Sunday, May 22, 2022

CHIẾN TRANH UKRAINE LÀM KHAN HIẾM THỰC PHẨM, ẢNH HƯỞNG CÁC NƯỚC NGHÈO (VANN PHAN)

  Chiến tranh Ukraine làm khan hiếm thực phẩm, ảnh hưởng các nước nghèo

May 21, 2022

Trong bản báo cáo hằng năm nhan đề “Tình Trạng An Ninh Thực Phẩm và Dinh Dưỡng Trên Thế Giới” (The State of Food Security and Nutrition in the World), được công bố vào ngày 18 Tháng Chín, 2021, Tổ Chức Lương Nông Thế Giới (FAO) cho biết nạn đói và tình trạng thiếu thực phẩm ảnh hưởng dân chúng toàn cầu. Hai điểm chính trong bản báo cáo này là nạn đói cũng như tình trạng thiếu thực phẩm đang gia tăng, và cuộc suy thoai kinh tế vì đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm các khó khăn đó. Bản báo cáo của FAO chỉ rõ rằng, trong thời kỳ đại dịch, có tới 720 triệu người trên thế giới phải đối phó với nạn đói kém trong khi khoảng 10% dân số toàn cầu bị thiếu dinh dưỡng.

Nhưng đó là chuyện của năm 2021, tức là khoảng một năm rưỡi sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán bên Trung Quốc vào ngày 12 Tháng Mười Hai, 2019 rồi lan ra khắp nơi.

Bắp tại hải cảng Constanta, Romania, ở biển Hắc Hải, chuẩn bị xuất cảng. Romania bây giờ là nơi xuất cảng “dùm” cho Ukraine sau khi các hải cảng của quốc gia láng giềng bị Nga phong tỏa. (Hình minh họa: Daniel Mihailescu/AFP via Getty Images)

Hôm 14 Tháng Năm, một bài viết trên nhật báo The Wall Street Journal nói rằng các nước đang mở mang lại khốn đốn vì giá thực phẩm không ngừng tăng cao, bởi vì cuộc chiến tranh Ukraine gây tác hại thêm cho chuỗi cung ứng thực phẩm đang gặp trở ngại trong khi thế giới lại phải đối phó với tình trạng mùa màng ở nhiều nơi bị thất thu.

Giá cả thực phẩm leo thang dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại các quốc gia đang mở mang, trong khi những gián đoạn thương mại vì cuộc chiến tranh tại Ukraine càng làm trầm trọng hơn chuỗi cung ứng ngũ cốc, thịt và các loại thực phẩm khác trên thế giới.

Hôm Thứ Bảy tuần rồi, Ấn Độ ra lệnh cấm xuất cảng lúa mì nhằm giúp ổn định giá cả trong nước, một biện pháp bị coi là làm tệ hại thêm tình trạng khan hiếm thực phẩm toàn cầu.

Hồi cuối tháng trước, Indonesia ra lệnh ngưng việc xuất cảng dầu dừa, cũng là nhằm ngăn chặn giá dầu ăn trong nước gia tăng.

Một trong những hậu quả thấy rõ của tình trạng giá cả thực phẩm tăng cao là việc thủ tướng Sri Lanka phải từ chức hồi đầu tuần rồi sau khi có các cuộc biểu tình của dân chúng phản đối giá thực phẩm tăng cao, trong khi nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ cũng nổ ra tại các nước thuộc vùng Trung Đông.

Tại một số quốc gia Phi Châu, các nhà máy xay không còn lúa mì để xay nữa, và người tiêu thụ tại đây phải thay thế ngũ cốc bằng những thực phẩm khác.

Tại một cuộc họp ở Đức vào hồi cuối tuần trước, các nước giàu thuộc nhóm G-7 cho rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga “tạo nên tình trạng khan hiếm thực phẩm và năng lượng nghiêm trọng trong lịch sử hiện đại, đe dọa nghiêm trọng những quốc gia nghèo nhất trên thế giới.”

Mặt khác, một số lượng lớn hàng ngũ cốc xuất cảng của Nga bị ảnh hưởng tai hại vì những cuộc cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương cùng với tình trạng mất an ninh ở biển Hắc Hải, nơi tàu chiến và tàu buôn của Ukraine bị Nga chận lại. Nga và Belarus cũng ngưng xuất cảng phân bón đi các nơi như trước kia.

Belarus là đồng minh thân cận nhất của Nga, và là quốc gia cho Nga mượn đất đóng quân để xâm lăng Ukraine nên cũng bị cấm vận.

Ông David Beasley, giám đốc điều hành Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới, nói trước một hội nghị tại New York rằng các hải cảng của Ukraine phải được mở cửa lại trước mùa gặt vào trung tuần Tháng Sáu để ngăn chặn tình trạng khan hiếm lúa mì vào năm tới. Khoảng 300 triệu người khắp nơi có thể sẽ phải đương đầu với “tình trạng thiếu hụt thực phẩm ở mức báo động trong những tháng tới đây.”

Ngay cả các nước giàu trên thế giới cũng bị giá thực phẩm tăng cao gây khó khăn.

Ngân hàng thực phẩm từ thiện Matsentralen của Na Uy cho biết họ đã phải phát ra một số lượng thực phẩm nhiều hơn tới 28% so với năm 2021.

Bộ Lao Động Hoa Kỳ cho hay giá thực phẩm toàn quốc trong Tháng Tư tăng lên tới 10.8 % trong 12 tháng qua, mức tăng giá hằng năm lớn nhất kể từ hồi Tháng Mười Một, 1980 tới nay.

Các siêu thị tại Anh giới hạn số lượng dầu ăn làm từ hoa hướng dương, đó là theo lời của ông John Allan, chủ tịch hệ thống bán hàng tạp hóa khổng lồ Tesco PLC, nói với đài BBC hồi tuần này như thế.

Tuy nhiên, chính những nước nghèo nhất thế giới đang phải cảm nhận những hậu quả khốc liệt của cuộc xung đột tại Ukraine, với tình trạng giá thực phẩm ngày càng đắt đỏ.

Các nước nghèo và cần nhập cảng nhiều thực phẩm để tiêu thụ, tiêu biểu là Bangladesh, Sri Lanka, và Afghanistan tại Á Châu, đều dựa vào Ấn Độ để mua nông phẩm cho dân chúng họ.

Tuy nhiên, Ấn Độ, vốn là nước cung cấp nhiều lúa mì cho các lân bang, lại đang bị nạn hạn hán hoành hành, khiến cho mức sản xuất nông phẩm của xứ này bị sụt giảm mất 6 % trong năm nay, đúng vào lúc cuộc chiến tranh tại Ukraine đang gây xáo trộn thị trường thực phẩm thế giới.

Đảo quốc Sri Lanka cũng tùy thuộc vào Ukraine và Nga tới 45 % số lúa mì nhập cảng hàng năm của họ.

Ngay cả nội tình Iran cũng thêm lộn xộn vì những cuộc biểu tình của dân chúng phản đối tình trạng các món hàng thiết yếu, như đường và dầu ăn, lên giá quá nhanh vì cuộc chiến tại Ukraine.

Tehran đã bãi bỏ những khoản trợ cấp về lúa mì và bột mì cho các tiệm làm bánh trong nước để ngăn ngừa nạn tuồn hàng ra thị trường chợ đen giữa lúc nạn khan hiếm thực phẩm đang diễn ra tại nhiều phần đất trên thế giới.

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine cũng gây ra nạn khan hiếm dầu ăn làm bằng hoa hướng dương, trong khi Ukraine vốn là nước xuất cảng rất nhiều dầu hoa hướng dương ra ngoại quốc.

Tình hình càng xấu thêm khi khắp lục địa Phi Châu, thời tiết khắc nghiệt làm cho mùa màng bị thất thu. Các nước lúc nào cũng cần nhập cảng nông phẩm, như Ai Cập, Cộng Hòa Congo và Cameroon, đều phải tìm cách thích ứng với tình trạng thực phẩm khan hiếm hiện nay của thế giới bằng cách quay sang dùng các thức ăn khác.

Tình trạng giá cả thực phẩm tăng cao vì cuộc xâm lăng Ukraine của Nga cũng khiến các gia đình tại nhiều nơi trên thế giới phải thay đổi thực đơn hàng ngày để duy trì mức dinh dưỡng cần thiết. Giá cà rốt và cà chua tại Brazil năm nay tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Bài báo của WSJ cũng đề cập tới chuyện bà Maria Socoro da Costa Alves, một công nhân đã về hưu tại Sao Paolo, Brazil, phải giảm mức ăn thịt từ mỗi tuần một lần xuống còn mỗi tháng một lần cho vừa với ngân sách hạn hẹp của gia đình mình.

“Đầu tiên là đại dịch xảy ra, rồi bây giờ lại đến chiến tranh,” bà Alves nói khi đang đi chợ mua thực phẩm giá rẻ tại một siêu thị địa phương. “Có khi mình còn không đủ khả năng mua ngay cả những món đồ thiết yếu cho cuộc sống nữa, và tôi cứ sợ tình hình sẽ còn tệ hại hơn thế trong nay mai.” (Vann Phan)


No comments: