Tuesday, June 22, 2021

NHỚ VỀ THẦY UYÊN BÁC (THÂN TRỌNG MẪN)

 

Chuyển đến bà con bài của Thân trọng Mẫn viết về thầy Uyên Bác , nhà sách Uyên Bác ,  gần với Morin , những nơi thường in dấu tuổi thơ ở ecole primaire francaise ... Bài này do cô Bạch Lan chuyển là con gái của Thầy Uyên Bác.

 

Chị Bạch Lan là em ruột của cố ca sĩ Hà Thanh.  Chị và anh Thân Trọng Mẫn là bạn học Đốc Sự Hành Chánh với OX của Thukỳ. 

 

Nhớ về thầy Uyên Bác

Niên học 1954-1955 là niên học đáng nhớ nhất của đời tôi. Trước đó, từ năm 1952 à 1954, tôi học ở Ecole Primaire Française ( sau này là trường Bán Công Huế). Sau 1954, Pháp về nước, các trường Pháp đóng cửa và đám nhóc chúng tôi được chuyển qua học trường Việt, đó là trường Lê Lợi, đối diện xéo góc với Bưu Điện Huế.

Hồi ấy, tôi lâm vào tình trạng “nữa chừng xuân”, tiếng Pháp thì chưa thông mà tiếng Việt thì mù tịt. Mặc dù phải tụt một lớp, học lại lớp 3, mà vào học như vịt nghe sấm.. Và cũng từ đó bắt đầu cuộc đời lãng tử, học ít chơi nhiều của mình.

Dạo còn học ở trường Pháp, đám nhóc chúng tôi đi học thành một bầy đoàn, các anh chị dắt em theo, nam nữ ríu ra ríu rít trên đọan đường dọc theo Toà Khâm tới khách sạn Morin rồi rẽ vào con đường tới Bưu Điện để vào trường.

Từ khi vào trường mới thì các anh chị đã vào các trường trung học Nguyễn Tri Phương hoặc Quốc Học, còn các bạn gái  như Như Mai, Diệm My thì vào trường Đồng Khánh. Xóm tôi chỉ còn ba đứa. Mỗi sáng tôi từ Đập Đá đi đến đường Hàng Me chờ bạn Ngô Văn Đinh Hợi ( nay là họa sĩ ở Úc) cùng đến đường Đội Cung chờ bạn Đồng Sĩ Nam ( nay là bác sĩ ở Westminster) để cùng đến trường. Và như một thông lệ, mỗi buổi sáng, sau khi mẹ tôi đã ép ăn sáng cho đầy bụng thì bà còn đút thêm 5 giác (.5$) để ăn vặt.

Nhưng từ khi vào trường mới, không có sự kềm tỏa của ông anh, và nhất là lịch trình học thay đổi hẳn, các lớp tiểu học tụi tôi chỉ học có nữa ngày, về nhà thì buồn chán nên cả 3 đứa chúng tôi bắt đầu tình trạng lêu lổng. từ 12 giờ trưa tới 4 giờ chiều mới về nhà., lúc thì vào công viên Hàng Đoát đá banh, lúc thì lang thang dọc bờ sông, hái trôm trái ổi trái nhãn ở các căn vườn dọc đường..

Không biết bằng cách nào bạn Đinh Hợi biết được nhà sách Uyên Bác để dẫn tôi và Nam vào đọc sách cọp. Nhưng từ khi biết được một nơi dung thân rất lý tưởng này, chúng tôi bớt lêu lổng phá làng phá xóm.

Ở xứ Huế cũng như cả miền nam, chúng ta có lệ nghỉ trưa. Các cơ sở thương mãi có lệ đóng cửa ừ 12 giờ trưa đến  1 giờ chiều và thường lễ mễ đến 2 giờ trưa vẫn còn  đóng cửa nếu vắng khách.) Vậy mà mỗi buổi trưa khoảng 1g15 truớc cửa nhà sách Uyên Bác có 3 cậu nhóc cãi lôn ầm ỉ về cuộc phiêu lưu của chàng Tin Tin, con chó Milou và cặp thám tử song sinh, hoặc là những câu chuyện cổ tích của Andersen về chàng hoàng tử tai cừu… cho đến lúc ông chủ hiền lành ngủ trưa không nổi phải mở cửa rước các cậu vào cho các cậu đọc sách cọp để mua lại sự yên lắng  của mùa hè oi bức xứ Huế..

Vì không biết tên và cũng không dám hỏi, chúng tôi chỉ gọi ông chủ tiệm sách hiền lành tận tụy đó là thầy, thầy Uyên Bác, và thầy trở nên cuốn tự điển sống của chúng tôi hồi nào không hay, và cũng chính thầy, hơn cả cô giáo ở nhà trường, đã khai tâm cho tôi về sự phong phú thâm trầm của tiếng Việt qua việc thầy chỉ dẫn những quyển  sách Việt Ngữ đọc đầu đời, bộ sách Hồng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn dành cho thiếu nhi như các quyễn “Hạt ngọc”, “Cây tre trăm đốt”, cũng như dẫn dắt chúng tôi vào thế giới tế nhị uyên áo của văn chương Pháp qua các tác phẩm của Alfonse Daudet,  Anatole France.

Sau vài tuần đọc sách cọp, để khỏi chướng, ba chúng tôi lập công ty bằng cách góp vốn mỗi ngày mỗi đứa góp 5 giác mà chỉ được tiêu một đồng cho ba đứa. Để dành 5 giác mỗi ngày thì  cuối tuần có đủ 2 đồng rưỡi, đủ mua một quyễn  sách Hồng hay cuốn sách hoạt hoạ về chàng Tin Tin.

Mua một quyễn sách mà đọc cọp đến mười quyễn vậy mà việc đọc cọp của chúng tôi không hề gây một thắc mắc ở thầy Uyên Bác dễ tính và uyên thâm đó., nếu không nói thầy còn ngầm khuyến khích tụi tôi phải đọc thêm thật nhiều sách ngoại ngữ bởi như lời thầy thường nói “ Các cháu phải giỏi ngoại ngữ mới đưa nước mình bằng người được”

Và kết quả thật bất ngờ, sau mấy tháng coi sách cọp ở Uyên Bác, cả ba đứa tôi ( những thằng Tây Con như bạn cùng lớp gọi) đã thoát được tình trạng mù chữ Việt Ngữ, đã theo kịp các bạn khác trong các giờ chánh tả và tập đọc. Phải chăng kết quả này là do những lần dẫn giãi tận tình  về ngữ Pháp và  âm vị tiếng Việt mà  thầy đã nhẫn nại cắt nghĩa cho chúng tôi khi đọc những quyễn sách tiếng Việt trong kệ sách Uyên Bác.

Và bất ngờ hơn nữa chúng tôi laị tự thấy  tiếng Pháp của mình không bị quên đi mà lại giỏi hơn. Truớc đây chúng tôi chỉ đọc được các quyễn sách họa hình về Tin Tin, về Phi Châu huyền bí mà nay chúng tôi bắt đầu đọc các  tác phẩm văn chương, các truyện ngắn cổ điển một cách không lấy gì làm  khó khăn vì khi  bí  một từ nào thì đã có tự điển sống là thầy Uyên Bác giải thích cặn kẽ.

Việc tiến bộ về tiếng Việt của chúng tôi chắc được các bậc cha mẹ biết được nên các cụ không hề la rầy gì khi tôi về nhà quá trể. Nhưng rồi dần dà tôi bắt đầu đi quá đà do cá tính đam mê của mình.

Khi đã đọc hết các quyễn sách thiếu nhi và họa hình, tôi bắt đầu say mê văn chương Pháp-mặc dù nhờ thầy Uyên Bá chỉ dẫn thêm nhưng trình độ Pháp ngữ của mình  mới chỉ ngang cấp lớp ba mà đọc sách văn chương thì quả là vất vả vì thế tôi thường hung hăn nạt nộ hai bạn Hợi, Nam khi tụi hắn rủ tôi về vì đã quá 4 giờ chiều- thì tôi thường bực dọc bảo “Tụi bây về trước đi, còn sớm mà” rồi  lại chúi mũi vào trang sách của St. Exupery  về việc hành trình của cậu hoàng tử Bé thăm viếng các tinh cầu ốc đảo của gã nghiện ngập, chàng lãng tử tiến , vị vua cô đơn, người đốt đuốc hiu quạnh…

Can ngăn hoài không được, hai ông bạn vàng thời thơ ấu đã phát chán bỏ về, để lại một mình tôi với tiệm sách và ông chủ quán  âm thầm ngồi sau kệ. Mãi mê với trang sách, khi tôi ngước mắt nhìn  lên thì trời đã tối sầm, mùa đông đã tới từ bao giờ, mới chừng hơn 4 giờ chiều mà trời đã tối mịt và  một cơn mưa như cầm chỉnh đổ trút xuống thành phố. Đến lúc đó tôi mới biết sợ, thì ra mình chỉ là cậu bé 8 tuổi ngang bướng nhưng không quên đôi mắt nghiêm khắc và cây roi nơi cửa  thềm  của ba tôi. về trể như thế này lại ướt như chuộc lột chắc là nhừ đòn.

Trong nổi hoảng sợ của mình, tôi vô thức theo thầy  Uyên Bác, nhìn thầy đóng cửa tiệm rồi ngồi trên yên sau chiếc mobylette để thầy chở về trong cơn mưa mà hồn vía lên mây. Thì ra những người có “máu mặt” ở Huế đều quen biết nhau, thầy và ba tôi dù không phải là bạn nhưng có nhiều giao thiệp ngoài xã hội và hình như sự tận tâm chỉ dẫn của thầy đối với chúng tôi, ngoài tinh thần yêu trẻ hiếu học, ước muốn thế hệ hậu sinh thăng tiến, còn ngầm chứa một tinh thần chung của lớp trí thức thời đó, đó là những người trưởng thành vào thời cựu học đã suy tàn, mà nền tân học chưa phát triển toàn vẹn, thầy Uyên Bác cũng như cha tôi và các bác đồng thời luôn luôn dặn dò tụi tôi “ các con phải gắng học ngoại ngữ để không hơn người thì phải bằng người mới đưa đất nước mình tiến bộ”.

Và chều hôm đó, khi đưa tôi về nhà, không hiểu hai ông cụ nói chuyện gì với nhau mà sau đó tôi không bị một đòn roi nào, mà trái lại, buổi tối cha tôi kêu tôi vào phòng móc ví ra, đưa tôi tờ giấy 100 in hình Bảo Đại – đó là số tiền rất lớn vào thời đó, rồi bảo “ con ráng nghe lời thầy Uyên Bác chọn sách mà đọc”.

Ngày hôm sau, có 3 cậu nhóc rời nhà sách Uyên Bác, hí hửng với chồng sách mới thơm mùi giấy. Không những tôi mua cho mình đến ba quyễn sách mà còn hào phóng mua cho 2 bạn  Hợi và Nam những quyễn sách tụi nó thích  và tôi biết từ đó mỗi tuần tôi có thể mua một quyễn sách mà không  phải nhịn tiền ăn vặt bởi vì khi tôi nói với mẹ  xin tiền mua sách thì mẹ tôi sẽ không bao giờ từ chối.

Và quyễn Le Petit Prince của St.Exupery tôi mua dịp đó, với những lời giải thích tận tình của thầy Uyên Bác năm vừa lên tám vẫn là quyễn sách tôi giữ gìn cho đến 30 năm sau, ngày mình vượt biên lìa xa đất nước.

Thân Trọng Mẫn., California,  October 2010

No comments: