Sunday, April 19, 2020

TÌNH ĐẦU (Phạm Đức Hiền)








































Cô Phương yêu dấu, 

Em từng nhủ, nếu cô ra đi, em sẽ cố gắng về VN để tiễn cô một đoạn đường. Nhưng thật không may, lại vào lúc này…. Vừa buồn, vừa thương, vừa nhớ.  

Nhìn những lá thư, hình ảnh và kỷ vật của cô, trong đó có tập thơ “Rồi Cũng Ngàn Thu”, em bỗng bật khóc. 

Không biết làm gì hơn, em đành lập một “bàn thờ” trong cái “am” ở sau vườn, đàn và hát “Nhỏ Nhoi Như Hạt Mưa” của cô, uống với cô một ly rượu, nhai nát 4 chữ “rồi-cũng-ngàn-thu”, nước mắt chảy ra, ngậm ngùi cho cuộc đời hẩm hưu của “cô cô” tài sắc vẹn toàn. 

Cô Phương à, thôi thì, trong lúc lâng lâng, thấy hình cô lung linh trên bàn thờ, em muốn kể với cô một chuyện tình:

Cô ơi, khi cô bước vào sân trường Nguyễn Huệ cũ lần đầu vào thập niên 60’, bọn nam sinh Đệ Tứ tụi em đứng nhìn cô chết trân.  Cuộc đời ở tỉnh lẻ, tụi em chưa bao giờ được thấy một cô giáo nào có dáng cao lớn, khuôn mặt thanh tú, và nụ cười hiền hòa như cô.  Chiếc áo dài mầu xanh của cô phất phơ theo tiếng thông reo ở sân trường, như nhịp điệu của một bản tình ca, làm mọi người ngẩn ngơ, còn em thì bị tiếng sét ái tình đánh vào
ngực, và nó đã trở thành “tình đầu” của em. 

Cô à, về danh xưng, Hoàng Diệm Phương (1938), bút hiệu Hoàng Hương Trang, cô có 2 chữ “hoàng” và một chữ “phương” trùng với một nữ sĩ cùng thời là Nguyễn Thị Hoàng (1939), bút danh Hoàng Đông Phương, tác giả “Vòng Tay Học Trò”. 

Ở lứa tuổi tụi em vào thời đó, “vòng tay học trò” là ám ảnh của của tuổi dậy thì; vì thế, em hay đến trường sớm, dựa vào cột cờ giữa sân trường, chờ cô đến để… “nghễ”.  

[Cách đây vài hôm, trên Facebook của mình, văn nhân Lương Lệ Huyền Chiêu (Huyen Chieu Luong) đã nhắc lại kỷ niệm êm đềm đó: “...Huyền Chiêu bỏ quê hương Ninh Hòa để ra làm dân Tuy Hòa năm 12t. Tuy Hòa trong ký ức của HC là cái sân trường Nguyễn Huệ cũ, giờ ra chơi là những giây phút vui nhất khi những mái tóc dài chụm nhau trò chuyện, những chàng trai bạo dạn cộm cán tốp hai, tốp ba kéo nhau đi "nghễ" (HC không quên anh Hiền luôn có mặt trong tốp này)...”, cám ơn Huyền Chiêu]

Cô Phương à, em tự tưởng tượng mình là cậu học trò trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng, nhưng mối tình của em với Hoàng Diệm Phương là thật, không phải tưởng tượng như nhân vật ‘thế thân” của Hoàng Đông Phương.  

Hồi đó, cô dậy “nữ công gia chánh” nên em không có cơ hội được vào lớp để “nghễ” cô giáo xinh đẹp, chỉ còn cách đứng trước cổng trường để được thấy dáng dấp uyển chuyển của cô; rồi cuối cùng, em cũng được cô “để ý”.  Sau đó, mỗi lần gặp em, cô đều gọi em là “cậu bé dễ thương”, những chữ đó đã mọc thành râu tóc bạc phơ ngày nay. 

Những lần sau giờ học, em thường ở lại lớp đệm đàn cho cô hát.  Em vẫn còn nhớ, “Giấc Mơ Hồi Hương” là bài mà cô thích, và hay hát.  

Những lúc không có ai, em bắt chước Dương Quá gọi cô là “cô cô”, cô hiểu ý, chỉ mỉm cười, và vờ như không nghe... 

Thế rồi một ngày, cô Ngô Thị Hiền cho em biết cô đã được thuyên chuyển đi nơi khác, em cũng không rõ cô đi đâu; mà dù có biết, cũng không thể liên lạc được. Chiến tranh đã lôi kéo con người xa nhau, cướp mất tình đầu của em trong âm thầm và tuyệt vọng.

Rồi đất nước đổi thay, hoàn cảnh tù đầy trong các trại “học tập” đã làm cho con người nghĩ đến cái bụng “bo bo” hơn là cái đầu thương nhớ. 

Mãi cho đến khi Thầy Nguyễn Đình Quỹ và cô Hiền sang Mỹ em mới có cơ hội liên lạc lại với cô.  Đối với em, có lẽ đó là môt trong những ngày vui nhất đời.

Lần đầu tiên nói chuyện qua điện thoai thì cô và em đã đi gần hết đời người, em mạnh dạn thổ lộ tâm tình với cô là khi gặp cô ở sân trường trên đường Số 6, Tuy Hòa, em đã bị “coup de foudre”; cô chỉ cười, rồi kể những chuyện về cuộc đời long đong, trắc trở của cô.   

Cô nói, vì một sự hiểu lầm mà mối tình đầu của cô bị tan vỡ; rồi cô gặp vài người khác, cũng không thuận lợi; cuối cùng cô phải sống trong tình trạng “bán độc thân”, on & off với cuộc sống và tình yêu….  

Sau khi cùng với những nghệ sĩ khác đi “học tập cải tạo”, cô phải sống những ngày “sài gòn giải phóng” bằng đủ “nghề”, từ vẽ guốc mộc, bán cà phê, buôn chợ trời và làm bất cứ việc gì để bao tử không có cớ giận hờn cô. 

Sau khi tận dụng hết khả năng về âm nhạc, hội họa, viết lách… vẫn không đủ sống, cô mới tìm được công việc tương đối ổn định gọi là “nghề cạo giấy”, tức đọc và sửa bản thảo cho những tác giả để phát hành thơ và sách.  Nhưng, thật tội nghiệp là cô vẫn phải dùng bút thường, vì cô không đủ điều kiện để sử dụng máy vi tính. Công việc thật vất vả, nhưng cô vẫn kiên trì làm với đôi tay rã rời và đôi chân ngày một yếu, đi đứng rất khó khăn.  

Cách đây khoảng một năm, cô nói là cô phải về Long Xuyên sống với một người cháu, vì ở Sài Gòn không ai giúp đỡ, ngay cả người “chồng hờ” mà cô ngỡ là giấc mơ.  Cô nói có lẽ cô và em sẽ khó có thể “gặp” nhau; nếu có điện thoại, cô sẽ gọi cho em; nhưng từ đó, em tìm cách liên lạc mà không được. 

Trước khi đi, cô gởi cho em xem một bản “di chúc” nói rằng, sau khi cô chết sẽ hiến toàn bộ nội tạng và xương cốt cho từ thiện và y học; cô cũng xây một ngôi mộ cho chính mình. 

Hôm Thứ Năm, 16 tháng 4 năm 2020, từ Huế, thầy Trần Công Tín post trên FB một số hình ảnh của cô, cùng với những lời thông báo:

Nhà thơ Hoàng Hương Trang giữa thập niên 1960 có dạy tại trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa..Chị đã từ trần hôm 15-4 tại Long Xuyên và hỏa táng đem về Huế chôn cất.”

Biết cô đi rồi, em vừa mừng vừa đau xót, mừng là cô đã có thể chấm dứt được sự đau đớn về thể xác lẫn tâm hồn. Đau xót vì khi ra đi, ngoại trừ người cháu, cô không có thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và người yêu của mình. 

Sau khi gọi điện cho thầy cô Quỹ báo về sự ra đi của cô, em nhận được email của thầy Dương Đình Đống:

Em Hiền và Các Em Cựu học sinh TH Nguyễn Huệ, Tuy Hòa thân mến! Chị Diệm Phương Hoàng Hương Trang mất đã mấy ngày này mà Chúng Tôi không thấy Các Em báo trện internet nên không hề hay biết gì cả! Chiều nay, cô Nguyễn Khoa Diệu Ánh, Em cố giáo sư Nguyễn Khoa Diệu Đoan, gọi điện thoại báo tin cho em tôi là cô Dương Thị Hòa nên Chúng Tôi mới rõ và vội báo cho Các Em và các cựu đồng nghiệp ở hải ngoại được biết để một phút tưởng nhớ về một nữ sĩ tài hoa này!”

Em trả lời email cho thầy Đống, báo tin sự ra đi của cô đã được thầy Tín phổ biến trên FB, và được hàng trăm người vào phân ưu, bầy tỏ sự thương tiếc, trong có đồng nghiệp (?) Tuu Dang Mau, chia sẻ: 
“Vô cùng thương tiếc chị! Một người đa tài, luôn là tấm gương cho sự tìm tòi để phá vỡ những khuôn hình đã cũ và an phận với cái ảo, cái hư huyễn, là họa sĩ nữ của khoá 1 trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ thuật Huế (1957-1961). Mong chị về trời bình an! Xin chia buồn cùng gia đình! Một nén tâm hương kính tưởng chị!”

Đại diện cho nhóm học trò cưng của cô, cái Tuyết (Lê Thị Hoài Niệm viết:
“Thành kính phân ưu cùng gia đình của Cô. Nguyện cầu linh hồn của cô Hoàng Hương Trang sớm về cõi vĩnh hằng. Hơn mười năm trước, em có dịp đánh máy tập thơ TÚY CA của cô để anh Trần hoài Thư in lại và phân phối cho nhiều đọc giả. Có gửi về cho cô, cô rất vui. Em cũng thường hay "ủng hộ" sách của Cô. Rồi cũng qua một kiếp người.”

Đối với mọi người, cô luôn là thần tượng; nhưng đối với bản thân, cô lại tự trách mình, cô nói: 

“Trong đời cô Phương, đã học qua nhiều thứ đàn: tranh, piano, violon...và đàn gì cũng thất bại, kể cả... đàn ông.  Thế đấy! (Hiền lại mỉm cười, phải không?)

Đọc những dòng chữ bay bướm của cô em lại nghẹn ngào, rơi lệ. 

Cô à, thôi thì cô đi trước, nếu có duyên, biết đâu, em và cô lại gặp nhau ở một thế giới nào đó, em nhất định sẽ thực hiện “tình đầu” của mình, và rủi bệnh đau chân của cô tái phát, em sẽ đẩy xe lăn cho cô, đi hết cuộc đời thứ hai. 


Tình đầu “rồi cũng ngàn thu”,
À ơi, cô ngủ, em ru “tình đầu”.

I love you, cô cô. 

San Jose Apr., 18, 2020
Phạm Đức Hiền

…….


Xin được chấm dứt nơi đây, nếu ai còn thì giờ, xin cùng đọc những di thư của cô Phương:

Lời nhắn của thầy Nguyễn Đình Quỹ:
Thân gửi đến quý vị hình ảnh và tiếng hát của chị Phương để
nhớ về một người bạn tài hoa của chúng ta vừa mới ra đi về
nơi miên viễn . Bài này chị hát vào năm 2016 trong 1 lần đến
thăm chúng tôi tại SG .
Quý vị có thể vào youtube sẽ thấy nhiều hình ảnh của chị Phương .
https://www.youtube.com/watch?v=dPvZ78JJejs

*****




Anh Hiền thân mến,
HC rất cảm động đọc bài viết của anh Hiền về cô giáo dễ thương của chúng ta dưới mái trường Nguyền Huệ thân yêu.
Trường NH của chúng ta thời đó thật đặc biệt. Phú Yên thuộc Liên KHu 5 (Nam, Ngãi, Bình, Phú từ 1945 đến 1954 thuộc vùng 9 năm kháng chiền nên khi chia đôi đất nước 1954 những người có học (trường Lương Văn Chánh) có tham gia kháng chiến được ra bắc Tập Kết. Ngược lại cũng năm đó người dân miền bắc sợ CS lại di cư vào Nam. Khi Tỉnh trưởng Hồng Dũ Châu được TT Ngô Đình Diệm bổ nhiệm về làm Tỉnh Trưởng Phú Yên, trường Nguyễn Huệ ũng được thiết lập và trường không hề có một giáo sư nào người Tuy Hòa. Và chúng ta may mắn được học với các thầy hầu hết là người Bắc, người Huế. Có lẽ cô Phương là nữ giáo sư đầu tiên đến dạy ở trường NH.
Trường NH vui và có không khí rất lạ của "Hợp chủng quốc".
Cô Phương đúng là một nghệ sĩ đa tài. Và anh Hiền đúng là một chàng trai đa tình.
Theo HC, gọi là "Mối tình đầu" cho oai, Thực ra hình ảnh của cô giáo trẻ trung, đáng yêu là chất xúc tác để sợi tơ lòng của chàng trai mới lớn rung lên niềm cảm xúc đầu đời. Vì vậy mối tình đầu của anh Hiền rất đẹp, rất trong sáng nhưng ngập tràn cảm xúc .
Cha mẹ, thầy cô mình qua đời và chúng ta đã bước vào "giai cấp" lão làng rồi anh Hiền nhỉ. Mau quá.
Rất nhớ những ngày còn thơ trong sân trường NH.
Rất nhớ bóng dáng thầy cô kính yêu.
có lần HC về thăm trường cũ. Nhưng nhìn thấy lá cờ trong sân trường đã thay màu, HC thấy lạc lõng và buồn bã.
Có lẽ nếu có một ngày gặp lại chúng ta hẹn nhau trên núi Nhạn, cùng ngắm lại dòng sông Đà Rằng, chiếc cầu dài nhất miền Trung và ngọn núi chóp Chài buồn mênh mông.
Chúc anh H khỏe, tai qua nạn khỏi mùa dịch Cô Vy.
Thân

Huyền Chiêu







Hello Hiền thân ái,

Tôi là bạn của anh ruột cô Diệm Phương (Hoảng Vinh). Mõi lần về VN tôi đều nhờ mấy thầy Nguyễn Huệ tổ chức họp mặt. Hình như lần nào cũng có cô Diệm Phuong đến cùng một người đàn ông khá trọng tuỗi.
Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du viết :
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau.
Cô Diệm Phương ra đi để lại nhiều tiếc thương cho học sinh Nguyễn Huệ cũng như gia quyến và văn nghệ sĩ bằng hữu của cô, trong đó có một lãng tử choai choai từng ôm cây độc huyền cầm không dây tụng câu kinh:
“Yêu là yêu – là nhạc lòng lên điệu, 
Là tâm hồn ghi khắc bóng hình ai, 
Là nhớ nhung mơ mộng suốt đêm dài, 
Là chờ đợi bước chân người thương mến.”
Nếu có một người duy nhất ghét Diệm Phương (mệnh), 
người đó chính là Hương Trang tài).
Mong gặp Hiền để phạt quì, lý do sẽ nói khi phạt.
Thăm và chúc gia quyến an bình
Chúc lành đến đại gia đình Nguyễn Huệ
Thân ái, Thầy Giang

















No comments: