KỶ NIỆM NGỌT NGÀO.
Xóm cũ bé nhỏ của tôi ơi
Nhớ quá đi thôi, nhớ cả đời
Căn nhà có giàn hoa giấy đỏ
Kỷ niệm hôm nào chẳng phai
phôi
Trước đây, tôi đã từng giải thích tại
sao tôi có hai tên: Tên Thoa ở nhà và tên Kim Loan trên khai sanh (chỉ vì cái
nàng ca sỹ hát Căn Nhà Ngoại Ô). Tên Thoa là do má tôi đặt, còn tên ăn theo cô
ca sĩ nổi tiếng là do ba tôi ...nhẹ dạ nghe lời ông nhân viên hộ tịch mộng mơ
đang say mê câu hát: “em ơi trái đất vẫn tròn ..”.
Tôi được sinh ra và lớn lên ở một xóm nhỏ
ven đô, gần Ngã Năm Chuồng Chó. Sở dĩ có cái tên này là do trước 1975, thời
chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, ngay Ngã Năm bên cạnh kho đạn là Trường Quân Khuyển,
huấn luyện các chú chó chuyên nghiệp để phục vụ trong chiến tranh hoặc gìn giữ
trật tự anh ninh xã hội. Khi tôi ra Sài Gòn học, có một anh bạn cùng trường muốn
đến nhà chơi. Anh ở trung tâm phố thị, trên đường Trương Định phía sau vườn Tao
Đàn, chưa bao giờ bước chân đến Gò Vấp, nên khi tôi chỉ đường đến Ngã Năm
Chuồng Chó, anh nhìn tôi, cười:
- Sao em dễ thương vậy, mà lại
sống ở nơi có cái tên nghe rất…dữ dội và chẳng thơ mộng chút nào!
Tôi cười cười :
- Và
anh chắc chắn sẽ bị lạc đường đấy nhé!
Anh tuyên bố :
- Hẻm Bàn Cờ rối hơn canh hẹ, anh
còn tìm ra, huống gì hẻm Gò Vấp xóm em!
Thuở đó, chưa có phone nên đố ai đi tìm
nhà trong hẻm mà không hỏi những người xung quanh. Anh ấy quả là có kinh nghiệm
“tìm hẻm” nên đã đến đúng con hẻm xóm tôi, nhưng xui cho anh ta, gặp ngay thằng
Tửng, thằng bé khôn lanh nhứt xóm. Thằng Tửng trả lời rành rọt:
- Em bảo đảm với anh một
trăm phần trăm, xóm này không có ai tên Loan hết, anh lộn hẻm rồi!
Anh ấy tiu nghỉu đi trở ra, một lát sau
quay lại, vẫn gặp thằng Tửng:
- Em ơi, người ta chỉ cho
anh đúng là hẻm này. Để anh diễn tả chị ấy cho em nhe: chị để tóc ngang vai, mắt
một mí lót, dáng cao cao...
- Xóm em có mấy chị như thế,
ai biết anh muốn chị nào?
- À, chị ấy đi chiếc xe đạp
màu vàng, có cái giỏ xe phía trước thắt cái nơ đỏ, hơi ...màu mè cải lương đó
cưng …
- Xời ơi, vậy là chị Thoa!
Anh còn kể thiếu cái kẹp tóc màu xanh trên đầu chị ấy, và còn cái răng khểnh nữa…
- Đúng rồi! Đúng rồi!
Thằng Tửng lên mặt, cự nự:
- Vậy sao anh không nói từ đầu
cho khỏi mất thời gian của em!
Bà bán khoai mì ngay đầu hẻm nghe câu
chuyện bèn góp vào:
- Nếu là cái xe đó thì chỉ
là con bé Tẹt!
Anh bạn tôi và thằng Tửng ngạc nhiên,
thì bác ấy cười tươi rói:
- Hồi mới sanh ra, mũi nó tẹt lét à, nên
má nó gọi là con Tẹt, chỉ có mấy người lớn tuổi mới biết cái tên đặc biệt này
thôi đấy.
Chị bán đu đủ đá bào kế bên liền nhào
vô, cười mỉm chi:
- Tui không biết Tẹt, nhưng
trong sổ ghi nợ của tôi là tên Thoa Ruồi!
Anh bạn tôi sửng sốt:
- Thoa Ruồi? Ghi sổ nợ?
Bấy giờ, chị bán đu đủ mới cười thành tiếng
lớn, giải thích:
- Tại vì cô ấy có cái mụn ruồi
ngày trên khoé miệng bên phải nên mở hàng rất đắt hàng. Lần nào dọn hàng, đúng
lúc cô ấy đi ngang là tôi nài ép, năn nỉ cổ mở hàng. Cô ấy bận rộn đi học suốt,
nhưng vẫn nể lời tôi mà ủng hộ, cổ nói: “Em không có thời giờ ngồi ăn, chị cứ
quẳng bịch đu đủ đá bào lên giỏ xe em, đến trường em sẽ ăn, rồi tiền bạc thì
2-3 tuần em mới thanh toán một lần nghen!”. Vậy đó, cậu đừng có hiểu lầm, cổ
không phải nợ như chúa chổm đâu!!!
Thế đó, trước khi "lọt" vào được
nhà tôi, anh ấy phải qua vòng "sơ tuyển" đầu hẻm, và cũng hên là
không bị rớt... "từ vòng gửi xe"!!!
Vậy mà sau cuộc viếng thăm bị “lên bờ xuống
ruộng” đó, anh nói :
- Giờ thì anh thấy Ngã Năm Chuồng
Chó thiệt…đáng yêu! Đến một lần là muốn đến nữa!
Ngã Năm Chuồng Chó chỉ là tên địa
danh xóm tôi, bây giờ đến chuyện con chó Kiki của nhà tôi.
Thú thật, tôi chẳng phải loại người “yêu
động vật thiết tha”, nên khi anh Tư của tôi mang nó về, tôi chẳng hề
welcome nó, dù chỉ là một cái nhìn bình thường. Có những khuya ngồi học bài, hoặc
sau này đi dạy, soạn giáo án, Kiki hay chui dưới gầm bàn cọ quậy dưới chân tôi,
nhằm lúc căng thẳng hay bực mình, tôi co cẳng đá nó một cái rõ đau, nó chỉ kịp
kêu ẳng một tiếng và cụp đuôi…tháo chạy! (Xin các chú bác, các anh chị em trong
Hội Bảo Vệ thú vật…tha lỗi cho tôi). Nhưng Kiki lại không hề giận tôi, mỗi sáng
vẫn chờ tôi thức dậy, đưa tôi ra cổng và chiều lại rối rít đón tôi về. Đặc biệt,
nó luôn là người báo tin cho tôi biết khi có khách đến chơi. Mà nó biết đọc cả
ánh mắt tôi nữa cơ! Khi tôi vui vẻ niềm nở mở cổng cho khách, nó cũng …hớn hở
tung tăng đi theo sau. Còn khi tôi miễn cưỡng đón khách “không chờ mà đến”, nó
lầm lũi lặng yên, đợi cho chủ và khách an toạ, nó ngang nhiên ngồi ngay dưới
chân tôi với bộ mặt “hình sự”, lâu lâu nhìn khách rồi sủa khan một tiếng, công
khai làm “kỳ đà cản mũi” và body guard…bảo vệ cô chủ!
Nhưng kỷ niệm đẹp nhất giữa tôi và Kiki
là có lần tôi đi vượt biên thất bại, trở về nhà giữa khuya, khi mọi người đang
ngủ say. Tôi còn chần chừ nơi cổng, đã nghe Kiki sủa vang vội vã từ bên trong để
người nhà tôi ra mở cổng. Vừa bước vào, Kiki nhảy xổng vào người tôi, hít hà,
bày tỏ sự “nhớ nhung” sau mấy ngày xa cách. Rồi tôi và bà chị Cả ngồi bên thềm
đá hoa sau bếp nghe tôi kể chuyện vượt biên, nó cũng…hóng chuyện, ngồi chồm hổm,
ngoác mõm ra lắng nghe say sưa, chẳng biết có hiểu gì không, mà nước dãi ròng
ròng cũng không buồn khép miệng lại. Tôi mỉm cười, ôm đầu nó xoa xoa thay cho lời
cám ơn.
Thời gian qua đi, Kiki càng già cỗi, trở
bệnh nặng và kiệt sức. Mấy ngày đó, nó nằm im nơi góc bếp, chẳng đoái hoài gì đến
dĩa thức ăn trước mặt. Đi làm về, tôi cúi xuống hỏi thăm, thì hai hàng lệ chảy
dài từ khoé mắt mệt mỏi của Kiki, ám ảnh tôi suốt đời.
Và chuyện gì đến phải đến, Kiki “ra đi”
trong một buổi chiều mưa u ám. Mọi người trong nhà chẳng ai nói với nhau lời
nào, dấu nỗi đau vào bên trong.
Căn nhà trở nên trống vắng, buồn tênh.
Không còn Kiki mừng rỡ đón đưa tôi mỗi ngày nơi cổng. Không còn những buổi trưa
hè êm đềm, Kiki nằm thảnh thơi, lim dim mắt dưới bóng mát giàn hoa giấy trước
sân. Không còn những đêm khuya, tôi ngồi soạn bài, có Kiki quấn quít dưới chân ấm
áp…
Lần đầu tiên, tôi bỗng bật khóc và chợt
nhận ra rằng, tôi đã yêu Kiki biết bao!
KIM LOAN
No comments:
Post a Comment