Thursday, June 10, 2021

CÔNG CHA NGHĨA MẸ (HUỲNH QUỐC BÌNH)

 

Công cha Nghĩa Mẹ!

Huỳnh Quốc Bình

 

Cuối bài viết, có vài ghi chú quan trọng dành cho những ai có lòng giúp tác giả quảng bá bài viết này

 

… Đừng để cha mẹ mình lúc còn sống phải ở “nhà lá” nhưng sau khi các vị qua đời, mình lại tranh nhau xây “nhà lầu” cho họ ở…

 

Người Việt Nam có nhiều điển tích và chuyện dụ ngôn đề cập đến những người con có lòng hiếu thảo với cha mẹ, hoặc bất hiếu với cha mẹ. Người Trung Hoa có “Nhị Thập Tứ Hiếu” (24 tấm gương của những người con hiếu thảo). Điều đáng chú ý, ai cũng biết rằng, lòng hiếu thảo là đáng trọng và kẻ nào bất hiếu với cha mẹ luôn bị người đời khinh khi, xa lánh; tuy nhiên, hình ảnh những người con đối xử tệ bạc với bậc cha mẹ, không phải là hiếm thấy trong xã hội ngày nay.

 

 

Một người bất hiếu hay bạc bẽo với cha mẹ, không thể nào có lòng chung thủy với người phối ngẫu. Nếu họ nhẫn tâm ruồng bỏ cha mẹ, anh chị em họ được, có ngày họ cũng sẽ đối xử với mình như thế. Cho nên ai có chồng, hoặc ai có vợ mà tỏ ra hài lòng khi thấy chồng mình hay vợ mình tốt với mình hơn cha mẹ, anh chị em của họ, các bạn hãy cẩn thận, có ngày họ sẽ đối xử với mình một cách tương tự.

 

Nói đến vị trí con cái, cũng phải công bằng để không tránh né đề cập đến vị trí của bậc cha mẹ. Đối với tôi, cha mẹ nào vô cớ ruồng bỏ con cái của họ được, có ngày họ cũng sẽ cư xử với người khác một cách tương tự. Một người cư xử tệ bạc với cha mẹ hay con cái một cách triền miên, họ không thể nào là một người bạn tốt của chúng ta. Tôi nói điều này và tôi không bao giờ sợ mình nói sai. Vì sự giới hạn của bài viết, tôi không thể dài dòng ở điểm này, nhưng nếu quý độc giả nào, không câu nệ niềm tin tôn giáo và tạm gác một bên yếu tố “không muốn ai mô phạm mình” đều có thể nghe sáu bài giảng luận của tôi về các đề tài “hạnh phúc gia đình” tại Website www.huynhquocbinh.net trong mục Audio “Đời Sống An Bình”

 

Trong xã hội, thời nào cũng khá giống nhau ở điểm, cha mẹ nuôi con cả đời, không sao, nhưng con cái mới lo cho cha mẹ được vài năm vài tháng lúc tuổi già bóng xế, đã vội kể công. Có người còn nhẫn tâm dằn vặt cha mẹ một cách không nao núng. Người Việt mình có câu, “Một bà mẹ nuôi cả mười đứa con, nhưng mười người con không nuôi nỗi một bà mẹ.” là như vậy. Người đời có những câu vè vô cùng xứng đáng dành cho những ai có thái độ tính toán hay kể công với cha mẹ, có thể suy nghĩ, “Mẹ nuôi con như biển Hồ lay láng, con nuôi Mẹ tính tháng tính ngày.”

 

Tôi từng nghiêm chỉnh nói thẳng với các con tôi rằng, “Không ít người Việt Nam có chủ trương là họ nuôi con cái lớn khôn cho tròn bổn phận, chứ họ không mong con cái báo đền công ơn sinh dưỡng. Riêng Ba thì khác, ngày nay Ba Mẹ còn khoẻ, còn làm ra tiền, các con muốn cái gì hợp lý Ba Mẹ cũng cho; khi Ba Mẹ già yếu, Ba Mẹ cần các con giúp đỡ, các con nhớ giúp Ba Mẹ nhé…” Khi nói câu này, tôi không mong hay bắt buộc các con tôi phải trả ơn cho vợ chồng tôi, nhưng tôi muốn gieo vào đầu chúng một thông điệp, chúng phải nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ, bởi các con tôi cũng phải lo lắng và dạy dỗ các con của chúng nó sau này. Kẻ bất hiếu không thể dạy hay mong con cái của họ có lòng hiếu thảo được. Dĩ nhiên, người ta nói “nước mắt chảy xuôi” và tôi cũng ý thức điều đó lắm. Dù vậy, tôi vẫn nửa thật, nửa đùa với các con tôi rằng, “Ba đã nói rõ ý của Ba rồi đó. Mai mốt đứa nào bạc bẽo với Ba  Ba còn tha, chứ bạc bẽo với Mẹ, có guốc tao phang guốc, có gậy tao phang gậy đó nhé…”

 

Người ta có ghi lại lời nói của Khổng Phu Tử về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, “Bách Thiện Hiếu Vi Tiên”. Ý nghĩa của câu này là, một trăm điều thiện, “hiếu” là thứ nhất, là đi đầu. Một trăm không phải là số 100 mà là rất nhiều, vô lượng. Thiện là điều tốt. Điều tốt nghĩa là các việc làm với lòng chân thành, vì lợi ích của mọi người, của xã hội và tương lai.

 

 

Nói về công cha nghĩa mẹ, người Việt chúng ta có nhiều câu Ca Dao xứng đáng cho những người con tạc dạ.

Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha;

cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

 

Đây là sự hy sinh của những người mẹ dành cho con cái khi chúng còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành.

Ngày đêm mẹ ẵm, mẹ bồng.

Bên ướt mẹ nằm, bên ráo cho con.

Miếng ăn miếng mặc mẹ lo,

Làm sao con được ấm no mẹ mừng.

 

Hay,

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,

Năm canh chày thức đủ năm canh.

Cũng vì con chính vì con,

Mỗi ngày mẹ một gầy mòn tấm thân. 

Có những bà mẹ sanh con trong cảnh nghèo túng, bà phải vắt từng giọt sữa trong tấm thân khô gầy để mong cho con mình no bụng và chóng lớn khôn.

No comments: