Friday, August 12, 2022

TIỄN BIỆT (NHẤT PHƯƠNG)

 


Từ ngày Mẹ bỏ tôi để trở về miền quê hương Vĩnh Cữu, tôi thường đếm chuỗi thời gian âm thầm trôi theo cuộc đời quạnh quẽ của riêng mình. Hoàng Dũng và tôi tiếp tục thả gạo nuôi chim như thuở còn có Mẹ. Vườn sau vắng Mẹ, chim buồn không đáp xuống, thưa thớt dần. Sự tĩnh mịch giữa buổi trưa mùa Hạ dễ dàng bộc phát mọi nỗi niềm thăm thẳm sâu. Tôi nằm co ro trên chiếc ghế, chỗ Mẹ tôi vẫn ngồi chờ đợi từng cánh chim trời trở về mỗi độ hoàng hôn. Cây cỏ lá hoa đều ưu sầu, ngậm ngùi chia tay cùng Mẹ. Tôi nghe loáng thoáng tiếng cành Mimosa thì thầm, nhỏ to cùng bụi hoa Quỳnh, ý chừng chẳng muốn tôi nghe:

 -Mẹ đi rồi, ai tắm mát, ai cho mình ăn hả em ? Chị Hai bận bịu trăm việc sẽ không thể chăm sóc anh em mình y như Mẹ đâu.

Thanh Long đang đùa nghịch, bò ngang dọc trên tường, vội ngẩng đầu lên thỏ thẻ :

 -Em buồn lắm, vừa nhớ Mẹ vừa ân hận. Em đã không kịp đơm bông kết trái để bù đắp công ơn vun trồng nâng niu của Mẹ. Em là đứa con cầu tự vô tâm, đã đâm tay Mẹ nhiều lần bằng mũi gai Vong Bản.

Tôi ngồi bật dậy, ngắm nhìn từng đứa con Thiên Nhiên của Mẹ. Sân trước sân sau đầy ắp bóng dáng Người. Tôi tưởng nhớ, tôi tưởng nghe thật rõ ràng tiếng bước dọc ngang qua lại của Mẹ trên phòng. Bà đang sửa sang hành lý. Đó là buổi tối cuối cùng trước ngày Mẹ tôi lên đường về nước. Tôi mơ hồ cảm nhận một thứ âm thanh là lạ nơi cửa phòng ăn, đồng lúc với nụ cười chưa tròn tiếng của Hoàng Dũng vọng vào:

-Ồ, một cánh chim Bồ Câu. Làm gì e ấp thập thò ở đây dzậy, cô nương ?

Tôi úp chiếc ly của Mẹ vào máy rửa chén, vội vã chạy ra sân. Tuy chiều đã qua lâu nhưng không gian chưa chịu rơi vào tối. Ánh sáng hoàng hôn đậm màu phảng phất trên đôi cánh bồ câu xam xám, im lìm:

 -Lạ lùng chưa, chim không sợ người, mi muốn tìm ai vậy hử ?

Lúc ấy Bảo Châu, đứa cháu gái mười một tuổi của tôi đang đứng gần bên chim, báo cáo chi tiết hơn:

-Con thấy chim dùng mỏ mổ nhiều lần lên cửa kiếng. Chắc chim muốn kiếm Ngoại để bái-bai. Dường như nó biết Ngoại sắp về Việt Nam đó dì Hai ơi.

Tôi cười, nụ cười hàm chứa ý nghĩa đắn đo cho mọi điều bất trắc:

-Em Bồ Câu ơi, em bị thương rồi hả ? Có phải con mèo hoàng kim bên hàng xóm cắn em ? Chỗ nào để chị xem?

 Hoàng Dũng và tôi ra sức bới lông tìm vết, vẫn không thể biết được bồ câu đau đớn chỗ nào. Chúng tôi bèn đuổi chim ra:

-Bay đi, bay đi, về đi kẻo mẹ mi tìm.

Chim khinh khỉnh ngắm nhìn căn nhà bếp còn thơm lừng mùi bánh xèo miền Nam, hai chị em tôi vừa làm lúc trưa để đãi vài người bạn thân của Mẹ lần sau cuối. Chim bước thêm mấy bước, nhảy tới nhảy lui, kêu lục ục, chẳng thèm bay.

 

Tối ngày 17 tháng 6 năm 2003, Hoàng Dũng thay tôi kiếm lồng cho chim ngủ, lót ổ để chim nằm, gạo nước kề bên. Căn nhà dã chiến của chim được treo cao cẩn thận trên cành lựu rậm tàng xanh khướt. Chúng tôi không muốn cánh-chim-trời tội nghiệp của Mẹ tôi mang thêm vết thương thể xác, bởi tiếng mèo nghí ngao tinh quái vọng sang rồi.

 

Biệt ly !

Mỗi lần đưa Mẹ về quê là mỗi lần tâm hồn tôi thêm hụt hẫng, giao động khôn cùng. Mẹ đang từ tốn bay xa biển đời. Tuy Mẹ chưa nỡ lòng bỏ chúng tôi bơ vơ bên nầy bờ Thái Bình, nhưng hơn ai hết, tôi biết thật rõ ràng nỗi niềm hằn sâu của Mẹ. Ở lứa tuổi nào đó, người Việt Nam của mình thường có thể cộng hưởng với nhau từ một mẫu số duy nhất, như mẫu số thật dịu dàng của Mười Chuối Kiên-Giang “Lòng của ai cũng có một quê hương”. Mẹ đang bay cao, ôm thật đầy quê hương trong cuộc hành trình của Mẹ.

 

Tôi cũng đậm đà ôm chầm đời-sống-tôi đêm 18 tháng 6 năm 2003 tại phi trường LAX. Thật tình mà nói, ở thời khắc biệt ly, nếu chấp nhận khổ đau, xin hãy cứ đau khổ tận cùng, cho thẩm thấu tới thượng tầng khí quyển. Hãy như các nghệ sĩ tài danh diễn đạt say sưa một tuyệt tác phẩm, lột trần tâm sự tâm trạng của tác giả. Có như thế, nghệ sĩ và tác phẩm ấy mới làm ray rứt lòng người. Từ bấy lâu nay, tôi hòa nhập vào dòng thơ bất hủ của Thanh Tâm Tuyền, chỉ xin được một lần đứng bên bờ biệt ly, “ôm Mẹ trong tay, đã thấy xót xa cho những ngày sắp tới”. Bầu không gian vô tình, lạnh lẽo của phi trường, dửng dưng giết chết mọi ngôn từ. Nước mắt chúng tôi ấm nồng quyện vào nhau vẫn thơm mùi ly biệt. Mẹ và chúng tôi lặng lẽ lìa nhau, lìa nhau. Vẫn như muốn nói điều gì, vẫn không một lời sau cuối, lặng lẽ lìa nhau.

 

Trong lúc ấy, cánh chim thọ nạn cứ ung dung thơ thới trong lồng, mặc dù Mẹ đã rời Hoa Kỳ hơn tuần lễ. Chiều nào chúng tôi cũng mở cửa lồng đuổi nó ra ngoài sân cỏ. Lại bới lông tìm vết thương. Chúng tôi thắc mắc, vấn vương tự hỏi, vẫn không thấy điều gì khả dĩ có thể là nguyên nhân để chim…tự nguyện sa vào lồng. Vậy mà cánh chim trời vẫn chẳng thèm bay.

 

Sáng ngày thứ chín (27 tháng 6 năm 2003), tôi đi Việt Nam để ngắm Mẹ bình yên say giấc ngàn thu. Tôi thầm cám ơn số chín, bởi số chín là con số hên. Số chín còn là số khá cao, các bác sĩ thường dùng sắp hạng cái cảm giác đớn đau đến chín từng mây phiêu bồng trong trời đất. Tôi lau mặt, chăm sóc thêm cho nhan sắc Mẹ vốn dĩ đã rất tươi tắn hài hòa, xứng đáng với sự ra đi thơ thới của Người. Trước sau không một lời cuối cùng nhắn gởi. Mẹ lặng lẽ xa rời tất cả chị em tôi. Mỗi ngày qua là một ngày tôi ngơ ngẩn bên bờ nhớ nhung. Tôi ngồi im trong phòng Mẹ nhiều phút nhiều giờ, hy vọng hít thở thêm ít nhiều làn không khí còn vương hơi hướm Mẹ. Tôi vuốt ve từng thứ đồ vật Mẹ tôi hay dùng, từng mép giường cánh tủ, từng chén tách muỗng ly. Bất cứ nơi nào có bàn tay Mẹ đặt lên, tôi đều nâng niu trân qúy. Đây là lần thứ hai trong cuộc đời, tôi qụy ngã vì khổ đau. Lần trước lần sau cách nhau 28 năm, tuy có dài, nhưng chỉ dài bằng giấc mộng du hoang đường ngắn ngủi. Biển ơi ta nhớ người. Ta quay quắt tàn phai vì cả hai bà Mẹ dấu yêu đang yên nằm bên kia bờ biển lớn. Tôi ngồi dưới gốc cây Mimosa, nơi Mẹ và tôi đã cùng nhau hái chanh, đã cùng nhau cười đùa dưới nắng, đã cùng nhau rướm máu vì gai đâm. Mùa nầy chanh chưa chín, chỉ có hoa Blue-Bird nở từng chùm, nhuộm tím cả góc vườn, nhuộm tím cả lòng tôi. Tuy gai chưa đâm nhưng dường như tay tôi rướm máu tự bao giờ. Tôi nhìn chiếc lồng trống trơn, đong đưa dưới tàng lựu sai oằn trái non, nghĩ thật nhiều về những cánh chim trời của Mẹ. Trải qua bốn mùa, sự thay đổi trong Thái Dương Hệ ảnh hưởng sâu đậm đến đất đai thời tiết, đến tâm tính con người. Vậy mà tình Mẹ thương con không bao giờ hao mòn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, Mẹ chưa từng bỏ đói bầy chim.

Chị em chúng tôi chưa từng rời xa khỏi vòng tay chở che của Mẹ. Mẹ là sự nhiệm mầu của vũ trụ, sự bền bỉ của thiên thu. Cách hành xử của Mẹ làm cảm động đất trời, lá hoa, cầm thú. Có lẽ Bảo Châu nhạy cảm hơn tôi, đoán đúng phần nào tâm trạng cánh chim ưu sầu đã sa vào đưa tiễn Mẹ. Mẹ đi rồi, chim cứ nén lòng kiên nhẫn chờ đợi, đợi chờ. Nhớ lần điện đàm cùng Hoàng Dũng, tôi có nhắc đến bồ câu:

-Dù bận rộn mấy anh cũng đừng quên con chim tiễn Mẹ. Dạo rày nó ra sao rồi, có chịu bay chưa ?

Bên kia đầu giây viễn liên, giọng Hoàng Dũng đột nhiên chất chứa nhiều điều phấn khởi không ngờ:

-Chèn ơi, em biết cái gì không? Em nhắc anh mới nhớ. Thật lạ và cảm động lắm em à.

-Thì nói mau đi, nóng ruột quá xá rồi.

-Đúng ba ngày sau khi chôn cất Mẹ, lúc ấy vào giữa trưa, anh đang ngồi làm việc, tự nhiên nghe tiếng chim dẫy dụa bất thường. Tưởng nó ngả bịnh, anh vội vàng mở cửa lồng, định đem bồ câu đặt lên sân cỏ khám xét như lần trước. Không ngờ, cửa lồng vừa mở, chim mạnh mẽ bay ra, hiên ngang lượn vòng quanh căn nhà dã chiến, rồi vờn luyện cao hơn, cao hơn trên tàng lựu, ngang qua chỗ Mẹ hay ngồi. Kể từ giây phút đó, bồ câu bay bổng biệt tăm.

Tôi nhớ, lúc ấy tôi rất vui mừng hớn hở, lau nhanh dòng lệ ấm nồng thương khóc Mẹ tôi.

 

Khi ngồi trong lòng phi cơ trở lại Hoa Kỳ, gần đến phi trường LAX, tôi cứ dõi mắt kiếm tìm bên ngoài không gian vô tận, xem có cánh chim nào lãng đãng bay theo. Với niềm tin vào sự nhiệm mầu của tạo hóa, tôi nguyện cầu, tôi ao ước, tôi hy vọng Mẹ được biến thành cánh chim Hòa Bình hiền lành thanh thoát. Giờ đây, chim trời vụt bay vào đời sống mới, chắc Mẹ tôi cũng đã thênh thang bay theo đôi cánh Thiên Thần.


No comments: