Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn".
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly tại Đà Lạt
TRỊNH CÔNG SƠN VÀ HỒNG NHUNG
Hồng Nhung sinh năm 1970 tại Hà Nội, năm 14 tuổi đã hát nhạc Trịnh và thành công với ca khúc “Em là hoa hồng nhỏ”. Năm 1991, Hồng Nhung vào Nam sống để có điều kiện gần gũi, chăm sóc cha. Vào một đêm cuối thu năm đó, Hồng Nhung gặp Trịnh Công Sơn tại nhà một người bạn. Âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có thời điểm được Hồng Nhung thổi một làn gió mới - đó là khoảng thời gian 10 năm trước khi ông qua đời. Khi ấy, Hồng Nhung chỉ mới bước qua ngưỡng cửa đôi mươi, và cô ca sĩ 21 tuổi hát nhạc Trịnh đã nhận không ít phản ứng trái chiều, bởi lúc đó người ta chỉ quen với giọng hát Khánh Ly.
Ngay từ lần đầu gặp Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung đã thấy một sự thân thương, che chở. Sau lần gặp gỡ ấy, Trịnh Công Sơn thêm lần nữa gắn bó với một ca sĩ và để lại những dấu hỏi cho mối quan hệ giữa một nhạc sĩ trung niên và một ca sĩ trẻ. Hồng Nhung hát nhạc Trịnh, cô hát với phong cách hiện đại, mới mẻ và làm trẻ hóa nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh do cô thể hiện không còn cái không khí trầm buồn, âm tính như của Khánh Ly. Trịnh Công Sơn đã viết 3 ca khúc tặng cô Bống nhỏ của mình: Bống bồng ơi, Bống không là Bống, Thuở Bống là người. 3 ca khúc là câu chuyện cổ tích về Bống, đồng thời là những cảm xúc trong sáng với tình yêu được trao gửi một cách thầm kín cho một người con gái đáng yêu. Ngoài bộ 3 ca khúc riêng, Hồng Nhung từng thể hiện thành công nhiều sáng tác của Trịnh Công Sơn như "Ru em từng ngón xuân nồng", "Đóa hoa vô thường"... Sở hữu chất giọng đẹp, cách nhả chữ tốt, Hồng Nhung đã mang đến một tinh thần mới, trẻ trung hơn cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Vài ngày cuối đời, khi biết mình ốm quá nặng, Trịnh Công Sơn từ chối gặp phụ nữ, nhưng khi Hồng Nhung đến thì Trịnh Công Sơn gặp mặt, họ cùng ăn trưa và đó là lần cuối cùng họ gặp nhau. Khi Trịnh Công Sơn mất, Hồng Nhung tâm sự trong lòng cô đã có một khoảng trống không thể lấp đầy. Chỉ một câu Bống nói “Người ra đi để tình yêu ở lại” cũng đủ mình chứng cho tình cảm sâu nặng giữa cô và Trịnh Công Sơn. Nói về mối quan hệ với Hồng Nhung, Trịnh Công Sơn chỉ cười: “Hồng Nhung là một người quá gần gũi không biết gọi là ai”. Còn Hồng Nhung, cô thấy mình may mắn vì được ở bên cạnh trong 10 năm cuối đời của Trịnh Công Sơn: “Tôi là người may mắn vì được gặp anh, được anh quá ưu ái, được sát cánh cùng anh”. Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn vừa là một người bạn với một người bạn, một học trò với một người thầy, một ca sĩ với một nhạc sĩ. Họ quá thân thiết để không biết gọi nhau thế nào cho đúng. Là bạn thì thân hơn là bạn, thầy, trò thì thân hơn thầy trò. Hồng Nhung cũng khẳng định giữa cô và Trịnh Công Sơn chắc chắn là tình yêu. “Ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình”.
Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn
TRỊNH CÔNG SƠN VÀ Á HẬU VÂN ANH
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc Báo Tiền phong 1990 (tên cũ của Hoa hậu Việt Nam) diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô đã chứng kiến màn đăng quang của top 3 là Hoa hậu Nguyễn Thị Diệu Hoa, Á hậu 1 Trần Vân Anh và Á hậu 2 Trần Thu Hằng. Dù ban đầu, Trần Vân Anh là thí sinh được đánh giá cao hơn về nhan sắc và chiều cao khi cô sở hữu hình thể 1m70 cùng số đo ba vòng đạt chuẩn lần lượt là 90- 60- 90, nhưng nhờ màn trả lời ứng xử thông minh mà Diệu Hoa đã bước lên ngôi vị cao nhất năm ấy.
Trong số thành phần ban giám khảo, diễn viên Lê Vân, họa sĩ Ca Lê Thắng, đạo diễn Việt Linh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều dành sự ưu ái cho Trần Vân Anh. Tuy nhiên, những người còn lại muốn vương miện được trao cho một người có vẻ đẹp thuần Việt hơn và thông thạo nhiều ngoại ngữ như Diệu Hoa. Nhạc sĩ họ Trịnh khi ấy không tranh cãi nhiều mà chỉ thốt lên một hai tiếng “Đẹp quá!” ngay lần đầu nhìn thấy nàng Vân Anh. Dáng vóc và nhan sắc của cô đã hút hồn, khiến ông mê mẩn. Á hậu Trần Vân Anh sinh năm 1970. Trước đó, cô từng làm công việc tiếp viên hàng không. Sau khi được nhiều người biết đến từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1990, mỹ nhân đến từ TP.HCM trở thành một người mẫu sáng giá của làng giải trí. Nhưng chỉ một thời gian ngắn cô đã biến mất và không còn tham gia bất cứ hoạt động nào trong showbiz.
Về mối tình với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hai người bén duyên nhau dù nàng Á hậu kém người nghệ sĩ tài hoa tới 31 tuổi. Tình cảm của họ sâu đậm đến mức cả hai từng tính tới chuyện đám cưới nhưng cuối cùng lại bất thành, nguyên nhân đến nay vẫn còn được giấu kín. Một số nguồn tin cho rằng, có thể vì Trịnh Công Sơn quá "nghệ sĩ" và cũng có những giai thoại hoài nghi đó là quyết định cá nhân từ phía á hậu. Chỉ biết cố nhạc sĩ phải mất rất nhiều năm mới nguôi ngoai nỗi nhớ Trần Vân Anh. Cô đã trở thành cảm hứng để ông cho ra đời câu hát đầy day dứt: "Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ/ Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm..." nằm trong ca khúc "Tôi ơi đừng tuyệt vọng". Về phía Á hậu Việt Nam 1990, chị chọn cách "ở ẩn" sau cuộc tình dang dở. Sự “mất tích” bí ẩn của cô để lại nhiều tiếc nuối cũng như hoài niệm trong lòng khán giả yêu sắc đẹp. Hơn nữa, thông tin về Á hậu Trần Vân Anh cực kỳ ít ỏi nên dù hàng chục năm qua nhiều người vẫn mong muốn tìm được tư liệu về cô- nhan sắc Việt nổi bật những năm 1990.
Trịnh Công Sơn và Á hậu Vân Anh
TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CA SĨ TRẺ TUYẾT PHƯỢNG (YOUTUBE TUYẾT PHƯỢNG – TUYET PHUONG NGUYEN - FACEBOOK)
Trở lại trong kênh Youtube của Tuyết Phượng, người cha luôn mang đôi kính trắng ngồi đệm đàn chân phương cho con hát. Người con Tuyết Phượng luôn mặc áo dài, quay góc nghiêng nhìn “mình hạc xương mai”. Nàng viết “Ba Phượng không phải một guitarist chuyên nghiệp, không được học nhạc lý bài bản, nên mỗi khi cho ba “lên sóng”, ba thường sợ sẽ bị cộng đồng mạng “ném đá” (trong dấu ngoặc kép trích dẫn nguyên văn mấy chữ ba hay nói). Phượng hay động viên ba: “Có sao đâu ba, có ai ném thì để con đỡ cho. Đừng có sợ”.
Tiếng đàn đơn giản mộc mạc của người cha hòa cùng tiếng hát nhẹ như gió thoảng đã tạo thành cha - con hoàn hảo. Nhiều bài nhạc Trịnh được Tuyết Phượng cover lại theo phong cách tự nhiên gần gũi. Cách phối hợp của hai cha con không chút cầu kỳ lại được trình diễn trong góc nhà quen thuộc thực sự xúc động. Nàng hát chân thành mong manh buồn vui qua những ca khúc quen thuộc. Giọng ca của nàng làm “trẻ hóa” các giai điệu được mặc định qua các giọng ca thời trước. (Vì nàng còn trẻ mà!). Một lần nữa hy vọng tiếng hát của Tuyết Phượng sẽ bay xa bay cao mà vẫn đời thường khả thể.
Tuyết Phượng – Thế hệ nối tiếp hát nhạc Trịnh Công Sơn
TRỊNH CÔNG SƠN VÀ THÂN PHẬN
Khi bắt đầu sưu tập bài này, tác giả chỉ tập trung vào chủ đề Trịnh Công Sơn và những bóng hình ngày xưa. Đọc đi đọc lại bài viết, tác giả quyết định thêm phần Trịnh Công Sơn và thân phận dù rằng phần này cũng có thể gây vài tranh cãi. Cũng không muốn nói về Trịnh Công Sơn những năm đầu sau cuộc chiến. Trịnh Công Sơn sáng tác được khoảng hơn 600 ca khúc, tuy nhiên tới tháng 4 năm 2017 chỉ có 77 bài được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép. Những tác phẩm có ca từ độc đáo, mang hơi hướng suy niệm. Theo Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam, chi nhánh phía Nam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là tác giả được trả tác quyền nhiều nhất với hơn 820 triệu đồng trong năm 2015 và luôn trong top 5 nhạc sĩ có tiền trả tác quyền cao nhất.
Tuy nhiên, có một đánh giá khá phổ biến cho rằng phần nhạc của Trịnh Công Sơn quá đơn điệu về đề tài, chủ yếu tập trung vào tâm trạng mơ hồ, mộng tưởng. Đánh giá này trùng khớp với lời lý giải của ông về sự sáng tác của mình: "Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo ...". Hai mảng đề tài lớn nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn là tình yêu và thân phận con người.
Trịnh Công Sơn từng nói từ khi còn trẻ ông đã luôn ám ảnh bởi cái chết nên âm nhạc của ông mang trong đó một sự mất mát của những số phận con người. Ông cũng ảnh hưởng bởi Phật giáo của phương Đông và chủ nghĩa siêu thực của phương Tây, nhạc Trịnh Công Sơn thấm đượm màu sắc hiện sinh, buồn bã của các tác giả văn học phương Tây thập niên 60 như Jean Paul Sartre, Albert Camus,... Tiêu biểu là các ca khúc "Cát bụi", "Đêm thấy ta là thác đổ", "Chiếc lá thu phai", "Một cõi đi về", "Phôi pha",... Bên cạnh đó, có những bài tuy là nhạc buồn nhưng có gợi nên tư tưởng thiền như "Một cõi đi về", "Giọt nước cành sen".
Dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn có số phận thật trớ trêu. Từ quyển Ca khúc Da Vàng khai mào một dòng nhạc nóng bỏng thiêu cháy con tim những thanh niên trong lòng cuộc chiến, đến quyển Kinh Việt Nam đã là một bước chuyển dài. Từ một khát khao bình yên được khơi dậy tháng 5 năm 1968, con tim mọi người miền Nam đã theo dõi từng bước chuyển biến của hội nghị Paris với lòng chờ đợi một viễn cảnh hòa bình.
Cuối năm 1968, Trịnh Công Sơn ra đời quyển Kinh Việt Nam, không lâu sau, nhóm Luân Hoán, Lê Vĩnh Thọ và Phạm Thế Mỹ ra mắt tập thơ nhạc Hòa bình ơi hãy đến, chưa kể đến những nhạc sĩ mọi nơi cũng góp tiếng hân hoan của mình cùng tia sáng yếu ớt của bình minh chưa ló dạng. Phận số của quyển nhạc Kinh Việt Nam không suôn sẻ như quyển Ca khúc da vàng. Sự ra mắt dù vẫn được đón tiếp trọng hậu, nhưng cách phổ biến vẫn còn hạn hẹp bởi cuộc sống mọi nơi đang còn chưa ổn định sau trận hồng thủy tết Mậu Thân, một cơn kinh hoàng máu lửa trải đều cho cả nông thôn và thành thị.
Tập nhạc này có chia thành 2 phần. Phần thứ nhất là Phụ khúc da vàng. Chỉ với 2 bài Hát trên những xác người và Bài ca dành cho những xác người. Phần thứ hai có tên là Kinh Hòa Bình gồm những bài vẽ ra viễn ảnh ngày vui đất nước, trong niềm vui nghẹn trào hân hoan có đọng quá nhiều nỗi niềm còn sót lại. Và Kinh Việt Nam vẫn như một tên chung cho những bài kinh khổ từ thân phận, từ khổ đau và ngay cả nỗi niềm hân hoan về một hòa bình mờ ảo cuối chân mây. Hai bài phụ khúc đầy ấn tượng mùa xuân lửa đỏ dường như có số phận riêng, những bi thảm cực cùng trong chiến tranh không còn dễ phơi bày.
Trong đêm họp bạn Thanh Niên Hồng Thập Tự toàn quốc tổ chức tại đồi Lasan Nha Trang giữa năm 1969, những người tham dự đã hát tất cả những bài trong phần Kinh Hòa Bình giữa ánh lửa bập bùng. Những bài hát nghe ra nỗi chờ của bài Chờ nhìn quê hương sáng chói, bài Ngày mai đây bình yên, đến niềm vui dựng lại quê hương.
Trong lời mở của tập bài hát, Trịnh Công Sơn viết: “Kinh Việt Nam là những tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương. Kinh Việt Nam cũng là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu nầy”. Những lời đầu tiên này đã gom tất cả những bài hát viết về quê hương thân phận và hoài bão của người dân thời chiến vào chung một lời kinh, Kinh Việt Nam dù trong quyển này tiếng kêu thương thống thiết đó chỉ có hai bài: Hát trên những xác người và Bài ca dành cho những xác người.
Từ những bài ca đầu tiên như tuyên ngôn phản kháng chiến tranh, Ca khúc Da vàng mãi là những bài ca mộc mạc nhất của thân phận quê hương, lúc con mắt người nhạc sĩ thấm đẫm nỗi đau thương của những người quanh mình. Đỉnh cao là hai bài ca khai mào cho quyển Kinh Việt Nam.
Khi ca khúc Phụ khúc da vàng ra đời, dù vẫn là những hình ảnh của một chứng nhân, nhưng đã gợn chút chua chát, ngán ngẫm sau khi tận mắt chứng kiến tang thương từng ngày qua trên chính miền đất chôn nhau cắt rốn của mình. Trịnh Công Sơn đã chua chát viết sau thất vọng cay đắng về niềm tin trót gửi gắm vào Kinh Hòa Bình: “Tôi không còn muốn nhắc nhở đến lòng nhân đạo và lương tâm con người. Những tiếng đó chỉ còn gợi lên cho những kẻ khốn cùng nơi đây hình ảnh của tên lang băm và phu đám tang”.
Và người đọc đã hiểu tại sao tập ca khúc Kinh Việt Nam sau này không còn chia hai phần như lần in đầu tiên, nó mất đi 2 bài ca đầu tiên viết về xác người. Bởi năm 1969, khi Nhân Bản tái bản Ca khúc Da vàng, đã gom 2 bài ca này vào đây. Chưa có nhạc sĩ nào ngoài Trịnh Công Sơn tạo được sức sống mãnh liệt cho dòng nhạc này đối với cộng đồng dù vẫn còn quá nhiều bàn cãi, vẫn còn những bài viết phê phán, nhưng Trịnh Công Sơn đã làm hết sức mình rồi trong vai trò chứng nhân giữa hai làn đạn. Hãy để âm nhạc bộc lộ nỗi niềm và để sự lắng lòng chắt lọc nỗi niềm tan tác giữa khắc bạc chiến chinh. Một người bạn, nhạc sĩ Trần Xuân Túc đã viết một câu mà mãi đến nay mọi người vẫn ngậm ngùi “Dù hòa bình chỉ là những chữ ký, mà ngàn năm, ngàn năm lạc loài” Trịnh Công Sơn đã thôi mơ sau những năm tháng dày vò từ khi hết chiến tranh.
PHẦN KẾT
Theo tác giả Ban Mai, trong cuốn "Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng", nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến bị cả hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa cấm lưu hành. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng không tán thành thái độ phản chiến của ông về chiến tranh.
Có người lên án, nhưng cũng có người bảo vệ. “Tội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ông đã làm nhạc phản chiến một cách chung chung. “Gia tài của mẹ” với câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Ông còn làm nhạc ca ngợi người chiến sĩ miền Nam trong bài “Cho một người nằm xuống" thương tiếc đại tá không quân VNCH Lưu Kim Cương tử trận – người đã từng cưu mang ông. Đối với những bài hát được gọi là ca khúc da vàng, những bài hát kêu gọi hòa bình của Trịnh Công Sơn có số phận thật trớ trêu. Nó như một vòng nguyệt quế vinh quang và đầy gai sắc nhọn. Trước 1975, chính thể ở cả hai miền đều không muốn nói tới những bài hát này. Chỉ có người dân, người yêu nhạc mới tìm đến và yêu thích, bất chấp những lệnh cấm cho đến tận ngày nay, nó vẫn sống mãi trong lòng người yêu nhạc.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn được xếp thành một dòng nhạc chuyên biệt mang tên Nhạc Trịnh (hay Trịnh Ca). Nhạc Trịnh xoay quanh 3 chủ đề lớn là tình yêu, thân phận con người và thời cuộc. Tuy nhiên, có thể nói rằng, sản nghiệp lớn nhất mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại đã vượt cả ra ngoài địa hạt âm nhạc, đó là tư tưởng, là sự kết nối, yêu thương, hòa hợp giữa lòng người với lòng người.
Khi Trịnh Công Sơn qua đời, ông đã yêu cầu được an nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa (TP.HCM), bên cạnh ngôi mộ của người mẹ đã sinh ra ông và dành hết cả cuộc đời nuôi con cái lớn khôn. Năm 2019, ngôi mộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dự trù sẽ được dời về Huế theo ý nguyện của ông khi còn sống.
Ngày 28/2/2019, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành nhân vật xuất hiện trên trang chủ tiếng Việt của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới Google nhân sinh nhật lần thứ 80 của ông. Đây là lần đầu tiên Google Doodles vinh danh một người Việt.
THAM KHẢO:
1) Trịnh Công Sơn – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia
2) Bài viết “Từng người tình bỏ ta đi …” đăng trên mạng Songnhi Blog ngày 27/6/2014.
3) Bài viết “Chân dung người tình đẹp nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” đăng trên mạng VOV.VN ngày 10/4/2017.
4) Bài viết “Chân dung Dao Ánh thời trẻ - người tình đẹp nhất của Trịnh Công Sơn” đăng trên mạng Tiền Phong ngày 7/11/2020.
5) Bài viết “Thư tình gửi một người' của Trịnh Công Sơn – 3 phần” đăng trên mạng Tuổi Trẻ năm 2011.
6) Bài viết “Bi Kịch Trịnh Công Sơn” của tác giả Trịnh Cung.
7) Bài viết “Trịnh Công Sơn – Bài ca dài cho thân phận con người” của tác giả Đặng Châu Long.
8) Chuyện Trịnh – Mega Story – Vietnam Plus.
9) Bài viết “Á hậu Trần Vân Anh và bí ẩn biến cố hủy cưới với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” đăng trên mạng Công Luận.VN ngày 14/6/2021.
10) Bài viết “Nghe nhạc Trịnh giữa Sài Gòn mùa dịch”
7/7/2021
No comments:
Post a Comment