nhà thơ đi lính
Phạm Tín An Ninh
(Để tưởng nhớ Y-Broc Niê và Lại Trọng Hà)
Phạm Tín An Ninh
Tôi không biết làm thơ. Chính xác hơn là tôi dốt đặc về thơ. Nhưng có
điều tôi rất mê thơ. Thời mới vào trung học, tôi đã từng nắn nót chép những bài
thơ của mấy ông Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Đinh Hùng, Thâm Tâm… vào
những tập giấy pelure đủ màu xanh đỏ, đóng bìa cứng với cái tựa mạ vàng. Tôi
còn thuộc lòng hết mấy bài thơ tình của TTKH. Biết ai làm thơ hay, có đôi bài
đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Năm, Phổ Thông, Phụ Nữ Diễn Đàn hay Văn Nghệ Tiền
Phong là tôi xem như thần tượng, gởi thư cho tòa soạn xin địa chỉ viết vài dòng
làm quen, dù rất hiếm khi nhận được hồi âm. Lớn lên, vào lính, ngoài hành trang
ba lô súng đạn, tôi luôn mang theo hồn thơ lai láng. Khi ấy tôi cũng vừa khám
phá ra điều thú vị: người lính, đời lính và tình yêu của lính chính là đề tài
lớn nhất cho các nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác. Những chiều dừng quân, nghe tiếng
gió rừng hòa tiếng suối reo, hay những lúc băng qua cánh rừng đầy hoa sim tím,
tôi lại buột miệng thì thầm vài câu thơ quen thuộc. Nàng thơ lúc nào cũng ngự
trị trong tôi, theo tôi đến mọi chân trời góc biển.
Đơn vị tôi là một tiểu đoàn tác chiến lưu động, có mặt trên hầu hết các
địa danh Vùng 2 Chiến Thuật. Rày đây mai đó. Có khi buổi tối còn đóng quân
trong núi rừng Quảng Đức, Lâm Đồng, chiều hôm sau lại có mặt ở bờ biển Tuy Hòa,
Phan Thiết. Tôi nhận trung đội với chỉ 25 người lính, Thượng nhiều hơn Kinh.
Trong đó có một anh trung sĩ, tên Y- Broc Niê, có học hành, tư cách và kỷ luật.
Đặc biệt anh có đôi mắt đẹp, mơ màng. Không biết gia đình giàu có thế nào,
nhưng nghe nói anh được học trường Tây, nói tiếng Pháp còn giỏi hơn tiếng Việt.
Trong ba lô của anh lúc nào cũng có cuốn Le Petit Larousse rất cũ kỹ và vài
cuốn truyện tiếng Pháp. Anh được tất cả lính Thượng trong đơn vị kính nể, bảo
điều gì cũng nghe răm rắp. Ngược lại anh cũng luôn quan tâm lo lắng đến đời
sống và tranh đấu cho quyền lợi của họ. Xin cho được đi phép và cam kết họ sẽ
trở lại đơn vị (vì thời ấy đa số lính Thượng khi về buôn bản, họ không muốn ra
đi, bỏ lại nương rẫy vợ con nữa). Rất may là anh ta rất quí mến tôi. Hai thằng
trở thành bạn thân khi tôi biết anh cũng rất thích thơ và biết làm thơ. Những
ngày đóng quân trong rừng, anh thường ngồi đọc cho tôi nghe mấy bài thơ tình
lãng mạn của các ông Jacques Brévert, Lamartine. Anh còn cho tôi nghe những bài
thơ được anh dịch ra tiếng Thượng, và dạy cho tôi nói một vài tiếng Ê-đê. Anh
hãnh diện khoe với tôi, anh là cháu ruột của nhân sĩ trí thức Y-Yut, người đã
tìm hiểu mẫu tự La tinh và vần Ê-đê để đặt ra bộ chữ viết Ê-đê ngày nay. Đôi lúc
tôi thắc mắc và thầm tiếc là tại sao một người sắc tôc có trình độ như anh mà
chỉ làm trung sĩ tiểu đội trưởng tác chiến, tại sao chính phủ không xử dụng anh
ở những vai trò khác hữu ích hơn, Nhưng rồi lại thấy nhờ may mắn có anh mà đời
lính của tôi vui và thi vị hơn.
Một hôm, sau cuộc hành quân tại vùng Đa Ngư Phú Lạc, một khu núi đá nằm
gần Vũng Rô-Đá Bia, đơn vị tôi thắng lớn, tịch thu cả một kho vũ khí của địch,
được lệnh kéo về Tuy Hòa làm lễ khao quân và tái bổ sung quân số, quân trang
đạn dược. Trung đội tôi được nhận thêm sáu tân binh. Trong số đó có một trung
sĩ và một hạ sĩ, mà trông mặt mày tôi đoán biết cũng chỉ vừa mới rời ghế nhà
trường để “đi vào nơi gió cát”. Có điều khác là chàng trung sĩ trẻ thì vui vẻ,
năng động, kỷ luật còn anh hạ sĩ thì hơi có vẽ lè phè, tóc tai để dài, có cả
hàm râu mép, rất ít nói, thường trả lời chỉ bằng một cái gật đầu mĩm cười, lơ
đãng. Tôi thường thấy anh ngồi một mình tư lự, đôi khi nhắm mắt nhìn trời miệng
thầm thì những điều gì không ai hiểu được. Cái tên cũng đẹp: Lại Trọng Hà.
Trùng họ và chữ lót với một thằng bạn khá thân của tôi thời trung học, Lại
Trọng San. Mới đầu tôi nghĩ có thể là anh em vì hai chữ San-Hà, nhưng anh ta
cho biết là không có bà con dây dưa rễ má gì với thằng bạn của tôi cả. Sau này,
tôi biết anh đã bị đánh rớt trong một khóa Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Thay vì bạn bè
ra trường với cấp bậc trung sĩ, chỉ duy nhất có anh là Hạ sĩ. Tôi vừa thấy tội
nghiệp, nhưng cũng vừa có một chút thành kiến, nghĩ anh ta chắc cũng thuộc loại
ba gai, bất cần đời, khó trị. Không khéo sẽ gây ảnh hưởng xấu cho đám binh sĩ
khi tôi chỉ là thằng trung đội trưởng còn non choẹt, chưa có một chút kinh
nghiệm chỉ huy cũng như chiến trường. Dù vậy, lúc nào tôi cũng tỏ ra thân thiện
và giúp đỡ mặc dù anh không hề có bất cứ yêu cầu nào. Với một chút tâm lý, tôi
không đưa anh ra tiểu đội, mà giữ anh lại ban chỉ huy trung đội, mang khẩu
phóng lựu M-79. (Thời ấy loại súng M-79 mới được trang bị, còn rất hiếm, nên
mỗi trung đội chỉ có một khẩu, và người lính nào mang M-79 được đi theo trung
đội trưởng).
Không ngờ anh ta cũng rất thích thơ và thuộc rất nhiều thơ. Và dường như
những bài thơ là sợi dây màu nhiệm buộc bọn tôi lại với nhau. Chỉ một thời
gian, anh trung sĩ Y- Broc, hạ sĩ Hà và tôi trở nên rất thân tình. Ngoài tình
đồng đội, chúng tôi xem nhau như là bạn, là anh em. Nhưng ông tiểu đoàn trưởng
của tôi thì không ưa chàng hạ sĩ này. Mỗi lần bắt gặp, ông luôn quát: “ông
tướng này phải cắt tóc tai cho đàng hoàng, cạo râu đi nghe chưa. Lè phè là
không được với tôi đâu!” Tôi bảo nhỏ anh ta “thấy đại bàng phải né đi
chứ!” Anh chỉ cười trừ rồi đâu cũng vào đấy. Đúng lúc ông trung sĩ 1
trung đội phó của tôi lên thượng sĩ, được chuyển về làm thường vụ tiểu đoàn,
tôi xin rút trung sĩ Y-Broc về làm trung đôi phó. Ba thằng chúng tôi ở gần nhau
hơn. Ăn cơm chung và nằm cạnh nhau dưới các giao thông hào. Y-Broc có biệt tài
mưu sinh. Những lúc đóng quân giữa núi rừng, anh thường làm bẫy bắt thú rừng
hay hái về những loại trái cây, rau rừng ăn được, những bữa cơm lính trở nên
“thịnh soạn” hơn. Còn anh chàng hạ sĩ thì chỉ mang về các cụm lan rừng hay đôi
cành hoa sim tím treo lủng lẳng trên đầu võng hay trước các giao thông hào.
Những chiều đóng quân, nếu không đụng địch, anh nằm đu đưa trên võng, đọc cho
bọn tôi nghe vài bài thơ hay. Không ngờ những bài thơ đã làm cho bọn tôi thấy
đời lính đẹp hơn, lãng mạn hơn, mà quên bớt phần nào nhọc nhằn, nguy hiểm.
Cuối tháng, trung đội nhận được tờ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa do ban Tâm Lý
Chiến tiểu đoàn phân phối, luân phiên trong đại đội. Theo thói quen, tôi mở đọc
trang Thơ trước, và rất ngạc nhiên khi thấy một bài thơ đề tặng mình, có ghi rõ
đơn vị nữa. Bài thơ dài chiếm cả nửa trang giấy, thật hào sảng mà cảm động, có
cả những địa danh mà đơn vị tôi vừa mới đi qua. Tác giả là một cái tên khá
quen: Mây Cao Nguyên. Trước đây tôi đã đọc nhiều bài thơ của nhà thơ này
và thường gật đầu tâm đắc. Nhưng tôi đâu có vinh dự gặp gỡ quen biết mà
anh làm thơ tặng tôi. Và làm sao anh ta biết đơn vị tôi đã từng đi qua những
địa danh xa lạ, những vùng núi rừng, hoặc làng mạc nghèo nàn, xác xơ heo hút,
mà qua bài thơ bỗng trở nên thơ mộng và đẹp đẽ đến không ngờ?
Tôi đem bài thơ ra khoe với anh trung sĩ Y-Broc và hạ sĩ Hà, và hỏi có
phải một trong hai người là thi sĩ Mây Cao Nguyên. Cả hai lắc đầu. Hà bảo Mây
Cao Nguyên không phải con trai, là một cô bạn gái của anh, có lẽ đọc mấy lá thư
của anh gởi về tả cảnh hành quân và ông trung đội trưởng trẻ tuổi dễ thương,
nên cảm tác bài thơ ấy. Anh bảo có dịp anh sẽ giới thiệu bọn tôi với nhà thơ nữ
này. Y-Broc dịch bài thơ ra tiếng Thượng đọc cho đám lính Thượng nghe.
Tôi chẳng hiểu gì ngoài những tiếng vỗ tay của những người lính rất đỗi chân
chất hồn nhiên ấy.
Một lần trung đội đang ăn cơm để chuẩn bị đóng quân đêm, bỗng ông đại đội
trưởng đến tận nơi ra lệnh trung đội nghỉ ngơi một lúc chờ trời tối sẽ di
chuyển đến một địa điểm để phục kích. Tin tức cho biết có một mũi công tác VC
vừa xâm nhập vào khu làng nhỏ bên cạnh nhận tiếp tế, đến khuya hoặc trời gần
sáng bọn họ sẽ rút trở lại lên núi. Trung đội được tăng cường thêm một tổ trung
liên, có nhiệm vụ phục kích để tiêu diệt trên đường địch rút ra. Địa điểm phục
kích là một ngã ba nằm phía sau làng, cách chân núi vài trăm thước. Ông đại đội
trưởng đưa cho tôi tấm bản đồ, chỉ cho tôi cái ngã ba, hướng dẫn cách bố trí
quân và vài điểm tác xạ tiên liệu Pháo Binh ông đã chấm sẵn. Tôi lấy hướng trên
địa bàn và tính khoảng cách từ điểm xuất phát đến mục tiêu khoảng bốn cây số,
di chuyển trên con hương lộ nhỏ. Tất cả chỉ mang theo vũ khí và đạn dược, balô
gởi lại cho đại đội. Đúng 8 giờ xuất phát. Trời cuối tháng nên tối như mực. Tôi
lo ngại có thể thất lạc hoặc bị lọt ổ phục kích. Y-Broc tình nguyện dẫn tiểu
đội đi đầu. Những người lính Thượng rất có kinh nghiệm đi đêm trong rừng. Đôi
mắt của họ như là những ngọn đèn thần.
Chưa tới ba mươi phút, đã đến ngã ba. Tôi nắm tay từng anh tiểu đội
trưởng đến địa điểm chỉ cách bố trí, và gài mìn Claymore phía trước tuyến phục
kích. Hai cây trung liên Bar được đặt trên hai mô đất cao có xạ trường tốt nhất
hướng về phía con đường làng, nơi địch sẽ rút ra. Y-Broc xin theo tiểu đội
người Thượng được tăng cường tổ trung liên, nằm riêng tại địa điểm trọng yếu,
bên kia ngã ba đường, nơi địch sẽ xuất hiện trước nhất. Anh cẩn thận gài một
quả mìn Claymore ở phía sau tuyến đề phòng bất trắc. Tôi ra lệnh luân phiên
canh gác và nghỉ ngơi, đến 12 giờ đêm tất cả đều phải thức để sẵn sàng tác
chiến. Khi nào địch di chuyển đến giữa ngã ba, tôi sẽ đích thân bấm trái mìn
Claymore tại đây thay cho lệnh khai hỏa, tuyến quân của Y- Broc là nỗ lực chính
tấn công và chốt địch phía sau. Kiểm soát các tiểu đội xong, tôi trở về vị trí,
dựa lưng vào một mô đất duỗi đôi chân ra nghỉ.
Khoảng hơn nửa giờ sau, có tiếng vài con chim lạ, dấu hiệu có người. Tôi
đang nghe ngóng và phân vân không biết mấy con chim này thấy ta hay địch thì
giật mình bởi tiếng mìn Claymore nổ chát chúa ngay hướng trước mặt, bên kia
đường, sau tuyến của Y-Broc, cùng những tiếng la hét thất thanh. Nhiều tràng
đạn khai hỏa từ cánh quân của Y-Broc. Rồi tiếng súng địch nổ khắp nơi, có cả
tiếng trung liên, đại liên và B.40. Những vệt đạn lửa đan xéo trên đầu, trong
màn đêm tĩnh mịch. Hỏa lực địch tập trung vào vị trí tiểu đội của Y-Broc. Tôi nghe
tiếng hô xung phong của địch và biết lực lượng địch ít nhất cấp đại đội, nên
không thể liều lĩnh. Hơn nữa tôi chưa nắm vững đựợc tình hình và vị trí địch.
Tiểu đội Y-Broc chống trả mãnh liệt. Nhờ nằm dưới một con mương khô, bám được
vị trí che chắn tốt, và những tràng đạn trung liên cùng những quả lựu đạn M-26
liên tục tung ra hiệu quả nên cánh quân của Y-Broc giữ vững được phòng tuyến.
Sợ địch phát hiện, nên lợi dụng khi có tiếng súng và lựu đạn nổ, tôi báo cáo
vắn tắt cho ông đại đội trưởng, xin tiếp ứng và Pháo Binh, nhưng không thể cận
yểm được vì địch với ta quá gần nhau, nên chỉ xin tác xạ vào các điểm tiên liệu
ngay sau lưng địch, vừa uy hiếp vừa dồn chúng lại, để chúng tôi đánh bằng lựu
đạn. Hai tiểu đội còn lại bên này đường đã nhanh chóng dàn mỏng đội hình dọc
theo con lộ tạo thành một tuyến hình chữ L để đánh bên sườn địch. Cây trung
liên cùng với khẩu M-79 của hạ sĩ Hà di động liên tục khai hỏa vào bên hông
địch, để vừa không lộ vị trí vừa nghi binh để bọn chúng nghĩ là lực lượng chúng
tôi đông đảo hơn chứ không phải chỉ một trung đội. Địch không còn tập trung áp
đảo tiểu đội của Y-Broc mà bung ra hướng tôi đối phó. Khẩu đại liên của chúng
chuyển hướng, liên tục khạc đạn vào chúng tôi trong một khoảng cách thật gần
với tầm rất thấp, làm chúng tôi không ngóc đầu hay di chuyển được. May mắn là
có một con mương nhỏ dọc theo lề đường tương đối an toàn để chúng tôi ẩn
nấp.Tôi gọi xin Pháo Binh bắn hai quả soi sáng. Khi trái sáng được bắn lên, tôi
thấy vị trí khẩu đại liên của chúng được đặt trên miệng một cái hố lớn bên kia
đường, có xạ trường tốt. Rất khó khăn và nguy hiểm để chúng tôi có thể băng qua
con đường đất, tiếp cứu tiểu đội Y-Broc. Bỗng có người đập nhẹ vào vai, quay
lại tôi nhận ra Hà. Anh ta dúi khẩu M-79 đã hết đạn cho tôi và bảo cho anh xin
thêm hai quả lựu đạn “để triệt khẩu đại liên của tụi nó” (Lúc ấy mỗi người lính
đều được trang bị 2 quả lựu đạn M-26). Tôi chưa kịp hỏi gì thì Hà biến mất. Cầm
chân được chúng tôi, địch lại tập trung áp đảo và bao vây tiểu đội Y-Broc.
Tiếng địch la hét hô “xung phong”nhằm uy hiếp tinh thần. Bỗng tôi nghe ba tiếng
lựu đạn nổ liên tiếp cùng những tiếng la hốt hoảng và tiếng chân của quân địch
chạy. Tôi nghĩ ngay đó là lựu đạn của Hà. Khẩu đại liên của địch im tiếng.
Chúng tôi nhanh chóng băng qua đường và đồng loạt tập kích bên cạnh sườn địch
bằng một loạt những quả lựu đạn tung ra cùng môt lúc. Trên 20 trái lựu đạn tạo
thành tiếng nổ kinh hồn, như rung chuyển cả cánh rừng và mặt đất. Bọn đich tháo
chạy dưới những tràng đạn Pháo binh của ta bắn chặn. Chúng tôi có lệnh không
truy kích, vì chưa kiểm soát được tổn thất và bắt tay với cánh quân của Y-Broc.
Tôi lên tiếng gọi Y-Broc, bảo ngưng mọi tác xạ và tránh ngộ nhận, tôi sẽ
đến gặp. Khi tôi vừa bắt tay Y-Broc thì Hà cũng vừa chạy đến. May mắn cả hai
đều không thương tích. Tôi bảo lần này nhờ vào sự can đảm liều lĩnh của Hà,
diệt được khẩu đại liên địch, mới kịp tăng cường cứu nguy cho Y-Broc. Ba thằng
vội vã ôm choàng lấy nhau. Y- Broc bảo vừa đánh địch phía trước vừa phải
đề phòng sau lưng, vì sợ mũi công tác của VC từ trong làng kéo ra. Tôi bảo
Y-Broc để một bán tiểu đội và tổ trung liên nằm tại chỗ, đề phòng phía sau.
Pháo Binh tiếp tục bắn trái sáng để chúng tôi bung ra lục soát. Rất may mắn như
một điều kỳ diệu,, bên ta chỉ có hai binh sĩ Thượng bị thương, đều thuộc tiểu
đội bên cánh của Y-Broc. Địch bỏ lại 9 xác chết và 12 vũ khí đủ loại, trong đó
có một đại liên bị hư hại và một khẩu K-54. Hai tên bị thương nặng, chúng tôi
bắt sống. Đa số đich chết vì lựu đạn và mìn Claymore. Năm tên banh xác dưới cái
hố lớn nơi đặt khẩu đại liên, bị hạ sĩ Hà tiêu diệt. Đây cái hố trũng do
dân làng đào lấy đất đắp đường để lại.
Khi đại đội (-) tiếp ứng đến nơi, tình hình đã hoàn toàn yên tỉnh. Ông
đại đội trưởng ôm lấy chúng tôi mừng rỡ. Cả đại đội được lệnh vừa di chuyển về
vị trí tiểu đoàn vừa an ninh lộ trình để xe tản thương đến đưa thương binh về
bệnh xá, kể cả hai tên địch.
Sáng hôm sau, chúng tôi được ông Tiểu Đoàn Trưởng và ông Tiểu Khu Phó đến
thăm, bắt tay khen ngợi, bảo là tin tức tình báo không chính xác. Đám VC vừa
tao ngộ chiến với chúng tôi không phải là mũi công tác như được cho biết là đã
xâm nhập vào làng từ lúc chạng vạng tối. Thực ra đây là đại đôi địa phương của
chúng đã hạ sơn trễ, mục đích chiếm ngôi làng này và tấn công quấy rối vào vị
trí đóng quân của tiểu đoàn, may mà chúng tôi phát hiện và phản ứng kịp thời.
Tôi gọi hạ sĩ Hà đến và kể lại thành tích bất ngờ nhưng hào hùng của anh. Hai
ông cười, bắt tay Hà khen ngợi.
Chiến công bất ngờ lần ấy, trung đội tôi được tưởng thưởng 5 anh dũng bội
tinh. Một ngôi sao vàng và 4 ngôi sao bạc. Điều vui hơn, là từ hôm ấy, ông tiểu
đoàn trưởng đã nhìn Hà bằng cặp mắt khác. Có nhiều thiện cảm hơn.
Khoảng hai tháng sau, trung đội được lệnh đi tiền đồn, bố trí quân trên
một ngọn đồi có nhiểu tảng đá lớn che chắn, một bên là núi, phía dưới là biển
rì rào, trên trời thì trăng sao vằng vặc. Khung cảnh thật thơ mộng, nên trời đã
khuya mà ba thằng chưa ngủ, nằm cạnh nhau bên hốc đá tán gẫu chuyện thơ văn.
Đang ngâm nga mấy bài thơ của thi sĩ Đinh Hùng thì VC pháo kích mấy quả 80 ly
rồi từ bên kia núi bắn sang nhiều loạt AK và hô xung phong. Tôi nghĩ chúng chỉ
hù dọa vì khoảng cách khá xa. Hơn nữa ngọn đồi chúng tôi đóng quân khá kiên cố.
Ba thằng vội bò dậy, hạ sĩ Hà lấy cây M-79 thọt sang mấy quả, còn tôi thì điều
chỉnh pháo binh tác xạ mấy tràng. Yên lặng. Trở lại hốc đá, Hà và tôi không
thấy Y-Broc đâu cả. Vài phút sau nghe tiếng lựu đạn nổ phía sau, cả trung đội
báo động. Tôi chưa biết chuyện gì xảy ra, thì Y-Broc chạy tới, bảo là có đặc
công đôt nhập từ hướng biển, nơi mà chúng tôi không ngờ. Thì ra bọn địch chơi
trò dương đông kích tây. Y-Broc có kinh nghiệm và đã nhanh trí trước mưu đồ của
chúng, nên kịp phát giác. Tôi xin Pháo Binh bắn soi sáng. Và nhờ đã chuẩn bị
các dấu hiệu nhận nhau cột trên cánh tay và mật khẩu, chúng tôi dễ dàng kiểm
soát tình hình. Một tên địch bị banh xác bởi trái lựu đạn của Y-Broc. Hai tên
khác bị lộ, nấp dưới một hố nhỏ, tôi cho ném lựu đạn cay và bắt được chúng.
Thêm một lần nữa trung đội lập được chiến công, nhưng cũng không phải nhờ
tài năng hay đảm lược gì của tôi, anh chàng trung đội trưởng.
Không ngờ một anh hạ sĩ bị đánh rớt từ quân trường Đồng Đế, và một anh
trung sĩ người Thượng hiền lành, đều là hai nhà thơ lãng mạn, chuyên khóc gió
thương mây, mà lập được những chiến công hiển hách, cứu tôi và cả trung đội hai
lần thoát khỏi tình huống hiểm nguy. Riêng tôi đã học thêm được một số kinh
nghiệm chiến trường.
Sáu tháng sau, tiểu đoàn được tăng phái dài hạn một Chi Đoàn Thiết Quân
Vận M-113, xuống tàu Hải quân di chuyển vào Phan Thiết, để mở lại con đường
QL-1 từ Phan Thiết đến Phan Rang, đặc biệt giải tỏa khu vực dọc theo Mật khu Lê
Hồng Phong bị địch làm chủ tình hình hơn hai tháng nay. Đồng thời giữ an ninh
cho Công Binh thiết lập căn cứ Nora và Mara nằm bên quốc lộ. Cuộc hành quân kết
thúc tốt đẹp. Chúng tôi nhận lệnh bàn giao các căn cứ và vị trí cho các đơn vị
địa phương quân của TK Bình Thuân, di chuyển đến phi trường quân sự Sông Mao để
được không vận khẩn cấp bằng các phi cơ Caribou lên Quảng Đức. Mục tiêu cuộc
hành quân lần này mới lạ và phức tạp hơn: trấn áp những cuộc nổi loạn của người
Thượng, sau khi có tin một số sĩ quan người Kinh tại một căn cứ hay quận lỵ nào
đó bị giết chết. Tôi thực sự khó xử khi trong đơn vị có khá nhiều người Thượng
và đặc biệt trung sĩ Y-Broc là người mà tôi thương yêu quí mến. Nếu phải tấn
công vào lực lượng người Thượng phản loạn, tôi không biết phải ăn nói làm sao,
và liệu phản ứng của Y-Broc và các binh sĩ Thượng trong đơn vị sẽ như thế nào?
Cuối cùng, không phải chỉ có tôi mà ông tiểu đoàn trưởng đã phải trông nhờ vào
trung sĩ Y-Broc. Ông muốn anh về làm việc với bộ chỉ huy tiểu đoàn, nhưng anh
một mực xin được tiếp tục ở lại trung đội với tôi và sẽ thi hành tất cả những
gì vị Tiểu Đoàn Trưởng cần đến. Anh hứa sẽ giải thích cho tất cả anh em binh sĩ
Thượng trong đơn vị hiểu và cũng tình nguyện làm trung gian hòa giải giữa đơn
vị tôi và lực lượng người Thượng nổi loạn ở Quảng Đức. Anh tin tưởng cuộc hòa
giải sẽ thành công để tránh những cuộc đụng độ giữa hai sắc tộc anh em
Kinh-Thượng. Rất may, khi đến Quảng Đức, tình hình đã lắng dịu. Sau đó khi đơn
vị hành quân qua các vùng có đông đúc người Thượng, trung sĩ Y-Broc trở thành
một cán bộ Tâm Lý Chiến tài ba, đã cảm hóa được hầu hết những quân nhân và dân
chúng Thượng trong vùng.
Quảng Đức là một tỉnh nhỏ, nằm heo hút sát biên giới Việt-Miên, được Tổng
Thống Ngô Đình Diệm sáng lập với vài khu dinh điền, để định cư một số người Bắc
di cư năm 54 và tạo thành một trọng điểm chiến lược. Có lẽ không một địa danh
nào làm cho những người lính buồn chán bằng Quảng Đức. Vậy mà tiểu đoàn tôi
được lệnh ở lại đây gần một năm, giữ an ninh cho khu dinh điền Đạo Nghĩa và
thường xuyên hành quân tảo thanh dọc theo biên giới.
Hơn mười tháng, ngay sau khi nhận lãnh chức vụ đại đội trưởng, tôi được
ông tiểu đoàn trưởng chỉ định dắt đại đội solo xuống núi, tăng cường cho TK Lâm
Đồng, giữ an ninh cho Công Binh tái thiết mấy cây cầu trên QL-20 bị VC giật
sập. Tôi kéo Y-Broc và Hà về ban chỉ huy đại đội. Chúng tôi đóng quân trên một
đồi trà mà ông chủ là một người Pháp. Nhờ Y-Broc giỏi tiếng Pháp, nên ông chủ
có cảm tình đặc biệt với bọn tôi, thường đãi bọn tôi những bữa ăn với rượu Tây
và thỉnh thoảng lấy xe chở bọn tôi lên thành phố Đà Lạt rong chơi. Cà phê Tùng
và quán Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương là nơi mà bọn tôi thường có mặt.
Hơn một tháng sau, đại đội được trả về tiểu đoàn, vừa di chuyển đến Di
Linh, tham dự một cuộc hành quân khẩn cấp, tiếp viện Tiểu Đoàn 22 BĐQ . Đơn vị
thiện chiến này vừa trải qua một cuộc hành quân dài hạn tại một mật khu nằm
giữa ranh giới ba tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuân – Lâm Đồng, tiêu diệt một số đơn
vị địa phương và phá hủy một số kho lương thực của địch. Trên đường rút quân về
Lâm Đồng thỉ bị một đơn vị địch khác vừa mới được điều động từ Vùng 3 đến làm
nút chặn, bao vây. Địch đã tổ chức trận địa sẵn, đặt nhiều cái chốt với súng
đại liên và cả đại bác trên các cao điểm. Tiểu Đoàn BĐQ chiến đấu dũng cảm
trong một địa thế khá cam go. Nhưng điều bất lợi là đạn dược sắp cạn mà không
thể nhận tiếp tế được.
Từ tuyến xuất phát đến mục tiêu khá xa, khoảng mười lăm cây số đường chim
bay. Lúc ấy phương tiện còn eo hẹp, trực thăng H-34 đổ quân rất hiếm hoi, cả
tiểu đoàn phải hành quân bộ chiến. Để di chuyển nhanh, binh sĩ chỉ trang bị
súng đạn và lương khô. Ngoài ra còn phải mang theo thêm một cấp số đạn để tiếp
tế khẩn cấp cho BĐQ. Tiểu đoàn chia làm ba cánh, hổ trợ nhau. Vừa di chuyển
thật nhanh theo lộ trình ngắn nhất, vừa tung các toán tiền thám ra phía trước
và hai bên đề phòng phục kích. Đại đội tôi đi chung với BCH Tiểu Đoàn và đại
đội chỉ huy yểm trợ. Hơn hai phần ba lộ trình, cả đơn vị dừng lại nghỉ vài
phút, ăn cơm, chuẩn bị súng ống đạn dược cũng như tinh thần để tiến vào mục
tiêu. Khi có lệnh di chuyển, Y-Broc cho tôi biết hạ sĩ Hà tự dưng bị đau bụng
khá nặng, không thể đi được. Tôi cho y tá đại đội đi mời anh sĩ quan trợ y tiểu
đoàn đến khám. Hà mặt mày xanh mét, mắt nhắm lại vì đau đớn, mồ hôi đổ đầy trên
trán. Anh sĩ quan trợ y gốc cán sự y tế nhiều kinh nghiệm, cho biết hạ sĩ Hà bị
sưng ruột thừa cấp tính. Anh cho Hà uống thuốc, nhưng bảo thuốc chỉ có thể giảm
đau chốc lát, nhưng cần phải tản thương về quân y viện để giải phẩu. Nếu
kéo dài ruột thừa có thể bị vỡ ra, nguy hiểm đến tính mạng. Tôi đi gặp ông tiểu
đoàn trưởng trình bày sự việc. Ông đi theo tôi đến tận nơi quan sát. Thấy ông
đến nói chuyện với anh cố vấn Mỹ, nhưng sau khi gọi máy liên lạc với ai đó, anh
ta lắc đầu. Sau một hồi suy nghĩ ông quyết định đem Hà giấu trong hốc núi, để
lại cho anh ta một ít thuốc uống giảm đau, lương khô và bốn trái lựu đạn. Khi
nào thanh toán xong mục tiêu, đơn vị sẽ quay trở lại đón anh. Vì không thể tản
thương và cũng không thể khiêng anh vào mục tiêu trong lúc này được. Nhìn nét
măt đăm chiêu khổ sở của ông tiểu đoàn trưởng, tôi biết rất khó khăn để ông đưa
ra quyết định này. Không thể vì một người mà gây trở ngại cho cả một đơn vị,
nhất là trong tình trạng đặc biệt khẩn cấp. Tôi nhìn Hà đau đớn mà đứt ruột.
Ông tiểu đoàn trưởng vừa bước chân đi, tôi vội chạy theo đề nghị xin cho tôi cử
một tiểu đội, gồm những binh sĩ giỏi, nhanh nhẹn, võng hạ sĩ Hà ngược ra điểm
xuất phát sáng nay để xe tiểu đoàn đến đón đưa đi bệnh viện. Tôi xin nhận lãnh
mọi trách nhiệm được giao phó cho đại đội khi vào mục tiêu phía trước. Ông ngần
ngừ, bảo rất nguy hiểm, theo kinh nghiệm, chắc chắn có vài toán thám sát của
địch đã bám theo tiểu đoàn. Y-Broc nghe tôi trình bày vội vàng chạy tới, đứng
nghiêm chào, xin tình nguyện tổ chức và chỉ huy tiểu đội đặc biệt đưa hạ sĩ Hà
ra khỏi vùng hành quân. Ông tiểu đoàn trưởng gật đầu, vỗ vai bảo Y-Broc phải
hết sức cẩn thận. Y-Broc chọn tám người lính Thượng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, và
rất sở trường việc di chuyển trong rừng. Sau khi sắp xếp cho việc tản thương hạ
sĩ Hà xong, cả đơn vị tiếp tục di chuyển về hướng mục tiêu. Tôi cảm thấy lo âu,
vừa cho sự an toàn của họ vừa thiếu mất một anh trung sĩ và mấy anh lính Thượng
can đảm, giàu kinh nghiệm chiến đấu, khi đại đội sắp phải đánh vào một mục tiêu
gay go trước mặt. Nhưng rồi lại thấy vui trong lòng, khi nghĩ đến hạ sĩ Hà sẽ
được bình an, cứu chữa.
Sau gần một tiếng đồng hồ, đơn vị đến tuyến báo động. Không khí yên lặng
nặng nề. Khi cho đại đội bung rộng ra thăm dò tình hình, tôi bỗng nghe nhiều
tiếng súng nổ xa xa phía sau lưng. Tôi nghĩ có lẽ tiểu đội đặc biệt của Y-Broc
đã đụng địch. Chưa kịp lo lắng cho số phận của anh em, nhất là hạ sĩ Hà đang
trong tình trạng ốm đau không chiến đấu tự vệ được, thì địch bắt đầu nổ súng
tấn công đại đội. Tôi phát hiện khẩu đại liên của địch trong hốc đá trên triền
núi, sẽ là mối đe dọa cho đại đội. Cho binh sĩ tản vào các gốc cây và tảng đá
tạm thời ẩn nấp, tôi xin tiểu đoàn tăng cường khẩu đại bác SKZ 75 ly, tác xạ
liên tiếp 2 quả vào vị trí đại liên của địch, đồng thời cho trung đội đi một
cánh riêng trên triền núi, bò lên ném tiếp mấy quả lựu đạn. Khẩu đại liên im
tiếng. Tiểu Đoàn ồ ạt tấn công phía sau lưng địch. Phát hiện thêm vài ổ súng
khác của địch trên triền núi, nhằm cầm chân đơn vị ta, anh sĩ quan đề-lô rất
năng nổ của tiểu đoàn thay vì gọi Pháo binh tác xạ, đã trực tiếp hướng dẫn phi
công L-19, đánh dấu chính xác địa điểm các ổ đại liên và ống phóng hỏa tiễn của
địch. Hai phi tuần khu trục thi nhau oanh kích. Tiểu Đoàn 22 BĐQ biết có đơn vị
bạn tiếp viện, đã anh dũng đánh ra. Địch quân bất ngờ bị kẹt trong thế gọng kềm,
bung ra chạy thoát thân, nhiều tên bị các tay súng của ta đốn ngã. Tiếng anh
phi công L-19 la hét vui mừng trên tần số, gọi các phi tuần tiếp tục rãi bom
xuống đầu địch. Khi đại đội tôi tiến lên bắt tay cánh quân Biệt Động Quân, rất
bất ngờ và cảm động khi nhận ra anh đại đội trưởng BĐQ đi đầu lại là người bạn
học cùng quê và cùng khóa Thủ Đức: thiếu úy Trương Tấn Anh. Anh bị thương nhẹ,
trên cánh tay còn tấm băng rỉ máu, nhưng vẫn điều động đại đội phản công quyết
liệt với số đạn ít oi còn lại sau một cuộc hành quân dài hạn, đã vậy còn phải
mang theo một số thương binh, tử sĩ. Chia đạn cho anh em BĐQ xong, chúng tôi
cùng hợp đồng tiếp tục truy kích, thu nhặt nhiều chiến lợi phẩm. Xác địch nằm
la liệt trên trận địa.
Khi có lệnh tạm bố trí nghỉ ngơi, tôi sực nhớ tới Y-Broc cùng toán lính
đưa hạ sĩ Hà ra lại Di Linh, lòng bồn chồn, không biết họ ra sao. Mấy đợt súng
nổ tôi nghe được trước khi tấn công mục tiêu có phải là họ đã phải chiến đấu
với địch? Tôi cố gắng liên lạc, nhưng chỉ nghe tiếng rè rè của chiếc máy PRC-
10 (thời ấy chưa có PRC-25).
Mãi đến khi rút quân ra hơn nửa đường, tôi mới nghe tiếng ông thượng sĩ
chỉ huy tiền trạm báo cáo trên hệ thống vô tuyến: Toán của trung sĩ Y Kroc đã
chiến đấu rất dũng cảm để tiêu diệt đám VC chặn đánh, cứu hạ sĩ Hà khỏi bị bắt.
Tuy nhiên bên ta có trung sĩ Y-Broc và hai binh sĩ bị thương nhẹ. Riêng hạ sĩ
Hà bị thương nặng, đã được tản thương về QYV Nguyễn Huệ – Nha Trang.
Vừa về đến Di Linh, ông tiểu đoàn trưởng và tôi chạy đến thăm Y- Broc tại
bệnh xá của huyện. Anh bị một viên vào cánh tay trái, may mắn là không vào
xương. Anh kể lại khi bị VC tấn công, tất cả đều quyết liệt phản công. Hà lại
bị thương ngay loạt đạn đầu tiên của đich, dù không di chuyển được, vẫn nằm môt
chỗ chiến đấu. Tôi nghiệp, hai anh lính võng hạ sĩ Hà, vì phải nằm lại bảo vệ
Hà, nên đã trúng đạn địch. Nhưng chính nhờ hai anh lính này, mà Y-Broc và sáu
khinh binh còn lại đã quật ngã đám địch. Anh chỉ lo cho Hà vừa bị trọng bệnh
lại vừa bị trọng thương. Tính mạng rất mong manh.
Sau trận ấy, Y-Broc được điều về tiểu đoàn làm phụ tá SQ Tâm Lý Chiến.
Nhưng chỉ một tháng sau, khi có lệnh cho các hạ sĩ quan gốc thiểu số được ưu
tiên theo học khóa sĩ quan. Y-Broc rời đơn vị, nhập học một khóa sĩ quan ở
trường Thủ Đức. Nhờ có sức khỏe và khả năng Anh, Pháp ngữ, anh được tuyển sang
Không Quân, ngành phi công trực thăng. Ra trường được bổ nhậm về một phi đoàn
thuộc Vùng 3. Sau đó một vài năm tôi mất liên lạc với anh.
Năm 1985, chỉ mấy tháng sau khi ra tù, tôi cùng vợ con vượt biển. Được
tàu Na-uy cứu vớt trước khi một cơn bão ập đến. Chúng tôi được đưa vào trại tị
nạn Singapore và sau đó chuyển tiếp sang trại Bataan ở Phi Luật Tân. Trại
Bataan lúc ấy gồm có mười Vùng. Gia đình tôi ở Vùng 1 là nơi dành riêng cho
những người được tàu Na-uy vớt, được học ngôn ngữ Na-uy từ 6 đến 8 tháng trước
khi đi định cư ở đất nước Bắc Âu lạnh lẽo nhưng rất giàu lòng nhân đạo này.
Tôi tham gia vào Hội Cựu Quân Nhân do vị đại tá trại phó, người Phi, hỗ
trợ mọi mặt. Ông đã từng có một thời gian phục vụ ở Việt nam trong lực lượng đồng
minh và hết lòng ca ngợi QLVNCH, cũng như rất đau đớn khi nghe tin miền Nam VN
thất thủ. Ông đã bàn giao lại cho Hội Cựu Quân Nhân chúng tôi lá quốc kỳ của
Tòa Đại Sứ VNCH tại Manila. Hội Cựu Quân Nhân hỗ trợ các ban đại diện Vùng giải
quyết các vấn đề an ninh trong trại.
Một hôm, một cô gái người Thượng đi tắm suối bị ba người lạ mặt bắt đưa
vào rừng hãm hiếp. Địa điểm này lại nằm gần Vùng 1, nên mọi nghi ngờ đểu đổ dồn
về Vùng 1 chúng tôi. Người Thượng tị nạn lúc ấy có khoảng 70 người, ở Vùng 2,
tập trung kéo đến với gậy gộc, hò hét, đòi tập trung tất cả người Vùng 1 để cô
gái kia nhận diện, tuyên bố là nếu tìm ra thủ phạm, họ sẽ tự giải quyết mà
không cần đến ban chỉ huy trại.
Thấy tình hình quá căng thẳng, có thể nguy hiểm khôn lường, tôi nhờ anh
Cảnh sát Phi, có trạm gác phía sau Vùng 1, liên lạc yêu cầu Đại Tá Trại Phó đến
gặp tôi. Ông đại tá cho điều động cảnh sát võ trang, nhưng chỉ chia nhau ẩn
trong các dãy nhà, ngại người Thượng có thể liều lĩnh tai hại. Ông yêu cầu
người Thượng đề cử một ban đại diện không quá 5 người vào trạm cảnh sát nằm sau
Vùng 1 gặp một số đại diện người Kinh. Tôi nằm trong ban đại diện người Kinh
ấy. Chúng tôi vào trạm trước ngồi chờ.
Khi nhóm đại diện người Thượng bước vào, và anh trưởng nhóm chào ông đại
tá và chúng tôi, tôi há hốc miệng khi nhận ra người ấy chính là Y-Broc, người
bạn đồng đội thân thiết rất dễ thương từng sống chết với tôi ngày trước, tôi
gọi lớn tên anh:
– Có phải Y-Broc
Niê ở tiểu đoàn Hải Ưng ngày xưa đây không?.
Y-Broc ngước mắt nhìn rồi bước tới ôm chầm lấy tôi, trước sự ngỡ ngàng
của tất cả mọi người. Anh quay lại nói với những người Thượng một tràng tiếng
Thượng. Tôi không hiểu gì nhưng nhận ra nét mặt của họ đột nhiên dịu lại. Tôi
kể cho ông đại tá về sự quen biết giữa chúng tôi, ông bắt tay hớn hở. Tôi nói
với Y-Broc là chúng tôi sẽ phối họp với an ninh trại, cho điều tra thật nhanh
chóng sự việc đáng buồn này. Kết quả thế nào tôi sẽ báo cho Y-Broc biết, để
cùng tìm một giải pháp. Tránh để xảy ra trường hợp thù hận giữa hai sắc tộc như
năm nào ở Quảng Đức mà chính Y-Broc từng là vị sứ giả hòa bình. Y- Broc gật đầu
cám ơn mọi người rồi dắt tay tôi ra chỗ những người Thượng đang tập trung chờ
đợi phía trước, Anh ôm vai tôi, nói một hồi, toàn tiếng Thượng. Không hiểu gì,
nhưng tôi nhận ra cái giọng rất cảm động, có chút nghẹn ngào. Thì ra anh ta vẫn
có uy tín rất lớn với những người cùng sắc tộc. Những lời nói của anh đã nhanh
chóng thuyết phục được họ. Tất cả im lặng kéo nhau về Vùng 2. Y-Broc mời ông
đại tá trại phó và kéo tôi ra cái quán ở trước Vùng 5 uống bia, với sự cho phép
đặc biệt của ông trại phó (người tị nạn không được phép uống bia rượu trong
trại). Anh kể qua cho tôi nghe quãng đời binh nghiệp của anh sau này. Đặc biệt
từ đầu năm 1971 anh được biệt phái giữ một chức vụ khá lớn trong Bộ Phát Triển
Sắc Tộc.
Tuy nhiên, lòng tôi chưa hết ưu tư, vì nếu thủ phạm vụ hiếp dâm cô gái
Thượng là người ở Vùng 1, liệu tôi sẽ phải ăn nói thế nào với anh và những đồng
hương đang tin tưởng kính mến anh. Rất may, trời thương chúng tôi. Chỉ hai hôm
sau, cảnh sát Phi đã bắt được thủ phạm, là ba thanh niên người Phi, thợ mộc
được trại thuê vào làm việc.
Khi Y-Broc tìm đến găp tôi để cho biết tin này, chúng tôi có dịp ngồi bên
nhau lâu hơn, ôn lại chuyện xưa. Y-Broc cho biết là anh vẫn còn độc thân. Khi
làm việc ở Sài gòn, anh bất ngờ gặp lại hạ sĩ Lại Trọng Hà. Nhờ đọc được mấy
bài thơ của tác giả Mây Cao Nguyên, trong đó có nhắc lại nhiều kỷ niêm ở đơn vị
cũ. Cảm động nhất là bài thơ kể lại lần nhà thơ thoát chết khi được những đồng
đội dũng cảm người Thượng võng ra khỏi vùng chiến trận. Anh không chết nhưng
trở thành tàn phế. Y-Broc liên lạc với tòa soạn của tờ tuần san có đăng mấy bài
thơ để hỏi thăm tin tức và địa chỉ của tác giả Mây Cao Nguyên.
Khi tìm đến căn nhà sàn nhỏ nằm cuối con hẻm bên bờ sông Thị Nghè, Y-Broc
đã gặp lại Hà. Anh sống với vợ chồng bà chị. Y-Broc bật khóc khi nhìn thấy cả
hai chân của Hà đã bị cưa tới đầu gối. Hai người bạn vừa làm thơ vừa chiến đấu
ngày xưa ôm lấy nhau mà không nói được lời nào. Họ uống rượu, đọc thơ, rồi khóc
cho đến lúc say mèm nằm lăn ra ngủ lúc nào không biết.
Vài hôm sau, trên một tờ tuần san văn nghệ, Y-Broc đọc được bài thơ của
Mây Cao Nguyên, đề tặng anh. Bài thơ khá dài, Y-Broc chỉ còn nhớ vài câu:
Sao lại là ta đến nỗi này
bạn bè như những áng mây bay
gặp mi ta nhớ rừng núi cũ
một thưở làm thơ dưới đạn thù
…
Thôi kể làm chi chuyện mất còn
ném đôi nạng gỗ xuống dòng sông
còn dăm bầu rượu chia nhau cạn
gõ nhịp mà ca thiên nhất phương
…
Năm 1978, khi trốn thoát khỏi trại tù Gia Trung – Pleiku, Y-Broc không
dám trở về quê Ban Mê Thuột, vì có rất nhiều người biết anh. Anh chạy thẳng vào
Sài gòn, nhờ người mua được giấy tở giả, với một cái tên giả. Có lần anh trở
lại con hẻm bên bờ sông xưa tìm thăm Hà, nhưng căn nhà ấy không còn, đã được
phá đi để cất lên một ngôi nhà mới, và người chủ nhà cũng như những láng giềng
không ai biết Hà, cũng như chưa bao giờ nghe nói có một nhà thơ Mây Cao Nguyên
nào từng ở trong con hẻm nhỏ này.
Điều bất ngờ thú vị là sau đó Y- Broc cũng đến định cư ở Na-uy, vì có cô
em gái đã đến đây trước, làm hồ sơ bảo lãnh cho anh. Tôi định cư sau anh năm
tháng. Khi còn ở Bataan tôi có nhận của anh một ít tiền và mấy lá thư, chỉ cho
một vài kinh nghiệm hội nhập và dặn dò đôi điều cần thiết khi đến Na-uy. Một
tháng sau khi đến Na-uy tôi tìm thăm anh. Y-Broc ở một thành phố phía Nam, cách
xa thủ đô Oslo, nơi gia đình tôi ở khoảng 500 cây số. Anh xin được chỗ làm tốt
trong Công ty dầu hỏa Na-uy. Vừa làm vừa học thêm. Ba năm sau anh làm đám cưới
với một cô giáo người Na-uy. Vợ chồng tôi dự đám cưới, được vinh dự ngồi chung
bàn cùng cô dâu chú rể. Trong tiệc cưới tôi được anh mời lên kể cho thực khách
nghe về những kỷ niệm của chúng tôi khi còn là lính chiến ở Việt nam. Tôi cũng không
quên nhắc lại chuyện tôi bất ngờ gặp lại anh ở trại tị nạn Bataan, và chuyện
một người bạn thương binh của chúng tôi, làm thơ rất hay, đánh giặc rất liều,
có thể còn sống ở đâu đó tại quê nhà mà chúng tôi rất nhớ. Sau đó, bận rộn
chuyện học hành, lo cho con cái hội nhập vào quê hương mới, chúng tôi chỉ thỉnh
thoảng gọi phôn thăm, đôi lúc nhận được vài bài thơ của anh làm, được dịch ra
tiếng Na-uy.
Năm sau, chị vợ sinh cho anh một cô con gái. Trông tấm ảnh. Cô bé lai khá
xinh. Ngày cháu tròn ba tuổi, vợ chồng tôi có ý định xuống thăm và mừng sinh
nhật cháu. Tôi nghĩ người Thượng theo chế độ mẫu hệ, nên được con gái đầu lòng
chắc Y-Broc vui mừng lắm. Nhưng gọi mấy lần không gặp anh, chỉ nói chuyện với
cô vợ. Lần cuối cùng cô sụt sùi cho biết là Y-Broc đã biến mất. Người em của
anh cho biết là anh đã cùng vài người bạn cùng buôn bản lúc xưa, định cư ở
North Carolina bên Mỹ, tìm đường trở về biên giới Việt nam, tổ chức cho những
người Thượng nổi dậy chống chính quyền CS và cứu một số bạn bè chiến hữu người Thượng
bị truy bắt, phải vượt qua biên giới còn đang ẩn trốn ở đâu đó. Cho mãi đến bây
giờ vẫn không ai biêt tin tức của Y-Broc. Chắc chắn là anh đã chết.
Tôi thẫn thờ cả mấy ngày, như vừa mới mất đi một người thân, một người
bạn chí tình, khí khái và có tâm hồn, nghĩa hiệp. Tôi cũng nhớ tới Lại Trọng
Hà, nhà thơ Mây Cao Nguyên. Không biết giờ này anh đang ở đâu, và với đôi chân
tàn phế ấy, anh sẽ phải sống như thế nào trong một xã hội mà kẻ thù đang ngự
trị. Lúc trước anh còn có thể xoa dịu vết thương cùng nỗi bất hạnh bằng những
bài thơ viết với trái tim mình, nhắc nhớ kỷ niệm chiến trường cùng những đồng
đội yêu thương. Giờ thì ôm bao nỗi đau trong lòng mà chẳng biết chia sẻ cùng
ai. Một vài lần bán sách góp vào quỹ các tổ chức cứu trợ thương phế binh, tôi có
nhờ các vị trong những tổ chức nhân đạo này, nhưng không ai tìm thấy tên Lại
Trọng Hà trong các hồ sơ hoặc danh sách thương phế binh xin trợ giúp..
Trong những giấc mơ đôi lúc tôi thấy ba thằng chúng tôi nằm bên nhau,
ngâm nga thơ phú trên ngọn đồi có nhiều tảng đá, một bên là núi một bên là
biển, giữa bầu trời vằng vặc trăng sao, trong tiếng đạn pháo và tiếng hô xung
phong của đám quân thù. Giật mình tỉnh giấc, tôi có cảm giác như đang chơi vơi
lơ lửng trong một khoảng không bao la nào đó.
Phạm Tín An Ninh
No comments:
Post a Comment