Monday, June 21, 2021

"EM ĐAU LẮM" NỮ LAO ĐỘNG VIỆT NAM BỊ BẠO HÀNH TÀN TỆ, TUYỆT VỌNG CHỜ VỀ NƯỚC (HOÀNG LONG)

 

CHXHCNVN đem dân đi làm nô lệ,đổi đôla,còn sống chết mặc bây!

‘Em đau lắm’: Nữ lao động Việt Nam bị bạo hành tàn tệ, tuyệt vọng chờ về nước

16/06/2021

Hoàng Long

 

“Nếu mà em ở đây lâu em không biết em có thể cố gắng thêm không, em nói em không còn sức nữa,” chị Đinh Thị Ca nói với VOA từ cơ sở tạm trú ở Riyadh, Ả-rập Saudi.

 

Chị Đinh Thị Ca giơ điện thoại lên để quay chính mình. Nước mắt chị giàn giụa trên gương mặt nhợt nhạt bơ phờ. Mắt trái của chị sưng tấy và cơn đau nhức khiến chị rít lên từng hồi. Ôm đầu tựa vào gối, chị không biết có thể gắng gượng được bao lâu nữa. Chị thều thào trước camera: “Em nói công ty là nói với bà ấy đưa chị đi bệnh viện đi khám đi, chịu hết nổi rồi, đau lắm!”

Gửi video, chị hi vọng người ta có thể nhìn thấy rõ tình trạng của chị mà gấp rút giúp đỡ. Câu trả lời khiến chị thất vọng: Họ không làm gì hơn được. Chị lâm vào bế tắc cùng cực.

Một ngày kia chị quyết định tự cứu lấy mình.

Giờ chị đang nương náu ở nơi an toàn nhưng những vấn đề sức khỏe đã trở nên trầm trọng. Chị nói mắt trái của chị không còn nhìn thấy được nữa và đang làm mủ bên trong, tai trái bị ù không nghe thấy gì và bắt đầu chảy nước thối trong khi những cơn đau nhức vẫn hành hạ chị. Sự giúp đỡ mà chị nhận được vẫn ở mức tối thiểu.

Chị Ca, 39 tuổi, nói những thương tích của chị là do bị chủ đánh đập trong khoảng thời gian gần hai năm chị giúp việc nhà cho họ tại Ả-rập Saudi. Sự ngược đãi tàn tệ đến mức chị phải bỏ trốn chưa đầy hai tháng trước khi hợp đồng lao động của chị chấm dứt. Chị hiện đang ở trong một cơ sở tạm trú dành cho lao động người nước ngoài ở thủ đô Riyadh.

Mười ba lao động nữ người Việt tại cùng cơ sở tạm trú mà VOA liên lạc được nói họ cũng bị chủ ngược đãi dưới những hình thức khác nhau. Tất cả họ đều thuộc những dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và miền Bắc Việt Nam, đều giúp việc nhà cho các gia đình người Saudi tại khắp các thành phố trong vương quốc này, và đều được đưa vào cơ sở tạm trú trong tình trạng cùng quẫn.

Những trường hợp này hoàn tất hợp đồng nhưng chủ không mua vé cho về nước, làm nhiều tháng không được trả lương, bị bạo hành, và bị giữ lại hành lý và giấy tờ tùy thân. Họ nói đã nhiều lần liên lạc với đại diện các công ty tuyển dụng lao động và đại sứ quán để xin được giúp đỡ nhưng không thành công.

Họ mong muốn được hồi hương nhưng đối mặt với những trở ngại gần như không thể vượt qua. Số lượng chuyến bay về nước bị cắt giảm mạnh vì những biện pháp kiểm soát dịch bệnh buộc họ phải chờ đợi một thời gian dài, trong khi tiền vé máy bay hàng chục triệu đồng Việt Nam vượt ngoài khả năng chi trả của tất cả họ vào thời điểm này.

Một quan chức đại sứ quán Việt Nam tại Riyadh, khi phản hồi yêu cầu bình luận của VOA, tỏ ra hoài nghi về tình cảnh mà những lao động nữ này mô tả và gợi ý có những trường hợp khác đáng quan tâm hơn. Một đại diện của công ty môi giới lao động ở Việt Nam, nơi tuyển mộ một số người trong nhóm phụ nữ này, từ chối bình luận khi VOA liên lạc.

Sự bế tắc khiến họ rơi vào tuyệt vọng. Những thương tích trong quá trình lao động và thiếu sự chăm sóc y tế đầy đủ khiến cho sức khỏe của một số người suy yếu.

Chị Ca dường như là trường hợp nghiêm trọng nhất trong số này. Chị nói chị cũng bị ông chủ cưỡng hiếp nhiều lần trong khoảng thời gian làm việc.

“Nếu mà em ở đây lâu em không biết em có thể cố gắng thêm không, em nói em không còn sức nữa,” chị nói với VOA qua điện thoại từ cơ sở tạm trú. “Em đau lắm mà ở đây không có bác sĩ.”

Miền đất hứa không như hứa hẹn

Trong lúc Việt Nam tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế, xuất khẩu lao động đã mở ra cơ hội cho nhiều người cải thiện đời sống của mình và gia đình, góp phần giúp phát triển nền kinh tế của đất nước thông qua kiều hối mà người lao động gửi về.

Di cư lao động trong những năm gần đây trở thành một trọng tâm chính sách quan trọng khi ngày càng nhiều người chọn sang các nước khác làm việc trong ngắn hạn. Nó được chính phủ tích cực thúc đẩy như một phương tiện nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao kĩ năng cho người lao động, và giảm nghèo.

Hơn một triệu người Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc kể từ năm 2006, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Kể từ năm 2014, số người xuất khẩu lao động liên tục vượt mức 100.000 người một năm và tăng đều đặn cho tới năm 2020, khi những hạn chế vì đại dịch virus corona khiến con số này sụt giảm mạnh xuống ở mức hơn 78.000 người.

Thu nhập cao và ổn định hơn so với cùng ngành nghề trong nước là một trong những điểm thu hút chính. Bình quân thu nhập của người lao động làm việc ở nước ngoài là 400 - 600 đôla một tháng ở thị trường Trung Đông, 700 - 800 ở thị trường Đài Loan và 1.000 - 1.200 ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, Bộ cho biết.

Đối với nhiều người, đi làm việc ở nước ngoài là cách duy nhất giúp họ thoát khỏi cuộc sống khốn khó ở những vùng quê hẻo lánh, nơi mà đa số người dân làm nghề nông và thu nhập ít ỏi khiến họ chật vật sinh tồn.

Chị Đinh Thị Ca, người dân tộc Ba Na sinh sống trong một ngôi làng ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh thuộc tỉnh Bình Định, nói chị được một công ty tuyển dụng lao động khuyến khích đi Ả-rập Saudi để làm người giúp việc nhà vào năm 2018. Chủ nhà sẽ trang trải các chi phí để đưa chị sang đó và sẽ bao ăn ở suốt thời gian chị làm việc cho họ.

Chị nhận lời. “Tại vì nhà em cũng khó khăn, nhà thì nghèo, có mấy ít ruộng làm cũng không đủ cho con học, cho con ăn nên em cố gắng đi sang,” chị nói.

Chị tới Riyadh vào cuối tháng 10 năm 2018 và hợp đồng lao động hai năm bắt đầu ngay lập tức.

 

Chị Đinh Thị ca trong những bức hình chị tự chụp vào năm 2019

Chị nói chị được yêu cầu làm gần như tất cả mọi việc trong nhà từ lau chùi, dọn dẹp, nấu ăn, giặt đồ, tưới cây, quét sân cho tới chăm trẻ nhỏ. Một ngày của chị bắt đầu từ 8 giờ sáng và có khi kéo dài tới 3 giờ sáng ngày hôm sau vì khối lượng công việc nhiều và đòi hỏi cao của chủ, chị cho biết.

Xung đột xảy ra sau khoảng một năm làm việc vì chủ nợ năm tháng tiền lương khiến chị không thể gửi tiền về để giúp đỡ gia đình, chị nói. Sau nhiều lần chủ hứa trả mà không thực hiện, chị quyết định đình công theo gợi ý của một đại diện công ty tuyển dụng.

“Bà chủ giận, bà ấy bảo mày có biết tao mua mày bao nhiêu tiền không, mày không được nghỉ, mày phải làm,” chị kể về lần đối đầu giữa chị với vợ của người chủ. “Bà chủ đánh em trên tầng hai, bà ấy tát em mấy tát, em vẫn không nghe, em lên trên đấy.”

“Tối đấy tầm 5,6 giờ ông chủ gọi mẹ ông ấy xuống. Mẹ ông ấy lên trên tầng ba tát em, đánh em, đẩy em xuống, xong nắm hai lỗ tai em kéo xuống. Bà ấy bảo mày phải làm, mày biết tao mua mày bao nhiêu không, thà là tao giết mày chết tao bỏ mày trong thùng rác không bao giờ cho mày về gặp công ty mày.”

Chị Ca nói chị học tiếng Ả-rập trong 45 ngày ở Việt Nam theo chương trình đào tạo của công ty nên có thể hiểu và giao tiếp được trong những tình huống hàng ngày trong nhà.

“Nó đánh em xong rồi ba ngày sau, đêm em ngủ là em chảy máu mũi, em nhức hai lỗ tai không biết tả như thế nào, nó tê hết cả trong đầu em, mắt em đau nhức, ba ngày sau nó mờ dần dần,” chị kể.

Chị nói chị nhiều lần yêu cầu chủ nhà mua thuốc chữa đau mắt nhưng không được đáp ứng. Năm tháng sau đó, chị nói cơn đau vẫn không thuyên giảm và mắt chị sưng to hơn. Lúc này chị mới được đưa đi bệnh viện.

Vì khả năng giao tiếp bằng tiếng Ả-rập hạn chế nên chị không hiểu bác sĩ nói gì về tình trạng sức khỏe của mình. Tất cả những gì chị biết đều thông qua bà chủ và bà này nói lại với chị rằng mắt của chị không có vấn đề gì nghiêm trọng, chỉ cần uống thuốc giảm đau và nhỏ mắt.

Những yêu cầu nghỉ bệnh của chị đều bị chủ từ chối, chị nói.

“Bà ấy bảo là mày nói dối, phải làm,” chị kể. “Cứ bắt em uống Panadol mấy tháng, ngày nào cũng phải uống, uống sáng chiều trưa. Uống Panadol là nó giảm [đau] em mới làm được, không là em cứ ra nước mắt.”

“Cả ngày lẫn đêm em không ngủ được vì nó nhức. Xong rồi nhỏ thuốc vào [cay] giống như là ớt, ba loại thuốc cứ nhỏ vào. Nếu em không vào bếp thì em cũng đỡ hơn, mà vào bếp thì nó nồng, 24/24 em vào em làm em nấu ăn trong nhà bếp, rất là nóng.”

VOA có được những hình ảnh và video do chị Ca chụp và quay tại thời điểm chị còn làm việc cho thấy mắt của chị bị sưng. Một số khác cho thấy những vết bầm tím trên cơ thể của chị.

 

 Cáo buộc cưỡng hiếp

Sự ngược đãi không dừng lại ở việc mắng chửi và đánh đập. Chị Ca nói chị còn bị ông chủ “lợi dụng thân thể” những lúc không có những người khác ở nhà.

Khi được hỏi “lợi dụng thân thể” là như thế nào, chị nói ông chủ ép buộc chị quan hệ tình dục và xác nhận hành vi giao cấu có xảy ra.

“Ông ấy xé hết quần áo, cởi hết đồ em. Em la em khóc, em bảo là tí bà chủ về tôi sẽ báo cho bà chủ. Ông ấy bảo là mày mà báo cho bà chủ bà chủ sẽ giết mày chết. Thế là em cũng không dám báo, không biết nói gì.”

Chị nói ông chủ cũng dọa giết chị nếu chị báo với công ty về chuyện bị xâm hại.

VOA liên lạc với một người đàn ông tên Khaled Eid Radayi Al-Otaibi được xác định là “chủ sử dụng” trên hợp đồng lao động của chị Ca. Ông này nói không biết chị là ai và từ chối trả lời các câu hỏi.

“Ông là ai tôi không biết, tôi không biết ông đang nói về chuyện gì cả,” ông Al-Otaibi nói với phóng viên của VOA qua điện thoại trước khi chấm dứt cuộc nói chuyện.

Chị Ca xác nhận ông Al-Otaibi là chủ cũ của chị và đã nhiều lần tấn công tình dục chị.

“Sáu lần quan hệ với em,” chị nhớ lại. “Nó quan hệ với em mỗi lúc em làm ở trong phòng.”

“Phòng khách ở dưới thì nó bắt em ở đấy quan hệ, xong rồi em làm ở phòng con nó thì nó bắt em quan hệ ở phòng con nó. Rồi nó bắt em ở trong phòng vệ sinh một lần nhưng mà nó không quan hệ trong phòng vệ sinh, nó kéo em ra phòng đứa con của nó tại vì nhà rộng rãi như thế.”

“Khi mà nó muốn quan hệ với em thì nó phải gọi cho con nó với bà chủ để hỏi mấy giờ về. Tại vì em để ý những khi ông ấy gọi, không biết ông ấy muốn làm gì. Đêm thì ông ấy đi làm, ngày thì ông ấy ngủ, mẹ với các con thì đi hết, mỗi một mình em làm trong nhà thôi, không biết gọi ai không biết nói với ai. Em cũng rất là sợ, rất là lo mà không biết đi đâu về đâu.”

Chị Ca nói chị có gọi điện thoại kể về những vụ việc mà chị nói là đánh đập và cưỡng hiếp cho một người bạn Việt Nam cũng làm nghề giúp việc nhà ở Ả-rập Saudi. Khi được VOA liên lạc, người này xác nhận những điều chị Ca kể vào thời điểm đó.

“Em cũng không biết làm cách nào, em chỉ nói là nghĩ cách xem gọi về cho công ty để công ty can thiệp cho chị về văn phòng,” chị H’Thái Ayun nói qua điện thoại.

Bất lực tìm sự giúp đỡ

Nhưng những cuộc gọi cầu cứu của chị Ca tới công ty tuyển dụng ở Việt Nam và một đại diện công ty ở Ả-rập Saudi đều kết thúc trong vô vọng. Họ có liên lạc với chủ của chị để làm việc nhưng sau đó chị nói chị lại bị đánh vì báo với công ty.

Chị chỉ báo với công ty về chuyện chị bị hành hung nhưng không báo về chuyện chị bị cưỡng hiếp vì lo sợ phản ứng của nhà chủ, chị nói.

“Giám đốc em còn bảo là tại vì em làm việc không tốt, chắc là như vậy nên em bị nó đánh,” chị nói về phản hồi của người từng tuyển dụng chị ở Việt Nam khi chị gọi điện thoại cầu cứu.

Người này sau đó khuyên chị cố gắng làm việc thêm năm tháng nữa là hợp đồng hết hạn dù chị cố gắng giải thích chị không còn sức nữa, chị nói.

Chị Ca cho biết người mà chị liên lạc là ông Lê Đình Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Thuận An DMC‎ ở Thanh Hóa và cũng là đầu mối liên lạc cho các lao động người Việt ở Ả-rập Saudi được công ty này đưa sang.

Ông Toàn từ chối trả lời câu hỏi khi được VOA liên lạc qua điện thoại.

Một nhân viên người Saudi tại công ty tuyển dụng lao động A’amal Alissham ở Al-Qassim, nơi hợp đồng lao động của chị Ca được soạn thảo, xác nhận chị kí hợp đồng vào năm 2018 nhưng nói công ty không hay biết gì về những cáo buộc bạo hành của chị cho đến khi được VOA gọi điện thoại hỏi.

Chị Ca nói vì khả năng giao tiếp bằng tiếng Ả-rập hạn chế và vì đe dọa của nhà chủ, mọi liên lạc và yêu cầu giúp đỡ của chị đều chuyển tới một người Việt Nam đại diện các công ty tuyển dụng lao động ở Ả-rập Saudi. Những lời cầu cứu của chị thường bị phớt lờ và thậm chí chị còn bị quát vì gửi nhiều tin nhắn, chị nói.

VOA không thể liên lạc được số điện thoại của người đại diện này mà chị Ca trước đây từng gọi.

“Ngày nào bị nhà chủ đánh đập em chỉ có con bạn em ở đây biết, em nghĩ là em không thể sống được, em nghĩ là em sẽ chết,” chị nói. “Con trai em lúc nào cũng khóc, bảo mẹ ơi bây giờ con phải làm thế nào, học không được.”

 

Chị Ca nói mắt trái của chị đã làm mủ và chị không nhìn thấy được nữa.

Cuối cùng chị quyết định bỏ trốn khi chỉ còn hơn một tháng nữa là hợp đồng hết hạn. Lúc đó là 4 giờ sáng ngày 15 tháng 9 năm 2020, chị nói.

Làm sao về lại Việt Nam?

Chị Ca nói khi chị đi lang thang trên đường thì được một người đưa đến đồn cảnh sát. Sau đó chị được đưa vào bệnh viện để chữa trị những vấn đề mắt và rồi được đưa vào cơ sở tạm trú dành cho lao động nước ngoài có hoàn cảnh khốn khó, chị cho biết.

Hiện chị đang nương náu tại một cơ sở được vận hành bởi một công ty tư nhân là Sakan Company do chính phủ Ả-rập Saudi tài trợ ở Riyadh. Chị nói chị đã ở đây gần 10 tháng.

Tại đây chị tìm thấy sự an ủi và hỗ trợ từ những người Việt Nam khác đồng cảnh ngộ. Cũng giống như chị, họ cũng bị chủ ngược đãi dưới những hình thức khác nhau. Họ mong được quay trở về nước nhưng đại dịch COVID-19 khiến việc du hành bị đình trệ.

Và khi những chuyến bay được nối lại, họ bất lực nhìn những đồng hương khác về nhà vì họ không có đủ tiền để mua vé máy bay.

Chị Ca và một số người phụ nữ trong cơ sở tạm trú này nói họ nhiều lần gọi tới đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh để yêu cầu giúp đỡ nhưng không liên lạc được hoặc không ai trả lời điện thoại.

Turki Ghazi Shaikhoon, quyền giám đốc điều hành của công ty Sakan, không trả lời những câu hỏi chi tiết của VOA về tình trạng sức khỏe của chị Ca và về việc chị nói bị chủ bạo hành. Ông đề nghị VOA chuyển câu hỏi sang cho đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Saudi.

Trong một email trả lời, ông Nguyễn Quốc Khánh, bí thư thứ hai phụ trách quản lý lao động tại đại sứ quán, nói cá nhân ông và đại sứ quán “đang triển khai gấp một số hoạt động” và “sẽ trả lời sau” khi được VOA hỏi về tình cảnh của những người phụ nữ ở cơ sở tạm trú của công ty Sakan.

Ông không cung cấp thêm chi tiết.

Ông Bùi Thế Trung, bí thư thứ hai phụ trách lãnh sự - bảo hộ công dân, nói để hồi hương thì trước hết là phải có chuyến bay và những công dân này cần phải có đầy đủ giấy tờ.

“Thứ nhất họ ở trong trại, họ có đầy đủ giấy tờ hay không thì trại sẽ thông tin cho sứ quán qua kênh lao động,” ông nói với VOA qua điện thoại vào tuần trước. “Thứ hai là về chuyến bay thì bây giờ vẫn chưa có chuyến bay.”

Khi được hỏi về việc những người phụ nữ này không đủ khả năng tài chính mua vé máy bay, ông Trung nói hoàn cảnh của họ không khó khăn như phản ánh và cho biết hiện tại có hơn 1.000 người Việt Nam đang chờ được về nước.

“Cũng có rất nhiều lao động ở bên này họ khổ, họ mất việc, không được nuôi ăn nuôi ở như là nhóm lao động này… Họ [nhóm lao động này] được ăn ở miễn phí hoàn toàn,” ông nói thêm.

Nhưng những người phụ nữ này nói đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Saudi chỉ cử người đến cơ sở tạm trú của họ sau khi họ đăng video kêu cứu lên mạng xã hội vào đầu tháng 4, và quan chức đại sứ quán chưa bao giờ hỏi han về hoàn cảnh của họ.

Facebook API failed to initialize.

Chị H’Thái Ayun, người thay mặt những người phụ nữ đọc đơn kêu cứu trong video, nói chị nhận được một cảnh báo từ ông Nguyễn Quốc Khánh khi ông đến gặp họ.

“Ông ấy quay mặt chỗ em nói cái bạn này là đặc biệt nhất này, bạn này đã đọc bài viết và đăng video, nói em là người vi phạm pháp luật của Saudi không được đăng video lên mạng xã hội và nói em chống đối nhà nước Việt Nam,” chị kể.

Chị được cho biết rằng video đang được nhà chức trách Saudi xem xét và chị có thể chịu hình phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi và quan chức này rời đi sau khi đưa ra cảnh báo, chị nói.

Chị Ca cho biết chị có hỏi xin lời khuyên và chỉ dẫn từ ông Khánh về hoàn cảnh của chị trong cuộc gặp gỡ này. Câu trả lời chị nhận được là “không biết,” chị nói.

Nhưng quan chức này báo một tin khiến chị hoàn toàn tuyệt vọng: những ai đăng kí kiện nhà chủ bạo hành sẽ phải ở lại Ả-rập Saudi để theo đuổi các thủ tục pháp lý. Chị là một trong ba người quyết định làm như vậy.

“Những ai mà có kiện thì ở đây, bảo không được về, những ai mà không có lý do gì thì được đăng kí về,” chị dẫn lại lời ông Khánh.

“Em về em khóc, em bảo chắc là em chết ở đây rồi,” chị nói. “Mắt em như thế này em không biết như thế nào, chắc em không về được.”

Namo Al-Jaf từ Bộ phận Nam và Trung Á của VOA đóng góp tường trình cho câu chuyện này.

No comments: