Saturday, August 12, 2023

ANH ĐẾN THĂM, ÁO ANH MÙI THUỐC SÚNG (LÊ TẤN DƯƠNG)

 

ANH ĐẾN THĂM, ÁO ANH MÙI THUỐC SÚNG.

(Tưởng Nhớ Cựu Đại Tá Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông 1932-2018)

 


 

Tháng 8, năm 2012, Mẫu Thân tôi qua đời ở Sài Gòn lúc người vừa bước qua Sinh nhật đại thọ 102 tuổi. Tôi đã kịp về cùng anh chị em bên nhà lo Tang lễ, mộ phần cho thân mẫu chu đáo như ước nguyện chung của gia đình từ bao lâu nay.

 

Cũng trong thời gian tương đối rảnh rang sau đó, tôi có mấy lần theo anh Sáu tôi là một Bác sĩ Quân Y thuộc Sư Đoàn 22 / BB đến thăm và khám bệnh cho cựu Đại Tá Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nên tôi có dịp được gặp và tiếp xúc với Nhạc sĩ tác giả bài “Chiều Mưa Biên Giới” nổi tiếng suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ông sống hiền lành và rất khiêm tốn với mọi người chung quanh. Ngoài cương vị một Nhạc sĩ thành danh. Với tôi, ông còn là một Niên trưởng trong ngành ChiếnTranh ChínhTrị QL/VNCH.  Đó là lý do tôi viết tặng ông bài thơ lấy tựa bài những nhạc phẩm nổi tiếng do ông sáng tác xưa nay. Ngoài ra, ông cũng là Niên trưởng của nhiều cựu Thiếu Sinh Quân  trong các Đại đơn vị, Quân Binh chủng Quân Lực /VNCH.

 

Trong thời gian 10 năm ở tù cộng sản qua các trại giam khét tiếng tại miền Nam, Đại tá Nguyễn Văn Đông bị bệnh rất nặng. Sau khi khi được ra tù, mặc dù có tên trong danh sách ưu tiên đi định cư Hoa Kỳ, nhưng ông đã xin từ chối, không làm hồ sơ xuất cảnh tỵ nạn vì ông nghĩ rằng với căn bệnh nan y trầm kha từ nhiều năm trước do thời gian bị tù đày, ông không thể sống thọ như người bình thường được nên ông đã quyết định ở lại quê nhà để được chết trên quê hương. Rất may, số phận ông còn nhiều may mắn nhờ sự chăm sóc chu đáo của gia đình, sự giúp đỡ của bạn hữu trong và ngoài nước, sự chữa trị tích cực của các thầy thuốc Đông Y và Tây Y khi chữa bệnh cho ông và nhất là do chính ý chí kiên cường của bản thân ông. Theo thời gian, ông đã vượt qua số phận và sống thọ đến tuổi 86 (3/1932 – 2/2018).

 

Trong bài viết nầy, tôi xin phép không trích dẫn về tiểu sử của ông vì trang Wikipedia và các trang mạng toàn cầu đã đề cập đầy đủ chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của Cựu Đại Tá Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tôi chỉ xin nhắc một chi tiết quan trọng nhưng khá hấp dẫn là lúc sinh thời, ông nổi tiếng trên cả hai mặt trận Văn Hóa và Quân Sự. Ông là một Nhạc sĩ chuyên nghiệp, Giám đốc nhiều đoàn Văn nghệ của miền Nam, đồng thời cũng là một Sĩ quan Cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng cầm súng trực tiếp chiến đấu nhiều năm để bảo vệ Tổ quốc.

“Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng, ngoài mưa khuya lê thê qua ngàn chốn sơn khê...Anh như ngàn gió ham ngược xuôi theo đường mây. Tóc tơi bời lộng gió bốn phương...”. Đó là một hình ảnh vừa hào hùng vừa lãng mạn của người Lính trong cuộc chiến năm xưa. Anh đã vượt qua Mấy Dặm Sơn Khê đầy khó khăn gian khổ của kiếp chinh nhân, và một Chiều Mưa Biên Giới năm xưa, anh lại tiếp tục dấn bước ra đi. “…Kìa là rừng chiều âm u rét mướt, chờ người về vui trong giá buốt, người về bơ vơ. Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang…”. Cũng một chiều mưa biên giới ngày tháng cũ, nhìn “Quê hương khuất bóng hoàng hôn” Anh đã đem hình ảnh hạc vàng trong thơ Thôi Hiệu ngày xưa vào tâm trạng khắc khoải của kẻ sĩ thời đại khi nghĩ về quê nhà đang điêu tàn vì chinh chiến “…Đêm đêm chiếc bóng bên trời, vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người…”. Một người ở đây là tình yêu đôi lứa. Một người ở đây cũng mang ý nghĩa là hình ảnh sông núi quê nhà.

Thật là kỳ lạ. Anh là Đại tá Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nhưng mỗi lần nhắc tên anh, tôi lại Nhớ Một Chiều Xuân xa xưa nơi tiền đồn biên giới cô quạnh không bóng người, chỉ có niềm vui cùng đơn vị và tiếng đàn cô lẽ giữa rừng núi âm u. “…Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ. Người đi xa xôi phương trời ấy. Người còn buồn, còn thương, còn nhớ, nắng phai rồi em ơi…” Và cũng thật kỳ lạ. Anh tên Đông nhưng anh chào đời bằng hơi thở mùa xuân có hoa lá xôn xao đầy Sắc Hoa Màu Nhớ. Rồi anh lại ra đi biền biệt, giã từ cuộc sống cũng vào một ngày xuân lặng lẽ trên quê nhà. Xác hoa tàn đã rơi trên báng súng năm xưa và anh mãi mãi không còn nhìn thấy để ngỡ là xác pháo tung bay trong lễ hội những mùa xuân năm cũ. Nhớ ai chiều ấy bâng khuâng, nhớ ai Phiên Gác Đêm Xuân năm nào.

 

Lúc xưa, khi Nhạc sĩ còn sống ở Phú Nhuận, tôi có đến thăm ông mấy lần và có viết gởi tặng Nhạc sĩ đàn anh một bài thơ ngắn, cô đọng từ những tựa đề nhạc phẩm nổi tiếng của ông, trong đó câu cuối tôi viết là: “Bài thơ viết tặng cho người tên Đông”.

Nay để tưởng nhớ Đại tá Nhạc sĩ đã qua đời ở VN ngày 26 Tháng 2 năm 2018, tác giả xin được phép sửa lại câu thơ cuối như một lời tưởng niệm đến một Niên trưởng khả kính, một Nhạc sĩ Tài hoa trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Lê Tấn Dương. Tháng 3/2018

 

Người đi “MẤY DẶM SƠN KHÊ

CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI” tôi về mình tôi

SẮC HOA MÀU NHỚ” bên trời”

“THƯƠNG CA HẢI NGỌAIlà lời ước mơ.

Nhớ xưa thề nguyện dưới cờ

Còn vang vọng mãi bến bờ trầm luân

Nhớ ai chiều ấy bâng khuâng

Nhớ Anh, “NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN” năm nào

Đẹp “MÙA SAO SÁNG” biết bao

ĐÊM XUÂN PHIÊN GÁC” chiến bào đẫm sương

LÁ THƯ NGƯỜI LÍNH CHIẾN” trường

Nặng tình non nước, quê hương ngóng chờ

DÁNG XUÂN XƯA” thuở mộng mơ

KHÚC TÌNH CA …” ấy đợi chờ sắc son (*)

Cúi “XIN CHÚA THẤU LÒNG CON

Lời thề năm cũ vẫn còn âm vang

Đêm nay “ĐÊM THÁNH HUY HOÀNG”

Chúa về ngự trị trên ngàn sao thưa

Giấc mơ “VỀ MÁI NHÀ XƯA”

Giọng ca buồn thánh đong đưa cuối trời

“SÀI GÒN TRONG TRÁI TIM TÔI”

NHỚ NGƯỜI VIỄN XỨ ” xa xôi ngóng chờ

“CUNG THƯƠNG NGÀY CŨ” mộng mơ

Thương nhà nhớ nước lệ mờ rưng rưng.

Mười năm “cải tạo” xuyên rừng

Mười năm khổ nhục “XIN ĐỪNG TRÁCH ANH”

DẠ SẦU” ánh mắt long lanh

Như sương buổi sáng trên cành chơi vơi.

“ANH NHỚ GÌ KHÔNG ANH” ơi.

NIỀM ĐAU DĨ VÃNG” một trời luyến thương.

NÚI VÀ GIÓ” cũng sầu vương

BÀI CA VIỄN XỨ” đoạn trường lệ rơi.

Câu thơTHƯƠNG HẬN MỘT ĐỜI

Thay lời vĩnh biệt khóc người tên Đông.

 

Lê Tấn Dương.

 

(*) Khúc Tnh Ca Hàng Hàng Lớp Lớp

 

No comments: