THU KỲ VÀ CHÁU ĐẾN MỸ (1982) |
MÃ LAI Á HAY MẢ ĐÁ
Thay lời giới thiệu:
Được sự khuyến khích của người thân yêu,
Thukỳ muốn ghi lại những mảnh nhỏ của chính cuộc đời mình đã trải
qua trong 5 năm trời sóng gió (75-80) để gom lại thành một đoạn đời
dĩ vãng không mấy diễm phúc, nhưng đó là kinh nghiệm cho bản thân, như
những câu danh ngôn mà Thukỳ đã đọc:
“Mặt biển bình yên không thể tạo
nên một thủy thủ giỏi”
Và “Tôi mạnh mẽ vì đã trải qua nhiều
khó khăn, sáng suốt vì đã mắc nhiều sai lầm, và luôn vui vẻ vì đã
trải nghiệm nhiều điều phiền muộn”.
Khi 30 tháng 4/1075 đến thì Thukỳ vừa
sinh đứa con đầu lòng cháu Duy Cường 1 tháng, lúc đó ông xã là Nguyễn
Thế Sáng, cựu Phó Quận Trưởng Sơn Hòa, Trưởng ty Nội An, Trưởng Trung
Tâm Chuẩn Chi Tuy Hòa, Phú Yên… đi “cải tạo” và ra tận miền Bắc gần
10 năm.
Một mình ở nhà sống với gia đình bên
chồng và con nhỏ, cũng bị đưa đi “kinh tế mới” sau đợt kiểm kê và đổi
tiền lần đầu, vì gia đình chồng là chủ tiệm vàng Kim Quang ở Gia
Định.
Thukỳ muốn giới thiệu qua một tí để
quý thầy cô & các anh chị khi đọc những mẩu chuyện nhỏ của Thukỳ
kể lại sẽ hiểu hơn trong hoàn cảnh lúc đó, và tại sao Thukỳ phải
bươn chải một mình trong hơn 10 năm lận đận.
Nhìn lại đời mình và những gì có được
hôm nay Thukỳ thấy vui và hãnh diện với bản thân mình, không quên cám
ơn bề trên đã luôn nâng đỡ tinh thần và ban cho sự chịu đựng dẻo dai,
và những sự thành công của con cái. Có phải chăng là phần thưởng mà
ơn trên đã ban cho?
Mong tất cả các bạn đang gặp phải khó
khăn cũng cố gắng vươn lên, sống thật đẹp và luôn luôn hy vọng vào
tương lai tốt đẹp hơn.
Thukỳ.
*****
Tôi nhớ vào khoảng năm 1976, sau đợt kiểm
kê đánh tư sản, và đổi tiền mới, gia đình chồng tôi phải chạy về
vùng quê Cờ Đỏ (Cần Thơ) có người bác chồng làm Linh Mục ở đó, một
nơi xa xôi hẻo lánh để trốn cái dĩ vãng không mấy tốt đẹp của gia
đình chồng tôi là chủ tiệm vàng, 3 con trai đều đi “cải tạo”, còn
lại mẹ già với 3 đứa con dâu kéo về chung sống, cùng một đàn cháu
nội 9 đứa!
Con có cha nhưng thành không cha. Mấy
chị em dâu toàn là “ăn trắng mặc trơn” không quen cực khổ, tiền bạc
chẳng còn... cuối cùng phải cố mà sống, không biết làm ruộng, phải
tìm cách buôn bán vớ vẩn để sống qua ngày và lo cho con cái.
Sau 3 năm lận đận tin chồng thì như cá
biệt tăm, ngày về chẳng còn chút gì hy vọng, phong trào vượt biên
nổi lên rất nhiều, dù lúc đó có bao nhiêu nguy hiểm như hải tặc Thái
Lan, cướp của, hãm hiếp, bắt cóc … Tôi bất chấp vì khổ đau đến tận
cuộc đời không còn lựa chọn nào hơn, mẹ chồng tôi cho phép tôi dẫn
con đi để lo tương lai cho cháu của bà, và tự nhủ thầm như con trai bà
đã chết hoặc ngày về không bao giờ đến.
Sau khi thỏa thuận với người môi giới
tín nhiệm, lúc đó đi vượt biên số vàng rất cao vì phải lo cho bãi,
tôi bế con với ít quần áo và chút tiền đi xuống Rạch Giá, biết bao
lo âu, vì đây là lần đầu tôi đi đến vùng này. Chuyến đi này dự trù
sẽ đưa chúng tôi đến Mả Lai (họ nói sao nghe vậy chứ biết đời trôi
dạt về đâu?).
Đến bến xe, có người đón 2 mẹ con về
chỗ chứa người vượt biên, là nơi có khoảng 50-60 người, đa số là người
lớn nhiều, vì ít ai muốn mang con nít sợ bị bể; vì vậy, tôi phải năn
nỉ mãi họ mới cho con tôi đi với 5 cây vàng, như người lớn. Khi ở
trong căn nhà này họ tự giới thiệu với chúng tôi là vợ chủ tàu cùng
gia đình ở đây, vợ tài công cũng ở đó...để tạo nên niềm tin thật lớn
là chúng tôi không bị gạt gẫm.
Theo thỏa thuận thì chỉ đưa trước mỗi
người một cây vàng, số còn lại sẽ đưa đủ khi bước chân lên tàu lớn,
và chuyến này rất an toàn vì đi như chính thức. Giá khá đắt, vì
phải lo bãi bến cho công an…
Chúng tôi ở đó được 1 ngày đêm và cứ
vài giờ họ đem tin tức vào cho biết diễn biến. Đến ngày thứ
nhì, theo dự định thì tối sẽ xuống tàu, họ bảo không được mang túi
xách nhỏ hay mang giầy dép… vì nếu rớt lại sẽ bị lộ đường làm ăn
của họ, cứ đi ra tàu tất cả họ sẽ lo chuyển sau.
Nhìn sau bãi là cánh đồng lúa mới cắt,
đi chân trần chắc là đau đớn lắm. Mặc dù Cường còn nhỏ, nhưng tôi lo sợ
không bồng nổi nó. May quá, có một anh trông trẻ và còn khỏe, tôi
năn nỉ anh bế dùm con tôi. Nhìn thấy tôi gầy còm vì thiếu
dinh dưỡng, anh tội nghiệp bằng lòng giúp, tôi mừng lắm cám ơn anh rối
rít.
Cơm tối xong ai cũng hồi hộp vì tí nữa
tối trời là sẽ đi ra tàu, bỗng cửa bật mở, chủ tàu và vài người
đàn ông nói thật nhỏ vừa đủ cả phòng nghe:
“Bị bể rồi, phải lo tiền hối
lộ nhanh kẻo không bị bắt hết, tàu đi lấy dầu thì bị công an bắt
giữ lại….tất cả bà con với số vàng còn lại phải đưa đủ để lo cho
họ, và lấy tàu đi cho kịp đêm nay…”
Đại khái là như thế, không ai nói với
ai, mọi người nhìn nhau lo lắng!!! Tôi còn trẻ không biết suy nghĩ ra
sao, chờ cho mọi người quyết định, cuối cùng mọi người đều phải lấy
vàng đưa đủ cho họ (Rất nhiều người nổi tiếng như vợ của chánh án
quân sự SG cùng 2 con gái và con rể là BS, vợ cựu Trung tá …) Trong
hoàn cảnh đó thì tôi cũng làm theo họ mà thôi.
Tối đến có lệnh cho ra đi, cứ người sau
nhìn người trước mà đi không ai thấy mặt ai nữa, tôi kéo áo đi sau anh
chàng bế dùm con cứ đi mãi, sự lo lắng sợ hãi đã quên cả đau đớn vì
đi chân trần hay có gì cào vào da thịt. Đến khi ra giữa cánh
đồng họ ra lệnh ngồi xuống, nhìn vào 2 bên làng xóm thỉnh thoảng
lóe lên ánh đèn thật buồn mà đến giờ này tôi còn nhớ cảm giác đêm
hôm đó, bổng con tôi khóc! Cả nhóm hết hồn họ chạy lại
bịt miệng cháu. Sau cùng ông BS chích cho cháu thuốc gì chả biết,
hay làm gì đó, thì khoảng mấy phút sau cháu ngưng khóc. Tôi
sợ con tôi chết vì không thở được khi họ bịt miệng lại. Nghĩ lại
còn xót xa, nhưng biết sao hơn bao nhiêu sinh mạng với những lo âu cùng
cực!
Chúng tôi ngồi rạp xuống chờ trong im
lặng, mặc sức cho đàn muỗi đói cắn cũng không hề cảm thấy ngứa đau nữa; ai
cũng ráng nín thở chờ lệnh, và mỗi lần nghe tiếng chó sủa là tim mọi
người thóp lại, khổ chưa bao giờ bằng giây phút này. Chẳng biết bao
lâu, cho đến khi gần gà gáy sáng, bỗng một người nói nhỏ:
“Bà con ơi, mình bị gạt rồi, tìm cách
vô lại chứ không thì bị bắt đi tù cả đám, nhưng phải đi cách xa từ
từ không đi 1 lúc…”
Chúng tôi đâu biết nhà chứa chỗ nào mà
vào lại, rồi đi theo họ cuối cùng vào một nghĩa trang cũ toàn mả
bằng đá xây. Tôi là người sợ ma nhất trong cuộc đời, nhưng lúc
đó thì ma phải sợ tôi thôi! Rồi từ từ ai cũng tìm đường ra
ngoài để về nhà, chẳng biết những người khác thì sao; riêng tôi, sau
khi bồng con lại tôi mò ra khỏi cổng nghĩa trang thì bị họ chặn lại
lục xét hết trong người, chỉ còn tí tiền họ cũng lấy hết trước khi
chỉ cho tôi ra đường để đi về!
Nếu diễn tả nỗi đớn đau lúc ấy thì
đọc 3 ngày chưa hết. Không biết người điên ra sao, nhưng tôi còn
hơn thế nữa. Tôi ẵm con ra đến đường thì trời đã tờ mờ sáng.
Rạch Giá ơi, tôi có biết đó là đâu, đùng một cái có anh công an
đạp xe trờ đến, quần áo tôi chắc vừa ướt vừa lấm lem dơ dáy, anh
hỏi tôi rất lớn:
“Chị đi đâu đây, vượt biên hả?”
Chúa ơi, lúc đó tôi chẳng còn biết tôi
là ai, chết hay còn sống. Tôi khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc,
tôi nghĩ đến số vàng bị mất, nghĩ đến những ngày trước mặt là
chết đói trăm phần; rồi tự dưng tôi lấy lại bình tĩnh và thưa:
“Thưa anh tôi nghèo lắm làm gì có tiền
đi vượt biên, chồng tôi theo vợ bé nghe nói ở đâu đây tôi đi tìm không
gặp, con tôi bệnh tôi phải đi về, anh chỉ dùm tôi đường nào ra bến
xe”.
Chắc “ở hiền gặp lành”, nên anh ta nhìn
tôi và tin ngay, rồi chỉ đường cho tôi đi. Giờ nghĩ lại tôi
còn tạ ơn trời đất.
Không còn 1 xu, mệt đi hết nổi, và nhất là
không biết bến xe chỗ nào, nên tôi đứng bên đường đón đại xe vận tải,
gặp anh tài xế tốt bụng dừng lại, và thấy tôi khóc thì hiểu ngay,
kêu mẹ con tôi leo cầu thang bên hông của cửa xe để lên cái phòng nhỏ
trên đầu xe, có cái cửa kéo qua lại, chỉ nằm chứ không ngồi được vì
rất thấp, anh dặn khi nào gần đến trạm kiểm soát anh gõ cái mui xe
thì phải nằm yên và kéo cửa lại, khi xe chạy mở ra để thở. Hóa ra,
đây là xe chở heo. Thật đúng đời mình có lúc còn khổ hơn
heo. Anh và lơ xe tốt bụng cho mẹ con ăn khi họ dừng lại mua
thức ăn và nước uống…
Đến Xa Cảng Miền Tây, anh cho mẹ con
xuống; tôi đâu có xu nào trả cho anh, nhưng anh ta hiểu và bảo đừng lo
gì, đi về nhà đi, còn cho tôi tiền đi xe nữa. Dù không biết
anh là ai, nhưng tôi âm thầm cầu xin ơn trên trả công bội hậu cho anh,
và không dám quên 2 người đàn ông nhân ái.
Sau kỳ bị gạt đó mỗi khi có dịp gặp lại
nhau với vài người quen trong chuyến đi ấy, họ hay trêu:
“Canh chua Rạch Giá ngon quá, nhưng quá
đắt, tới 5 cây vàng cho một tô...”
Tôi cũng cười xòa và đùa lại:
“Tôi nói với họ là tôi muốn đi Mã Lai
Á, nhưng vì nghe không rõ nên họ đưa mẹ con tôi vào mả đá….”
- Xin xem tiếp những mẫu
chuyện nhỏ trong đoạn đời gian truân, Thukỳ sẽ cố viết hằng tuần
về chuyện thật đời mình.
Thukỳ.
No comments:
Post a Comment