Nắm Đất Quê Hương
*Viết
về một nỗi băn khoăn
Nó nằm đó, bất động và nhỏ nhoi như con
mèo mun trên ngạch cửa nhà ngoại hôm xưa.
Tôi đã lượm nó lên, nâng niu trong bàn tay run rẩy vì sợ hãi và xúc động,
ở giây phút cuối cùng nơi bến “từ ly”, bảy năm trước đây tại Sóc Trăng miền Nam
nước Việt.
Niềm cảm xúc trước giờ ly biệt, thật
đúng như nhà văn Hoàng Anh Tuấn đã viết “không ngôn từ mô tả”. Lòng dạ xuyến xao, tim gan tan nát tơi bời, sự
lôi cuốn giữa bến bờ tự do và quê hương yêu dấu, sự dằn co giữa tình cha mẹ chị
em và tương lai mù mịt của những mái đầu xanh vô tội, cuối cùng đã dẫn bước
chân tôi lên chiếc thuyền con, trôi dạt tận phương này. Trong gói hành trang tôi ôm ấp bên lòng là nắm
đất đã tả tơi vì sóng gió, vẫn như một cái gì thân thiết nhất của quê hương tôi
giữ được bên mình.
Mỗi ngày thức dậy thật sớm, khi làn
sương chưa tan, tôi đã nhìn thấy nó trong chiếc lọ thủy tinh bé nhỏ, như thân
phận tôi trên xứ sở người. Tôi vẫn luôn
tìm thấy sự gì mãnh liệt bừng dậy trong lòng, vừa đủ cho tôi ý thức được việc
tôi phải làm, bắt đầu cho một ngày, một nửa đời còn sống lạc loài trên quê
hương xa lạ.
Tôi sửa soạn để đi làm, mỗi ngày đều đặn như sự tuần hoàn của Thái Dương trong vũ trụ, và tôi chấp nhận thực thể như nắm đất đã chấp nhận một cuộc lên đường, theo bước chân tôi xuống thuyền, xa lìa tổ quốc.
Mới đó mà dường như đã thật xa vời vợi,
miền đất phì nhiêu màu mỡ của tổ tiên, nơi đã cho tôi tiếng khóc đầu đời, bên
hàng dừa xanh thăm thẳm, bên ruộng lúa óng vàng thẳng cánh cò bay. Những ngày thơ ấu trôi xuôi, êm ả như hương
cau buổi sáng, hương lý buổi chiều, và hương trà thơm mỗi đêm ngồi trong lòng
ngoại nghe kể chuyện tình “Mỵ-Châu, Trọng Thủy.
Tôi nhớ thật nhiều về vùng trũng sâu của
chiếc võng đưa kẽo kẹt, trong oi bức nồng nàn những trưa mùa hạ vàng hanh. Mùi đất dịu dàng thoang thoảng bay ra sau trận
mưa đầu, cho gió Thu về dâng trầu cau hôn lễ.
Mùi thơm của quê hương, của những ngày thơ ấu, của những hoàng hôn êm đềm,
của luống mạ xanh non, của trăng tròn trăng khuyết. Tất cả đã cho tôi màu đen tuyền của tóc, màu
vàng sạm của da và màu Việt-Nam của tình đồng loại.
Giờ đây, trong nửa tầm tay với , có còn
lại chăng chỉ là năm đất khô trong chiếc bình mộc mạc, tàn úa, xót xa, như bà mẹ
già gầy yếu không đủ nguồn sữa ngọt nuôi nấng con thơ. Mỗi lần nhìn nắm đất, tôi liên tưởng đến đôi
mắt mẹ hiền đang cách xa trăm ngàn hài lý, như mĩm cười với tôi, như ngầm chia
xẻ thương yêu cho đứa con yếu đuối của người, đủ mọi niềm nhớ nhung của lòng
người biệt xứ.
Và tôi ao ước trong tận cùng ký ức được
nhìn lại quê hương. Cho dù tang thương
dâu biển, thành quách tiêu điều, những núi non hùng vĩ vẫn là đất nước tôi thi
gan cùng tuế nguyệt. Ngày nào được đặt
bước chân hoang trở về chốn cũ, thấy lại người xưa, mang theo “nắm đất lưu
đày”, cho thịt da liền lại, cho hạnh phúc đong đầy. Ôi, buổi chiều vi vu tiếng sáo diều Lưu Nguyễn.
Ngày nào…
Biết tôi có còn đủ hơi tàn để mang “nắm đất lạc loài” về cho tổ quốc
hay không?
Cali. 1987
Nhất-Phương
No comments:
Post a Comment