NHỮNG ĐIỀU MẸ DẠY –
Nguyễn Hoàng Quý
Tôi là út trong một gia đình có năm anh chị em. Năm tôi lên
chín, cha qua đời. Năm ấy mẹ vừa bốn mươi sáu tuổi. Tôi quấn quít bên mẹ và
người chị thứ ba nhiều nhất, kể cả những năm lên học trường huyện. Mẹ và chị
chắc cũng thương tôi út ít, lại mồ côi cha sớm nên dành hết những lo lắng, săn
sóc và chìu chuộng tôi trong khả năng có thể của gia đình.
Mẹ tôi là con thứ. Trước
khi lấy chồng, mẹ được học chữ Nho và sau này về nhà chồng, lại được ông nội
cho đi học thêm quốc ngữ - một trường hợp hiếm có trong bối cảnh nông thôn Việt
Nam ngày ấy. Có lẽ nhờ tiếp thu, dù không nhiều, cả hai dòng văn hóa đó, lại
sống trong một gia đình nề nếp nên mẹ tôi thường vận dụng lời thánh
hiền trong việc dạy dỗ con cái, điều mà chúng tôi ít để ý và phần tôi,
mãi đến sau này mới nghĩ ra.
Không rõ ngày xưa, khi
bắt đầu học chữ Nho, mẹ có bắt đầu bằng Tam thiên tự hay không
nhưng điều chắc chắn là bà thường nói nhiều về Minh tâm bửu giám (quyển
sách mà khi bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã
mua để tặng mẹ). Những ngày còn ở bên mẹ hoặc về thăm nhà sau một tuần lễ trọ
học, thường nghe mẹ nói với tôi hoặc khi đàm đạo với khách hàng những câu rút
từ Minh tâm bửu giám để khuyên răn hay lý giải một điều gì đó
trong cuộc sống đời thường.
Như bất kỳ một chú bé nhà
quê nào khác, những trò chơi ấu thơ của tôi cũng theo thời vụ: bắt cào cào,
châu chấu, đá banh, thả diều, bắt ve sầu . . . Tôi ít được chơi hoàn toàn tự do
thỏa thích như những bạn đồng lứa vì bị mẹ “kìm kẹp” nhắc nhở.
Còn mãi một ấn tượng sâu sắc, ảnh hưởng đến tình cảm, tính cách
tôi sau này là lần dùng ná cao su bắn chết một chú bồ chao trên cành mận thấp
trước sân nhà. Khi tôi phát hiện ra thì hai chú chim con đang được mẹ mớm mồi
và tập chuyền cành. Sau khi bắn rơi con chim mẹ, tôi mang vào khoe thành tích
với mẹ để chuẩn bị chạy ra hạ tiếp cả bầy. Mẹ nhìn xác con chim, không nói lời
nào, có vẻ buồn buồn, mãi một lúc lâu sau mới hỏi : “Giả sử mẹ kiếm
thức ăn về cho con, đến nhà, một người nào đó chờ sẵn và bắn chết mẹ thì con
lúc đó sẽ như thế nào? Bây giờ con lại còn muốn bắn chết con chim bố khi đang
kêu khóc về cái chết của vợ mình!”. Phải nói thật lòng, lúc đó mặc dầu
hiếu thắng nhưng tôi vẫn cảm được điều mẹ nói và thấy xấu hổ, để rồi từ đó về
sau, tôi không bao giờ còn có ý định bắn chim nữa.
Một trưa hè nọ, ở nhà chỉ có hai mẹ con tôi. Không gian rộng lớn
và vắng vẻ tràn đầy tiếng ve rên rỉ ngoài vườn. Tôi ngồi chơi khi mẹ đang khâu
vá ngoài hiên. Không hiểu sao trong tâm trí cậu bé non nớt ấy thoáng hiện lên ý
nghĩ về cái chết. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, chết là gì? Chết rồi, người ta sẽ đi
về đâu?” Mẹ bảo: “Con còn nhỏ quá, hỏi điều đó làm gì ? Bây
giờ cha đã mất, các anh chị rồi sẽ có vợ, có chồng. Ai rồi cũng phải lo cho gia
đình họ. Còn con, giờ phải gắng học để sau này khỏi khổ”. Có lẽ, với tôi đó
là lần nhắc nhở quan trọng nhất, lớn lao nhất mà tôi mãi mang theo để định
hướng cho đời mình. Sau này, khi lên cấp 3 và cả ở đại học, bà còn nhắc nhở đôi
lần nhưng chỉ cần một lần, lần đầu tiên mà tôi đã ghi lại ở trên.
Tôi sinh ra vốn nhỏ con, ốm yếu, lúc nhỏ vẫn hay đau vặt, cảm
cúm luôn. Mẹ tôi thường phải cạo gió cho tôi, những lúc như thế đau không chịu
thấu, có khi phải bò lăn bò càng trên chiếu. Mẹ bảo: “Con cứ tưởng
tượng như mình đang làm điều gì sai trái, bị cảnh sát bắt vào tù tra khảo thì
sẽ thấy việc mẹ cạo cho con nào có ăn thua gì”. Bà chỉ nói như thế mà
tôi “ngộ” hẳn ra để thấy cái đau bỗng nhẹ không. Hoan hô mẹ, mẹ đúng là bà tiên
với chiếc đũa phép quá nhiệm màu!
Bắt đầu năm 1965, chiến tranh lan ra khắp nông thôn miền Nam,
gia đình tôi phải về phố tránh bom đạn. Ba gia đình anh chị vẫn ở chung với mẹ
và tôi. Nhà không rộng, các cháu lại thường đùa giỡn chọc phá, đuổi bắt nhau,
vốn lo sợ các cháu chạy té, mẹ hay nhắc nhở. Lời nhắc lặp lại nhiều lần tôi vẫn
nhớ như in: “Vui chừng nào thì buồn chừng đó, cười bao nhiêu thì khóc
bấy nhiêu đó cháu!”. Sau này khi đã đọc ít nhiều, tôi tự hỏi phải chăng cái
tư tưởng âm trung hữu dương căn đã được mẹ “cụ thể hóa” qua
lời nhắc đó?
Lớn lên, có gia đình, tôi vẫn hay dùng những câu ngày xưa mẹ nói
để nhắc vợ con. Đến nỗi, vợ tôi cũng “lậm”, gặp việc lại thốt lên: “Kiến bất
thủ như tầm thiên lý” (*).
Có dịp tâm tình với mẹ, tôi ta thán về cái nghèo của mình, bà
thường an ủi: “Thiên sanh nhân hà nhân vô lộc, địa sanh thảo hà thảo vô
căn?”**. Sau này mỗi lần bế tắc trong cuộc sống tôi lại nhớ mẹ, nhớ
lại câu trên để cảm thấy . . . nhẹ lòng!.
Mẹ ơi, ngày xưa, con cứ tưởng thằng con út ốm yếu này vẫn được ở
bên mẹ hoài để được chở che, dạy bảo, săn sóc. . . Nhưng cuộc đời đã đẩy con đi
xa mẹ, từ một tuần của những năm trường huyện đến vài ba tuần của những năm
trường tỉnh, đến cả tháng của những năm sinh viên, rồi sau này là miệt mài một
hai năm mới về dăm ba ngày với mẹ. Biết mẹ luôn đợi chờ, mong ngóng con cháu về
chơi (nhất là những ngày tết, ngày hè), nhưng nợ cơm áo đời thường đã đẩy đưa
để rồi dẫu trong lòng không muốn, chúng con bỗng như trở thành những đứa con
bất hiếu!
Có những năm, đi chùa nhân lễ Vu Lan, được gắn cái bông hồng lên
ngực, thấy hạnh phúc vì mình đang còn mẹ nhưng sau đó lại thấm thía buồn vì
tính ra mình đã xa mẹ gần bốn mươi năm!
Nhà thơ Tường Linh chỉ mới xa mẹ có mấy năm thôi mà đã thốt lên:
Mẹ nghìn xa, sáu năm rồi mẹ hỡi
Con không về tóc mẹ trắng nhiều không?
Mùa mưa bấc gió sông Thu lành lạnh
Lửa ai nhen cho mẹ bớt se lòng?
Các cháu nay đều rất chăm học và rất thương yêu loài vật. Chỉ
cần một câu nhắc qua là các cháu đã tự ý thức. Phải chăng trong chúng có được
những tích cách đó là nhờ thừa hưởng gène trội của bà?
Ngày xưa khi dạy chúng
con điều hơn lẽ thiệt trong cuộc đời, mẹ dẫn cả Minh tâm bửu giám,
“giáo án” đó đâu có phần “yêu cầu tư tưởng” phải đạt. Nhưng chính những lời dạy
ấy đến bây giờ con vẫn còn nhớ, vẫn thực hiện và dạy lại con cái mình. Tất cả
há chẳng nói lên rằng mẹ chính là Cô Giáo Đầu Tiên Và Vĩ Đại Nhất của
anh chị em chúng con đó sao?
Quế Sơn, 05/7/2000
NGUYỄN HOÀNG QUÝ
(*)
Kiến bất thủ như tầm thiên lý: Tạm dịch là thấy (một món đồ, một vật cần
dùng bỏ rơi vãi đâu đó trong nhà) mà không cất giữ thì sẽ phải tìm cả ngàn dặm.
(**) Thiên sinh nhân hà nhân vô lộc – Địa sinh thảo hà thảo vô
căn: Tạm dịch là Trời đã sinh ra người thì không ai là không có lộc (Trời). Đất
đã sinh cây cỏ thì không cây cỏ nào không có rễ.
No comments:
Post a Comment