Monday, July 20, 2020

XÓM ĐÊM (KIM LIÊN NGUYỄN B.)


https://www.facebook.com/100007034269099/videos/2746491088928673


Hôm nay tình cờ nghe lại bài hát " Xóm Đêm "qua tiếng hát Ngọc Lan, lòng bùi ngùi, nhớ những ngày cơ hàn, nơi phố nghèo ngày củ, hình như nơi nào cũng vậy, những xóm nghèo dường như đều giống nhau, Xóm Đêm trong Sài Gòn vào năm 1950 của nhạc sỹ Phạm Đình Chương, sao mà giống xóm nghèo của Liên tại Tuy Hòa về đêm ngày ấy. Nhớ ngọn đèn đường vàng vọt nơi góc ngã tư đường, trong vùng ánh sáng bên dưới quanh trụ đèn, là những con người lam lũ, đang ngồi bên lò than với những trái bắp vàng, nướng lên bán cho khách qua đường, gần cạnh là vài chị ngồi bên cái thúng với một đèn hột vịt trên khay đậy, vì trụ đèn không là nơi cố định, nên cái đèn hột vịt sẽ là ánh sáng dẩn đường cho các chị đi vào trong những ngõ hẻm tối hun hút với tiếng rao quen thuộc ” Ai ăn hột vịt lộn không ...”... Tiếng “ không “ được kéo dài, như để hối thúc ai đó còn trong nhà hãy mau ra, mà cũng như tiếng thở dài, hy vọng có người nghe, hầu mong bán mau hết thúng để về trong khuya.... Vào thập niên sáu mươi, phố thị quê của Liên có rất ít nhà, về đêm đường vắng không người qua, thỉnh thoảng có cơn gió lạnh thổi đến, để những thân hình khốn khổ co rúm lại trong những ngôi nhà tạm bợ, mà vách được kết bởi những tấm thùng đồ hộp của quân đội Mỹ vứt lại, xóm nghèo của nhạc sỹ Phạm Đình Chương, nhà được che bằng những tấm phên thì cũng tương đối kín đáo hơn, nhưng người nhạc sỹ cũng kịp nhìn thấy qua những tấm phên bị vênh lên vì mưa nắng kia, có những mái đầu bên nhau trong cái nghèo, dưới bóng đèn vàng duy nhất trong nhà,” ánh điện câu “ không thể nào và không bao giờ quên được, vì hai từ “ câu điện “ quá quen thuộc, gần như xác định sự gắn bó không tách rời của những con người trong một xóm nghèo. Bởi trong xóm thì thể nào cũng có một nhà tương đối khá hơn, sẽ bắt một công tơ chính từ nhà đèn, và từ đó cho các nhà nghèo xung quanh mua dây điện, đến nối về nhà mình để thắp sáng, gọi là câu điện, mổi nhà chỉ dùng một bóng đèn tròn cho sinh hoạt về đêm, và đóng tiền hàng tháng cho người có công tơ chính, vì nhà đèn sẽ thu tiền điện qua số ký lô watt đếm trên công tơ, thế đấy có thể gọi rằng lá lành đùm lá rách là đây...
Giờ này thân viễn khách nơi xứ người, không còn nỗi lo vật chất như ngày nào, nhưng mỗi lần vô tình hay hữu ý, kỷ niệm ngày xưa chợt về, thì từ đâu đó nơi sâu thẳm của đáy lòng dậy lên một nỗi nhớ không nguôi, để giòng lệ ký ức lặng lẽ tuôn....
Xin gởi đến các anh chị và các bạn, nhạc phẩm “ Xóm Đêm “, của cố nhạc sỹ Phạm Đình Chương, như một hoài niệm về những năm tháng ngày củ ....

Wichita, Kansas

No comments: