Thursday, April 30, 2020

NỖI BUỒN THÁNG TƯ (THIÊN LÝ)


Nỗi buồn Tháng Tư
Tác Giả Thiên Lý
Năm nào cũng thế, cứ đến Tháng Tư là lòng tôi lại cảm thấy buồn buồn, một nỗi buồn rất khó tả. Đôi khi cái buồn gây ra sự chán nản, lười biếng, lại có lúc nó làm cho tâm hồn tôi bải hoải, trí não u sầu, người đâm ra đờ đẫn. Trong cuộc sống, không phải thời gian lúc nào cũng là liều thuốc mạnh để tôi quên đi những kỷ niệm, những chuyện buồn ngày cũ một cách dễ dàng. Nhất là khi đang sống ở một nơi xa quê hương, xa cộng đồng người Việt và tôi lại làm việc trong môi trường trẻ thơ. Một môi trường mà tôi đã gắn bó nhiều năm ở quê nhà trước khi tôi ra đi. Tôi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè, nhớ những lần đi chơi sở thú với trẻ hằng năm, nhớ mỗi buổi sáng cô trò cùng tập thể dục trên sân, nhớ những giờ tập hát... Tôi nhớ nhiều, nhiều lắm... Nỗi nhớ như còn đan chồng lên ký ức tôi trong mỗi cử động va chạm vào từng đồ vật ở lớp. Từ sắp xếp những chiếc ghế nhỏ chung quanh cái bàn thấp, đến lấy hộp bút màu, sửa cái giá vẽ, quay sang những đồ chơi đầy màu sắc vô tri... Mọi thứ, đều gợi lại cho tôi khung trời học đường nhỏ bé một thời ở Việt Nam.
 
Tháng Tư nơi đây đang khoác lên chiếc áo màu xanh non của ngày đầu xuân. Lá trên cây đã đua nhau mọc tươi mơn mởn. Cây lê, cây đào và cây mơ sau vườn nhà tôi đang nở đầy hoa trên những nhánh gầy mỏng manh, nhẹ rung theo gió. Mùa xuân Tháng Tư đem lại niềm vui ấm áp cho mọi người sau những ngày đông tuyết phủ lạnh giá. Nhưng với tôi, niềm vui ấm áp vẫn không xoa dịu được nỗi buồn đang đặc cứng trong lòng. 

Tháng Tư, Tháng Tư. Ôi, buồn, đau, hận, chán. Những cảm xúc ấy đã lấy hết sinh khí của tôi rồi! Tôi vật vờ trong nỗi hồi tưởng cay đắng về một ngày “mùa xuân đại thắng” trên quê hương 38 năm trước. Một ngày đã bắt đầu thảm họa đói nghèo, rách nát với  nhiều bi kịch xảy ra trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, kéo theo nỗi lo âu sợ hãi cho cả những người đã phải xa rời quê hương miền Bắc vì sự tàn bạo của CS từ ngày chia đôi đất nước. Bà tôi đã là một trong hàng triệu người tản cư thời đó, và là nạn nhân của nỗi lo sợ, kinh hoàng trong ngày “chiến thắng” năm 75. Tôi còn nhớ rất rõ ánh mắt già nua, lèm nhèm nước mắt của bà, ẩn chứa một sự buồn bã sâu xa lẫn thất vọng chán chường, kéo dài suốt mấy năm sau ngày hòa bình, cho đến khi bà tôi nằm xuống, nỗi buồn đau ấy vẫn không khép lại được.

Dù mấy chục Tháng Tư đã trôi qua, sự khổ cực của thời kỳ nghèo đói vẫn là nỗi ám ảnh theo tôi dai dẳng như một bóng ma quái ác. Nếu sự nghèo đói năm xưa đã giết chết bao sinh mạng và niềm hy vọng, thì ngày nay nó còn đánh gục cả nhân phẩm, lương tâm, đạo đức con người trên bước đường sinh nhai. Đó là số phận của bao cô gái trẻ Việt Nam, đã phải hạ nhân phẩm của mình xuống chỗ thấp hèn, vào hàng chờ đợi để được tuyển chọn cho một tấm chồng nước ngoài. Là những tổ chức “cái bang” bất lương, lợi dụng người già, em bé tàn tật đi xin ăn về nuôi họ, là nhiều chuyện chém giết nhau hằng ngày vì tranh chấp tiền bạc, làm ăn. Là cả một khối người cầm quyền làm giàu trên xương máu của dân nghèo, rồi trở thành vua một cõi ở mỗi triều đại làng mạc. Họ mặc trên người chiếc áo sang trọng, tỏ vẻ quyền uy, bề thế, mà phong cách lãnh đạo lại quá nghèo nàn, phẩm hạnh tả tơi, coi thường chữ tình đối với dân. Công bình xã hội bị họ chà đạp, bán mua...

Tôi đã từng ấp ủ ước mơ trở về quê hương Việt Nam một ngày nào đó để được tiếp tục công việc dạy học cho trẻ em nghèo. Để sống giản dị bên cạnh cuộc đời của những dân nghèo thành thị, để cùng hít thở không khí bình an, thanh bạch ở cuối đời... Nhưng rồi, mỗi ngày đọc tin tức từ trong nước về bao nhiêu chuyện đàn áp dân, chuyện cưỡng chế thu hồi đất, chuyện bắt bớ, giam cầm những người trẻ tuổi yêu nước. Những việc theo dõi, sách nhiễu của nhiều tay “an ninh” tàn ác đối với người dân nào dám chống lại công quyền... Tôi lại càng thêm đau lòng, ước mơ trở về đã dần dà lịm tắt. Thương cho dân lao động nghèo mất đất, mất tiếng nói, mất quyền làm người. Ôi, nói làm sao hết được thảm cảnh của quê hương Việt Nam ngày nay... Đất nước đã thanh bình suốt ba mươi mấy năm dài, sao không khí an lành vẫn chưa hiện diện trong đời sống cho toàn dân? Cảm giác bất an luôn rình rập những thanh niên yêu nước, không khí gông xiềng, tù tội lan rộng khắp nơi, bất chấp mọi sự lên án và can thiệp của các tổ chức nhân quyền thế giới. Thanh bình lâu rồi, sao trẻ thơ nghèo thất học ngày càng nhiều theo hệ số nhân ở các tỉnh thành ngoại ô? Hình ảnh “Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường...”(1) sẽ mãi là điều hoang tưởng trên một đất nước không còn tình người, không có sự quan tâm đến trẻ thơ và đang dần tiến đến con đường nô lệ ngoại bang dưới một chính quyền tàn bạo, độc tài.

Tháng Tư, nỗi buồn lịch sử, nỗi đau chung của triệu người Việt lưu vong, trong đó có tôi đang ngồi đây gõ trên phím những dòng cảm xúc buồn về Tháng Tư. Những tưởng, mình sẽ nhớ hết nhiều chuyện đã cố quên mà không thể, sẽ nói được trọn vẹn bao điều tôi muốn nói. Dù đã cố, tôi vẫn không tiếp tục nổi trong sự nghẹn ngào quá đỗi khi tôi thấy lung linh mờ ảo trên màn hình, lần lượt hiện ra khuôn mặt buồn rầu của cha tôi, ánh mắt tuyệt vọng của bà ngoại, và thân thể gầy còm của mẹ với hơi thở nặng nhọc vào giờ hấp hối. 

Bi kịch trong gia đình tôi đã xảy ra cũng bắt đầu từ một ngày Tháng Tư “đổi đời” năm xưa ấy... 

No comments: