Wednesday, November 3, 2021

NHÀ THƠ Y SA (THÍCH NGUYÊN NGUYỆN)

 

NHÀ THƠ Y SA.

 

Vu vơ ta mấy dặm đường...

Vời trăng thiên cổ chút buồn nhân gian.

Đây là hai câu thơ của Nhà thơ Y Sa gởi cho Nguyên Nguyện trên zalo lúc 3.50 am ngày 14/10/2021

Sáng nay 2.15am bên Mỹ , Việt Nam 2.15 chiều , chuông điện thoại reo , cứ tưởng Nẫu gọi , nhưng khi nghe giọng nói rất chi là Huế : Ni Trưởng Thích Nữ Khiết Viên.

 

Những Thập Niên 80, 90 ở thế kỷ trước , trong dòng văn học đương đại , nổi lên hình tượng của một vị Ni , vừa là nhà thơ vừa là nhà thư họa ,với một phong cách riêng biệt, vị Ni Sư đó làm nên , một tên tuổi trong lòng công chúng , những người hâm mộ thơ văn hiện đại , thư pháp tiếng Việt cũng như những bức họa về Đạt ma Tổ sư : Y SA

Có thể nói rằng , Sư Y Sa là người đầu tiên viết thư pháp tiếng Việt cũng như họa vẽ bằng bút lông và mực tàu , với tông chủ đạo trắng đen , nhưng những bức thư pháp, những bức tranh trắng đen đó đã chuyển tải đến người đọc , người nhìn một cách hoàn hảo không tì vết.

 

Thời đó điện thoại di động chưa được ưu đãi ở Phú Yên, mỗi lần liên lạc với ai , Nguyên Nguyện phải đến Bưu Điện Huyện , cách chùa Từ Ân khoảng 7km .  Một buổi chiều giữa thu , những cơn gió lạnh se sắt từ vùng đồi núi miền trung , đủ để mặc thêm những chiếc áo ấm ,Sư Y Sa , Sư Khiết Ngọc cùng với mấy anh chị em cựu Học Sinh Phật Tử Phú Yên ra thăm Chùa Từ Ân bằng những chiếc xe honda thời thượng cổ.

 

Buổi cơm chiều đạm bạc của vùng quê xứ nẫu , cũng đủ ấm lòng kẻ phương xa , chong đèn hột vịt , Nguyên Nguyện cùng các anh chị em cựu học sinh Phật Tử Phú Yên , nghe Sư nói về thơ , chất giọng rất ư là Huế , rất ư là ngọt ngào của O Tôn Nữ , nghe ngọt mát như đường phèn tháng năm , Sư bình thơ không giống như những nhà bình thơ khác, Sư xen lẫn giữa đời với đạo , giữa mộng và thực , giữa sương khói và liêu trai , giữa bàng bạc và mênh mông , không nhất thiết thuần khiết ở những ngôn từ văn chương , Sư đã đem lại cái nhìn mới về nhận thức văn chương thông qua ngôn ngữ ẩn dụ đặc thù chẳng lẫn vào đâu được.

 

Cuộc hội ngộ hôm đó được kéo dài trên hai chiếc sỏng , được một người dân địa phương giúp , ngồi giữa mênh mông thu dạ , với vài chiếc đèn dầu , con sông Cay đêm đó cũng hòa quyện với người nghệ sĩ , tỏa những hơi lạnh miên man , làm ý thơ bất tận được tuôn trào , sư đã sống trọn vẹn với THIỀN VÀ THƠ.

Mọi người nghĩ lại Chùa Từ Ân , trên những chiếc gường xếp dã chiến , ấy vậy mà tình người , tình thơ , tình Linh Sơn cốt nhục vẫn lưu lại đến bây giờ.

 

Bẵng đi hơn 15 năm chưa một lần liên lạc ,vì những nghịch duyên Nguyên Nguyện phải rời Việt Nam , nhờ Facbook nối kết , mới liên lạc được với một vị Ni mà trong tâm Nguyên Nguyện , lúc nào cũng kính mến

Trong dòng sống tương tục này , xin hãy là nụ cười , để cuộc đời thêm những đóa hoa tươi đẹp.

 

Có một câu chuyện vui giữa Nguyên Nguyện với Sư Y Sa : Nguyên Nguyện cũng tập làm thơ , nhưng không thể lãng du như những nhà thơ vì là dân Xứ Nẫu chính hiệu , một hôm nọ vô Sài Gòn , ghé Chùa KIM LIÊN quận 4 , thăm Sư , ngoài trời nắng chang chang như đổ lửa , đạp chiếc xe đạp qua cầu Muối đến chùa , mồ hội nhễ nại , Sư pha một bình trà , bình trà dùng để trà đạo, nhỏ đến nổi chỉ có vài chung tí xíu , vì khát quá , cho nên sư rót bao nhiêu ,Nguyên Nguyện uống bấy nhiêu , không chừa một giọt , Sư nhìn Nguyên Nguyện chỉ biết ............. tưởng Nguyên Nguyện là tao nhân mặc khách té ra Ông Thầy Chùa quê đậm nét xứ nẫu...... Sư miễn bàn.

 

Xin quý đọc Y Sa cõi trăm năm , Y Sa Thập Mục Ngưu Đồ , để nhìn ra một giao diện mới trong dòng văn học đương đại , trong nền thư họa đương đại.

 

Oklahoma October 14.2021

THÍCH NGUYÊN NGUYỆN


No comments: