Dẫu lìa ngó ý…
Dẫu lìa ngó ý còn vuơng tơ lòng
(Truyện
Kiều – Nguyễn Du)
Hương Thủy (VH- ĐHSP Khoá 1972-1976)
Nhà thơ ngụ ngôn người Pháp La Fontaine đã nói một câu rất hay về tình bạn: “Tình
yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn ”.
Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu
dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
Chúng tôi thân nhau từ thuở nhỏ, lúc còn học trường tiểu học Đoàn Thị Điểm
trong Thành Nội. Hai đứa cứ thế lớn dần lên, lần lượt qua bên kia sông Hương
học Đồng Khánh rồi Văn Khoa…
Nhà Cát Đằng nằm ở một góc nhỏ trên đường Mai Thúc Loan. Căn nhà cổ xưa như
cuộc sống quan cách của gia đình. Ba Cát Đằng làm công chức cao cấp của Ty Ngân
khố Thành phố. Ông đặt cho con những cái tên thật đẹp của các loài hoa : Cát
Đằng, Đỗ Quyên, Hoàng Lan…Mấy chị em sống khép kín như những con ốc trong bốn
bức tường rêu.
Tôi, tên bình thường :
An Nhiên, gia cảnh cũng “thường thường bậc trung”, tóc cắt kiểu Demi
Garcon, tính tình đôi lúc ương bướng. Vậy mà chúng tôi thương nhau vô cùng. Chỉ
có tôi dám bước qua hai cánh cổng sắt luôn khép kín trong tiếng sủa của con
Berger để rủ Cát Đằng đi học. Cũng chỉ có tôi chiếm được lòng tin của ba mạ Cát
Đằng. Hai bác nghiêm nghị nhưng coi tôi như con. Hình như hai bác xem tôi là
một lá chắn bảo vệ cho cô con gái yếu ớt của mình.
Chúng tôi đã có một
thời thơ ấu thật đẹp và hồn nhiên. Những chiều mùa hạ dắt nhau vô con đường
bên hông Đại Nội gần cà phê mụ Tôn, nhặt bông phượng đỏ về làm
bướm. Những sáng mùa đông sương mù lạnh buốt chở nhau qua cầu Phú Xuân, gió
hung hăng như muốn quật hai đứa xuống sông. Những đêm cùng học bài thi, em gái
Đỗ Quyên đem vào phòng cho hai chị chén chè hạt sen long nhãn mát rượi. Mạ Cát
Đằng thường cười bảo tôi “Phải chi An Nhiên là con trai, bác gả Cát Đằng cho
cháu.”
Tuổi dậy thì hồn nhiên
và mơ mộng. Cát Đằng đẹp, nhiều người tán. Tan học về bao nhiêu cái đuôi theo,
mãi cho đến cửa Hiển Nhơn mới chịu lui gót. Tôi như garde corps cho bạn.
Những chàng sinh viên mê Cát Đằng, nhờ tôi làm chim xanh kèm theo nhiều món quà
hậu hĩnh, trong số có cả con của một ông Trưởng Ty đang theo học trường Y.
Nhưng tôi từ chối. Không ai hiểu bạn hơn tôi. Cát Đằng tâm sự : “Sao
mình thấy ông nào cũng nhẵn nhụi như Mã Giám Sinh. Ngó phát ớn!”. Người
hùng trong tâm tưởng Cát Đằng phải bụi bụi như tài tử Charles Bronson, đêu đểu
với bộ ria giống nụ cười của Clark Gable hoặc chí ít cũng phải lãng tử
như Gregogy Peck trên chiếc Vespa cổ chở nàng công chúa Audrey Hepburn
chạy khắp thành Rome trong Vacances Romaines… Thâm tâm tôi thấy bạn mình
quá lãng mạn. Biết tìm đâu ra người lý tưởng trong môi trường phố thị này?
Ấy thế mà một hôm thật
bất ngờ, “người hùng” của bạn đã xuất hiện. Đó là một buổi sáng “đầy sương
thu và gió lạnh” như trong văn Thanh Tịnh, đoàn Sinh Viên Sỹ Quan trường
VBQGVN về Huế vào Đại Học Văn Khoa tuyển quân. Phải công nhận sự có mặt của họ
như một hiện tượng trong sân trường xưa nay toàn áo dài, chemise , quần tây.
Trong trang phục worsted thật đẹp, thật hào hùng mặt anh nào cũng sáng
láng thông minh. Họ trình bày thật ấn tượng về ngôi trường quân sự ở Đà
Lạt ngang ngửa với Saint Cyr của Pháp, West Point của Mỹ. Đứng bên những chàng
trai Văn Khoa “trói gà không chặt”, trông các anh cao to và đường đường khí
thế. Nhìn qua cạnh mình, tôi thấy Cát Đằng như trên mây. Nàng say sưa dán mắt
vào anh SVSQ đang giới thiệu chương trình đào tạo. Anh nói giọng Bắc pha
chút Huế. Khi chàng ta đi từng bàn phát những tờ ảnh về ngôi trường cho sinh
viên nam, Cát Đằng cũng nhoài người qua xin một tờ. Một thoáng ngạc nhiên nhưng
người SVSQ vẫn lịch sự trao tận tay nàng. Mắt hai người gặp nhau. Một cái gì đó
thật lạ lần đầu tiên tôi thấy xuất hiện ở cô bạn mình. Má nàng ửng hồng , ánh
mắt long lanh, môi mọng ướt mềm…Chuông reo giờ ra chơi, hai người còn trao đổi
với nhau suốt cả mười lăm phút bên hành lang Morin.
Ra về, tôi bảo Cát
Đằng “Mình thấy hình như có Coup de Foudre”. Nàng yên lặng do dự
một chút rồi bảo tôi : -“An Nhiên ơi, bạn có thương mình không?”. Tôi
ngạc nhiên : – “Tui không thương bạn thì thương ai?” – “Vậy thì chiều ni
bạn xin mạ cho tui qua chơi nhà bạn hí! ” “- Được thôi mà”
Buổi chiều , tôi
ngồi chờ bạn trên chiếc xích đu dưới giàn bông giấy. Nàng xuất hiện trong chiếc
áo mousseline màu xanh trứng sáo, quần tây đen. Trông Cát Đằng xinh xắn làm
sao. Hèn gì con ông Trưởng Ty mê nàng như điếu đổ. Ngồi nói chuyện với tôi mà
mắt nàng nhìn ra cổng như ngóng trông ai…Và bốn giờ chiều. Một bóng người
trước cửa. Anh chàng Sinh viên Võ bị hồi sáng…Cô nàng thông minh thật,
lấy địa chỉ nhà tôi làm nơi gặp gỡ.
Tôi không tin lắm vào
duyên tiền định. Xưa nay, ba mạ vẫn hay nói tôi là kẻ cứng lòng. Nhưng với cô
bạn thân Cát Đằng thì tôi nghĩ đó là một mối nhân duyên mà tôi là người góp
phần dung túng, ủng hộ. Cô bạn tôi không phải là type người “ yêu cuồng sống
vội”. Xưa nay nàng chưa hề cười với ai một nụ. Con nhà gia thế, kín cổng cao
tường. Điều gì đã làm cho nàng dám vượt qua khuôn phép gia đình và xứ Huế vốn
dễ tiếng tăm?
Chàng sinh viên sỹ
quan ấy tên H. đang theo học năm thứ ba trường Võ bị. Anh gốc Bắc, di cư vào
Nam năm 54, chọn Huế làm quê hương thứ hai. Anh sống cùng mẹ và chị gái bên Bến
Ngự. Anh hơn chúng tôi năm tuổi, trước đây từng học MPC rồi mới quyết định tòng
quân. Đợt tuyển quân này là một cơ hội cho anh về thăm mẹ và số phận đưa đẩy để
hai người gặp nhau.
Anh H. hiền, tính điềm
đạm. Tôi chắc bạn tôi không chọn nhầm. Hai người có một tuần để hiểu nhau. Tôi
nhiều lần qua nhà Cát Đằng xin cho bạn đi học nhóm, đi thảo luận… để rồi sau đó
chở nàng lên đồi Thiên An, chùa Từ Hiếu hẹn hò. Trong khi hai người trò chuyện,
tôi lặng lẽ đi dạo dưới những hàng thông hoặc ngồi đọc sách bên hồ Thủy Tiên để
rồi sung sướng ngắm nhìn bạn sáng ngời trong hạnh phúc. Tình yêu làm người ta
đẹp ra. Anh H. đưa chúng tôi về thăm gia đình. Căn nhà nhỏ nép mình trong một
khu vườn sum suê cây trái.Tiếng chim sâu kêu lách chách. Bà mẹ hiền lành mừng
rỡ đón bạn của con; người chị gái tên Hương thương em vô hạn, chăm anh từng ly
từng tý. Tôi mừng cho Cát Đằng.
Anh H. trở về Đà Lạt
tiếp tục khóa huấn luyện. Nhà tôi trở thành địa chỉ cho hai người trao đổi thư
từ. Những bức thư đều đặn hàng tuần. Cát Đằng có một cái hộp bánh Chocolate
hình chữ nhật.Đọc xong thư bạn cất vào đó và nhờ tôi giữ hộ. Cuộc tình
vẫn nằm trong bí mật với gia đình và bạn bè. Không ai biết ngoài tôi.
Gần cuối năm 1971, sau
khi đọc xong lá thư có cái insigne rồng vàng ôm kiếm thiêng, Cát Đằng có vẻ suy
tư. Bạn ngồi trầm ngâm trên chiếc xích đu trắng nhìn mông lung. Tôi mở lời
: “Răng đó? Giận nhau hả?”. –“Không, có chi mô”. Lần này,
bạn cầm lá thư về chắc để đêm nghiền ngẩm.
Con đường đến giảng
đường sáng hôm sau như dài ra với sự yên lặng của Cát Đằng. Giờ English Grammar
bạn dường như không nghe lời thầy John Schafer giảng. Lúc ra chơi, đứng ở khung
cửa sổ nhìn xuống đường Lê Lợi, Cát Đằng đưa bức thư cho tôi : “An Nhiên
đọc đi !”.Tôi liếc nhanh qua bức thư với những lời yêu thương nồng thắm
nhớ nhung chất ngất, hơi đỏ mặt vì thấy mình xâm phạm chuyện riêng tư của bạn.
A, đây rồi. Cái lý do làm bạn tôi trăn trở hai ngày nay. Anh H. muốn bạn tôi có
mặt trong đêm Lễ trao nhẫn truyền thống của
SVSQ năm 3 trường Võ Bị. Là răng? Cát Đằng đi Đà Lạt ư ? Tôi không
thể hình dung được chuyện này. Không được. Chuyện quá nghiêm trọng với con gái
Huế, nhất là với bạn tôi, một người chưa hề bước chân qua đèo Hải Vân.
Ánh mắt của Cát Đằng
tha thiết: “ An Nhiên giúp mình đi. Năn nỉ mà. Cam đoan không có chi xảy
ra. Mình đi ba ngày. Chỉ bạn mới có thể giúp mình…”. Điều gì
khiến một người con gái dịu dàng như Cát Đằng nẫy ra quyết định liều lĩnh thế ?
Cái này gọi là sức mạnh của tình yêu đấy ư ? Xưa nay tôi vốn dị ứng với thứ
tiểu thuyết lãng mạn của Quỳnh Dao và hoàn toàn không tin vào nhan đề một cuốn
truyện của Lệ Hằng “ Chết cho tình yêu”. Không, không đựơc.
Hai đứa không nói
chuyện với nhau suốt ba ngày. Nhưng cái vẻ ủ dột của Cát Đằng làm tôi thương
xót. Anh H. cũng gởi cho tôi một bức thư ngắn. Anh bảo chính vì xem Cát Đằng là
người trăm năm nên anh muốn nàng có mặt trong buổi lễ trang trọng và ý nghĩa
này. Anh chịu trách nhiệm về chuyến đi. Lòng tôi mềm ra. Tình yêu xét cho cùng
cũng có cái lý của nó. Tôi trở thành kẻ đồng lõa trong cuộc hành trình của bạn.
Vậy là tôi sang nhà
xin ba mạ Cát Đằng cho hai đứa vào Đà Nẵng ăn cưới bà chị họ. Mạ bạn tỏ ra e
ngại như tất cả những bà mẹ người Huế. Nhưng ba bạn thoáng hơn, hình như ông
đang vui vì mới trúng một cú affaire. Hơn nữa, chơi với Cát Đằng hơn mười mấy
năm, gia đình bạn tin tưởng tôi tuyệt đối.
Ba của bạn đích thân
chở chúng tôi ra bến xe. Ông không thể ngờ rằng khi tới Đà Nẵng, việc đầu tiên
của chúng tôi là đến ngay Air Việt Nam trên đường Độc Lập. Và chuyến bay DC six
đưa Cát Đằng lên thành phố cao nguyên lúc hai giờ chiều để tôi ở lại với
cõi lòng như lửa đốt.
Ba đêm tôi ăn không
ngon, ngủ không yên ở nhà bà chị. Tôi chắp hai tay cầu nguyện Chúa, Phật và
tất cả các đấng siêu nhiên cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió. Tôi hơi ân
hận vì đã lạc lòng trước những giọt nước mắt của bạn. Có chuyện gì xảy ra
với Cát Đằng chắc tôi không sống nổi…
Và chiều thứ hai tôi
đã oà khóc tức tưởi khi thấy bạn bước ra từ chiếc Bus của Hàng không Việt Nam.
Nhưng quả thật, chưa
bao giờ tôi thấy bạn xinh như vậy. Mặt Cát Đằng hớn hở như trăng rằm, môi cười
rất tươi. Nàng ôm choàng lấy tôi, hôn lên má : – “Cám ơn An Nhiên.
Chúng mình cám ơn bạn vô cùng”. Những giận hờn trong tôi đều tan biến.
Trên chuyến xe ra Huế,
Cát Đằng tíu tít kể cho tôi bao nhiêu chuyện. Thành phố hoa, những con dốc mù
sương, chuyến xe ngựa vòng quanh bờ hồ Xuân Hương và một tấm ảnh đầy ấn
tượng. Dưới ánh đèn huy hoàng có hàng chữ Lễ trao nhẫn với
hai cái dấu như hai vương miện, bên một cái nhẫn to được trang trí cách điệu
lộng lẫy, bạn tôi âu yếm lồng vào tay anh H. chiếc nhẫn Võ Bị. Họ như đôi tân
lang và tân nương trong ngày cưới. Mãi mãi đây là một bí mật chỉ riêng ba người
biết…
Thỉnh thoảng chúng tôi
qua Bến Ngự thăm nhà anh H. Mẹ anh coi Cát Đằng như con dâu tương lai. Bà kể về
tuổi thơ vất vả của anh từ khi di cư vào Nam, về lúc cha anh mất , về người con
trai cả tên Hùng phải lưu lạc vào Bình Dương kiếm sống. Có những đoạn xúc động,
bà rươm rướm nước mắt. Cát Đằng ngồi kế bên bóp nhẹ tay bà. Một hình ảnh dễ
thương làm sao. Bà còn dạy cho bạn tôi cách chế biến những món ăn mà con trai
thích như canh cua rau đay, bún chả…
Cuối năm 1972 anh H.
ra trường. Anh có mười ngày phép trước khi về trình diện tại Sư đoàn 9 Bộ binh
có biệt danh “ Mũi tên thép”, Bộ Tư Lệnh Sư đoàn đóng ở Vĩnh Long,Tư
lệnh là Chuẩn Tướng Trần Bá Di. Chiến trường miền Trung đang sôi động với chiến
dịch tái chiếm Cổ thành Quảng Trị. Đêm đêm tiếng đại bác ì ầm từ phía Bắc vọng
về. Thành phố Huế tràn ngập màu áo lính rằn ri. Cát Đằng có vẻ yên tâm với sự
chọn lựa này dù hai người có xa nhau về không gian. Mười ngày, tôi phải ra sức
bao biện cho bạn để họ có những giây phút hạnh phúc.
Rồi cũng đến lúc chia
ly. Chúng tôi tiễn anh vào Nam. Hình ảnh cuối cùng trong mắt tôi là cảnh chàng
thiếu úy trẻ trai cầm chặt tay người yêu nói những lời từ biệt : “Em cười
đi. Cát Đằng cười đi cho anh yên tâm. Anh sẽ về với em và sẽ thưa chuyện với ba
mẹ”. Bạn tôi cười mà nước mắt hoen mi.
Như muốn làm Cát Đằng
yên tâm, thư anh H. gởi về liên tục. Anh đóng quân ở Cao Lãnh. Anh làm Đại đội
trưởng một đại đội trực thuộc Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 14. Anh nói về một vùng
đất trù phú, những người dân miền Nam hồn nhiên, những đồng ruộng bạt ngàn,
những cánh đồng chó ngáp… Anh ít kể chuyện chiến trường, chắc để người yêu bớt
lo.
Nhà ông Trưởng Ty muốn
dạm ngỏ Cát Đằng trước khi con trai đi du học. Cô bạn tôi nói với ba mạ “Con
chưa muốn lấy chồng” nhưng sau đó cô gặp riêng chàng trai và bảo “Tôi
có người yêu rồi. Anhđừng mất công”.Tội nghiệp anh chàng cứ đứng
ngẩn tò te.
Cứ thế, những lá thư
nối hai niềm vui. Cát Đằng mơ màng dự trù với tôi về tương lai. Một ngôi nhà
với ngọn lửa ấm và những đứa con ngoan sẽ ra đời. Ước mơ trong tầm tay với. Tôi
chia sẻ hạnh phúc với bạn bằng nụ cười bao dung.
Buổi chiều hai đứa
ngồi trước sân hóng gió thì một cánh chim sâu sa xuống trước mặt. Bạn tôi nâng
nó lên, âu yếm vuốt ve “Tội nghiệp mày chưa. Chị nuôi em nhé!”. Mạ Cát
Đằng đi từ nhà sau lên hốt hoảng: “Chim sa cá nhảy. Ăn nói bậy bạ”.
Rồi bà lấy một nắm gạo muối tung ra sân. Bạn tôi le lưỡi “Mạ sao mê tín
dị đoan. Thả con chim thấy tội bắt chết!”
***
Huế tháng chín. Mùa
thu. Những trái thanh trà da đã rám vàng. Tôi chở Cát Đằng lên Nguyệt Biều chọn
những trái thật ngon về cúng Rằm tháng Tám. Bạn không quên lựa một cặp thật đẹp
để biếu mẹ anh H. chưng bàn thờ. Hai đứa ngồi thòng chân xuống dòng nước sông
Hương trên bến đò Giã Viên. Trời thật đẹp. Nắng vàng như mật. Gió hiu hiu. Cát
Đằng thở dài “Phải chi có anh H ”. Tôi nguẩy vai “Rồi sẽ có”.
Rẽ vào căn nhà dốc Bến
Ngự. Cô bạn nhanh nhẹn nhảy chân sáo trên lối đi quen thuộc. Nhà vắng ngắt. Mùi
hương trầm thoang thoảng trên bàn thờ. Chị Hương ngồi lặng trên ghế, nước mắt
chảy quanh. Bạn tôi hốt hoảng: “Có chuyện chi rứa chị ? Mẹ mô rồi? ”. Chị
Hương òa khóc: “ Mẹ với anh Hùng đi Vĩnh Long. Em ơi, thằng H.”….
Cát Đằng quỵ xuống đất.Tôi và chị Hương đỡ vội lên. Mặt bạn tái xanh, hơi
thở ngắn như không còn sức sống. Tôi rót cho bạn một ly nước lọc rồi hỏi han
chi tiết. Chị Hương kể cho tôi nghe trong tiếng sụt sịt. Anh Hùng từ Bình Dương
gọi ra báo tin anh H. bị thương nặng trong cuộc hành quân vào mật khu ở quận Mỹ
An, vùng Đồng Tháp Mười. Mẹ chị đang trên đường vào, chưa biết chi thêm.Trong
bóng chiều chạng vạng, ba chị em ngồi yên lặng. Không ai đủ sức đưa tay bật
ngọn đèn điện. Chao ôi! Tuần trước tôi vừa đưa thư cho bạn. Anh đang đóng
quân ở Đồng Tháp. Anh kể cho bạn nghe về Gò Công – quê hương của bà Từ Dũ mẹ
vua Tự Đức; về cam Cái Bè; về mận Trung Lương …Thượng đế ác nghiệt vậy sao? Anh
vừa tròn 26 tuổi, ra trường mới chín tháng…
Không biết bằng cách
nào tôi đã đưa được Cát Đằng về đến nhà. Bạn ngồi sau tôi xiêu vẹo như một cái
xác không hồn. Tôi nói với bác gái bạn bị trúng gió rồi đưa bạn vào
phòng. Chân tay bạn lạnh ngắt. Đêm ấy tôi xin ở lại, thi thoảng lắng nghe
tiếng rên rỉ đau đớn của Cát Đằng. Mọi ngôn ngữ trong giây phút này đều bất
lực!
Nhưng nỗi bất hạnh
không chỉ ngang chừng đó.Trong khi Cát Đằng định thưa thật với ba mạ để xin
phép vào Vĩnh Long thì mươi hôm sau, mẹ anh H. nhắn ra anh H. không
chỉ bị thương nặng mà còn mất tích. Cầm bằng như anh đã chết.Thôi còn mong chi
nữa. Lần này thì bạn tôi quỵ ngã hoàn toàn. Nỗi đau ẩn giấu tận trong tim biến
bạn thành một bóng ma câm lặng. Bác gái cứ căn vặn tôi hai đứa có chuyện chi
không. Làm sao tôi dám trả lời. Thôi cứ đế bác tối tối thắp nhang ngoài cổng
ngõ cầu cho con gái yêu đừng mắc “bệnh đàng dưới ”.
Phải sau ba tháng mẹ
anh H. mới ra Huế. Bà sút gần bốn kí và hốc hác hẳn đi. Bà ôm lấy Cát Đằng khóc
nghẹn “Con ơi! Bác không có duyên làm mẹ con rồi !”. Cát Đằng òa
lên nức nở. Thôi cứ để bạn khóc cho nhẹ lòng.Tôi thật đau xót khi thấy đêm đêm
bạn lôi tấm ảnh hai người trao nhẫn ra ngắm nghía.
Không hiểu sao nhà anh
H. không lập bàn thờ. Có lẽ niềm tin của người mẹ cho rằng con mình chưa chết.
Vâng, mất tích chưa hẳn là chết. Mắt anh sáng, tai anh to vậy mà. Chắc bác vẫn
hy vọng một phép mầu nào đó chăng? Căn nhà đóng kín cửa. Mẹ anh H. vắng
nhà luôn. Chị Hương bảo bà vào Bình Dương chơi với cháu nội cho đỡ buồn.
Khu vườn rộng thui thủi một mình chị. Mỗi lần ghé thăm, nhìn Cát Đằng, chị lại
bệu bạo “ Số em sao khổ thế H. ơi !”
Những đợt trao trả tù
binh hai bên ở Lộc Ninh, Quảng Trị làm cho Cát Đằng hi vọng. Biết đâu anh sẽ
trở về. Anh chỉ bị thương thôi mà. Bạn chăm chú theo dõi trên những tờ báo Tiền
Tuyến, Sóng Thần… Nhưng tháng ngày qua. Niềm hi vọng hầu như đã thành tuyệt
vọng. Bất chấp hiệp định Paris, chiến sự ngày càng ác liệt. Máy bay cứu
thương liên tục hạ xuống bệnh viện Mang Cá trong Thành Nội…
Rồi Huế nháo nhác, tan
tác…Rồi đất nước tang thương…
Ba Cát Đằng đi “cải
tạo” vì bị xếp vào loại “ Ngụy quyền”. Bạn tôi bước xuống cuộc đời.
Trải một tấm nilon ở
góc chân cầu Trường Tiền, Cát Đằng đi bán chợ trời. Cô tiểu thư con nhà quyền
quý ấy bây giờ phải bươn chải với gánh nặng áo cơm của cả gia đình. Bạn bán
từng cái áo nhà binh cho người đi lao động, vài cái loon Guigoz tiện cho người
đi thăm nuôi, những chiếc áo dài cũ của vợ các sỹ quan một thuở huy hoàng, gói
thuốc lá Tam Đảo nặng mùi khét lẹt cho đến cái chén kiểu, ly tách sang trọng
một thời vang bóng…Nhìn bạn đếm từng hào tiền Bắc sau buổi chợ, tôi chảy nước
mắt. Nhưng một nửa đất nước đều như thế, biết làm sao.
Thỉnh thoảng nhờ em
gái Hoàng Lan coi hàng, chúng tôi lên Thiên An quét lá thông về làm chất đốt.
Củi cũng phải mua bằng tem phiếu mà gia đình chúng tôi làm gì có đặc quyền đặc
lợi ấy. Sau khi nhét đầy lá vào hai bao tải, chúng tôi ngồi dựa gốc cây
nghỉ mệt. Cát Đằng âu sầu đưa mắt nhìn chung quanh.Tôi biết trong đầu bạn
đang nghĩ về những kỷ niệm xưa. Cũng nơi này, ngày ấy có một cặp tình
nhân thật đẹp đang nắm tay nhau đi dưới rặng thông. Cảnh đấy người đây
nhưng một người đà khuất bóng. Tôi không dám gợi lên điều gì với bạn. Mọi
chuyện cứ như là một giấc mơ nhưng mỗi sáng mai thức dậy lại phải đối mặt với
sự thật kinh hoàng.
Thành phố tăm tối hẳn
đi. Mới 8 giờ tối điện đã cúp. Những chiếc Honda đổi chỗ cho giai cấp cán bộ.
Huế xuất hiện xe đạp thồ. Những khuôn mặt đau khổ nhếch nhác. Những câu ca dao
hiện đại được thầm thì chuyền miệng. Những bài hát được chế biến bi hài. Người
ta nhắc lại câu nói mười bốn chữ bất hủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. “Rồi
cứ thế ni mãi răng???” Mạ tôi ngữa mặt than trời rồi chặt hết những cây mai
vàng thay vào mấy luống khoai lang cứu đói!
Bốn năm sau, ba Cát
Đằng chết trong tù vì sức tàn lực kiệt. Mạ bạn khô nước mắt đi thăm mộ chồng
ngoài Thanh Hóa. Một mô đất trơ trọi trong rừng được đánh dấu bằng viên đá xanh
lớn. Còn đâu người đàn ông khả kính trụ cột gia đình. Tóc bà bạc trắng. Cái lúm
đồng tiền xưa kia đã trở thành ngoặc đơn rồi ngoặc kép.
Từ nước ngoài người
con trai yêu Cát Đằng ngày đó xuất hiện như một vị cứu tinh. Anh ta gởi về giúp
gia đình bạn những xấp vải, những gói thuốc tây, những đồng đô la được khéo léo
nhét trong hộp sữa… Tất cả chỉ nhằm một mục đích chinh phục tình yêu của người
con gái Huế mà anh ta say đắm. Mạ bạn tha thiết khẩn nài “Con ơi! Thằng
đó nó tốt, lại hiền lành, con nhà trí thức. Lấy hắn con cũng sướng mà các em
cũng đỡ khổ. Với lý lịch này thì nhà mình không ngóc đầu lên được. Con chỉ có
nước lấy anh xe thồ hoặc ông nông dân mà thôi”. Bạn tôi gục mặt vào hai
bàn tay khóc nghẹn. Phải chăng bạn đang nghĩ đến một Thúy Kiều hiện đại?
Tôi khuyên Cát Đằng :
Mọi chuyện đã trở thành quá khứ. Anh H. mất rồi. Đã gần 7 năm. Bạn đâu phải là
kẻ phụ tình. Trong hoàn cảnh này đôi khi phải thực tế. Bạn yên lặng gật
đầu.
Mọi chuyện được thu
xếp nhanh chóng. Bà mẹ chú rể từ nước ngoài trở về. Một vài lễ nghi cần thiết
trong buổi giao thời. Và xúc tiến giấy tờ bảo lãnh.
Tôi đưa Cát Đằng lên
thăm chị Hương lần cuối. May sao lại gặp mẹ anh H. từ Bình
Dương trở về. Bác bảo có thể bác sẽ vào trong đó ở hẳn. Bác ôm vai bạn
tôi: “Bác mừng cho con. Biết tin này ở đâu đó chắc H. vui lắm”.
Trên bàn thờ vẫn chưa có ảnh của anh. Ghê gớm thay lòng tin của người mẹ. Bạn
tôi xin phép được lạy trước bàn thờ ba lạy và nhét vào túi mẹ anh H. chút vốn
liếng còm cỏi. Nước mắt người mẹ ứa ra tràn trề. Bà khẽ kêu “ H. ơi! ”.
Trước khi xuất cảnh,
Cát Đằng đến nhà tôi ngủ lại một đêm. Bạn đem theo cái hộp bánh Chocolate
chứa những bức thư của hai người, tấm ảnh trao nhẫn được đặt lên
trên. Cát Đằng bảo tôi “An Nhiên là một chứng nhân quan trọng
trong mối tình lớn của mình. Mình không thể mang theo kỉ vật quý giá này. Bạn
giữ giúp mình cho đến lúc nào còn có thể ”. Tôi cất vào tủ sách, lòng
ngậm ngùi thương bạn.
Thời gian qua, Cát
Đằng đã có một gia đình êm ấm. Ông chồng thành đạt, hai con một trai một gái
xinh xắn. Cả hai đang định cư ở thành phố Denver, tiểu bang Colorado. Tôi mừng
cho bạn. Cuối cùng, một cô gái ngoan hiền như bạn tôi nhất định phải được sung sướng.
Qua những cuộc trò chuyện từ nước ngoài, tôi tránh gợi chuyện ngày xưa.
Tôi cũng đã có gia
đình. Một ông chồng do bàn tay số mệnh sắp đặt. Một ông chồng yêu vợ thương con
nhưng vô tâm. Tôi cũng chẳng bao giờ hé môi về chuyện bạn mình…
*
Ngày mai, gia đình tôi
sẽ vào Nam lập nghiệp. Mở tủ sách, tôi cầm cái hộp bánh cũ. Những bức thư
nhuốm màu thời gian nhưng tấm ảnh vẫn còn rất rõ. Ôi! Nụ cười hạnh phúc
của cả hai người.
Tôi không thể đem
chúng theo. Đốt thì tôi không nỡ. Suy đi tính lại, tôi quyết định đem lên nhà
chị Hương, nhờ chị đặt trên bàn thờ anh H. Không còn gì để hy vọng về anh nữa
rồi.
Căn nhà vẫn như xưa dù
thời gian có làm nó già và cũ kỹ hơn. Tiếng chim sâu vẫn kêu lách chách trên
những vòm cây xanh. Tôi dựng chiếc xe vào gốc ngọc lan, lòng bùi ngùi. Kỷ niệm
ngày xưa ùa về trong ký ức. Một chiếc xe lăn trên hàng hiên. Tôi trách mình đã
lâu không thăm mẹ anh. Cuộc sống bận rộn với cơm áo, gạo tiền làm mình trở
thành người có lỗi.
Tôi tự nhiên đẩy cửa
vào phòng khách khép hờ. Một người đàn ông nằm trên ghế sofa, tay cầm cuốn
sách, chiếc chăn mỏng đắp ngang thân, phía bên dưới là một… khoảng trống. Anh
ngước nhìn lên. Có phải tôi đang mơ? Đôi mắt ấy, gương mặt ấy… Đúng là anh H.
Anh cất tiếng “An Nhiên đấy ư em? ”. Tôi bàng hoàng, ngơ ngẩn.
Vâng, anh H.
Anh bị thương nặng nhưng không chết. Trong cuộc hành quân của Tiếu đoàn
vào mật khu Đồng Tháp Mười, đại đội của anh sa vào ổ phục kích. Môt mảnh
B40 đã bay vào lưng anh, chạm ngay cột sống. Anh được đưa về quân y viện Phan
Thanh Giản, Cần Thơ. Bác sỹ cho biết mảnh đạn đã làm đứt dây thần kinh tủy sống
dẫn đến khả năng bại liệt suốt đời. Trong cái đau đớn tận cùng của thể xác, anh
vẫn nghĩ đến Cát Đằng. Không thể gắn số phận bất hạnh của mình đối với người
yêu, anh cắn chặt răng bảo mẹ báo tin với Cát Đằng là mình bị mất tích. Và
người mẹ đã làm theo lời anh…
Từ Cần Thơ, anh
được chuyển vể Tổng y viện Cộng Hòa. Các bác sỹ và y tá tận tâm chăm sóc anh.
Vết thương bên ngoài tạm ổn, anh sang Trung tâm phục hồi chức năng.
Mẹ già theo sát anh từng bước. Đó là lý do khiến bà bảo với Cát Đằng mình vào
Nam sống với người anh cả.
Sau ngày 30 tháng 4,
tất cả thương binh nặng nhẹ đều bị tống ra đường. Anh về Bình Dương nương tựa
nhà anh Hùng. Vết thương không còn được quân y viện chăm sóc, lâu ngày bị
hoại tử và hai chân anh bị tháo khớp tới háng. Mẹ già mất, Cát Đằng đã đi xa,
anh quyết định về Huế sống phần đời còn lại bên người chị gái thương yêu. Gần
mười mấy năm nay anh sống nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của các khóa Võ Bị ở
nước ngoài, những chiến hữu cùng đơn vị và một số anh em còn kẹt lại ở quê nhà…
Cao quý thay tình nghĩa đồng môn của những chàng trai cùng trường Mẹ! Anh cũng
tự ôn kiến thức để dịch thuật, để luyện thi cho các học sinh nghèo vào
Đại học. Cụôc sống không đến nỗi thấy mình là người vô dụng.
Cầm xấp thư và tấm
hình, anh H. trầm ngâm bảo tôi: “Anh cám ơn An Nhiên. Cố vật đã tìm về cố
chủ. Cứ để cho Cát Đằng nghĩ rằng anh đã chết. Đó chính là tình yêu của anh
giành cho cô ấy”.
Anh nâng chiếc nhẫn có
viên hồng ngọc trên ngón tay áp út, âu yếm hôn vào nó. Chiếc nhẫn năm xưa, Cát
Đằng đã lồng vào tay anh trong đêm Lễ trao nhẫn trước phạn xá
trường VBQGVN.
Một cơn gió lạnh
thoảng qua. Mùa Đông đã về trên thành phố.
Hương
Thủy
No comments:
Post a Comment