Thursday, June 10, 2021

HƯƠNG NƯỚC VÀ CÂY DỪA NGỦ YÊN TRÊN MẶT HỒ (NHẤT PHƯƠNG)

 



Tạp ghi

Hương Nước và…

Cây dừa ngủ yên trên mặt Hồ

 

quê hương miền Nam của mình có khá nhiều điều kỳ thú mà chỉ những người nhà quê rạch ròi nơi bản xứ mới có thể tự hào là biết rõ.  Phần lớn, đặc biệt là người thị thành, họ chỉ hiểu phần nào qua sách vở lưu truyền, hoặc do người khác vui buồn kể lại…

Những điều thú vị ở quê tôi hay quê bạn, nói chung là ở những nơi mà trước đây, lúc Sài-gòn luôn được trân quý gọi là “Thủ đô yêu dấu-Nước Nam Tự Do”(Ghé Bến Saigon-NS Văn Phụng), khi tối đến đêm về, chỉ leo lét ánh đèn dầu, sẽ nói hoài không hết…  Hồi đó, ngoại tôi thường thắng dừa khô lấy dầu để đốt đèn, gọi là đèn Dầu Dừa, để phân biệt với đèn Dầu Lửa, hay đèn Dầu Hôi, “cao-cấp-phong-lưu” hơn…

Mặc dù được sinh ra tại một địa danh tuy thật trẻo tràng, nhưng cũng thuộc tỉnh Bến-Tre, đáng lẽ khi bạn hỏi đến quê hương xứ sở, tôi phải trả lời là ở Quê-Tre mới đúng, nhưng ngạc nhiên hết sức:

            Dạ, tui ở Quê-Dừa.(Tên bản nhạc của NS Anh Võ, quê Bến-Tre)

Bạn biết đó, tôi luôn nâng niu và hãnh diện để trả lời bạn như thế, cũng như rất sung sướng được sống ở quê Dừa, một đặc sản dính liền với nụ cười tươi rói của người dân Tỉnh Bến.  Tôi lớn lên nhờ Nó.  Tóc tôi là lá Dừa, thân tôi là xơ Dừa. Chúng tôi là hai Con-Người đã tựa vào nhau mà sống suốt một thời chinh chiến cũ…

Theo lời ngoại kể, tôi vô tình được tắm bằng nước dừa khô khi còn rất nhỏ, (có lẽ lúc ngoại nạo Cái-Dừa để thắng dầu, còn dư nước nhiều quá không lẽ đổ đi phí uổng, thà đổ lên người đứa cháu ngoại tí hon, biết đâu, nó “ngọt ngào” mau lớn cũng không chừng?).  Đến khi biết cầm muỗng, tôi lại được cho ăn cháo đựng trong nửa miểng dừa khô láng bóng (chắc ngoại không muốn bị tôi đập bể mấy cái chén Hạt-Dưa hiếm hoi, chỉ được dùng trong các đám Kỵ-Giổ của tổ tiên).  Những sản phẩm hữu dụng này, cũng nhờ có bàn tay người nhà quê nâng niu gọt dũa mới được “nên vóc nên hình”.

 

Viết tới đây, tôi đã bắt đầu bị phân tâm.  Cả một trời thơ “mượt mà” của những “đứa con nít” được sinh ra và lớn lên ở Miệt-Vườn-Miệt-Trẽo, đồng trang lứa với tôi thuở ấy, hiện ra như một cuốn phim rộn ràng, dồn dập, làm tôi không biết nên kể lại khoảng nào trước, khoảng nào sau, mới khỏi bị mang tiếng là bất công và thiên vị. Bởi như bạn biết đó, họ cũng là những người-bạn-thảo-mộc của tôi, họ đều có tâm hồn, họ cảm nhận được tình thương như thế nào nơi nửa phần đời trước đây, khi tôi còn là “đứa con nít” nhà quê, đã ưu ái dành riêng cho họ.

Lúc này, chắc chỉ bắt đầu từ những cây mận sai oằn cành bên nền Cổ Mộ, và “Mận” còn là tên cúng-cơm của người dì thứ Chín, một trong hai người dì khá đặc biệt, đã khiến tôi thương yêu như Mẹ.  Dì thật bất hạnh.  Sự bất hạnh của các dì là sự bất hạnh tính chung cho phái nữ quê mùa dân dã, đã phải sánh vai làm bạn với các quan niệm phong kiến quá lỗi thời (ở lứa tuổi trăng tròn của các dì) thuở ấy.

Ông bà Ngoại tôi rất mặn mà với mối duyên Nho Học.  Quan niệm chung về việc nâng cao kiến thức của phái nữ lúc bấy giờ, hoàn toàn trái ngược với tư tưởng Hồ Biểu Chánh, đại khái như trong Tân Phong Nữ Sĩ chẳng hạn.  Ngoại thường nói “con gái con nứa”  học cao cho mấy cũng chỉ về làm dâu nhà người, mười hai bến nước…, chi bằng ráng trao dồi nữ công gia chánh, bếp núc đảm đang, cập bến nước trong, yên bề gia thất…rạng rỡ Tông Đường, cũng như nam giới thi đỗ Trạng Nguyên chớ thua kém gì ai mà sợ (??!).

 

Mặc dù chỉ là quá khứ, một thứ dĩ vãng đáng được (hay bị) chôn vùi thật sâu trong tĩnh lặng, cớ sao vẫn đeo đuổi, ám ảnh cả quãng đời còn lại của tôi?  Tuy giờ đây tất cả đã trở thành…huyền sử, ở một đất nước lỡ bị đô hộ, chiến chinh cả chiều dài lập quốc, cuộc đời “Thiếu-Nữ” của dân tộc tôi thật quá lỡ làng, tội nghiệp.   Hy vọng một ngày nào đó, có thể ngay sau lúc này đây, con cá Trê vàng óng ả dưới đáy đìa của đêm ba mươi, sẽ có cơ hội phơi bày trên những chiếc dĩa văn minh tân tiến, để được tận hưởng sự an bình căn bản của nhân loại.

Và cũng vì vậy mà tôi có qúa nhiều điều hối tiếc… Tôi thật sự hối tiếc cho Nhan Sắc của các nữ-phái-tiền-bối lỡ bị vùi chôn trong chiến tranh, và nhất là trong những ánh nhìn, cung cách cư xử quá nghiêm khắc của xã hội thời xa xưa ấy.  Tôi bỗng nghiệm ra rằng, sự tôn kính nếu muốn được tồn tại, con người phải nuôi dưỡng nó bằng niềm cảm thông và lòng độ lượng.  Mặt khác, con người không nên và cũng không có gì phải quá sợ hãi đồng loại của chính mình, dù dưới bất cứ hình thức gì, ở bất cứ thời điểm nào.

 

Yêu thương dì chín Mận, tôi gần như yêu luôn mọi thứ được dì ưa thích.  Từ cây mít nghệ lứa trái vàng ươm nằm ỏng ẹo cạnh mái lá nhà dì, đến thau “chuối quết bốc” trắng ngời béo ngậy, cuốn đọt Lá-Cách non, chấm nước mắm pha tỏi cay nồng bởi ớt Sừng-Trâu, chanh làng Long-Mỹ.  Chuối quết bốc cũng là đặc sản của quê tôi đó bạn biết không. Bởi đâu phải tất cả ai ở miền Tây, thuộc các tỉnh Tiền-Giang hoặc Hậu-Giang cũng đều biết đến món ăn này.

Dì Chín và tôi là hai người bạn vong niên hợp tánh tình nhau hết sức.  Thức giấc ban mai nhảy xuống giường, tôi gọi ào ạt Chín ơi Chín à … “miệng không kịp kéo da non” (ngoại đã ký đầu mắng mỏ tôi như vậy).  Đó là thời điểm khoảng năm 1963-64, tôi sống trên Sài-Gòn, học trường GL, nhưng ngày trước nghỉ Hè, ngày sau tôi đã có mặt nơi quê nhà, ở làng Long-Mỹ.

 

Con đường dẫn đến làng quê em,

Có con sáo nhỏ gót chân mềm

Xếp đôi cánh mỏng ngang bờ dậu

Nao nức ngóng chờ Bình Minh lên.

 

 Tôi mê làng quê tôi hơn mê Đà-Lạt, Vũng-Tàu, Nha-Trang hay Huế, và mê ăn mận sữa hơn ly kem dâu mật dập dìu tiếng nhạc ở Pole-Nord, một thuở hồn nhiên, thăng trầm theo vận nước.  Ngày của tôi bắt đầu bằng cách gọi tên dì ơi ới, có nghĩa sẽ ngập tràn niềm vui, giản dị như hương Mận, hương Cau, hương Dừa, hương Lý…  Và hơn trên tất cả là mùi hương đặc sản của thôn làng bình dị, không gì thay thế được từ những con nước lớn ròng.

Bìm Bịp kêu mang theo dòng nước mới về cho mương vườn.  Nước vừa lé đé bờ cau, mấp né ôm bụng cây dừa bị trốc gốc vì một trái đạn pháo kích, ngã nằm ngang qua mặt hồ, dì và tôi đã vội vàng thả đôi chân trần trêu nước, đập tung tóe cho nước bắn cao lên lưng trời.  Làn nước mát mẻ thơm lừng mùi vị quê hương, thảnh thơi rơi rớt trên đầu trên cổ chúng tôi, ước đẫm tuổi mộng mơ ở miệt vườn, miệt trẽo…  Vui lắm bạn biết không, khi đôi chân được tự do tung tăng, va chạm vào Đất-Nước.

Một ngày nọ, giữa mùa Hè rực rỡ, dì rủ tôi đi hái quít.  Hai dì cháu kẹp cổ nhau, chân mang dép mo cau đạp lào xào lên lá khô, cỏ dại.  Dì bỏ dép, leo lên thân cau kéo nhánh quít sai oằn cành cho tôi hái.  Màu quít-da-lươn bóng lưỡng, ửng nâu hồng như đôi má của dì tôi đang tươi cười dưới nắng.  Nhưng…dường như nghe đâu đó thật gần, tiếng bà gọi làm dì hoảng loạn (ngoại cấm leo trèo mà), trật tay té xuống mép bờ, chân đạp lên nỗi nghiệt oan không thể nào đoán trước…

Tuy rất đớn đau vì chiếc gai nhọn vô tình đã đâm xuyên qua gang bàn chân trái, dì vẫn không dám hở môi cho người nhà băng bó vết thương.  Tôi len lén dìu dì vô sau bồ lúa thoa thuốc đỏ để diệt trùng, tưởng thế đã an toàn (với trí khôn của một đứa nhỏ miệt vườn chưa lớn đủ), không ngờ đó chỉ mới bắt đầu cho kiếp nạn nửa đời sau…

Ngoại rồi cũng biết về tai nạn, khi vết gai đâm ngày càng ươm mủ theo thời gian. Nhưng mọi chữa trị giờ đây đều quá trễ.  Dáng đi của dì trở nên chậm chạp ngang chàng, mất dần đường nét yểu điệu khoan thai của thiếu nữ khuê môn.  Tuổi mộng mơ khuyết tật theo nửa vầng trăng bị mây mù khuất lấp bằng những hình thái vô thường.  Tánh tình dì biến đổi theo, âm thầm lặng lẽ hơn.  Ở lứa lớn lưng chừng như tôi và tuổi cau-mới-dày khép mặt của dì, chúng tôi đã vội sớm biết ngồi lặng hàng giờ bên thân cây dừa, ngắm nhìn sự biến thiên của từng Con Nước.  Dì có một trong nhiều người anh, cũng là cậu ruột của tôi, lái máy bay không thua sút chút nào như lúc chèo ghe tam bản.  Một lần ngắm chiếc máy bay “bà-già” đang vờn quanh thám thính xa xa trên đầu, dì chợt hỏi tôi:

-Con có về đây nghỉ Hè, chơi với dì nữa không nếu nơi này bị tàn phá vì sự tranh chấp giữa đôi bên?  Gia đình mình là dân quê mùa, chỉ biết ôm lấy mương vườn bao đời của Tổ Tiên mà sống cùng bom đạn.  Dường như tình thế càng ngày càng biến động, rồi sẽ ra sao hổng biết được nghen con.

Dì nhìn xuống đôi chân khi biểu tỏ mối hoài nghi.  Tôi biết dì có nhiều niềm lo, một khi cuộc chiến tương tàn trở nên nặng nề hơn, và chắc mẽm, mẹ tôi cũng sẽ không cho phép tôi trở lại quê nhà rong chơi nữa.

Tôi khẳng định với dì, như cố khơi thêm nguồn hy vọng dường như đang dần dần cạn kiệt trong tôi:

-Khi nào chân dì hoàn toàn trở lại như xưa, con mới không về.

Nhiều năm tháng khác qua nhanh. Bìm Bịp vẫn mãi hoài ngân nga, vẫn triền miên đem vận nước nổi trôi xuôi ngược vào mương vườn, nhận chìm xuống đáy sông sâu  khung trời bình yên của tuổi ham ăn, ham nhảy lò-cò, nhảy dây chân Sáo ở quê nhà yêu dấu.  Càng ngày, thư từ dì gửi lên Sài-Gòn thăm tôi càng ngắn càng thưa, cho đến một hôm cậu tôi đi bay về…

Cậu lặng lẽ đưa tôi nửa cái chén-miểng-dừa loang loáng thời quá khứ, một đôi dép mo cau đã khô quéo, úa màu:

-Dì Chín để lại cho con, ở sát chỗ dì và con vẫn thường ngồi mơ ước chuyện đùa vui cùng đất nước.  Dì đã bay xa khỏi cuộc đời.  Con còn nhớ cây dừa ngã…

 

Làm sao tôi quên được Cây Dừa ấy, khi bên cạnh nó vẫn là chiếc hầm trú ẩn, trốn tránh tang thương của dòng họ Ngoại.  Tôi có thể hiểu liền tại sao dì chợt bay nhanh ra khỏi cuộc đời mà không hề báo trước.

-Dì ơi, trái Mận sữa ngọt ngào, yêu quý của con ơi.

 

Nhat-Phương,

No comments: