BÉ MỐC
NGÀY XƯA.
Từ phi trường Tân Sơn Nhất, Khoa được
gia đình chú Tuyên đón về nhà ở Bà Chiểu chơi mấy hôm.
Hôm nay Khoa mới xách va ly trở về
xóm cũ Gò Vấp.
Mới rời xa Việt Nam 6 năm mà đường phố
thay đổi lạ hoắc cũng may vẫn còn những dấu vết hay chi tiết quang cảnh cụ thể
khác để anh không đi lạc.
Cổng vào chùa Thiền Quang đây rồi, cũng
là ngõ chính dẫn vào nhà anh phải đi qua một khu mả bằng đá ong, những tảng đá
ong nằm có, đứng có, cao hơn đầu người, người ta đồn rằng của người Pháp xây hồi
xưa, nên lối xóm quen gọi là khu mả Tây. Trẻ con khu xóm vẫn chơi đùa ở đó, leo
trèo lên những ngôi mả.
Nay khu mả Tây không còn nên trông cái
ngõ như rộng ra.
Gặp anh, nhận ra anh, ai cũng cất tiếng
hỏi han thân mật bù cho những tháng năm sống ở Mỹ hàng xóm lạnh lùng như người
tình đang trong cơn hờn dỗi.
Căn nhà của anh được bao quanh bằng bức
tường gạch thấp, phía trên cắm những hàng rào bằng sắt và vẫn là hai cánh cổng
sắt nhưng không còn cây hoa giấy màu đỏ bên cạnh xòe cành lá và hoa đung đưa
trong gío nữa.
Chưa kịp tra chìa khóa mở cổng thì một
bà hớn hở từ đâu bước vội đến:
- Cậu Khoa mới về
thăm nhà hả? Sống ở Mỹ vui lắm hả cậu?
Khoa chưa kịp nhận ra ai
cũng mỉm cười đáp lại:
- Vâng, chào bác,
sống ở đâu cũng có vui có buồn.
- Có nhớ ra tôi
không nào? Tôi ở đằng sau nhà cậu đấy…
Khoa nhìn bà lâu hơn và gật đầu:
- À, bác tên Năm,
làm nghề thêu nên thành tên Năm Thêu chứ gì? Bây giờ bác còn sống bằng nghề
thêu rua gì không?
- Theo nghề đó là
chết đói luôn cậu ơi, thời buổi hiện đại, nghề thêu đan, may vá phải dẹp tiệm
nhường cho sản xuất công nghiệp hàng loạt. Tôi chuyển “ngành” rồi, nấu cơm bán
cho mấy em công nhân tạm trú ở xóm này, dân miền Trung, miền Bắc “di cư” vào,
đói nghèo nên dễ tính, dễ chịu. Hàng cơm tôi cũng đủ sống qua ngày.
Bà Năm Thêu đon đã mời mọc một hơi:
- Cậu về
đây bao lâu? khi nào đi chơi đâu ăn đó thì thôi, còn về nhà thì ăn
cơm ủng hộ hàng tôi nghe? Tôi biết Việt Kiều thì chỉ ăn ở những nhà hàng nổi tiếng
hay sang trọng, nhưng cậu thử ăn hàng tôi cho biết đá vàng, ăn bữa nào tính tiền
bữa đó, đơn giản và sòng phẳng mà. Việt Kiều tôi sẽ nấu loại đồ ăn cao cấp tiêu
chuẩn Việt Kiều, nhưng gía cả vẫn là tình làng nghĩa xóm.
Khoa cảm động, khiêm nhường và hào hiệp:
- Việt kiều mới là thèm
những món ăn bình thường dân dã đó bác Năm Thêu. Nhiều người từ hải ngoại về Việt
Nam chỉ để ăn cơm nhà rau dưa. Tôi đồng ý ăn cơm ủng hộ hàng bác, vì tôi sẽ ở
Việt Nam khá lâu và thường xuyên ở nhà.
Bà Năm Thêu nhiều chuyện, hỏi tới luôn:
- Nghe nói cậu về bàn
căn nhà này, phải hôn? Có gì tôi kiếm người “mai mối” cho mau lẹ…
- Uả, sao bác biết
tôi về Việt Nam để bán nhà?
- Dễ ợt mà, mỗi lần
ông chú của cậu đến quét dọn hay sửa sang nhà cửa tôi có nói chuyện và hỏi thăm
về gia đình cậu hoài, nghe nói ở bển gia đình cậu ổn định, khá gỉa tôi cũng mừng
giùm. Vừa rồi ông Tuyên nói là cậu sẽ về bán căn nhà này. Thế là ông Tuyên sẽ rảnh
tay khỏi phải lò mò từ Bà Chiểu đạp xe xuống Gò Vấp để chăm sóc căn nhà vắng chủ
nữa.
- Dạ, đúng thế.
Đáng lẽ tôi bán nhà trước khi xuất cảnh nhưng để lại cho gia đình thằng em vợ
chờ đi xuất cảnh sau. Nó dùng dằng mãi mới chịu đi nên giấy tờ bảo lãnh trễ hơn
tôi mấy năm.
- Nhờ vậy mà hưởng
lời đó cậu. Đúng là số cậu trời cho hưởng mà, được gia đình vợ bảo lãnh đi Mỹ
sung sướng mọi bề, ngay thời điểm này nhà cửa đang hút gía dữ dội lắm, căn nhà
của cậu nằm trong khu đất rộng, có vườn cây, lại thuộc phạm vi thành phố nên khẳm
tiền chứ không ít đâu.
Khoa đùa vui:
- Trời, bác Năm Thêu
chuyển ngành nghề môi giới địa ốc chắc sẽ thành công hơn nấu cơm tháng đấy.
Bà Năm Thêu nhắc lại:
- Thôi vậy nghen,
chiều nay cậu ăn cơm nhà không? thì có cơm mang sang nhà cậu liền.
Khoa nể lòng bà hàng xóm:
- Vâng, chiều nay cho
tôi mở hàng một bữa thử coi, nhớ là mấy món ăn nhà quê dân dã nhé. Tôi muốn ở
nhà vài ngày, sống lại kỷ niệm rồi mới đi thăm bạn bè sau.
Bà hàng xóm nhanh nhẩu tốt bụng đi rồi,
Khoa mới thực sự bước vào nhà mình, hầu hết những đồ đạc của vợ chồng Khoa để lại,
gia đình người em vợ vẫn giữ y nguyên, có lẽ vì họ nghĩ cũng sẽ đi xuất cảnh
nên chẳng cần thay đổi hay mua sắm thêm đồ mới làm gì.
Khoa ra vườn sau, khu vườn trồng nhiều
cây mít và cây na, lá rụng quanh năm. Anh dẫm chân lên lớp lá khô tưởng như mùa
lá cũ năm nào vẫn nằm ngoan hiền ở đây đợi anh về hội ngộ.
Những cây mít đang treo đầy qủa, anh còn
nhớ cây này là mít dừa, cây kia là mít nghệ, múi mít loại nào cũng to bằng cả nắm
tay. Còn những cây na cũng có giống na dai, giống na bở. Na để chín cây, mắt na
nở ra, nhẹ tay bóp qủa na, ăn những múi na trắng thơm ngon ngọt lạ lùng
Trong vườn có một cái giếng sâu và
trong, cạnh đó là buồng tắm. Khoa sung sướng được sống lại qúa khứ, anh ra quay
nước giếng đổ đầy thùng trong buồng tắm và mang những thứ xà bông, dầu gội đầu
vào tắm gội, tưởng như mình vẫn đang sống ở Việt Nam của 6 năm về trước.
Tắm xong Khoa vào nhà ngủ một giấc thoải
mái, chưa tỉnh giấc hẳn thì đã nghe có tiếng gõ cửa rụt rè, Khoa vội ngồi dậy
vuốt sơ mái tóc và ra mở cửa, anh ngạc nhiên khi thấy một khuôn mặt xinh đẹp, một
cô gái lạ, rất trẻ, đang khép nép bên ngoài. Trong phút giây này, khỏanh khắc
này, anh bỗng nhớ đến bao năm về trước, Huyền cũng đã e ấp gõ cửa nhà anh, cho
anh cảm xúc xao xuyến bất ngờ.
- Dạ, em chào
anh…
Khoa bối rối:
- Cô tìm ai? Cô có đi lầm
nhà không?
- Dạ, em tìm anh
Khoa…má em sai em đến giao cơm chiều cho anh.
Bây giờ Khoa mới để ý đến gỉo cơm trên
tay cô gái. Thì ra lúc nãy anh vào nhà và quên không khóa cổng nên cô gái mới đến
thẳng cửa nhà anh như thế này. Cô có đôi mắt to đen như nhung, phảng phất nét
buồn, làm người khác nhìn mà phải u uẩn theo.
Dáng cô thon thon cao ráo, không lẽ cô
là con gái bà Năm Thêu ? người đàn bà suốt một thời tuổi trẻ chăm chỉ ngồi bên
khung vải thêu, rua, đến nghọeo cả cổ và gù cả lưng ?
Thấy chủ nhà tần ngần chưa chịu tin, cô
gái giới thiệu thêm về mình:
- Anh không nhớ
em thì thôi, nhưng để em kể ra nhé, ngày xưa em hay sang nhà anh bồng em bé và
đút cơm cho con anh đó, em là bé Mốc.
- Ôi, bé Mốc !!
Khoa reo lên, thêm một lần nữa ngạc
nhiên, anh nhớ ngay ra con bé Mốc nhếch nhác ngày xưa, bây giờ lại biến hóa
thành cô gái đẹp xinh duyên dáng y như trong chuyện cổ tích thần tiên. Giây
phút gặp gỡ đầu tiên vẻ đẹp của cô làm anh chóang váng, bây giờ định thần nhìn
kỹ lại, đúng là cô gái có những nét hao hao bé Mốc. Mà sao ngày xưa anh ghét nó
thế? chỉ sợ nó lây cái vẻ xấu và bẩn của nó sang cho con anh thôi, nhưng Huyền
vợ anh vốn thương người, muốn giúp nhà bà Năm Thêu chứ thuê mướn người bồng em
đầy rẫy trong xóm, thiếu gì người khá hơn nó.
Cô gái thao thao kể tiếp:
- Nhà em nghèo,
má em đã đưa em sang nhà anh chị để coi em, bồng em để anh chị cho chút tiền được
đồng nào hay đồng đó. Năm đó em 13 tuổi.
Khoa hỏi một câu ngẩn ngơ vì vẫn còn bối
rối trước vẻ xinh đẹp của cô Mốc:
- Nhưng sao em lại
là bé Mốc nhỉ?
- Má em nói hồi
nhỏ em xấu xí, lại bẩn thỉu, mốc meo và ốm tong teo, bé xíu nên gọi
em là bé Mốc chết tên luôn, còn tên thật của em không đẹp lắm, nhưng
cũng…đỡ hơn. Em tên là Nguyễn thị Nâu.
Khoa thành thật:
- Dù bé Mốc ngày xưa
hay cô Nâu ngày nay, cả hai tên đều lạ cả.
Cô Nâu mang giỏ cơm vào nhà, cô nhẹ
nhàng và cẩn thận lôi ra chén bát đũa thìa và cơm canh nóng hổi để lên bàn rồi
nói:
- Mời anh dùng cơm kẻo
nguội, má em nấu món dân quê theo ý anh, cần món gì anh cứ yêu cầu mỗi ngày
nghe. Em về đây, lát nữa em sang thu dọn chén đũa.
- Sao cơm bình dân mà
bát chén kiểu sang vậy cô Nâu?
Cô Nâu mỉm cười:
- Anh không nghĩ
ra hả? vì anh là Việt Kiều thì cũng phải lịch sự với anh chứ, mấy chén đũa này
má em mới sắm riêng để phục vụ anh đó.
Khoa cảm động ngẩn ngơ. Cô Nâu nói xong
từ tốn cúi đầu chào và ra về, dù Khoa chỉ muốn cô ở lại nói chuyện và dù có ăn
cơm canh nguội lạnh anh cũng vui lòng.
Bà Năm Thêu cho anh ăn cơm với món đọt
rau lang luộc chấm nước mắm tỏi ớt, và món tôm đất rim mặn. Qủa thật là ngon miệng..
Ăn xong Khoa rửa tất cả chén bát sạch sẽ
và đợi chờ cô Nâu đến.
Cánh cổng ngoài vẫn chỉ khép để đợi cô
vào tận cửa nhà, cô đến đúng hẹn, lần này cô lại thay cái áo khác. Thấy mọi thứ
đã sạch sẽ sẵn sàng, cô Nâu không hài lòng:
- Kìa anh, sao
anh lại rửa ?, lần sau anh cứ để em làm cho, đó là việc của em mà.
- Tôi rảnh cũng
chẳng biết làm gì.
- Việt
Kiều như anh hiền qúa chừng, người ta về Việt Nam là tưng bừng hoa lá ngoài đường
ngoài qúan đó anh.
Ngay từ đầu cô Nâu đã xưng
hô “anh, em” nên Khoa cũng thoải mái, tự nhiên, dù ngày xưa con bé ranh này anh
coi như đồ con nít.
- Nay mai anh
cũng sẽ đi thăm bạn bè, họ hàng chỉ có gia đình ông chú chứ chẳng còn ai.
Lần này cô Nâu ngồi nói chuyện lâu hơn.
Trong căn nhà vắng êm đềm cô gái như một bức tranh thiếu nữ rực rỡ bội phần làm
tâm hồn đa cảm yếu đuối của Khoa bị choáng ngợp trước hào quang của cô Nâu.
Cô kể nhà cô từ xưa đến giờ vẫn nghèo,
cô bỏ học khi xong bậc tiểu học, làm đủ thứ nghề lao động và bây giờ thì ở nhà
phụ với mẹ nấu cơm bán cơm trong xóm lao động này. Đôi mắt cô có lúc lóng lánh
như muốn khóc, Khoa phải chạnh lòng:
- Không ngờ hoàn
cảnh em đáng thương thế.
Khi cô Nâu đứng lên chào tạm biệt ra về,
Khoa tiễn cô ra cửa, khỏang cách hai người rất gần, mùi hương thơm nào đó từ
người cô làm anh thoáng ngây ngất. Đôi mắt cô nhìn anh giùng giằng và sâu thẳm:
- Em về nhé. Mai
anh có ăn cơm không?
Khoa trả lời không cần suy nghĩ:
- Coi như ngày
nào anh cũng ăn cơm hai buổi, cho dù đi đâu anh cũng về ăn cơm…nhà.
Cô Nâu ngoan ngoãn:
- Dạ, em sẽ ngày hai buổi
mang cơm phục vụ anh.
Cô Nâu về rồi, nhưng hình ảnh bé Mốc
ngày xưa lại lần lượt hiện ra.
Dạo đó anh và Huyền ở trong căn nhà này,
hai đứa con, đứa lên 4 và đứa lên 2. Vợ anh làm kế tóan tài chánh cho một công
ty nước ngoài, còn anh là kỹ sư. Chiều đi làm về, mang hai đứa con từ nhà trẻ về,
cả hai vợ chồng đều bận rộn nhiều chuyện khác. Thế là mới có chuyện con bé Mốc
thỉnh thoảng sang nhà giữ em giùm để vợ anh nấu cơm, còn anh thì nghiên cứu đọc
tài liệu bổ sung cho công việc đang làm tại hãng.
Bé Mốc qủa đúng là con bé nhà
nghèo, quần áo lôi thôi cũ kỹ, đầu tóc rối ren, mặt thì nhem nhuốc, thế mà hai
con anh lại thích bé Mốc, nó bồng bế hay đút cơm đút cháo hai đứa đều ăn nhiều,
có lẽ vì bé Mốc cũng trẻ con, biết cách chiều trẻ con?
Bé Mốc hay dẫn hai con anh ra chơi ở sân
trước, chán lại ra vườn sau. Có lần anh thấy bé Mốc hái mấy dái mít non ở sau
vườn chấm muối ớt ăn ngon lành. Tội nghiệp, con bé đói khát ăn rờ ăn rẫm, từ đó
trở đi anh không còn ác cảm với nó nữa, cũng đồng tình với vợ anh để cho bé Mốc
trông nom hai con khi vợ chồng anh bận bịu.
Những hôm không trông hai con anh, bé Mốc
chạy ra khu mả Tây chơi đùa với lũ trẻ cùng xóm, mấy lần Khoa trông thấy nó leo
trèo, nghịch ngợm hay lê la đất cát bẩn thỉu từ đầu đến chân.
Một buổi chiều anh ra vườn sau kéo nước
giếng và tắm táp xong như thường lệ, vợ anh cũng đã xong công việc, chiều ấy Huyền
thật xinh và tươi mát với bộ đồ mỏng mới may, làm Khoa bỗng
dưng “thèm muốn”, anh kéo vợ vào phòng. Chợt trông thấy con bé Mốc bế
em ở một góc nhà đang chăm chú nhìn theo vợ chồng anh, hình như nó hiểu chuyện
và biết anh đang muốn gì?. Làm Khoa “quê”, liền bực mình gắt với nó:
- Bế em ra vườn
chơi đi, chốc nữa hãy vào nhà.
Bé Mốc vội vã tay bế tay dắt hai đứa con
anh ra vườn sau.
Nghĩ đến đây Khoa cười thầm, không biết
cô Nâu có còn nhớ chuyện xưa ? Bây giờ anh sẽ “quê” hơn ngày đó nữa.
Từ ngày sang Mỹ, vợ anh trông coi một tiệm
nail cho em gái mình, vì cô em có hai tiệm nail nên không thể ba đầu sáu tay qủan
lý hết được. Cửa tiệm lâu năm, quen khách, đắt hàng nên cô em trả lương chị rất
rộng rãi.
Còn Khoa học nghề trung cấp kỹ thuật hai
năm và ra đi làm nhưng mới bị lay off , đang ngồi nhà ăn tiền thất nghiệp.
Gia đình thằng em vợ đến Mỹ mấy tháng
nay, đúng là thời điểm thuận tiện cho Khoa về Việt Nam lo chuyện bán nhà cửa.
Khoa về một mình vì Huyền bận 6 ngày một tuần với tiệm nail, không dứt ra được.
Căn nhà nhờ ông Tuyên đứng tên và chăm
sóc giùm, hàng tháng vợ chồng Khoa vẫn tế nhị gởi biếu ông chú tiền hậu hỉ coi
như trả công lao chú.
****************
Cô Nâu đã trở thành hình bóng thân quen
không thể thiếu, mỗi ngày mấy lượt đến giao cơm và lấy đồ về, lần nào cô cũng
kín đáo tránh cho hàng xóm biết cô đã ở lâu với người đàn ông trong căn nhà vắng.
Hôm nào Khoa đi vắng về trễ thì
anh hẹn mang cơm trễ, nên hầu như họ vẫn gặp nhau dù Khoa bận rộn đến đâu.
Đã có vài người khách đến xem nhà và
đang thương lượng gía cả, Khoa không ngờ bà Năm Thêu nói đúng qúa, người mua sẵn
sàng trả gía cao, nhưng anh còn chần chừ xem ai trả cao nhất mới quyết định. Mọi
giấy tờ hợp lệ có sẵn, và ông Tuyên cũng sẵn sàng để ký tên.
Hôm nay Khoa về nhà hơi muộn, cô Nâu
cũng vừa mang cơm đến. Dù đã ăn ở nhà bạn khá no, Khoa vẫn ăn cơm của cô Nâu
cho cô vui lòng, và chính anh cũng muốn thế, để giữ chân cô.
Nhiều ngày nay đã thân quen, cô ở lại đợi
anh ăn cơm xong và dọn dẹp chén bát rửa ráy tại chỗ luôn. Họ đôi bóng như đôi vợ
chồng son .
Khoa ngắm cô Nâu đang đứng rửa bát, cô mặc
bộ đồ bộ lụa mát màu xanh nước biển nhạt, hở vai và đôi cánh tay trần giống như
Huyền ngày nào đã làm anh bừng dậy một niềm khao khát. Hôm nay anh gặp lại niềm
khao khát ấy.
Bất chợt cô Nâu quay đầu lại, nhìn nét mặt
bần thần của anh, cô ngây thơ nũng nịu:
- Anh nhìn trộm
em và chê em gì hả?
Trong đôi mắt đen thăm thẳm của người
con gái đầy vẻ bí hiểm và thông minh, có lẽ cô Nâu lại đọc được ý nghĩ trong đầu
óc anh như khi cô chỉ là con bé Mốc 13 tuổi năm xưa.
Anh bối rối chưa biết nói sao thì
cô gái nũng nịu tiếp:
- Bắt thền anh
đó, anh nhìn em hoài làm em rửa chén không có sạch nè !!
Anh như bị mê hoặc đến bên cô Nâu và
vòng tay ôm lấy đôi vai tròn của cô:
- Anh đền em đây…
Toàn thân cô gái tựa vào người anh làm
người anh nóng bừng lên, anh xiết chặt thân thể mềm mại của cô Nâu trong vòng
tay của mình, thì thầm:
- Anh yêu em qúa
Nâu ơi…
- Em cũng yêu
anh…
Cô bạo dạn thêm:
- Em yêu anh từ hồi
em còn là bé Mốc lận, anh không biết đâu, mỗi lần anh tắm em đều lẩn quẩn ở
ngoài vườn chỉ để ngửi mùi xà bông rất thơm tho của anh…
Cô áp mặt dụi dụi vào ngực áo anh rồi hỏi:
- Sao bây
giờ anh xài mùi xà bông khác ? em không thấy giống mùi cũ nữa…
Khoa càng mê man:
- Em yêu anh đến thế ư?
Em nhớ cả mùi xà bông tắm của anh ư? Ừ, ngày xưa anh dùng xà bông Coast, qùa từ
bên Mỹ gởi về, anh thích mùi ấy lắm, nhưng bây giờ anh qua Mỹ thì không còn
thích xà bông hiệu này nữa, nên anh dùng loại khác.
Cô thì thầm:
- Có lần anh tắm
xong, anh rủ chị Huyền vào phòng, em buồn lắm, em ganh với chị Huyền vì đã có
anh.
Khoa giật mình và cảm động:
- Trời ơi, em còn
nhớ vụ ấy hả? Anh xin lỗi Nâu, hôm nay anh sẽ đền cho Nâu ….
Người Khoa như lên cơn sốt, quay cuồng,
tối tăm mặt mũi, anh không biết gì đến trời đất bên ngoài. Chỉ có cô Nâu xinh đẹp
và quyến rũ tuyệt vời trong căn nhà vắng đồng lõa, đồng tình.
Chiếm được thân thể cô Nâu với tình yêu
đáp trả nhiệt tình của cô, Khoa bỗng là một chàng trai mới lớn đang yêu và si
tình, ngày nào anh cũng mong chờ cô Nâu. Cách đây 6 năm làm sao Khoa có thể
nghĩ sau này mình sẽ yêu con bé Mốc đến thế này?
Cánh cổng sắt ngôi nhà mở đón cô vào và
khép chặt để không bị ai làm phiền ngoại trừ những lần có hẹn cho người môi giới
dẫn khách đến coi nhà.
Anh yêu Nâu thật rồi hay chỉ là một cơn
choáng ? anh chẳng tha thiết gì đến chuyện trở về Mỹ với vợ con. Khoa còn đang
như một cánh buồm lênh đênh trên biển.
“ Anh chỉ
là một cánh buồm tuyệt vọng,
Giữa
biển khơi không biết rẽ lối nào?
Ở
nơi đâu cũng là em, là sóng,
Vỗ
vào đời anh hạnh phúc, thương đau”
Tình yêu đã làm anh lãng mạn, anh làm 4
câu thơ ấy, đọc cho cô Nâu nghe, không biết cô Nâu có hiểu thơ không mà cô đã
khóc trong lòng anh.
Khoa buồn bã và thành thật khuyên cô:
- Dù muốn dù không anh
cũng phải về Mỹ. Anh yêu em, nhưng không thể bỏ vợ con được. Em hãy quên anh đi
Nâu nhé ?.
Cô Nâu trả lời trong nước mắt:
- Em chỉ lấy người đàn
ông nào giống hệt như anh thôi, hoặc là em sẽ đợi chờ anh về Việt Nam thăm em,
làm người vợ không bao giờ cưới của anh, giống như một tuồng cải lương cũ má em
và em hay coi….
- Tội em qúa ! mấy
kiếp nữa anh cũng không đủ trả nợ tình cho em.
Khoa đã đồng ý bán nhà, vì không còn thời
gian chần chờ thêm nữa. Khách hẹn sẽ đến coi lần cuối trước khi chồng tiền và
tiến hành thủ tục giấy tờ.
Những ngày hiếm hoi còn lại anh càng say
sưa yêu cuồng yêu vội cô Nâu hơn nữa.
Nhưng chiều nay người giao cơm không phải
là cô Nâu mà là mẹ cô, bà Năm Thêu, làm Khoa thất vọng và ngạc nhiên.
Bà Năm Thêu theo Khoa vào trong nhà, tự
động ngồi xuống ghế và lên tiếng trước:
- Tôi biểu con
Nâu ở nhà để tôi sang nói chuyện với cậu.
Linh tính báo cho Khoa biết một điều gì
đó không hay đang xảy ra cho Nâu và cho anh. Bà Năm Thêu nhìn thẳng vào mặt
Khoa và tiếp như quan tòa lên án:
- Tôi đã biết chuyện tằng
tịu giữa cậu và con Nâu nhà tôi. Bây giờ cậu tính sao?
Biết không thể chối cãi được, Khoa đành
buông xuôi:
- Tôi trót yêu Nâu, yêu
rất nhiều bác biết không?
- Nhưng cậu cũng
phải tính sao chứ, không lẽ cậu hưởng con nhỏ cho đã đời rồi khơi khơi về Mỹ với
vợ con cậu như không có chuyện gì xảy ra ?
Khoa khổ sở:
- Tôi cũng không biết
mình phải làm gì nữa, thật tình tôi đau buồn khi chia tay Nâu.
Bà Năm Thêu đanh thép:
- Cậu phải cưới
nó, giữ danh dự đời con gái cho nó.
Khoa hoảng hốt:
- Bác Năm Thêu biết tôi
còn vợ, còn con mà…
Giơ cao đánh khẽ, bà Năm Thêu xuống giọng
tử tế:
- Thôi, không ai nỡ làm
gia đình cậu xào xáo ly tan, nhưng cậu phải đền bù đời con gái con tôi cho xứng
đáng, cậu giúp nó một số tiền làm vốn, làm lại cuộc đời. Tôi sẽ bỏ qua chuyện
này.
Khoa cũng đã nghĩ tới điều này, vì tình
yêu anh dành cho cô Nâu chứ không phải vì bị cưỡng bức đòi hỏi như bây giờ nên
Khoa đồng ý ngay:
- Điều này tôi có
thể làm được, tôi cũng muốn giúp Nâu có cuộc sống khá hơn.
Bà Năm Thêu đòi hỏi huỵch toẹt:
- Cụ thể
tôi đề nghị cậu cho nó 10 ngàn đô la Mỹ.
- Mười ngàn đô la
Mỹ?
Thấy phản ứng của Khoa sửng sốt ngạc
nhiên và không hài lòng bà Năm Thêu giáng một đòn đe dọa:
- Nếu cậu muốn
trong ấm ngoài êm, chuyện tình của cậu và con Nâu hàng xóm láng giềng chưa ai
hay biết đâu. Tôi thề sẽ giữ kín, cậu mới bán nhà được gía qúa mà, tiếc chi món
tiền này.
Mười ngàn đô la là số tiền không nhỏ,
ngoài dự tính của Khoa, nhưng tội anh to lớn qúa, làm hại đời con gái trinh trắng
của cô Nâu và anh cần bảo vệ hạnh phúc gia đình, với gía ấy vẫn còn rẻ.
Khoa ngẫm nghĩ và đồng ý. Cũng may anh
chưa gọi phôn báo cho vợ về gía cả căn nhà mà anh vừa quyết định bán, nên anh
có thể thêm đầu này bớt đầu kia cho hợp lý và Huyền sẽ tin, miễn là bán xong
căn nhà cho rảnh tay.
***************
Khoa về Mỹ, lại lao vào cuộc sống hàng
ngày.
Một năm trôi qua, tình yêu nóng bỏng
dành cho cô Nâu qủa là một cơn chóang đã vơi dần theo ngày tháng vì
xa mặt cách lòng. Khi lạc vào biển yêu trong hoàn cảnh trái ngang ai cũng chỉ
là cánh buồm không phương hướng ngẩn ngơ.
Bây giờ tỉnh người ra anh mới thấy mình
hư qúa, vô tình đã phản bội vợ và hại đời con gái của cô Nâu .
Anh thấy lòng tạm thanh thản, với 10
ngàn đô la, có thể đã giúp cô Nâu hay gia đình cô thay đổi cuộc sống khá hơn với
một ngành nghề nào đó. Anh chỉ cầu mong cô Nâu sẽ gặp được người đàn ông giống
anh như cô đã mong ước, cho cô yêu và lấy làm chồng thì anh mới thật sự yên
tâm.
Một hôm Huyền hỏi chồng:
- Anh có nhớ nhà bà Năm Thêu
ở phía sau nhà mình ngày xưa không?
Khoa giật bắn người, tim anh đập thình
thịch chỉ sợ nghe vợ nói ra những điều tội lỗi thầm kín của anh,
nhưng Huyền vẫn vô tư kể tiếp:
- Bà Năm Thêu má
bé Mốc, con bé ngày xưa bế con mình đó, nhớ ra chưa?
Khoa dè dặt:
- Biết rồi, sao?
- Chị bạn cùng
xóm mới về Việt Nam qua kể lại là năm rồi nhà bà Năm Thêu trúng mối gì không biết,
bỗng khá gỉa lắm, có tiền sắm ti vi, xe gắn máy và đồ đạc trong nhà. Nhưng sắm
bao nhiêu bà lần hồi bán bấy nhiêu vì bài bạc và số đề…
Khoa buột miệng:
- Tội nghiệp qúa !
Vợ anh chép miệng theo:
- Chưa tội nghiệp
bằng con Mốc, tên nó là Nâu, bây giờ người ta đồn nó bị bệnh Aids rồi, nên hàng
cơm bà Năm Thêu bị ế ẩm, không ai dám ăn, cảnh nhà càng khốn khổ.
- Trời
ơi ! cô Nâu bị..bị…??
Vợ anh lập lại:
- Bị bệnh Aids, tội
con bé qúa hở anh? Bé Mốc hồi mới lớn mới trổ mã đã đi bán bia ôm làm gái rồi,
nhưng kiếm tiền sao cho xuể với người mẹ ham mê bài bạc quanh năm suốt tháng.
Trước sau gì cũng đi đến bước đường cùng này thôi.
Trong lời nói và cử chỉ của vợ, Khoa tin
là Huyền không hề hay biết gì chuyện tình cảm của anh và cô Nâu. Bà Năm Thêu dù
là người tệ hại thế nào, ít ra cũng biết giữ lời hứa, không xì ra chuyện anh đã
ngủ với con gái bà, mà nói ra thì mẹ con bà cũng mang tiếng xấu chứ hay ho gì.
Có lẽ đó mới là cái “tình làng nghĩa xóm” của bà, mà anh mong muốn nhất.
Bây giờ Khoa đã hiểu vì sao bà Năm Thêu
đon đã hỏi thăm anh, mời anh ăn cơm hàng nhà bà và gài độ cho cô Nâu, đứa con
gái đã từng bán thân nuôi miệng, nuôi cả gia đình đến với anh như một đứa con
gái trong trắng con nhà nghèo hiền lành để anh lọt vào cạm bẫy tình yêu của mẹ
con cô.
Bây giờ anh cũng hiểu con bé Mốc thuở
lên 13 không hề là đứa trẻ ngây thơ, nó đã tinh ranh, biết rình rập
khi anh tắm và khi vợ chồng anh vào phòng ngủ.
Thảo nào khi hai người gần gũi cô Nâu đã
tỏ ra rất nhiệt tình biết cách làm cho anh thêm say đắm.
Suốt mấy tuần lễ cô Nâu mang cơm cho
anh, chắc nhờ cô mê nghe tuồng cải lương nên cô đã đóng vai kịch con nhà nghèo,
ngây thơ, thật xuất sắc qua mặt thằng đàn ông thật thà và nhiều tình
cảm như anh dễ dàng. Những giọt nước mắt, những lời thổn thức yêu đương của cô
dành cho anh có lẽ cô cũng từng dành cho nhiều người đàn ông khác để làm họ hồn
siêu phách tán. Đó là nghề của cô.
Khoa thấp thỏm lo âu lén vợ đi thử máu
xem có dương tính HIV không, có bị lây nhiễm từ cô Nâu không? mặc dù một năm
qua anh không thấy có dấu hiệu gì khác lạ cho sức khỏe.
Kết qủa thử máu làm anh sung sướng như vừa
được cứu sống từ cõi chết, anh bình thường không hề bị HIV.
Có thể cô Nâu bị bệnh HIV
nhưng may mắn cho anh đã không bị lây nhiễm? hoặc có thể sau khi
chia tay anh cô Nâu mới bị bệnh HIV khi cô giao tiếp với những người đàn ông
khác??
Thôi, dù vì lý do gì anh cũng hãy cảm tạ
thượng đế đã che chở cho anh an toàn sau một cơn sốt tình mê dại.
Anh đã trả gía cho cơn sốt tình ấy 10
ngàn đô la, qúa đắt so với “gía cả” bình thường của cô Nâu “đi” với những người
đàn ông khác, và suýt nữa bằng cả sinh mạng của anh và vợ anh, cũng như tương
lai của hai con sẽ ảnh hưởng không biết tai hại đến chừng nào.
Nguyễn
Thị Thanh Dương.
No comments:
Post a Comment