Wednesday, July 22, 2020

TÌNH CHỈ ĐẸP KHI CÒN DANG DỞ (NGUYỄN VĂN TỚI)


Tình Chỉ Đẹp khi còn dang dở?

 

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Nghe câu này, những người lớn tuổi sẽ than: “Biết zồi, khổ lắm, nói mãi!” như câu nói nổi tiếng của nhân vật Cố Hồng trong tác phẩm “Số Đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng trong cuối thập niên 30. Riêng tôi, tôi không tin lắm và cho rằng các nhà thơ, nhà văn bày đặt ra để tiểu thuyết hóa câu chuyện của mình hoặc làm câu chuyện thêm lâm ly hấp dẫn, chứ yêu nhau, không lấy nhau được thì làm sao mà đẹp.

 

Vài người còn tếu lâm, thêm bớt như “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, lấy nhau về nham nhở lắm em ơi”. Tôi luôn tin rằng yêu nhau, lấy được nhau, về sống với nhau mới là mối tình tuyệt đẹp. Kinh nghiệm bản thân tôi chứ chẳng đâu xa, yêu vài cô mà không lấy được cô nào cả vì hoàn cảnh, làm tôi ấm ức mãi đến bây giờ. Xin cho tôi trút nỗi niềm tâm sự vì chuyện này xảy ra với tôi 2 lần, vào 2 thời điểm khác nhau.

 

Vâng, thưa bạn, lần đầu khi vợ chồng tôi có dịp về lại Việt Nam ra mắt cha mẹ vợ vào năm 2000. Khi đi thăm một thằng bạn thân cùng lớp, nó cho hay con nhỏ Tr. đang ở Sài Gòn, đã ly dị chồng, đang nuôi 2 con tuổi còn đi học, mày muốn gặp nó không? Một trời ký ức ùa về, kỷ niệm của một thời học trò lãng mạn, hẹn hò, với cô bạn gái xinh đẹp cùng lớp, làm sao quên được. 

 

Lúc đó là những tháng ngày đầu năm 1975, tôi 17, nàng sắp trăng tròn 16; tôi mới ra khỏi một trường nội trú chương trình Pháp để xin vào học một trường chương trình Việt. Tôi lớ ngớ bước vào lớp 10 trường trung học Minh Đức, Pleiku, khi niên học đã bắt đầu được nửa năm. Vốn là một học sinh nội trú, 5 năm trời học ở Đà Lạt, toàn nam sinh, nên tôi khù khờ và nhát gái. Thày Doanh chỉ tôi ngồi một chỗ trống, ngay đầu bàn, ở giữa lớp, cách 1 lối đi bên kia là nữ sinh. 

 

Vừa ngồi xuống, tôi nghe vài tiếng cười rúc rích từ bên con gái vọng sang, tôi quay nhanh qua nhìn, bắt gặp đôi mắt tuyệt đẹp và nụ cười hóm hỉnh, má lúm đồng tiền của cô nữ sinh ngồi đầu bàn song song với tôi. Đôi mắt này tôi có gặp ở đâu rồi, cố moi trí óc mà vẫn không nhớ nổi là ai. Tiếng thày giáo vang lên cắt đứt suy nghĩ của tôi, thày nói tiếng Pháp, yêu cầu tôi tự giới thiệu tên tuổi và từ đâu đến. Ông nhấn mạnh: - “En Francais, s’il vous plait” (Xin lỗi, không có App mẫu tự Pháp trong máy tính cho chữ Francais với C cédille, và chữ Plait mà chữ i phải là dấu mũ chứ không phải dấu Chấm). Thì ra tôi vào đúng lớp Pháp Văn cho những học sinh ngôn ngữ 1 là tiếng Pháp. Thời đó đa số học sinh chọn Anh Văn là sinh ngữ 1, vì người Mỹ đã và đang ở Việt Nam rất nhiều.

 

Như thói quen ở trường cũ, tôi tự giới thiệu tên tuổi bằng tiếng Pháp một cách lưu loát và khá đúng giọng. Cả lớp im phăng phắc, rồi tiếng xì xào bàn tán vang lên khắp nơi. Thày giáo phải lên tiếng xin mọi ngườ im lặng và cũng bằng tiếng Pháp, thày chào mừng, khen tôi nói tiếng Pháp hay và hy vọng tôi sẽ là một học trò giỏi và sẵn lòng giúp đỡ bạn bè trong lớp khi cần thiết. Tôi hoàn toàn không biết rằng học sinh ngoại trú, tuy sinh ngữ 1 là Pháp Văn, nhưng chỉ học với các thày cô người Việt Nam; trong khi ở trường cũ, suốt 5 năm học, tất cả thày cô của tôi đều là người Pháp, và họ chỉ dạy văn hóa Pháp, không có chương trình Việt, nên khả năng Pháp ngữ của tôi vượt trội so với các bạn cùng lớp ở trường này, ngược lại môn văn chương Việt Nam của tôi thì đứng chót lớp.

 

Khi tan học, ra khỏi lớp, tôi đẩy chiếc Honda 67 ra tới cổng, gặp cô bạn cùng lớp có đôi mắt tuyệt đẹp cũng đang dẫn chiếc xe đạp Mini đi chầm chậm. Cô và tôi cùng nhìn thấy nhau, bối rối, tôi giả vờ quay đi, nhưng không kịp.

Cô gọi: “Bộ anh không nhớ em sao? Em là Tr., em anh V. nè”.

Thằng V., đứa bạn học thân thiết, trên tôi 1 lớp, cùng học nội trú, sao quên được. Nó tròn trịa như củ khoai, mà sao có đứa em gái xinh quá là xinh. Tôi và Tr. cùng dắt xe đi song song bên nhau trên đường về. Con đường “dinh ông Tướng” là con đường đẹp nhất ở Pleiku, với hàng cây thông hai bên đường rợp bóng mát. Con đường tôi vẫn đi qua hằng ngày, hôm nay sao bỗng nên thơ lạ. Lòng tôi rộn rã một niềm vui, chân bước đi, lòng lâng lâng như muốn nhảy múa cùng những giọt nắng đang reo vui qua kẽ lá. Sao con đường về nhà hôm nay ngắn quá, đã đến ngã ba rẽ về nhà nàng, tôi lưu luyến không muốn chia tay, đứng nhìn nàng vén tà áo dài, duyên dáng ngồi lên yên xe và đạp đi. Tôi vẫn cứ mải mê nhìn theo cho tới khi nàng khuất bóng sau con dốc.

 

Từ đó, nàng và tôi, mỗi ngày tan học, cùng nhau sánh bước đi về trên con đường hoa gấm thơ mộng đó. Nàng dắt chiếc Mini, tôi chiếc 67, cả hai đều muốn đi càng chậm càng tốt, chỉ mong đoạn đường cứ dài ra mãi không bao giờ hết. Thỉnh thoảng tôi đánh bạo liếc qua nhìn. Nàng trong tà áo dài trắng tinh khôi nhẹ bay trong gió, đôi môi không thoa son mà luôn đỏ thắm, mái tóc xỏa bờ vai mềm, bước đi ríu rít như chim sáo nhỏ. Tôi thì thầm “Em Pleiku má đỏ môi hồng…”. Nàng cười tươi hỏi anh đang hát bài gì đó. Tôi luống cuống nói một bài anh thích nhất, nhưng không nói Tr. nghe đâu. 

 

Chúng tôi yêu nhau từ dạo đó dù không một lời tỏ tình, chưa một lần hôn nhau, nhưng cả hai đều ngầm hiểu bằng ánh mắt thương trao, những ngón tay vô tình chạm vào những ngón búp măng của nàng khi trao nhau những bài thơ tình vụng về kẹp trong cuốn truyện trước lúc chia tay. Một lần, đang sóng bước bên nhau trên đường về, chợt nhìn sang, nàng đang tung tăng những bước chân sáo reo vui, hai tà áo dài bay bay trong gió nhẹ ban chiều; một khoảng nhỏ hình tam giác trắng ngần vô tình lộ ra bên hông tà áo dài. Tôi không biết vùng Tam Giác Quỷ, Bermuda Triangle, kinh hoàng và bí ẩn gây chết chóc đến mức nào, nhưng vùng Tam Giác bé bỏng, dễ thương này đã hạ tôi đo ván, làm tôi ngất ngây say đến mấy ngày.

 

Mối tình học trò, mối tình đầu đơn sơ thanh khiết và đầy mộng mơ đó kết thúc khi cộng sản tràn về tới phố núi mù sương, Pleiku yêu dấu của hai đứa tôi. Chúng tôi không kịp chia tay và mất nhau từ dạo đó.

 

Hôm nay biết tin nàng, sau 25 năm không gặp, hỏi sao lòng tôi không hồi hộp; tim tôi đàn lên phiên khúc mùa Xuân của ngày nào mới biết yêu. Trí tưởng tượng phong phú của tôi đã vẽ ra những cảnh đầy kịch tính như trong phim: hai người sẽ ôm chầm lấy nhau, má kề vai, đầu nàng sẽ gục vào ngực tôi, nước mắt tuôn rơi, nghẹn ngào, thổn thức nói không nên lời và còn nhiều, rất nhiều điều nữa mà chúng tôi sẽ phải kể nhau nghe trong những năm tháng dài bặt tin nhau. 

 

Tôi mượn bộ đồ cũ của thằng bạn để mặc vào cho giống với người Sài Gòn lúc bấy giờ, nó chở tôi ngồi sau lưng chiếc Honda. Tôi dặn đi dặn lại đừng cho nàng biết tôi ở Mỹ về. Chúng tôi vừa bước vào nhà đã nghe tiếng hét chói tai của một người đàn bà đang la mắng con gái bằng những lời đay nghiến, nhiếc móc chua cay, dấm dẳng không ngừng. Người đàn bà, đầu bù tóc rối, miệng ngoác tới mang tai, vẫn chửi bới không ngừng bằng những lời lẽ đay nghiến ấy, thấy chúng tôi bước vô, bà ta vội im bặt, ngạc nhiên hỏi:

 “Ủa Đông, ông đi đâu vậy?”.

Thằng bạn tôi trả lời: “Đi kiếm bà chứ đi đâu. Có biết ai đây hông?”. Nó chỉ tay qua phía tôi. Nàng nhìn tôi vẻ ngơ ngác, nửa như quen, nửa như lạ, đôi môi run run, hơi mấp máy. Tôi nhận ra nàng ngay lập tức, dù thời gian có phũ phàng thay đổi, tôi biết ngay tôi không lầm. 

 

Tôi nhỏ nhẹ, giọng lạc đi vì xúc động: “Anh là T. đây, Tr. không nhớ sao?”. Nàng lặng đi một hồi, cặp mắt hơi đỏ, thoáng một làn hơi sương. Đứa con gái đang bị mắng, nhìn chúng tôi thật nhanh với cặp mắt biết ơn, vội vàng biến vào nhà sau. Nàng cố làm ra vẻ thản nhiên mời chúng tôi ngồi chơi uống nước như không có gì xảy ra. Sau vài lời hỏi thăm xã giao, nàng hỏi tôi hiện ở đâu, làm nghề gì. Tôi cũng trả lời chung chung là làm đủ thứ nghề miễn sống được là làm. Tới lúc này nàng vẫn không hề biết tôi từ Mỹ về, nhưng thắc mắc sao nước da tôi trắng trẻo vậy. Tôi nói vẫn sống ở Đà Lạt lâu nay, nên da không bị ăn nắng. 

Nói chuyện một hồi lâu, nàng nhận ra ngay có cái gì đó không bình thường nơi tôi vì cách xài chữ và lối nói chuyện không giống với người trong nước. Thằng bạn tôi, nãy giờ cố nín cười, chịu không nổi, phun luôn một tràng rằng tôi ở Mỹ mới về. Nàng mở to mắt nhìn tôi thật kỹ, săm soi từ đầu đến chân coi có phải tôi thật là Việt kiều không. 

 

Trước khi từ giã ra về, nàng cầm tay tôi kéo ra một nơi khuất để không ai thấy; trống ngực tôi đập liên hồi như ngày mới yêu nhau. Tôi tưởng tượng ra một nụ hôn đầy nước mắt hay ít ra cũng một cái ôm ghì nồng ấm cho bõ bao năm trời xa cách, nàng hạ giọng thật nhỏ, hỏi: “Anh cho em mượn ít tiền làm vốn được không? Cỡ …. ngàn thôi”.

Nghe xong, tôi tá hỏa tam tinh, tưởng như sét đánh ngang tai. Tôi lúng túng: “Để anh bàn với bà xã coi có được không, rồi cho Tr. biết nhé”.

Trán nàng cau lại vẻ bực bội: “Có nhiêu đó mà phải xin phép vợ sao?”. 

 

Tôi thầm kêu trời. Tất cả trong tôi chợt vỡ tan. Sao em lại nỡ nhẫn tâm làm sụp đổ trong tôi hình bóng một cô nữ sinh ngây thơ, duyên dáng, yêu kiều, má lúm đồng tiền, nụ cười e ấp trong tà áo trắng tinh khôi, một hình tượng tôi hằng tôn thờ, luôn ấp ủ, mang theo trong tim từ khi lìa xa mái trường.  

Tôi hụt hẫng, bước vội ra cổng nhưng vẫn hứa sẽ gọi phone lại cho nàng biết sau.

Thằng bạn hỏi: “Mượn tiền phải không?”. “Sao mày biết?”. “Nó đã từng hỏi mượn tiền tao và nhiều người rồi, tới giờ chưa trả”.

Như bạn biết, vợ chồng người Việt mình bên Mỹ thường có cùng một chương mục ngân hàng, ai xài hoặc viết ngân phiếu chi trả một việc gì, người kia đều biết. Tôi có gan trời cũng không dám ký cho cô bạn gái “ngày xửa ngày xưa” một cái ngân phiếu với số tiền lớn như vậy mà không cho vợ tôi biết. Lòng đau đớn, cảm giác như vừa mất đi một cái gì yêu quý trên đời, tôi nhủ lòng chắc phải “hẹn em kiếp sau, ta nhìn thấy nhau”. Tuy nhiên, tôi vẫn nhờ thằng bạn đem tới cho nàng một món quà của người phương xa, như một kỷ niệm cuối cùng của mối tình đầu thơ mộng ấy.  

 

***                                                                              *

Mới đây, tháng 10 năm ngoái, năm 2019, vợ chồng tôi qua Úc du lịch. Trước chuyến đi, tôi lục giấy tờ cũ để kiếm địa chỉ cô bạn gái ngày xưa khi còn ở trại tỵ nạn Philippines, hiện cô đang sống ở Úc. Đây là địa chỉ cô ấy cho tôi trước ngày tôi đi định cư ở Mỹ trong khi cô phải ở lại để chờ đoàn tụ với gia đình đang dịnh cư ở Úc. Cô đến trại sau ngày đóng cửa nên phải qua thanh lọc. Cha mẹ cô kiếm một chàng Việt kiều quốc tịch Úc, bay qua Philippines làm diện hôn nhân để cô không phải bị cưỡng ép về lại Việt Nam. 

Tôi chụp hình cái địa chỉ và lưu lại trong phone. Tôi chỉ đem theo hờ, nghĩ rằng sau 30 năm, chắc gì cô ấy còn ở chỗ cũ. Tôi run run nói cho vợ tôi hay về việc này, nếu còn thì kiếm đến thăm, coi như bạn cũ, tha hương ngộ cố … nhân, còn không gặp thì cũng chẳng sao. Vợ tôi nguýt một cái rõ dài.

 

Hầu hết người Việt Nam đi theo diện Ô-Đi-Ghe như tôi, ai cũng có những kỷ niệm vui buồn ở trại tỵ nạn. Người lớn tuổi thì lo cơm áo, việc định cư cho gia đình, học thêm được chữ nào hay chữ đó; người trẻ như tôi, ngoài công việc thiện nguyện ở trường École-Sans-Frontières, thì chỉ lo học thêm Anh ngữ, đi uống cà phê, nghe nhạc, hay ra khỏi trại đến những bãi biển, hang động tuyệt đẹp trên xứ ngàn đảo này. 

Cô đi vượt biên cùng đứa em gái. Tôi đi một mình. Vợ con chưa có, mèo chó cũng không, độc thân vui tính. Chúng tôi gặp nhau trong một tối coi phim ở trại. Cô đi chung với mấy cô em gái khác ở chung nhà, tôi ngồi một mình với ly cà phê, điếu thuốc cháy đỏ trên tay. Chúng tôi chợt nhận ra nhau là hàng xóm, “nhà nàng ở sát một bên, cách nhau một cái phông tên đầy người”. Nhà chúng tôi ở gần nhau thật, chỉ cần bước qua chỗ hứng nước mấy bước chân mà lúc nào cũng đầy người đi hứng nước về xài. 

 

Mấy cô nho nhỏ nhận ra tôi là thiện nguyện viên dạy tiếng Phú Lãng Sa cho những người sắp đi định cư ở Pháp. Mấy cô cứ gọi tôi bằng thày, nghe ngượng đến chín cả người.. Thành thực mà nói, cỡ như tôi, ở Việt Nam, trường nào dám mướn làm thày. Học chưa xong lớp 10 chương trình Việt, cộng sản chiếm miền Nam, tôi bị đẩy lên non xuống biển, làm nghề “nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá” đến nỗi sốt rét rừng gần chết. Vượt biển qua đến Phi, dọc đường bị sóng nhồi, bao nhiêu chữ nghĩa rơi rụng xuống biển hết trơn. Còn sót vài chữ, ở không buồn, nên khi được mời dạy kèm đồng bào, có thêm tí tiền tiêu vặt, lại được gọi là thày, hỏi sao không mắc cỡ.

 

Từ đó, những thắng cảnh, những bãi biển hoang sơ ít người đến trên đảo Palawan, không nơi nào không có dấu chân chúng tôi: Underground River, bây giờ là một thắng cảnh nổi tiếng, một tourist hot-spot của đảo Palawan. Paradise Beach Resort với những hàng dừa nghiêng mình soi bóng trong làn nước trong xanh nhìn thấy đáy, với những căn chòi (cottage) nhỏ lợp tranh, vách phên tre nằm ẩn mình dưới bóng mát rừng dừa. 

Ngày ấy, hai chỗ này chưa được phát triển thành khu du lịch, chúng tôi là một trong những người khách đầu tiên đặt chân đến chỗ nguyên sơ này. Cát mịn, biển xanh, nắng vàng, nước ấm, gió rì rào nhẹ nhàng trên những ngọn cây dương. Người du khách tưởng mình lạc vào chốn hồng hoang, quên đi nỗi buồn của người biệt xứ vừa đánh mất quê hương.

 

Chúng tôi lênh đênh trên con thuyền nhỏ gọi là catamaran, vượt sóng ra ngoài đảo xa với 1 người dẫn đường. Chiếc thuyền chui vào một hang động tối om. Chúng tôi được trang bị mỗi người 1 cái đèn đeo trên đầu, người hướng dẫn viên khéo léo chèo chống con thuyền lướt đi dưới những hang động ẩm ướt mùi rêu xanh. Cảnh sắc như thực như mơ. Hai chàng Lưu-Nguyễn lạc vào chốn thiên thai ngày xưa, chắc cũng không được chiêm ngưỡng khung cảnh huyền ảo như chúng tôi lúc bấy giờ.

 

Chuyện tình trại tỵ nạn nào rồi cũng đến lúc phải chia ly. Tôi mang số thẻ tỵ nạn PA, cô ấy số PS nên phải ở lại chờ thanh lọc. Tôi lên trại chuyển tiếp Bataan. Ngày tôi lên đường định cư, cô ấy đi phà biển hết 1 ngày 1 đêm lên đưa tiễn. Chúng tôi chỉ biết nắm tay nhau không muốn rời trong khi nước mắt cô lưng tròng. Tôi biết tôi xa cô ấy vĩnh viễn không biết ngày nào mới có cơ hội gặp nhau. 

 

Vợ chồng tôi không đi theo “tour”, chỉ đặt khách sạn trước, nên thời khóa biểu uyển chuyển hơn. Ngày cuối cùng ở Sydney, nhận được 1 cú phone số địa phương, tôi xúc động nhận ra giọng nói của người xưa pha đầy nước mắt. Sau 30 năm, giọng nói trong trẻo như pha lê của cô không thay đổi chút nào. Vợ chồng cô sẽ đến khách sạn và đưa chúng tôi đi khám phá thêm thành phố Sydney.

Lần này, đã có kinh nghiệm, tôi không dám tưởng tượng ra những cảnh trùng phùng đầy nước mắt như lần đầu, mà sẳn sàng đối diện với sự thật dù biết có thể sẽ không như ý muốn. Cô ấy bước ra khỏi xe, chồng cô vẫn ngồi sau tay lái mắt đăm đăm quan sát; tôi tiến đến, bà xã tôi ngồi trong lobby khách sạn ngó ra. Chúng tôi giống như hai tay súng miền viễn Tây đang gờm gờm nhìn nhau, chờ người kia chạm vào tay súng là mình sẽ nổ trước liền. Giây phút hồi hộp và quan trọng nhất rồi cũng tới: Như một phản xạ, tôi đưa tay ra, cô ấy đáp lại bằng cách nắm chặt trong một thoáng thật nhanh, mắt cô hơi ướt và thâm quầng, lòng tôi xôn xao chùng xuống. 

 

Trận đấu súng bằng mắt của 4 người kết thúc nhanh chóng, không như tôi tưởng. Theo đề nghị của cô, anh chồng đưa chúng tôi đến một Casino. Chúng tôi cùng ăn trưa với nhau vui vẻ. Lòng tôi thật bình yên như chưa bao giờ như thế khi thấy cô ấy hạnh phúc. Hai người có một cô con gái duy nhất vừa xong đại học, có nhà cửa, xe cộ, việc làm bình thường như bất cứ một cặp vợ chồng Việt Nam nào sống trên đất Úc.

 

Họ đưa chúng tôi đi bộ thăm viếng nhiều nơi khu phố trung tâm của Sydney. Tôi tản bộ và nói chuyện với H., chồng cô ấy, trong khi hai bà vợ đi khá xa phía sau, cũng đang nói chuyện sôi nổi, tôi đoán là những câu chuyện muôn đời mà mỗi khi gặp nhau các bà thường hay nói. Đi lanh quanh, rồi cuối cùng vẫn trở lại Casino lần nữa. Tôi nêu thắc mắc với H. nói rằng Casino ở Mỹ nhiều lắm và tôi không có máu bài bạc, vô làm chi. Anh bất ngờ phun ra câu chuyện mà hình như, lúc nãy khi nói chuyện với anh, tôi có cảm giác anh đã cố gắng che dấu một cách vụng về những uất ức ẩn chứa trong lòng bao lâu nay.

 

Anh bắt đầu bằng câu: “Anh thật may mắn không lấy được bả, chứ nếu lấy thì giờ này anh còn khổ cho đến hết đời…”.

 

Bao nhiêu tâm sự anh tuôn ra như suối, tôi im lặng lắng nghe vẻ thông cảm chân thành. Đây là lời kể của anh:

“Cô ấy âm thầm đem cầm cố ngôi nhà chúng tôi đang sống mà không cho tôi biết, vì nhà đứng tên một mình cô, lấy được số tiền hơn 350 ngàn đô la Úc và thua hết trong sòng bài. Anh có nhớ căn nhà mà hôm trước anh ghé vào gặp tôi và để lại tin nhắn chứ. Anh còn nhớ anh xưng cháu và gọi tôi bằng chú không? Tôi trông già như một ông lão là do lo lắng và đau khổ chồng chất. Tôi cày 2 “dóp” cho đến ngày hôm nay, vẫn cày như con trâu, chưa dám nghỉ để lấy tiền trả cho căn nhà này và căn condo khác đang cho mướn. Cái condo là do tôi mua với giá rất mắc, trước lúc bong bóng nhà đất bị vỡ, bán thì lỗ, nên phải cho thuê, mỗi tháng trừ mọi chi phí, chỉ còn lại 150 đô la; nếu tháng nào bị hư hao, coi như lỗ. Với hai cái “mortgage payments” mỗi tháng, hỏi sao không già”.

 

Tôi nhớ ngày đầu đến Sydney, vợ chồng tôi ghé qua địa chỉ. Một ông già dáng dấp Á Đông, vẻ còn nhanh nhẹn, nhưng râu tóc bạc phơ, bước ra mở cửa. Tôi lưỡng lự không biết thưa gởi ra sao vì nếu gọi bác hay chú thì có vẻ quá già, mà mình cũng hơn 6 bó rồi, nếu gọi anh thì sợ vô lễ, lỡ ra đây là ba của cô ấy. Tôi liều mạng: “Thưa chú, đây có phải nhà cô M. và anh H.?”. “Vâng, anh là ai?”. “Thưa cháu là T., bạn em M. lúc còn ở trại tỵ nạn Philippines, sẵn dịp đi chơi, ghé qua thăm hai chị em và gia đình”. “Tôi là chồng của M. đây, cô ấy không có nhà, anh muốn nhắn tin gì không? Tôi có nghe M. nói về anh trước đây”. 

Tôi không tin ở mắt mình. Đây là chồng của M. sao? Tôi vừa quê vừa ngượng, nên lắp bắp: “Anh cho tôi viết mấy lời được không?”. Anh với tay lấy tờ giấy và cây bút, tôi ghi vội số cell-phone và địa chỉ khách sạn, rồi mời anh H. và bà xã đến chơi, tụi mình sẽ ăn mừng buổi hội ngộ. Hôm nay, tuy anh đã cạo râu nhẵn nhụi, cắt tóc gọn gàng, hình như có nhuộm để giấu đi vẻ già nua, nhưng vẫn không giấu nổi sự tàn tạ, nét đau khổ của một người đàn ông cam chịu, nhẫn nhịn, lao tâm lao lực với hai bàn tay thô ráp, sần sùi đầy những vết chai. Anh cho biết anh mới 58 tuổi, nhỏ hơn tôi đến 3 năm, và nhỏ hơn vợ anh 1 tuổi.

 

Tôi hỏi bây giờ M. đã bỏ hẳn chưa. Anh hạ giọng: “Bớt chứ chưa bỏ hẳn. Bằng chứng là anh đến chơi mà cô ấy vẫn thích đưa anh đến Casino. Hình như song bài là lẽ sống của cô ấy. Mới tháng trước, ba của M. qua đời, cô ấy có hứa sẽ không đi đến sòng bài nữa, nhưng tôi biết vẫn còn”.

Tôi chợt nhớ đến đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ của M. và hiểu ra vấn đề.

Anh kết thúc câu chuyện vẫn bằng cái câu anh đã bắt đầu “Anh thật may mắn…”.  Tôi nhìn anh an ủi: “Ngày đó, anh là người may mắn hơn tôi. Anh yêu và lấy được người anh yêu”.

Riêng tôi, tôi vẫn uôn ltự hỏi mình có thật sự may mắn không, khi tôi tận mắt chứng kiến hai sự thật trần trụi trước mắt mình: Đời không như mơ.. Lần yêu nào tôi cũng không lấy được người mình yêu. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết câu “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khhi đã vẹn câu thề” có đúng với cuộc đời của tôi hay không?  Rối trí quá bạn ơi. Xin bạn cho tôi một lời khuyên.

 

Nguyễn Văn Tới. Tháng 6 năm 2020.

 


No comments: