Tuesday, August 15, 2023

ANH VÂN - QUÁCH TỐ VƯƠNG (DƯ THỊ DIỄM BUỒN)

 

 



 

                                            ANH VÂN

 

                         QUÁCH TỐ VƯƠNG

 

(1938-2010)

                                                         

Nhà văn, nhà thơ Anh Vân tên thật Quách Ngọc Vân. Sinh năm 1938 tại Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) bút hiệu Anh Vân, bút hiệu khác Quách Tố Vương... Trước năm 1975 dạy học. Nhập ngũ năm 1967, khóa 25, trường Bộ binh Thủ Đức.

Anh Vân cộng tác với tạp chí: Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn Đàn, Hồn Việt, Làng Văn (Canada) Sóng (Canada) Y tế, Y Học Thường Thức, Việt Báo (Denver)…

Góp mặt trong các Tuyển Tập: *Quê Hương Ngàn Dậm (Người Việt Lưu Vong xuất bản) *Tuyển Tập Những cây Viết Miền Nam (Phù sa xuất bản) *Thắp Sáng Quê Hương (do Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do ấn hành) *Truyện Hay Hải Ngoại (Phù Sa Xuất Bản) “Nỗi Nhớ Khôn Nguôi (Hương Văn xuất bản) *Quê Hương Ngàn Dậm II (Người Việt Lưu Vong xuất bản) *Những Đóa Hoa Nở Muộn (Thơ Người Việt Lưu Vong xuất bản) *Nối Lại Tình Xưa (Phụ Nữ CA xuất bản) *Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Hải Ngoại (Văn Hóa Pháp Việt xuất bản).

Những tác phẩm đã phát hành: 1- Trái Đắng (Truyện ngắn 1989, tái bản 1990) 2- Lưới Tình (Truyện ngắn 1990) 3- Biển Tình (Truyện ngắn 1990) 4- Tiểu Phượng (Truyện ngắn 2000) 5- Ác Mộng Đêm Dài (Truyện dài, toàn bộ 2 quyển) 6- Cười Chết Bỏ (Dưới bút hiệu Quách Tố Vương, Nguyệt San Hương Quê xuất bản 2005)

Nhà Văn, nhà thơ Anh Vân còn là *Chủ nhiệm kiêm Chủ bút nguyệt san Chính Ngôn (California USA) *Chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Hương Quê (Texas USA) *Chủ bút California Việt Báo. (Tài liệu từ bút khảo “Quê Nam Một Cõi”2007 của Hồ Trường An)

 

TƯỞNG NHỚ

 

ANH VÂN- QUÁCH TỐ VƯƠNG

 

Tôi được quen với nhà văn nhà thơ Anh Vân, trên diễn đàn từ mấy năm trước. Nhưng cho mãi đến mùa hè năm 1997, mới diện kiến cùng anh, với nhiếp ảnh gia Văn Vũ và một số văn nghệ sĩ ở Houston (TX) mà các anh chị có nhã ý mời dùng bữa cơm chiều ở nhà hàng. Trong dịp tôi từ Chicago qua dự Đại hội đầu tiên của cựu học sinh Trung học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) tổ chức tại thành phố Houston nầy.

Nhà văn Anh Vân năm đó cũng ở vào khoảng tuổi 60. Theo tôi biết, anh là người Minh Hương (cha hoặc mẹ lai Tàu) Dáng anh cao ráo, khỏe mạnh, khôi vĩ… với mái tóc cắt ngắn hoa râm. Trong tôi, anh Anh Vân là người cởi mở, tự nhiên, nói cười vui vẻ, hiếu khách, tốt bụng... Nhà văn Anh Vân phảng phất được ít nhiều tấm chân tình thành thật, xuề xòa của đại đa số dân Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Năm 2003 anh cho chúng tôi biết sẽ dời về California. Và năm 2004 vì lý do sức khỏe của phu quân tôi, chúng tôi cũng đời về California. Mặc dù cùng một tiểu bang, nhưng nhà anh ở miền Nam, còn chúng tôi ở phía Bắc của miền Bắc của California. Cho nên từ nhà anh ở đến nhà chúng tôi phải mất ít nhứt là 8 giờ lái xe.

Năm 2006 đến thăm gia đình Mục Sư Nguyễn Văn Bé ở Sacramento, tiện dịp anh Vân có ghé qua tệ xá của chúng tôi.

Vợ chồng tôi nhỏ tuổi hơn, nhưng anh Anh Vân xưng hô với tôi bằng chị, phu quân tôi bằng anh. Và anh xem chúng tôi như vợ chồng cô em gái ruột của mình. Mỗi tuần chúng tôi thường điện đàm, và đôi khi điện thư thăm hỏi nhau. Anh thường tâm sự với chúng tôi… Có lần anh khen:

-  Tôi rất quý mến ông xã chị. Ảnh là người hiền lành, đạo đức mà tôi gặp…

Và lâu lắm rồi, có lần tôi hỏi về gia cảnh của anh, anh cười bảo:

-  Tôi có 11 đứa con lận chị ơi… Chúng nó giờ đã lớn và có căn cư sự nghiệp hết rồi. Tôi và bà xã tôi đã lâu không sống chung với nhau nữa… Có lẽ duyên nợ đến đó thôi! Tôi bay nhãy lung tung… nhưng bả vẫn chưa bước thêm bước nữa. Bả giỏi lắm biết tính toán làm ăn, và con tôi lo cho mẹ nó nên bả không cần tôi cấp dưỡng… Đôi khi bả còn cho tôi nữa. Miễn tôi đi đâu thì thôi, còn về ở gần thì bả thường cháo cơm cho tôi… Khi ốm đau thì bả săn sóc…

Nghe anh nói, tôi thấy mắc ghét, nhưng cười bảo với ảnh rằng:

-  Thiệt không ai biết nổi mấy ông nghĩ gì? Như vậy chị ấy tốt quá! Gặp ông xã tui như anh, thì còn khuya tui mới giúp. Tui sẽ đem cơm có trộn thuốc chuột cho ổng ăn tiêu đời luôn…

Rồi năm đó anh cho chúng tôi biết là anh sẽ bước thêm bước nữa! Tôi ra giọng thầy đời, khuyên anh:

-  Lòng anh có thật chắc chắn chưa? Tâm lý chung cho những người tuổi lớn, ai cũng khư khư giữ cái tôi của mình! Luôn muốn người khác chiều chuộng mình hơn… Điều đó chắc anh đã có nhiều kinh nghiệm rồi! Theo tôi anh nên làm bạn tri kỷ để hai người tâm sự, thỉnh thoảng đi thăm nhau, đi ăn uống, đi du ngoạn, đi du lịch… Chớ anh đừng tưởng như thuở xưa còn thanh xuân, mối tình chồng vợ của hai người còn trẻ, chưa có lần thành hôn trước, chưa có sự so sánh của đôi bên… Anh thấy có nên suy nghĩ thêm một thời gian nữa không... ông anh kính mến của chúng tôi.

Anh cười ngất bảo với tôi:

-  Chị nói như bà già tám mươi tuổi không bằng! Hai người cùng hoàn cảnh, trong yêu thương sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn… chị ơi

-  Vậy sao? Anh vẫn biết ông H… chớ? Có lẽ ổng lớn hơn anh vài tuổi, vợ chết lâu rồi… Ổng đã tái hôn, nhưng chỉ một năm thôi! Bây giờ cũng mỗi người một nơi. Tội nghiệp ông ta cảm thấy buồn và lẻ loi hơn khi chưa bước thêm bước nữa…

Và rồi anh Anh Vân đã tái hôn… Mối tình già giữa hai người không được bao lâu thì rạng nứt… Hai người đã chia tay, trước kia anh Anh Vân ở  Texas, nay thì đã dời về Nam California.

Trong thời gian quen biết, chúng tôi và anh đã góp mặt trong những tuyển tập thơ, văn… viết chung cùng nhiều tác giả.

Đầu năm 2007 anh và tôi góp mặt trong cuốn bút khảo “Quê Nam Một Cõi” của nhà văn Hồ Trường An (Sách do Hoa Ô Môi xuất bản. Nhà văn Phương Triều đánh máy, layout)

Và mùa thu năm 2007 anh Hồ Trường An lần đầu tiên đến Bắc California (San Jose) ra mắt sách bút khảo “Quê Nam Một Cõi” Nhà thơ, nhà văn Anh Vân từ Nam California đến tham dự. Cùng những anh chị Văn Nghệ Sĩ khắp nơi góp mặt trong cuốn bút khảo về dự buổi ra mắt sách. Những người có mặt, gồm có: “Song Thi, Anh Vân, Tiểu Thu, Hoàng Xuyên Anh, Dư Thị Diễm Buồn, Ngọc An, Vũ Nam” (Một số người không đến được vì: Anh Phương Triều bịnh, và có kẻ đã qua đời, có người còn kẹt ở Việt Nam...)

 

 

PHỎNG VẤN NHÀ THƠ DƯ THI DIỄM BUỒN

 

THỰC HIỆN  ANH VÂN

 

1- Anh Vân (AV): Xin chị cho biết qua về tiểu sử?  

     Dư Thị Diễm Buồn (DTDB):  Tôi sinh tại thị xã Cần Thơ, học trường Đòan Thị Điểm. Sau đó học nghề ra trường về làm ở Mỹ Tho. Tôi lập gia đình ở thành phố nầy, nhà tôi người Bến Tre. Chúng tôi đào thoát khỏi Việt Nam mùa hè năm 1979, vào Mỹ đầu Xuân 1980 và sống ở Tiểu Bang Illinois 24 năm. Sau vì sức khỏe của phu quân, nên gia đình chúng tôi đã dời về ngoại ô của Sacramento (Thủ Phủ của California) cho đến nay. Trước năm 1975 ở quê nhà tôi là công chức. Chạy loạn đến xứ người làm thuê. Chúng tôi có 3 cháu (một gái, 2 trai) Trước 1975, tôi thường viết cho một vài đặc san, bán nguyệt san, nguyệt san… Ra hải ngoại tôi viết cho một vài diễn đàn Internet… cộng tác với một số tạp chí trong và ngoài nước Mỹ. Và tôi cũng đã phát hành trên 20 tác phẩm gồm có: Thi tập, truyện dài, truyện ngắn, tập nhạc. Ra CD ngâm thơ Tao đàn, và CD tân nhạc…

2- AV: Xin chị cho biết tại sao lấy bút hiệu Dư Thị Diễm Buồn?

        DTDB: Thưa anh, Dư là họ của chồng, Diễm là chữ lót của con gái tôi. Hình ảnh được bà vú cõng trên lưng chạy giặc Tây lúc còn nhỏ tôi không bao giờ quên. Đến khi khôn lớn quê hương vẫn chinh chiến triền miên, đau thương chất chồng… Bây giờ lại mang kiếp tha hương thì sao không buồn được anh? Vì thế tôi chọn Dư Thị Diễm Buồm làm bút danh cho mình.

3- AV: Chị bắt đầu làm thơ từ lúc nào? Có kỷ niệm nào đáng nhớ về những bài thơ đầu tiên của chị không?

         DTDB: Tôi bắt đầu làm thơ từ năm lớp nhì, lớp nhứt trên báo tường của trường. Tôi còn nhớ mấy câu tôi viết được lúc trưa hè ở quê ngoại:

 ....................

Bầu trời xanh xanh

Nắng trưa hanh hanh

Bầy chim nhảy nhót

Líu lo trên cành

........................

        Ông Hiệu Trưởng khen bài thơ nầy với Ba tôi, vì hai ông là đồng liêu với nhau. Tôi mừng lắm, nghĩ là khi ông Hiệu trưởng về ba tôi sẽ khen tôi nhiều hơn. Nhưng không ngờ, đưa ông Hiệu trưởng vừa ra khỏi cửa, ba tôi vào lấy roi mây đánh tôi mấy roi, và cấm không được làm thơ nữa. Theo quan niệm của ba má tôi con gái phải học nấu ăn, thêu thùa chớ cứ thơ thẩn lãng mạn thì sẽ không nên người. Tôi vâng dạ, nhưng mỗi lần trường có làm báo, là tôi lén viết, để tên khác nhờ bạn bè nộp dùm.

4- AV: Hiện chị đang cộng tác với báo nào?

        DTDB: Thưa viết là niềm vui, là sở thích phải có, nên tôi viết văn nghệ thôi anh ơi. Tôi viết rải rác cho một số tạp chí và Diễn Đàn ở trong và ngoài nước Mỹ.

5- AV: Chị đã có mấy tác phẩm? Tác phẩm đầu tay mang tên gì? Và khỏang thời gian bao lâu chị cho chào đời tác phẩm thứ hai?

        DTDB: Thưa anh, thi tập “Nỗi Lòng Người Em Nhỏ” phát hành năm 1991, là tác phẩm đầu tay của tôi. Và đến nay tôi có thêm mấy tác phẩm (gồm thi tập, tập nhạc, CD nhạc, CD ngâm thơ, và truyện dài).      

6- AV: Xin chị cho biết độc giả đã đón nhận những đứa con tinh thần của chị như thế nào?

        DTDB: Thưa anh, như đã thưa ở trên tôi viết là niềm vui, là sở thích nên mỗi khi phát hành một tác phẩm thì tôi đã chuẩn bị tinh thần. Tôi coi như tiền in ấn, linh tinh mất hết, sẽ không thu lại được. Nhưng nhờ sự ủng hộ của quý anh chị văn nghệ sĩ, sự cảm nhận thương mến của độc giả ở địa phương, các tiểu bang, ở ngoài nước Mỹ đón nhận nhiệt tình… nên cũng đỡ lắm.

* Có một độc giả ở Úc Đại Lợi lần đầu gởi qua mua 1 tập, sau gởi mua thêm 10 tập. Tôi gởi đi, kèm theo thơ cảm ơn và hỏi nhỏ là sao biết được mà ủng hộ tập thơ. Một tháng sau được thư trả lời "...Chúng tôi biết được nhờ vài tờ báo ở Âu Châu như tờ Duyên Giác, Diễn Đàn Việt Nam (ở Tây Đức)Việt Luận ở Úc giới thiệu. Lần đầu tiên mua vì hiếu kỳ, bởi cái tên Dư Thị Diễm Buồn nghe vừa dễ thương vừa lãng mạn. Lần thứ nhì mua để tặng bạn bè, vì văn cuả cô bình dân dễ thương, mỗi bài có một sắc thái rất đặc biệt, rất tha thiết và gần gũi với chúng tôi”

* Có một độc giả ở hải đảo, tìm trong bản đồ thế giới không có. Sau đó nhận được thư, ông cho biết: "...NOumea là thủ phủ của Nouvelle Caledonie, hải đảo quanh năm muà hè, có hoa phượng vĩ, nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, giữa Tahiti và Úc Châu, thuộc chủ quyền của Pháp"  Thưa anh, vì chút duyên văn nghệ, độc giả nầy đã phổ biến giúp rất nhiều tập thơ ở vùng hải đảo xa xôi. Ông còn có nhã ý mời tôi ra mắt sách ở đó! Anh xem, được sự thương yêu, cảm nhận của độc giả, đã cho tôi niềm vui lớn. Đó còn là chất xúc tác rất mạnh để tôi hạnh phúc, để tôi hăng say viết và viết không biết mỏi mệt…

7- AV: Chị đã có bài thơ nào được phổ nhạc hay thu vào băng nhựa không?

         DTDB: Thưa anh, tôi hân hạnh và biết ơn những nhạc sĩ đã phổ nhạc thơ tôi… Nhạc sĩ Văn Giảng-Thông Đạt (Tác giả của bản nhạc bất hủ “Ai Về Sông Tương”) đã phổ nhạc trên 20 bài thơ của tôi. Ngoài ra còn có nhạc sĩ Võ Tá Hân, Thanh Hậu, Hiếu Anh, Trần Thiện, Nguyễn Quang, Lê Quang Diệp, Nguyễn Hữu Tân… Đã phổ nhạc thơ tôi được ca sĩ hát và thu vào băng CD, Cassette. Có bài thơ phổ nhạc mà thính giả cảm nhận và thích nhiều, bán chạy nhất là bài “Xuân Nơi Đây”, trong tập thơ “Một Thoáng Hương Xưa”, nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ, do ca sĩ Bảo Yến hát trong băng nhạc “Hạ Hoa”. Bài nầy đã được chọn hát trong chương trình nhạc Xuân đặc biệt của ban nhạc Mưa Hồng, trên đài BBC Luân Đôn đã truyền thanh vào trong đêm Giao thừa Tết Nguyên Đán năm 1996.

8- AV: Nhà văn Hồ Trường An nhận định về thơ Dư Thị Diễm Buồn như sau: "Thơ đồng quê của chị ngọt ơi là ngọt, ngọt sao mà như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau", chị nghĩ gì về nhận định nầy?

        DTDB: Thưa anh, trước khi trả lời câu anh hỏi, xin cho tôi được hỏi, anh cũng là nhà văn, nhà thơ, vậy anh nhận định thế nào, sau khi đã đọc tác phẩm của Dư Thị Diễm Buồn? Thưa sau đây tôi xin trả lời câu hỏi của anh. Mỗi độc gỉa nhận xét mỗi tác phẩm của mỗi tác gỉa, ở mỗi khía cạnh và góc độ khác nhau. Theo tôi dù nhà văn, hay nhà thơ cũng vậy không ngoại lệ. Đối với tôi, nhận định, phê bình, hay ý kiến... Tất cả đều là khích lệ để tôi suy gẫm.

9- AV: Xin cho biết thói quen sáng tác của chị ?

         DTDB: Thưa anh, cũng như mọi người phụ nữ bình thường khác. Ở xứ máy móc hiện đại nầy, ngoài bổn phận người vợ, người mẹ, tôi còn phải làm việc kiếm tiền để phụ với chồng nuôi con học hành, nên hết sức bận rộn anh ơi. Những bài thơ tôi viết thường là trong giờ làm việc ở sở, lúc rỗi rảnh, lúc ăn trưa... Nhưng khi muốn viết rồi thì bất cứ ở nơi nào tôi cũng viết được, chỉ cần cây viết và tờ giấy lau tay cũng xong.

10-AV: Thưa chị, tôi là lính, nhưng tôi nghĩ mình cũng chưa yêu lính như chị đã yêu. Hình ảnh người lính được chị tô vẽ như một người hùng. Xin chị cho biết nguyên nhân nào khiến chị thương yêu người lính đến như vậy?

         DTDB: Thưa anh, tôi có Cha có anh là kháng chiến chống Pháp. Tôi sinh ra đời và lớn lên trên quê hương chinh chiến. Những người trai trẻ trong họ hàng nhà tôi là lính, thanh niên trong xóm giềng là lính, bạn bè cùng lớp đi lính, người yêu tôi là lính. Chồng tôi cũng là lính. Họ ra đi, có mấy người trở lại? Trở lại có được toàn vẹn hình hài không? Nhưng từng lớp lớp người vẫn tiếp nối ra đi. Anh nghĩ xem, vì sao mà họ phải hy sinh như vậy? Có phải vì gia đình, vì quê hương không? Nên trong tận cùng đáy tâm hồn tôi, lính là người hùng là người ơn. Họ xứng đáng được ca ngợi, được vinh danh. Với tôi không những người lính, những người đi chống giặc dầy xéo quê hương Cộng Hòa là tôi ngưỡng mộ, tôi tôn thờ. Anh còn nhớ trong thi tập “Nỗi Lòng Người Em Nhỏ” có đoạn thơ tôi đã viết:

“…………………..

Anh Kháng Chiến ơi anh đi về đâu?

Thương anh mưa nắng dãi dầu

Nay U Minh Thượng mai đầu Tha La

Đêm đêm dưới ánh trăng ngà

Xuồng tôi chỏ đạn làm quà tặng anh

………………………”

11-AV: Là một nhà thơ chị nghĩ gì về những nhà thơ cùng thời với chị 

         DTDB: Câu hỏi nầy hơi khó đó nghen. Thưa anh theo tôi mỗi văn nghệ sĩ, mỗi người viết lách điều có sở trường đặc điểm riêng của họ. Nhưng tất cả gần như có chung mục đích là giữ thơm quê Mẹ.

12-AV: Trong các nhà thơ tiền chiến chị thích nhà thơ nào? Tại Sao?

         DTDB: Thưa anh tôi thích nhà thơ Hữu Loan. Tại sao? Thơ ông ông toát ra tình cảm chân thật. Điển hình là “Những Đồi Hoa Sim” Và không phải anh đã nói tôi yêu lính lắm sao?

13- AV: Những nhà thơ hải ngoại, chị thích những ai?

        DTDB: Thưa anh, tôi thích hầu hết các nhà thơ viết về quê hương, viết về những người gìn giữ quê hương.

14- AV: Chị có theo dõi văn thơ trong nước không? Và chị nghĩ gì về dòng văn học nơi quê nhà?

        DTDB: Thưa anh tôi nhớ lần đầu tiên gởi tặng nhà văn Hồ Trường An tập thơ “Nỗi Lòng Người Em Nhỏ”, ông gởi cho tôi thiệp cảm ơn và viết thêm mấy chữ "Dư Thị Diễm Buồn cái tên thật tuyệt" chỉ vậy thôi. Ông không hề nhắc đến những bài thơ trong tập thơ. Tôi nghĩ: "Chắc thơ mình dở ẹt, nên ông trời nầy quăng vào thùng rác rồi "Nhưng mấy tuần sau đó nhận được thư ông "...Ít có nhà thơ nữ nào ở hải ngọai viết về quê hương như chị, cố gắng hơn, chăm chút hơn, chị sẽ thành công...” Thưa anh tôi muốn nói ở đây tự do, người văn nghệ sĩ tha hồ trải ý nghĩ tâm tư của mình trên văn thơ... Miễn sao mình thoải mái, đừng phiền đến người khác, đừng phạm pháp là được rồi. Anh cũng biết từ ngày giặc chiếm miền Nam, quê hương chúng ta không còn tự do nữa, kể cả tự do trong ý nghĩ, thì làm sao văn nghệ sĩ ở đó tự do viết văn thơ theo ý mình được.

15- AV: Trở lại với thơ, trong các thể thơ, chị thích thể thơ nào?

        DTDB: Thưa anh, văn thơ đọc lên nghe không cầu kỳ gút mắc, dễ hiểu là tôi thích, tôi thích thơ ở mọi thể lọai, đa dạng…

16- AV: Trong tương lai chị có định xuất bản tập sách, thơ nào không?

        DTDB: Thưa anh, tập thơ “Một Thoáng Hương Xưa”, được quý văn nghệ sĩ và độc giả đón nhận hết sức nhiệt tình nên tôi định tái bản. Nhưng quý anh chị văn nghệ sĩ thân quen khuyên đừng tái bản, mà nên xuất bản tập mới. Vậy nếu không gì trở ngại, tôi sẽ cho xuất bản thơ mới trong tương lai không xa.

17- AV: Những lúc rỗi rảnh, giải trí của chị là gì ?

         DTDB: Thưa anh, tôi rất thích nghe và nhìn cảnh vật thiên nhiên. Thuở nhỏ tôi thích nghe tiếng mưa rơi, nhìn mưa rơi. Mưa rơi lộp độp trên mái lá, mưa rào rào từ xa vọng lại, mưa ton ton trong chậu nước sau hè v.v... Còn nhiều, rất nhiều âm thanh mưa rơi khác nữa anh ơi. Vùng tôi ở Chicago gần 9 tháng lạnh, cửa nẻo luôn luôn đóng kín, nên ít khi được nghe tiếng mưa. Ông xã và các con tôi tìm mua cho những băng CD, cassette có tiếng mưa rơi, sấm sét, suối chảy, chim kêu, gió biển, thuỷ triều... Thằng con trai út cuả tôi có lần nói "Tội nghiệp ba quá, tối ngày trong phòng mẹ chỉ nghe tiếng mưa rơi, chim kêu, sóng vỗ ầm ầm, chắc là nhức đầu lắm..." Tôi còn thích xem phim bộ, và đi du ngoạn, du lịch nữa anh.

18-AV: Nghe nói chị có trồng mai để bán trong dịp Tết? Nghề nầy nguồn lợi có khá không?  Xin chị cho độc giả biết làm cách nào để mai cho nhiều hoa, và tước lá vào lúc nào để mai nở hoa đúng vào những ngày Tết, thưa chị?

        DTDB: Thưa anh, sau vườn nhà ngọai tôi năm xưa có trồng rất nhiều mai màu vàng, mỗi năm vào dịp Tết ta mai trổ đẹp lắm. Sáng ra gió cuối đông hiu hiu lành lạnh, trời xanh trong vắt, dưới ánh nắng sáng dìu dịu, mai trổ vàng cả một góc vườn, những cánh nõn nà còn lấp lánh giọt sương đêm... Đẹp vô cùng anh ơi, và cứ mỗi năm đến mùa mai nở, làm cách chi tôi cũng phải về ngọai để xem cắt mai, và cùng với mấy người chị họ, với dì Út đi bán ở chợ hoa mấy ngày cuối năm. Dì và các chị họ mắc cỡ không chịu bán, để tôi bán. Bán xong hai buổi chợ Tết về ngọai cho nhiều tiền lì xì tôi thích lắm. Nhưng mấy năm sau đó, tôi không chịu đi bán mai nữa, vì tôi cũng biết mắc cỡ như họ. Khi bôn đào sang Mỹ, vào mùa xuân tôi thấy xa xa vài nhà có trồng bông rất giống bông mai, tuy cây không cao, tàng không lớn nhưng màu vàng của nó rất mặn mà. Hỏi ra mới biết bông đó tên Mỹ là forsythia, dịch ra tên Việt là liên kiều. Khi có nhà tôi mua 100 bụi trồng bao quanh nhà thay cho hàng rào. Vào mùa xuân chung quanh nhà tôi hoa nở vàng đẹp lắm, nhằm lúc trời có trăng càng đẹp hơn. Một dịp tình cờ đi ăn tất niên, thấy chủ nhà chưng trong bình nhánh hoa forsythia vàng đẹp chẳng khác hoa mai ngày Tết của mình. Từ đó tôi đặt cho nó tên là mai Mỹ. Thế là năm sau, gần Tết Việt Nam tôi cắt mai vào ương như trong sách chỉ dẫn. Đúng ngày Tết, tôi có những cành mai vàng rất đẹp, đem bán kiếm được chút tiền rủng rỉng, ăn Tết sum sê... Và tặng cho những chùa gần nhà nếu họ cần. Có gì khó đâu anh, cứ đến thư viện mượn sách về loại hoa lien kiều (forsythia), theo chỉ dẫn chúng ta sẽ có những cành hoa đẹp.

19- AV: Chị có gì muốn nói thêm với độc giả không ?

         DTDB: Cảm ơn anh Anh Vân đã dành cho tôi dịp tâm sự với độc giả, và cũng chân thành cảm ơn độc giả đã thương mến cảm nhận thơ văn của Dư Thị Diễm Buồn. “Kính thưa anh, thưa quý vị, tôi không phải là văn sĩ, cũng không phải là thi sĩ! Viết là niềm vui là sở thích, là nỗi đam mê phải có trong đời sống cá nhân. Xin đến với văn thơ Dư Thị Diễm Buồn, bằng sự chia xẻ chân tình, bằng lòng tha thứ và cảm thong” Xin chân thành cảm ơn tất cả.

AV: Xin cảm ơn nhà văn, nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn.




“Nhà văn, nhà thơ Anh Vân Quách-Tố Vương qua đời tại Nam California,

lúc 9giờ57 phút sáng, ngày 31 tháng 7 năm 2010.

Tang lễ anh cử hành theo nghi thức của quân đội VNCH”

 

KHÓC ANH VÂN

  

DTDB

 

                   Chúng ta quen với tâm tình đồng điệu

                  Qua thanh âm văn, nhạc, ý thơ buồn…

                  Cùng sanh ra trên đất nước tang thương

Cùng vượt tuyến, mang nỗi niềm đau đớn

 

Bạc Liêu đó, anh sanh ra và lớn

Biết bao nhiêu kỷ niệm thuở thiếu thời

Cây lành, trái ngọt… nếp sống thảnh thơi

Vui bè bạn tháng năm dài cắp sách

 

Sông ngọt nước, vó cá trê, cá trạch…

Bắt ổ chim, chờ én liệng xuân về

Tát đìa, bắt trụt, câu cá bờ đê…

Cỡi trâu, thả diều trên đồng ruộng trãng

 

Ra trường học, niềm tin yêu sáng lạng

Dạy học trò, an phận với tương lai

Hồn trở trăn, trong “Ác Mộng Đêm Dài”

Anh từ tạ, hành trang vào quân ngũ

 

Xa người thân, xa xóm thôn yêu dấu

Nhớ bạn bè, người em nhỏ anh thương

Nhớ học trò, mùa phượng thắm sân trường

Ôi nhớ quá, hàng me già quen lối…

 

Phiên gác đêm, năm nao cùng đồng đội

Điếu thuốc rê nhả khói, chén nước trà

Đài ra-dio, giọng ca sĩ ngân nga…

Ánh hỏa châu võ vàng vùng giới tuyến

 

Một chút thôi, ấm lòng người lính chiến

Ở ngày mai! Ai biết được tương lai?

Trong phút giây, chỉ còn tấm thẻ bài!

Vì gia đình, quê hương… anh dấn bước

 

                 Vượt ghềnh thác, lội Tháp Mười ngập nước

Trực thăng vận thả xuống Huế, Tịnh Biên…

Kon-Tum, Cờ Đỏ, Bà Rá, Quảng Điền

Rừng núi cheo leo… bốn vùng chiến Thuật

 

Ba mươi, tháng tư! Đớn đau nước mất!

Cải tạo tù đày, thân xác héo hon

Chốn hải tần, niềm tin chẳng rã mòn

Dòng văn, thơ… toát tấm lòng khí tiết

 

Anh Vân ơi! Nay âm dương cách biệt!

Chiến hữu xưa, đồng điệu khóc thương anh

Ca-Li buồn, mây tím phủ trời xanh

Nguyện hương linh anh sớm về nước Chúa.

 

 Trích trong “BóngThời Gian” Phát hành 2021

 

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

 

DU THỊ DIỄM BUỒN

 

Email: dtdbuon@hotmail.com

 

No comments: