Thursday, June 10, 2021

CÂU CHUYỆN TRỒNG HOA (VŨ THẾ THÀNH)

 

Câu chuyện trồng hoa

 

 image

Tôi dốt về hoa lá cỏ cây, dốt bẩm sinh, dốt tận cùng bằng số… Nếu ai đó chỉ cho tôi một loài hoa, nói tên, kể chuyện về nó, quay đi quay lại là tôi quên sạch. Trong võng mô và tâm trí tôi coi như chưa bao giờ ghi nhận hình ảnh hay câu chuyện về loài hoa đó…

 

image

 

Chẳng có ai dốt toán lại thích làm toán bao giờ. Tôi cũng thế, hoa dù có đẹp, có thơm, có đài các, có được thi vị bởi văn thơ ca nhạc hay gì gì đi nữa, tôi vẫn dửng dưng. Nói với tôi về hoa chẳng khác nào đàn khảy tai trâu.

 

Nhưng cũng có ngoại lệ. Hồi nhỏ tôi thích cây xấu hổ, thích những lá kép của nó khép khép mở mở. Tôi thường “ghẹo” nó bằng cách chạm vào lá này, rồi lá kia, xem đứa nào… xấu hổ lâu hơn. Chòng ghẹo hoa mà không phải bận tâm đến những cái lườm nguýt chẳng phải là điều thú vị hay sao?

 

Ấy thế mà đôi khi cũng phiền, không cẩn thận, những gai li ti của hoa đâm vào tay cũng đau điếng. Khi lớn, dù không còn thú “ghẹo” hoa nữa, nhưng tôi vẫn thích loài hoa dại đó – thích vì cái tên hoa – Đôi khi tôi bật cười, hoa mà cũng biết…xấu hổ!

 

image

Hoa Trinh nữ, còn gọi là hoa Xấu hổ.

 

Tôi mới mua căn nhà ở Đà Lạt để về dưỡng sức, dưỡng già, và chết… già ở đó cũng không chừng. Đà Lạt là xứ sở ngàn hoa, đường phố ngập hoa, ngõ hẻm cũng hoa, nhà nào cũng hoa. Nhà tôi, sân trước, sân sau, bên hông còn rộng. Tôi nghĩ thầm, hay mình thử trồng hoa cho nó giống người ta. Khi ý nghĩ thầm kín này bộc lộ, tôi nhận được cả đống tư vấn từ các bạn ở Sài Gòn, hầu hết đến từ các cô bạn….già. Tôi kính cẩn lắng nghe, nhưng để đó. Trước tiên phải trồng một dàn cây tùng ngay sau hàng rào để ra cái điều mình đang ở xứ lạnh.

 

Dịp festival hoa vừa qua, đám bạn kéo nhau lên Đà Lạt. Tôi khoe cái biểu tượng xứ lạnh sát hàng rào. Một cô bạn (già) gật gù: “Đó là cây trắc bá diệp”. Tôi ngẩn người, tên gì nghe sặc mùi kiếm hiệp. “Lá thuộc bài đó!”, cô bạn cắt nghĩa. À! Lá thuộc bài thì tôi biết. Hồi nhỏ, học trò đứa nào yếu vía thường ép lá thuộc bài vào vở. Tôi thì không bao giờ xài tới thứ bùa đó.

 

image

 

Thầy cô khảo bài, gọi đứa trước đọc đoạn trên, tôi ngồi dưới lảm nhảm đoạn kế. Trí nhớ tôi ngon lành, nên trót lọt hết. Tên tôi vần T, họ vần V, xui lắm mới bị “nhón” lên đầu tiên, nếu thế thì coi như …thua. Thắng thua là chuyện thường. Trả bài cũng giống như chơi cờ bạc, thắng hoài cũng khó coi. Có điều, nhớ lẹ thì quên mau. Bây giờ ở tuổi “tiêu rắc lên muối”, trí nhớ càng thảm hại, quên trước quên sau, quên cái lẽ ra nên nhớ, nhưng lại nhớ cái lẽ ra nên quên.

 

Đám bạn kéo tôi đi festival hoa, áng chừng để tôi mắt thấy tai nghe, để cụ thể hóa những gì họ tư vấn, cơ hội vàng để họ dạy (dỗ) kẻ cứng đầu về hoa như tôi. Dọc đường, tôi chỉ vào bông hoa vàng mọc dại bên đường:

 

Hoa gì thế?

 

Hoa dã quỳ.

 

Tôi trồng được không?

 

Nghe thế, bọn họ đồng thanh rú lên…“Đừng trồng dã quỳ! Tuyệt đối không!”

 

Sao thế? Tôi thấy hoa cũng được mà…

 

Đừng….Đừng… dã quỳ là… quỷ già. Đừng trồng nó!

 

image

 

Tôi chột dạ… Về nhà soi gương, thấy mặt mình cũng tệ, nhưng đâu đến nỗi quá… tệ. Chắc họ ám chỉ “dã quỳ” là ai đó của riêng họ. 

 

Hôm qua, nhà văn Nhật Chiêu hỏi tôi: “Dã quỳ đã nở ở Đà Lạt chưa?”. Hỏi thế là mong đợi. Hoa dã quỳ mọc dại, mọc lung tung khắp nơi ở Đà Lạt, ra ngõ là gặp. Ông nhà văn lè phè này bỗng nhiên mong đợi loài hoa dại, biểu tượng của cái nóng hâm hấp lúc trưa, lạnh thấu da về tối. Dã quỳ ở đô thị du lịch này đã vương mùi khói xe và barbecue từ lâu rồi. Chắc Nhật Chiêu mượn dã quỳ để chờ đợi cái khác, ai biết được?

 

image

Hoa Dã quỳ

 

 

Rồi cái vườn nhỏ bé nhà tôi cũng tràn ngập những hoa, đủ màu, đủ sắc, nhỏ to đủ cỡ, nào là cẩm tú cầu, cẩm tú mai, cúc mặt trời, cúc nút, hoa lài Nhật Bản, hoa ngọc thảo, hoa tướng quân, hoa hải đường,… Nhớ được bằng đó tên hoa là tôi phục tôi rồi. Chỉ có trục trặc nhỏ là tôi thường lộn tên hoa này với tên hoa khác.

 

Một người bạn Sài Gòn gọi điện cho thằng đệ tử ở Đức Trọng vác lên cho tôi ba bụi trúc. Cô bạn (già) trịnh trọng qua phone: “Cây trúc tượng trưng cho sự ngay thẳng, là cây của người quân tử. Ông rửa tay gác kiếm rồi, thì phải trồng cây này”. Ẩn ý thế nào chưa cần biết, nhưng nghe thế cũng đủ sướng. Tôi trồng hai cây trúc ở cửa trước, một cây ở cửa sau. Có quân tử gác nhà, sợ gì tiểu nhân!

 

image

 

Gần nhà tôi có cậu thanh niên, Tuyên, ngoài 30 tuổi, làm thợ xây. Tuyên kể, thuở nhỏ ham vui, lại gặp thời buổi khó khăn, tới lớp 7 bỏ học, vào rừng kiếm củi, bẫy chim, câu cá. Rừng chỉ cách trung tâm Đà Lạt mười mấy hai chục cây số. Ven Đà Lạt hồi đó tương đối còn hoang sơ, chỉ có rừng là rừng, vào sâu một chút có khi còn gặp dấu chân cọp. Cả tuổi thơ của Tuyên là thiên nhiên, là hoa lá, là núi rừng, là suối, là hồ, là thác, là bẫy chim bẫy thú,…Người thành thị như tôi chỉ có thể nghe, nhưng chưa từng sống qua. Vào rừng thiếu la bàn, thiếu đồng hồ, thiếu quẹt gas, thì trình độ văn minh cũng vứt.

 

Tuyên yêu rừng, yêu hoa, yêu cây cỏ không dứt bỏ được. Tính nó cần cù, khéo tay. Tôi xây hồ nước nhỏ ở cuối sân, nuôi cá trồng bèo nhìn cho đã mắt. Trên đường đi làm về, Tuyên lấy đá cuội, đá tảng để lên xe máy chở về biếu tôi, để chưng trong hồ. Vài ngày như thế, khi thì tảng to, khi thì hòn cuội nhỏ. Tuyên nói, để sau Tết rảnh, cháu sẽ lấy đá rối, đá tảng làm cái thác nước cho chú”. Tôi gật gù, Ừ, thì sau Tết. Mà thác phải kêu ầm ầm mới được, chứ đừng nghe róc rách, chán chết. Tối tối ngồi nghe thác đổ, ngẫm chuyện đời, nhâm nhi ly rượu mới sướng. Tuyên cười, nó hứa với tôi, thác sẽ kêu ầm ầm, sẽ có rong rêu, có vài bông hoa nhỏ mọc nhô ra từ khe thác.

 

image

hoa thiên lý 

 

Tôi muốn trồng hoa thiên lý, hoa tường vi để chúng leo hàng rào. Mà thú thiệt, tôi không biết mặt mũi mấy cái hoa này đẹp xấu ra sao, chỉ biết chúng qua văn học. Muốn trồng chẳng qua để ra cái điều mình…lãng mạn, sau này có viết văn viết báo cũng không đến nỗi quê mùa. Tôi hỏi Tuyên:“Hoa thiên lý có đẹp không?”. Mặt nó ngớ ra. Tôi lại hỏi: “Hoa tường vi có đẹp không?”. Nó cũng ngớ mặt. 

 

image

Hoa tường vi 

 

Trời đất! Văn thơ ca nhạc rên rỉ tên mấy loại hoa này hàng ngày, một người mê thiên nhiên như Tuyên mà không biết. Thế là thế nào? Tôi bắt đầu nghi ngờ tài nghệ của nó. Tôi hỏi vớt vát:“Chỗ nào bán hai loại hoa này?”. Tuyên ngập ngừng… “Chắc mấy nơi bán hoa có”.

 

Tôi và Tuyên ra shop hoa ở chợ Đà Lạt. Cô gái bán hoa trẻ măng. Cô giảng giải cho tôi tường tận về hoa tường vi được lai tạo cấy ghép thế nào để chúng thích nghi với Đà Lạt và ra nhiều hoa, phải trồng thế nào và trồng bao nhiêu bụi để chúng quấn vào nhau. Cô nói ngoài Bắc gọi là hoa thiên lý, còn trong Nam gọi là hoa xác pháo leo. Cô còn kể tường vi và thiên lý đã đi vào văn thơ nhạc thế nào, về nguồn gốc, về ý nghĩa, về sứ điệp của loài hoa,…Những lời nói thông thái về hoa đó tôi quên sạch hết rồi, chỉ nhớ nơi đó có bán hoa tường vi và thiên lý.

 

Tuyên bỗng xen vào: “Cho tôi xem hoa thiên lý và tường vi”. Cô bán hoa đưa ra cả chục bịch, chỉ có cây lá và đất, không thấy hoa. Tuyên chăm chú quan sát, rồi khều tôi. Hiểu ý, tôi nói thêm vài ba câu rồi cáo biệt.

 

image

 

Ra ngoài, Tuyên nói: “Hoa tường vi là hoa hồng dại, mọc đầy ở Đà Lạt. Còn hoa mà cô ta gọi là hoa thiên lý là hoa xác pháo leo, nhưng cháu nghe ba cháu nói hoa thiên lý màu xanh, chứ không phải đỏ hồng như xác pháo. Nếu chú thích xác pháo leo, thì  gần xóm mình có cả đống để cháu ươm rồi trồng cho chú, khỏi phải mua. Cháu chẳng lạ gì các loại hoa Đà Lạt, cháu chỉ không biết những tên đẹp đẽ mà dân Sài Gòn đặt cho nó”.

 

Tội nghiệp cho người Sài Gòn! Mấy ông văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ ở mãi đâu đâu, rỗi chuyện, ngồi mơ mộng đặt tên hoa cho ra vẻ kiêu sa đài các, chứ dân Sài Gòn sức mấy mà mộng mơ nổi.

 

“Bây giờ người ta cấy ghép lai tạo, rồi phun thuốc kích thích cho ra nhiều hoa màu sắc đẹp lắm, nhưng chóng tàn. Hoa đẹp, nhưng thấy kỳ kỳ làm sao ấy, không như những hoa hồi nhỏ cháu thấy”, Tuyên nói giọng buồn buồn. “Để bữa nào rảnh, cháu dắt chú vào rừng tìm hoa về trồng”.

 

Rồi tôi và Tuyên vào rừng. Đường có lúc chạy êm ái, có lúc chỉ là con đường mòn gập ghềnh nín thở. Một cái hồ rộng được bao bọc giữa núi rừng. Đẹp quá! Tuyên nói:“Hồ này là hồ Xanh, ngày xưa tụi cháu hay vào đây câu cá, có lần bơi ở đây bị vọp bẻ, suýt chết đuối. Bây giờ người ta không cho vào nữa”. “Sao vậy?”.“Chú có thấy cái biệt thự ở gần đó không, có cả nhà thủy tạ, người ta đang làm đường nhựa để dẫn vào biệt thự đó. Cái gì người ta cũng bán”, Tuyên hậm hực như thể tuổi thơ của nó bị ai lấy mất.

 

Chỉ có núi đồi, thung lũng, cây xanh, và tiếng thông reo. Tôi chỉ một vạt nâu nâu trên sườn đồi:

 

Đang cả một màu xanh, sao tự nhiên lại có một mảng nâu trên đồi vậy?

 

image

 

Chẳng biết người ta phun cái thuốc gì để giết cây thông, rồi họ sẽ đốt những cây chết lấy đất trồng cà phê. Những cây mọc thấp thấp ở đồi bên cạnh là cây cà phê đó chú. Cà phê ở Đà Lạt cao giá hơn cà phê Bảo Lộc.

 

Chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, đùa giỡn với núi rừng, với hoa lá cỏ cây mới thấy thương, mới cảm thấy tiếc nuối vẻ đẹp của thiên nhiên.

 

Tuyên chỉ cho tôi những trái nhỏ lủng lẳng dưới dàn lá xanh:

 

Cây này là cây chua chát. Bắc dàn cho nó leo, mát lắm. Trái của nó ăn được.

 

Ừ thì mình sẽ làm dàn trồng cây chua chát, nhưng tại sao lại gọi là chua chát?

 

Hồi nhỏ tụi cháu vào rừng, hay hái trái này ăn, thấy chua và chát, nên gọi là cây chua chát.

 

Tôi cười, văn học dân gian là đây rồi, tìm đâu cho xa. Chua chát hiểu theo nghĩa cao siêu như thân phận của con người, hay hiểu theo kiểu “ẩm thực” như tụi nhỏ cũng đâu có gì là trật. Hiện thực quá đi ấy chứ! Con người vốn phức tạp, càng có học càng phức tạp, nghĩ ra đủ thứ chuyện phức tạp, phức tạp chồng lên phức tạp. Ăn thấy chua chát thì gọi là cây chua chát. Tụi nhỏ đẻ ra triết lý, chứ triết lý đẻ ra tụi nhỏ hồi nào đâu?

 

Tôi buột miệng hỏi Tuyên:

 

Đà Lạt còn hoa xấu hổ không?

 

Hồi trước nó mọc dại khắp nơi ở Đà Lạt, bây giờ tự nhiên không thấy nữa.

 

Ở Sài Gòn cũng vậy. Cuộc sống đô thị, cuộc sống công nghiệp làm hoa xấu hổ chạy mất tiêu.

 

Không chừng con người hết biết xấu hổ rồi. Trong rừng chắc còn, cháu tìm thử xem.

 

Tuyên đi loanh quanh một hồi, rồi mang về một nhúm cọng xấu hổ. Nó nhìn tôi nghi ngờ:

 

Chú định trồng hoa xấu hổ à?

 

Chẳng lẽ cất công đi tìm, ngó một cái rồi vất đi.

 

Ai lại đi trồng thứ hoa dại này?

 

Thì người ta không trồng, mình trồng, thiên hạ mới nể, tôi trả lời bựa…

 

Mà chú định trồng hoa xấu hổ ở đâu?

 

Trồng dưới chân mấy bụi trúc.

 

Sao lại dưới chân bụi trúc? Trông đâu có đẹp…

 

image

 

Cây trúc tượng trưng cho người quân tử, tôi lý sự với Tuyên bằng một thứ triết lý bụi bặm, Người quân tử không phải lúc nào cũng đúng, có khi họ nghĩ sai, làm sai, nhưng người quân tử biết xấu hổ khi họ sai. Xấu hổ là dấu hiệu khởi đầu của sự phản tỉnh…, à…à,.. phản tỉnh là… ngẫm ra thấy mình sai thì dũng cảm thừa nhận mình sai, rồi nghĩ lại cho đúng, hành động cho đúng. Xấu hổ lúc nào cũng gắn liền với người quân tử. Hoa xấu hổ không bám vào rễ, vào gốc cây trúc, thì bám chỗ nào?

 

Tuyên trố mắt nhìn tôi ngưỡng mộ, như thể tôi là nhà bác vật bên Tây mới về.

 

Trời đã chạng vạng tối. Khi về ngang qua lăng Quận công Nguyễn Hữu Hào, đột nhiên Tuyên dừng xe lại, bước đến một cây cao chừng 8 tấc, mọc khẳng khiu bên đường, chỉ có một cây vươn giữa đám cỏ dại, trên đỉnh cây là một cụm hoa màu hồng nhạt, nhiều hoa, nhiều cánh bé xíu. “Chú thích hoa này không?”, Tuyên hỏi. Tôi ngước nhìn lên lăng, âm u và hoang phế: “Ừ thì mang về trồng cũng được, mà tên hoa là gì?”.“Cháu không biết, chắc nó là một loại hoa hồng”.

 

Tuyên xuống…tấn, rồi nhẹ nhàng nhổ phăng cây như Lỗ Trí Thâm nhổ cây liễu ở sân chùa. Tôi bước tới đỡ lấy cây, Tuyên cảnh báo,“Chú cẩn thận, cầm hoa hồng phải cầm ở rễ, cầm ở thân gai đâm”. Tôi bật cười ha.. hả.. Đúng thế! Muốn kiểm soát hoa hồng, phải nắm chặt lấy gốc rễ. Đơn giản thế mà cả đời nghĩ không ra để phải chuốc lấy bao phiền toái. Tuyên ngơ ngác nhìn tôi. Nó không hiểu vì sao tôi lại cười sảng khoái với một chân lý đơn giản như thế. Thằng nhỏ này đúng là thầy tôi. Cái ngơ ngác của nó đạt tới mức…thiền, như câu chuyện nhà sư cõng cô gái qua sông.

 

Ngồi sau xe, tôi hào hứng,“Tiếc nhỉ! Không biết nó là hoa hồng gì?”. Tuyên im lặng, nó chạy thẳng ra chợ, gặp cô bán hoa thông thái, hỏi chuyện loanh quanh, rồi chỉ vào hoa hồng đang cầm trên tay, “Chị biết hoa này tên gì không?”. Cô gái ngẫm nghĩ một chút, rồi bật ra: “Hoa hồng ri”. Tuyên nhìn tôi, nháy mắt, tên nó là Hồng Ri.

 

image

cây hồng ri 

 

Tôi trồng cây hồng ri trong vườn, trông nó cao lêu nghêu và buồn bã giữa những loài hoa khác.

 

Bước ra vườn là tôi nhìn nó trước tiên. Tôi quan tâm tới sự sống chết của nó hơn những loài hoa khác. Tôi tưới nước, tôi nhìn nó âu lo, vậy mà lá héo đi, các cánh hoa nhỏ xíu rủ xuống thảm hại. Đang tự do từ nơi hoang dã, bỗng nhiên bị nhốt trong vườn, giữa những loài hoa xa lạ phấn son, không buồn sao được. Tôi thoáng nghĩ, hay trả nó về…rừng. Người ta chở củi về rừng, thả động vật về rừng, thả cá về biển, chứ ai lại thả hoa về rừng. 

 

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Hương phi của vua Càn Long. Nhà Thanh đem quân đánh vùng Trung Á, bắt được công chúa xứ Hồi Hột, đem về dâng Càn Long. Nàng đẹp, người toát hương thơm kỳ lạ, được vua phong làm Hương phi. Nàng buồn, nhớ cố quốc. Vua cho xây cả cung điện thu nhỏ giống như ở kinh đô Hồi Hột để nàng khuây khỏa. Hương phi vẫn u uất nhớ quê, nhớ chồng. Sau cùng, nàng chọn dải lụa để chết.

 

image

 

Tôi không phải là vua để vung tay chơi nổi cả khu rừng sinh thái. Tôi là thằng ngớ ngẩn về hoa. Hồng ri cũng ngớ ngẩn giữa bầy hoa đô thị. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Không chừng hồng ri sẽ sống. Vậy mà nó sống thiệt! Tuần sau, những cánh hoa bé xíu đã ngẩng lên, lá héo đã thay bằng lá non… Tôi tự thưởng cho mình ly rượu vang, hả hê, Càn Long chẳng là cái đinh gì so với thằng ngớ ngẩn như tôi.

 

Hàng ngày tôi tập tưới cây, tập ngắm hoa. Tôi cố gắng nhớ những tên gọi nên thơ đài các của hoa, cố nhìn cho ra vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của hoa, ráng hít hà hương thơm của hoa. Tập tành cái gì thì được, chứ tập tành… yêu coi bộ khó quá! Sự miễn cưỡng làm tôi bối rối.

 

Cả đời chạy theo… hoa-biết-nói, lời nói bay lên lượn xuống, rồi trôi đi tuốt luốt. Bây giờ tôi lại chạy theo những loài hoa-không-biết-nói, ngắm nghía sự im lặng của chúng. Nhà văn Nhật Chiêu đọc thơ Han Yong-Un và Hàn Mặc Tử, hứng lên nói rằng, im lặng là thứ ngôn ngữ ẩn giấu, hiểu được cái ẩn giấu đó, thì niềm im lặng sẽ cất lên tiếng hát. Tôi ngờ cha nội nhà văn này chỉ vẽ chuyện. Im lặng là im lặng, im lặng còn hát với hò thì coi sao được. Mà không chừng chả lại…đúng. Tôi đã chẳng từng lên rừng, mượn hoa xấu hổ, mượn đóa hồng ri để đi tìm một cái gì đó hay sao? Biết đâu trong rừng tôi lại bắt gặp ông bạn văn sĩ lè phè đang lom khom vác tâm tư Hermann Hess đi tìm cái gì đó. Chẳng lẽ lại tìm giống cái tôi đang tìm? Nếu gặp Nhật Chiêu trong rừng, tôi sẽ vẫy tay từ xa hello, tôi sẽ chụm hai tay làm loa hú to về phía chả: “same same but…different”.

 

image


Hermann Hess 

 

Tôi nhìn hoa xấu hổ dưới chân bụi trúc, ngẫm nghĩ về lòng tự trọng. Tôi nhìn hồng ri, hoa đứng chơi vơi giữa đám hoa đài các kiêu sa, những bông hoa hương sắc đã vào thẩm mỹ viện từ thuở hoài thai. Trông hồng ri bi tráng, mộc mạc và chân thật biết bao! Hình như tôi vừa nhận ra vẻ đẹp của nó.

 

Mà chân thật chẳng lẽ không phải là cái đẹp hay sao?

 


Vũ Thế Thành


No comments: