Thursday, April 9, 2020

"NƠI CHỐN ĐI QUA" TRUYỆN NGẮN CỦA TÔ THÙY YÊN (TRẦN DOÃN NHO)



‘Nơi Chốn Đi Qua,’ một truyện ngắn của Tô Thùy Yên
Trần Doãn Nho
 
Trang cuối cùng của truyện “Nơi Chốn Đi Qua” với chữ ký của Tô Thùy Yên.

Chúng ta thường chỉ biết một Tô-Thùy-Yên-nhà-thơ, nhưng ít ai biết một Tô-Thùy-Yên-nhà-văn, hoặc có biết, nhưng không mấy ai lưu ý, có lẽ là vì tài thơ đã che mờ tài văn của ông. Trên các tạp chí văn nghệ trước 1975, thỉnh thoảng người ta đọc được một số sáng tác bằng văn xuôi của ông.


Kỳ này, xin giới thiệu truyện ngắn “Nơi Chốn Đi Qua” cùng quý độc giả.

Là một truyện ngắn hư cấu nhưng theo lời tác giả, “nặng tính chất tự truyện.” Tự truyện là truyện kể về chính tác giả, một người lính, tuy nhiên “Nơi Chốn Đi Qua” mang nhiều nét điển hình của đời lính, thân phận lính như bất cứ người lính nào trong thời cao điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam, do đó, riêng thì riêng, đã rồi, nhưng rất chung. Và với một loại văn xuôi đậm đà chất tùy bút trong gần nửa phần đầu của câu chuyện, tác giả suy gẫm lang bang về chiến tranh, về cuộc sống, về những cuộc hành quân, về cái chết, về tù nhân… trước khi thực sự đi vào phần chính của câu chuyện ở nửa phần sau.

Truyện mở đầu bằng sự thuyên chuyển. “Đầu mùa mưa năm đó, tôi thuyên chuyển về một đơn vị trú đóng ở một tỉnh nhỏ miền Tây. Đơn vị này là đơn vị thứ tư của tôi kể từ khi tôi rời khỏi quân trường.” Đời sống quân ngũ và sự di chuyển thường xuyên đã trở thành chuyện bình thường, không gây nên cảm xúc cho tác giả. “Đã là lính, ở đâu cũng vậy thôi.” Đơn vị mới nằm ở một thành phố buồn, “co rút” và “hết sức bỏn xẻn thú vui,” với chỉ mấy con đường hiếm hoi và ngắn ngủn, chung quanh toàn sông nước, kênh lạch. Doanh trại nằm ở một nơi sâu khuất, bên cạnh một phi trường, sát cạnh một khám đường và không xa quốc lộ.

Có lẽ những cái “gần” này khiến cho tác giả cảm thấy có đôi chút khác biệt với những nơi đồn trú trước. Gần phi trường nên nhiều tiếng động: máy bay lên xuống ngày đêm, tiếng động rền rĩ rung chuyển đến cả “đầu óc” những người lính chiến. Gần quốc lộ nên thấy được khung cảnh sinh hoạt của cuộc sống dân dã bên ngoài. Gần khám đường (trại giam nữ phạm nhân) nên ngày nào cũng nghe những bài hát “Quyết tâm diệt Cộng, cứu giang sơn” vang vọng lại.

Nếu trong hai bài thơ về chiến tranh nổi tiếng nhất của ông, hình ảnh chiến tranh được mô tả một cách chi li và sống động, chẳng hạn:
“Tiếp tế khó – đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên” (Anh Hùng Tận)
Hay:
“Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la” (Qua Sông)

Thì ở đây, trong truyện ngắn này, nhà văn Tô Thùy Yên lại dựng ra một khung cảnh có phần khác. Trước hết là sự đều đặn, buồn tẻ của đơn vị mới đáo nhậm: “Sinh hoạt trong thành phố và nhất là trong doanh trại hết sức nhàm chán, đều đặn và lặng lẽ như một dòng nước tê lười. Những cuộc hành quân thường thường diễn ra không quá mười này liên tiếp, cuối cùng cũng chẳng pha đậm thêm được bao nhiêu sôi động trong đời sống loãng nhạt của chúng tôi.” Tuy vậy, khi không hành quân, nhân vật người lính “yêu đời một cách xót xa,” “một cách quyết liệt.” Vì sao?

Đối với người lính trận, chỉ có một vấn đề rất đơn giản: cái chết. “Ở đây, cái chết thường xuyên ray rứt chúng tôi, ngoại trừ những lúc chúng tôi đang đương đầu với cái chết – điều mâu thuẫn đáng suy ngẫm là sự tranh đấu thắm thiết cùng cái chết giúp cho con người tạm quên đi cái chết của chính mình. (…)

Chúng tôi đã mất hết tự tin ở quyền năng tài trí của con người. Cái chết có thể khuất phục chúng tôi trên mỗi bước vô tình.” Ấy thế mà, điều khá nghịch lý là, “Tất cả rồi trở thành thủ tục” kể cả cái chết, theo Tô Thùy Yên. Cho nên, “Những nỗi buồn không sụt xuống thấp lắm và những niềm vui cũng chẳng trồi lên cao lắm, mọi sự đều trầm trầm.”

Đề cập đến những cuộc hành quân truy kích, Tô Thùy Yên đưa ra một nhận xét bất ngờ, khá lạ nhưng lại mang nét nhân văn của người lính miền Nam, “Gặp địch, đánh xong là thôi. Chúng tôi vẫn không phải là những kẻ thù hằn.” Tác giả cho thấy rõ ràng là đối với ông, bắn giết kẻ địch giữa chiến trường xuất phát từ nhiệm vụ của người lính trên chiến trường, chứ không xuất phát từ sự căm thù những người cùng dòng máu ở phía bên kia chiến tuyến. Đây là điểm khác biệt nổi bật giữa lính bộ đội và lính Cộng Hòa. Như ta đã biết, qua những bài hát “đỏ” cũng như những tác phẩm văn chương Cộng Sản, căm thù là động lực chiến đấu của người bộ đội. Và càng khác biệt hơn nữa khi nhà văn – dù là nhà văn quân đội – không hề giấu giếm những điều tiêu cực trong chiến tranh, kể cả những tiêu cực ngay trong hàng ngũ của mình.

Tính cách bi thảm của chiến tranh được tác giả gói ghém trong những hình ảnh điển hình khá lạ lùng, đầy nghịch lý: một bên là cảnh chiến trường máu lửa, thương vong, chết chóc với xác của những người lính chết đã bị thối rữa vì để lâu ngày và thân nhân của họ đến nhận xác trong cơn đau xót, vật vã. Và một bên là lễ mừng chiến thắng. Trong một lần đụng trận, đơn vị của tác giả bị mất mười mấy mạng. Nếu đọc trên báo con số đó không đáng kể, nhưng “nếu nhìn tận mắt một xác chết thôi” thì con số đó vô cùng lớn lao, không gì so sánh nổi.

Ở đây, tác giả tô đậm hình ảnh một người cha khi đến nhận xác con, vẫn không tin con mình đã chết cho đến khi hạ huyệt. Rồi sau đó, khi trận chiến kết thúc, là cảnh khao quân “gồm những món ăn đã hôi ê được xào nấu lại” mà trong đời lính, thế nào “mỗi người lính đều đã thưởng thức ít nhất một lần một chương trình tương tự”: nào dàn chào, diễn văn mừng chiến thắng, thăng thưởng, nào tiệc tùng, trình diễn văn nghệ với những ca khúc lập đi lập lại những là anh anh em em, tiền tuyến hậu phương, áo chiến giày đinh, hoa cài mũi súng, nhớ thương chờ đợi, vân vân. Tác giả chua chát viết, “Bài hát ru dỗ người nghe trong một cơn mê thiếp chập chờn, giả tưởng và rất đỗi bần thần – có lẽ vì ngay trong lúc bị ru dỗ, chúng ta vẫn ý thức rõ ràng đó chỉ là một cơn mê thiếp giả tưởng.”

Nhưng chính trong đêm văn nghệ khao quân này là nơi tác giả gặp lại người tình thuở đầu đời. Và sự gặp gỡ này đã chuyển “Nơi Chốn Đi Qua” từ những dòng tùy bút đến “câu chuyện.” Trong số những người trình diễn trong buổi lễ “mang nặng mặc cảm thua thiệt” như mình, tác giả để ý một ca sĩ tên là Quỳnh Vân. Cô “vóc dáng mảnh mai, mặc đồ trận rằn ri, tóc kiểu Sylvie Vartan, khuôn mặt sáng sủa nhí nhảnh…” Cô nhìn xuống khán giả, “một tia nhìn bén nhọn lạnh lùng” với “thái độ thách thức.” Giọng hát của cô “ân cần, thành khẩn đến độ đau đớn nghẹn ngào.” Trong một bài hát khác, cô “nhún nhảy, quay cuồng, hạ thổ, vặn vẹo cần máy” trông thiệt là “thảm thương.” Hóa ra, cô gái đó là Phụng, người ở cùng tỉnh với tác giả, nơi hai gia đình giao du thân mật, tưởng như sẽ trở thành thông gia, vì thế, thuở nhỏ, hai người thường gặp gỡ nhau. Nhưng tính cách kiêu kỳ của nàng và lòng tự ái của tác giả đã khiến cho cả hai không có dịp tỏ tình với nhau. Về sau, hoàn cảnh thay đổi, gia đình chàng thì vì sinh kế phải đi xa còn gia đình nàng thì lâm vào cảnh sa sút. Chàng nhập ngũ, còn nàng thì theo nghề ca hát, mà khổ nổi chỉ hát trong đơn vị tâm lý chiến chứ không phải là ca sĩ nổi danh ở các vũ trường và sân khấu thành phố.

Sau lễ khao quân, nửa mừng nửa tủi, hai người ngồi trong quán nước nhắc nhở và nuối tiếc chuyện xưa đồng thời dằn vặt chuyện nay. Cuối cùng, “Tôi đưa Phụng về khi thành phố sắp sửa giới nghiêm. Sân khấu đã tắt đèn lặng trang. Chợt Phụng nói, giọng khuya khoắt như trong cơn mê loạn: ‘Có ngày em sẽ nổi danh, hát ở những phòng trà sang trọng tại Sài Gòn kiếm được thật nhiều tiền, cuộc đời sẽ cõng em trên vai. Chừng đó dĩ nhiên, em sẽ thôi không nhảy tuýt nữa.’ Tôi siết chặt tay nàng, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi mới nói: ‘Còn anh, anh sẽ cố gắng lập công to, lên tướng để được cầm nhiều quân, đánh những trận lớn.’ Rồi tôi bật cười khan, một cái cười thật độc ác với chính mình.”

Nhưng rồi sau đó, giấc mộng đổi đời của cả hai đều không thành. Tác giả thì bị thương, được chuyển về hậu cứ. Còn Phụng thì không hề trở thành ca sĩ thực thụ, vì “ở những phụ trang sân khấu kịch trường, mãi tôi vẫn chưa tìm gặp sự xuất hiện của nữ ca sĩ nào tên gọi Quỳnh Vân.”

Bằng một giọng văn trầm lắng, ưu tư, “Nơi Chốn Đi Qua,” một trong những truyện ngắn khá hiếm hoi của Tô Thùy Yên, vẽ lại chân dung khá chân thực của một người lính trong quân đội VNCH, gợi nên biết bao xót xa, thấm thía về những số phận long đong vào một thời tao loạn của đất nước.
Xin được nhắc lại: Tô Thùy Yên sinh năm 1938 và mất Tháng Năm, 2019, tại Houston, tiểu bang Texas, thọ 81 tuổi.

 (Trần Doãn Nho)

No comments: