Đọc
hồi ký Thanh Lan – ‘Bão Tố Cuộc Đời’
August 20, 2022
Trần Chí Phúc
Được sự ưu ái của tác
giả Phạm Thái Thanh Lan, tức nữ danh ca Thanh Lan, ký tặng cuốn hồi ký “Bão Tố
Cuộc Đời” khi vừa mới in xong tại nhà in Xpress Print, Garden Grove,
California, tuần trước do quen biết văn nghệ và mình cũng từng xuất bản hai
cuốn sách dưới bút hiệu Trần Củng Sơn, nên viết mấy dòng giới thiệu tác phẩm
văn xuôi đặc biệt này.
Nữ danh ca Thanh Lan và hồi ký “Bão Tố Cuộc Đời.”
(Hình: Trần Chí Phúc cung cấp)
Khỏi nói, ai cũng biết
Thanh Lan là một trong những ca sĩ nổi tiếng trong sinh hoạt ca nhạc của Việt
Nam từ mấy chục năm trước.
Sách dày 415 trang với
64 tấm hình của Thanh Lan trải dài từ lúc bé đến lúc thành danh trên sân khấu
nghệ thuật. Sách gồm 26 chương, chia làm ba phần.
Phần 1 là “Cội Nguồn,”
phần 2 là “Cuộc Biến Động,” và phần 3 là “Người Viễn Xứ.”
Tác giả Phạm Thái
Thanh Lan sinh năm 1948 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, cha họ Phạm gốc Hà
Nội và mẹ họ Thái gốc Huế. Gia đình vào Sài Gòn sinh sống trước khi đất nước
chia đôi theo Hiệp Định Geneva 1954.
Cuốn hồi ký mở ra với
Chương 1 và Chương 2 miêu tả cuộc gặp gỡ của cha mẹ Thanh Lan thời trẻ và cuộc
sống ở miền Bắc thời Pháp thuộc, lúc Thanh Lan chưa ra đời, nhưng do tác giả
nghe người lớn kể mà viết lại.
Dù vậy, câu chuyện vẫn
hấp dẫn người đọc.
Cha của tác giả làm
thầu khoán xây dựng, mẹ giỏi ngoại ngữ nên công việc làm thoải mái, lương cao,
và đời sống của gia đình khá giả ở Sài Gòn.
Thanh Lan học trường
Pháp bậc tiểu học và trung học, vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn tốt nghiệp cử nhân
Anh Văn trước năm 1975. Vì thế tác giả còn viết hồi ký bằng tiếng Anh, có tựa
đề “Tumultuous Life,” rồi tự dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Bão Tố Cuộc Đời.”
Với ý nghĩ kể lại câu
chuyện đời mình, qua những thăng trầm lịch sử Việt Nam, bằng cuốn hồi ký Anh
Ngữ, tác giả muốn giới trẻ Việt Nam lớn lên ở xứ người hiểu được và cũng để cho
mọi người trên thế giới đọc được.
Vì thế, trong bản Việt
Ngữ, văn phong tác giả phảng phất lối văn dịch thuật, và đây cũng là nét đặc
biệt của “Bão Tố Cuộc Đời.”
Từ Chương 3 đến Chương
8 là cuộc đời hoa mộng của tác giả, trải qua cùng đời sống tự do của dân chúng
dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Thanh Lan học dương
cầm từ nhỏ, có năng khiếu ca hát, được mời hát trên đài phát thanh Sài Gòn lúc
13 tuổi, rồi trở thành ca sĩ hát nhạc Pháp, nhạc Anh, cũng như nhạc Việt, được
mời đi các nước Âu Châu, Á Châu trình diễn, được mời đóng phim ngoại quốc, được
báo giới Sài Gòn bầu là “Ảnh Hậu Nghệ Sĩ năm 1974.”
Hát hay cả nhạc ngoại
quốc cùng nhạc Việt, vóc dáng xinh xắn, trình độ đại học (rất hiếm thời kỳ thập
niên 1970 tại Sài Gòn), cho nên Thanh Lan rất nổi tiếng, nhất là đối với giới
trẻ, học sinh, và sinh viên thời bấy giờ.
Trong phần này, với
những sự việc xảy ra ở thủ đô Sài Gòn trước 30 Tháng Tư, 1975, qua ngòi bút của
tác giả, làm độc giả lớn tuổi bồi hồi nhớ lại những năm tháng dễ thương thời
Việt Nam Cộng Hòa.
Phần 2, “Cuộc Biến
Động,” mới là phần nổi bật của hồi ký sau khi Sài Gòn thất thủ, miền Nam tự do
bị chế độ độc tài tàn ác của Cộng Sản cai trị. Giống như nhiều người dân miền
Nam từ sau Tháng Tư, 1975 cho đến cuối thập niên 1980 tìm cách vượt biển, vượt
biên bằng đường bộ trốn khỏi đất nước, Thanh Lan cũng bồng đứa con gái nhỏ từ
Sài Gòn đi theo các nhóm ra Vũng Tàu, rồi Bến Tre, lên thuyền ra khơi, nhưng
kém may mắn, mấy lần vượt biển thất bại bị công an bắt giam.
Lần đầu Thanh Lan bị
nhốt ở trại dành cho dân vượt biển ở gần Vũng Tàu năm 1976 trong nửa năm. Thật
thảm thương cho cô ca sĩ xinh đẹp nổi tiếng, tuổi chưa đến 30 phải chịu cảnh
giam cầm đau khổ cùng với đứa bé gái. Thời đó lúc tôi chưa vượt biển đã nghe
bạn bè kể chuyện Thanh Lan khổ sở trong trại tù Cộng Sản. Bây giờ đọc hồi ký
“Bão Tố Cuộc Đời” mà bồi hồi.
Có nhiều cô gái bất
hạnh vượt biển thất bại bị bắt nhốt chịu nhiều đau khổ như một người bạn đã
trải qua, nhưng chưa ai viết thành sách, và Thanh Lan đã làm được điều này. Đọc
những nỗi buồn ngục tù của tác giả thật thấm thía.
Lần thứ hai vượt biển,
thuyền từ Bến Tre ra được ngoài khơi nhưng lại gặp tàu công an bắt và Thanh Lan
bị giam ở trại tù Rạch Giá. Đoạn văn cảm động và đặc biệt tả cảnh ca sĩ tù nhân
Thanh Lan nửa đêm hát những ca khúc lãng mạn cho các tù nhân khác nghe, những
bài hát được gọi là nhạc vàng bị Cộng Sản cấm đoán, nên người dân rất thèm
nghe. Thêm một chi tiết đáng nhớ là mấy tên công an trẻ gác tù cũng đứng bên
ngoài lén nghe tác giả hát dù hát rất nhỏ.
Thanh Lan viết: “Đêm
về, họ ngồi xung quanh tôi bên ánh đèn leo lét của ai đó đã có may mắn được
người nhà gửi vào, tôi sẽ lại hát nho nhỏ những bài hát bị cấm của một thời đã
mất, những dòng nhạc quý báu trong trái tim mình, họ nín thở mà nghe. Dù cho
tôi hãm giọng lại hết sức, họ vẫn muốn nghe rõ từng chữ, môi họ mấp máy như
cùng hát với tôi. Khi mọi người trong thành phố đang ngủ, một nhóm tù tội
nghiệp vẫn còn thức ở đây, ngồi cạnh bên nhau, cùng đưa nhau về thời hoa mộng
ngày xưa.”
Khi được thả từ trại
giam Rạch Sỏi về Sài Gòn, Thanh Lan bị bắt nhốt trong trại tù Phan Đăng Lưu vì
nghi đã vượt biển thất bại rồi trở về, nhưng sau mấy ngày biết cách khai với
công an nên được thả. Từ đó tác giả không còn nghĩ đến chuyện vượt biển nữa.
Mãi đến cuối năm 1993,
diễn viên điện ảnh Thanh Lan đóng vai chính trong cuốn phim “Tình Người,” do
đạo diễn Lê Tuấn ở California thực hiện, và tác giả được giấy phép rời Việt Nam
để sang Thái Lan tới tòa đại sứ Hoa Kỳ mà xin chiếu khán vào Mỹ để dự buổi ra
mắt phim này. Ban tổ chức đã nhờ một vị dân biểu Mỹ ở Orange County can thiệp
và cuối cùng Thanh Lan đặt chân tới xứ sở tự do vào đầu năm 1994 sau 19 năm bôn
ba tìm đường ra khỏi đất nước. Cũng trong năm 1994 này, Thanh Lan làm đơn xin
tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ và được chấp thuận.
Phần 3, “Người Viễn
Xứ,” kể lại những sinh hoạt nghệ thuật của ca sĩ Thanh Lan nơi hải ngoại từ năm
1994 cho đến năm 2020 là năm thế giới bị đại dịch COVID-19 để tác giả viết
chương cuối hoàn tất cuốn hồi ký.
Dù là một ca sĩ nổi
tiếng nhưng khi viết hồi ký tác giả không bàn nhiều về sinh hoạt trong giới ca
nhạc, chỉ kể những mảnh đời của mình bên cạnh người thân kèm theo những sự kiện
xã hội đất nước. Qua những dòng chữ đó, độc giả thấy được bức tranh tổng quát
hoàn cảnh quê hương suốt mấy chục năm.
Một điểm cần biết là
tác giả Phạm Thái Thanh Lan đã đổi tên những nhân vật được ghi trong hồi ký như
tên chồng, tên bằng hữu, tên con gái với lý do tôn trọng quyền riêng tư của họ,
chỉ nêu tên những nhân vật nổi tiếng với sự cân nhắc rằng không ảnh hưởng đến họ.
Đây cũng là một nét đặc biệt của hồi ký “Bão Tố Cuộc Đời.”
Và đây cũng là một
điều cần lưu ý vì khi mình nêu tên một cá nhân nào đó hoặc đưa một bức ảnh có
người nào đó cho dù là bạn bè ra công chúng thì nếu họ không thích sẽ có rắc
rối xảy ra.
Năm nay tác giả Phạm
Thái Thanh Lan đã 74 tuổi, làm được một việc quan trọng là phát hành cuốn hồi
ký bằng tiếng Anh và tiếng Việt ghi lại thăng trầm cuộc đời của mình để bằng
hữu, người hâm mộ, giới trẻ thuộc thế hệ sau biết thêm về tác giả và những kỷ
niệm lịch sử quê nhà.
Cuốn hồi ký xứng đáng
được có trong tủ sách gia đình với nội dung phong phú và những cảm xúc thật
lòng của người viết. Tác giả thức khuya mỗi đêm, viết tay, rồi gõ chữ bằng máy
vi tính suốt bốn năm để hoàn tất tác phẩm, với cảm giác của một người sáng tác
vừa sinh đứa con nghệ thuật, nhất là chữ nghĩa thì thật là sảng khoái. Chúc
mừng nhà văn Phạm Thái Thanh Lan, ca sĩ Thanh Lan!
Buổi ra mắt hồi ký
“Bão Tố Cuộc Đời” của Thanh Lan sẽ diễn ra từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối tại nhà
sách Tự Lực, 14318 Brookhurst Street, Garden Grove, CA 92843. Tác giả sẽ ký tên
vào sách cho người hâm mộ.
Liên lạc tác
giả: catherinepham2005@yahoo.com, hoặc gởi thư về
PO Box 8804, Newport Beach, CA 92658. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment