Sunday, May 29, 2022

"LÁ THƯ NGƯỜI LÍNH CHIẾN" NHẠC TÌNH MÙA CHINH CHIẾN CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG (VANN PHAN)

 ‘Lá Thư Người Lính Chiến,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Nguyễn Văn Đông

May 28, 2022


Vann Phan

SANTA ANA, California (NV) – “Lá Thư Người Lính Chiến” của Nguyễn Văn Đông là một trong những ca khúc ra đời trong hoàn cảnh quê hương miền Nam Việt Nam đang ngập tràn khói lửa chiến chinh, với biết bao chết chóc, chia lìa, mẹ xa con, vợ xa chồng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thời trẻ. (Hình: Tài liệu)


Ca khúc này nằm trong chuỗi sáng tác “nhạc lính” của tác giả, như “Chiều Mưa Biên Giới,” “Mấy Dặm Sơn Khê,” “Sắc Hoa Màu Nhớ,” “Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp,” “Xin Đừng Trách Anh,” “Lời Giã Biệt”…

“Mẹ ơi! Lời tâm thư gói trọn tình con viết từ chiến trường/ Mẹ ơi! Sầu lo chi tóc già bạc phơ xót xa lòng con/ Mẹ ơi! Đàn em thơ vắng người anh trai có còn khóc hoài/ Mẹ ơi ! Vợ hiền con có còn chăm lo luống khoai tháng ngày.”

Mẹ ơi, biết chăng đêm về quạnh hiu con đã viết bức thư này gởi về cho mẹ từ nơi chiến trường chưa im tiếng súng, xin mẹ hiền với mái tóc tuyết sương đang mong con bạc lòng chớ có quá âu lo cho tình cảnh của người lính chiến như con. Không biết bây giờ lúc mẹ chờ tin con thì mấy đứa em có còn khóc nhớ người anh đang gian lao nơi chiến địa nữa không, và nhất là người vợ hiền của con có vơi đi nỗi niềm bi thương trước cảnh lá xa cành héo sầu từ tuổi xanh, anh đã đi rồi buồn lắm anh ơi, để ngày ngày em lo nương khoai mà nhớ lúc mưa dầm anh lo cày cấy?

“Đời lính thân con nề chi/ Xót mẹ già chiều quê gió Đông sang/ Và nhớ thương thương người em/ Cưới nhau về ngày vui khóc biệt ly.”

Mẹ chớ có lo lắng gì cho đời lính gian lao của con khi bao người trai thế hệ đều cùng nhau lên đường đi giữ quê hương. Con vẫn đau đáu nghĩ tới mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng, nhất là lúc giá buốt quay về và khi gió mùa Đông tới. Con cũng mãi chạnh lòng thương nhớ người vợ hiền, chưa vui sum họp với chồng được bao lâu mà đã nuốt lệ sầu chia ly buồn tê tái khi người mình yêu phải dứt áo ra đi để lên đường vào nơi gió cát.

“Mẹ ơi! Cầu xin cho xóm làng quê hương xóa mờ chiến trường/ Đồng bào ta cùng thương nhau xóa hận thù đi lấp đi đường ranh giới/ Mẹ ơi! Và con trai của mẹ ngày mai sẽ về sẽ về/ Mẹ ơi! Mẹ hiền ơi chớ buồn vì con nước non chưa tròn.”

Mẹ ơi! Con chỉ cầu xin cho chiến tranh sớm lụi tàn trên quê hương yêu dấu, và đồng bào ta khắp nơi biết vất bỏ đi những ý thức hệ ngoại lai mà thương yêu, đùm bọc nhau, xóa đi lằn ranh giới Bắc-Nam đang chia lìa tình tự dân tộc. Và mẹ ơi! Lúc đó thì con trai của mẹ thế nào cũng sẽ quay về mái nhà xưa, cho nên từ nay mẹ hiền xin chớ có hoài thương nhớ đứa con yêu khi núi sông đang mịt mờ và lúc người trai chưa làm tròn bổn phận với quê hương…

***

Trước sau, “nhạc lính” của Nguyễn Văn Ðông vẫn dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, ngợi ca người lính chiến và đề cao lý tưởng cũng như chính nghĩa của cuộc chiến tranh tự vệ nhằm bảo vệ lãnh thổ của quân và dân miền Nam Việt Nam.

“Lá Thư Người Lính Chiến,” mặc dù không phải là lời tâm sự dông dài như các ca khúc khác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lại bao gồm cả một trời tâm sự của người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa về đất nước, về quê hương, dân tộc, về mẹ già, em thơ, vợ hiền, về thân phận bi đát của con người giữa cuộc đao binh, và về nghiệp lính gian lao trong mùa chinh chiến, điêu linh trên mảnh đất miền Nam Việt Nam mến yêu hồi các thập niên 1960 và 1970.

Người lính trong nhạc phẩm này không phải viết nên lời tâm sự của mình từ một đơn vị ở hậu phương an lành hay một đồn bót biên phòng chốn đầu mây, cuối gió chơi vơi mà là từ một góc chiến trường gai lửa, nơi tiếng bom rơi, đạn nổ vẫn nghe quen như hơi thở của người tình một thời âu yếm bên nhau nay đã trôi vào dĩ vãng. Đây là tâm sự não nề của quê hương Việt Nam chiến tranh đã bao năm lầm than khi những người lính chiến vẫn còn miệt mài đi chống xâm lăng để mong giữ thơm quê mẹ khỏi tiếng thét hận thù, tanh tưởi của những đoàn quân cuồng tín đang phục vụ chủ trương hy sinh đất nước và dân tộc cho quyền lợi bè phái mà họ cứ ngỡ là lý tưởng cao đẹp của đời mình.

Mẹ già, với mái tóc bạc phơ đang một nắng, hai sương mỏi mòn trông ngóng tin con nơi rừng sâu, núi thẳm, là đối tượng đầu tiên trong tâm tình của người lính. Kế đó là đàn em thơ dại đang bơ vơ khi thiếu vắng người anh trai từng mang lại sự chở che cần thiết cho đời mình giữa thời buổi ngỡ ngàng lúc mới bước chân vào đời. Và kế đến là người vợ hiền nơi chốn quê xa đang thay thế người chồng trong nhiệm vụ canh tác đất đai để chăm lo cho cuộc sống của gia đình. Người chồng đó, vào một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng, đã ra đi theo tiếng gọi của non sông.

Nhưng, nói gì thì nói, hai đối tượng đáng quan tâm và đáng xót thương hơn hết vẫn là người mẹ già và cô vợ trẻ giữa mùa tao loạn, chứ thân phận người lính chiến thì ai đâu có nề hà gì. Mẹ già thì vẫn mỏi mòn mong ngóng tin con, nhất là khi gió lạnh mùa Đông tới và quê nghèo thêm xác xơ. Rồi người lính lại nghẹn ngào nghĩ đến người vợ hiền còn non trẻ đang bơ vơ bên gánh nặng gia đình sau khi cưới nhau về chẳng được bao lâu thì chồng lại lên đường đi lính miền xa, nên từ đó em buồn với tháng ngày não nề tâm sự.

Người lính Cộng Hòa chân chất chỉ biết thật thà cầu xin một điều tưởng như là đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất trong đời: Đó là ngày quê hương mình thôi khói lửa và dân mình quên hết hận thù giữa hai miền Nam, Bắc, cho dù không có thống nhất được nước nhà ngay thì cũng tạm thời xóa đi lằn ranh ý thức hệ giữa người Việt Nam với nhau, đó là lúc cái hòa bình ơi, chờ trông nhau như con chờ mẹ đã quay lại trên quê hương máu lửa ngập tràn. Và rồi đứa con yêu sẽ trở về trong lòng mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi, tiếng ru muôn đời, để mẹ hiền vơi bớt nỗi buồn thương khi người con chưa làm tròn bổn phận với quê hương, đất nước.

Nhưng oái oăm thay, đây mới chính là điều không thể nào xảy đến khi kẻ gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn trên quê hương Việt Nam không thể nào ngưng chém giết nếu họ chưa thực hiện được giấc mộng một mình chiếm trọn quyền cai trị đất nước, để rồi độc quyền ăn trên, ngồi trốc, và nhất là độc quyền tham nhũng đặng làm giàu trên cái xác xơ của một đất nước mà mọi tài nguyên dành dụm từ bốn ngàn năm qua đã bị khánh kiệt vì bị khai thác đến tận cùng, từ nơi biển cả cho tới chốn rừng sâu. Thay vì xóa bỏ mọi gia cấp trong xã hội để diệt trừ mọi bất công như lời tuyên truyền đường mật lúc ban đầu, người ta lại đang quyết tâm dựng xây một giai cấp mới, đó là giai cấp thống trị trên những khốn khổ, đau thương của tầng lớp bị trị suốt mấy thập niên qua…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tại nhà ở Việt Nam.

(Hình: Tài liệu)

Nhạc của Nguyễn Văn Đông, mà một số được sáng tác dưới bút hiệu Phượng Linh, phần lớn đều diễn tả tâm trạng ngao ngán chiến tranh, bi lụy vì tình người, và đều là những lời cầu xin cho những gì tốt đẹp đến với dân tộc, với quê hương, với người lính, và với cả người tình.

Tuy nhiên, cho đến khi người nhạc sĩ tài hoa và đầy lòng nhân ái này giã từ cuộc đời vào năm 2018, những khát vọng và những lời nguyện cầu nửa đêm như thế đó của ông vẫn chưa trở thành hiện thực, bởi vì quê hương tuy đã “xóa mờ chiến trường” từ lâu lắm rồi nhưng đồng bào ta vẫn chưa thực sự “cùng thương nhau xóa hận thù đi” như hàng triệu con tim mơ ước. Và có lẽ ước vọng này sẽ không bao giờ thực hiện được trong bối cảnh thế giới ngày nay. Ôi! Cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người… (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Lá Thư Người Lính Chiến” của

Nguyễn Văn Đông

Mẹ ơi! Lời tâm thư gói trọn tình con viết từ chiến trường

Mẹ ơi! Sầu lo chi tóc già bạc phơ xót xa lòng con

Mẹ ơi! Đàn em thơ vắng người anh trai có còn khóc hoài

Mẹ ơi ! Vợ hiền con có còn chăm lo luống khoai tháng ngày

Đ.K.:

Đời lính thân con nề chi

Xót mẹ già chiều quê gió Đông sang

Và nhớ thương thương người em

Cưới nhau về ngày vui khóc biệt ly

Mẹ ơi! Cầu xin cho xóm làng quê hương xóa mờ chiến trường

Đồng bào ta cùng thương nhau xóa hận thù đi lấp đi đường ranh giới

Mẹ ơi! Và con trai của mẹ ngày mai sẽ về sẽ về

Mẹ ơi! Mẹ hiền ơi chớ buồn vì con nước non chưa tròn.


No comments: