Một bài thơ cũ: Nhà thơ Phan Ni Tấn
Phan Ni Tấn sinh năm 1948 tại Ban Mê Thuột. Cha là người gốc Cần Giuộc, Long An; mẹ là người Huế.
Ông tốt nghiệp Đại Học Khoa Học Sài Gòn năm 1969, chính thức phục vụ Quân Lực VNCH tại Pleiku năm 1971. Ông tham gia phong trào Du Ca Ban Mê Thuột năm 1972.
Nhà thơ Phan Ni Tấn. (Hình: Hợp Âm Việt)
Sau sự kiện 30 Tháng Tư, 1975, ông bị đi cải tạo tại trại cải huấn Ban Mê Thuột, vượt biên cuối Tháng Mười Một, 1979, tới Thái Lan. Từ năm 1980 tới nay định cư cùng gia đình tại Toronto, Canada.
Hiện cộng tác với nhiều báo chí tại hải ngoại như: Văn, Văn Học, Nhân Văn, Làng Văn, Phố Văn, Hợp Lưu, Hồn Việt, Văn Nghệ, Văn Phong, Diễn Đàn Tự Do, Phụ Nữ Diễn Đàn, Saigon Times.
Hình: Nguyễn Bá Trạc
Bài ca học trò
Kính thưa thầy đây bài chính tả của con
bài chính tả viết về nước Mỹ
con viết hai lần sai chữ America
con viết hai lần sai chữ Communist
con viết hai lần sai chữ Liberty
làm sao được, làm sao được, bởi anh con vừa chết
Kính thưa thầy, đây bài luận triết của con
Một căn nhà và một trái phá
đám cưới hồng bên cạnh một đám ma
Một kiếp sống tàn dưới miệng người no ấm
Ôi tiếng hát nào bên lệ em tuôn mau
làm sao thuộc bài con học để vinh thân đời sau
Kính thưa thầy đây là bài toán của con
Những đường cong đường thẳng đều có gài mìn
đường trong thành phố có bar, có Mỹ, có con gái học trò
đường vào rừng có chông sắt, có hầm hố cá nhân
đường vào đời có đao kiếm, có xương máu căm hờn
Con đã chứng minh nhiều lần đường ngoằn ngoèo qua Mỹ, qua Paris thật ngắn
nhưng không thể nối liền Sài Gòn-Hà Nội
nhưng không thể nối liền thành phố với làng quê
Con không đậu tú tài để đi sĩ quan Đà Lạt
Con không đậu tú tài để làm bác sĩ kỹ sư
Kính thưa thầy đây bài thuộc lòng của con
Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến
Một trăm năm Pháp thuộc
hai mươi năm đọa đày
Làm sao con thuộc được truyện Kiều Nguyễn Du
Những bài thơ Mùa Thu Nguyễn Khuyến
Những bài Công Dân, Sử Địa
Những bài học con ngại ngùng không dám đọc to
Trên hè phố
Hay những vùng ngoại ô xa
Kính thưa thầy đây là quyển vở của con
suốt một năm chưa một tờ có chữ
con để dành ép khô những giọt nước mắt
của cha con, của mẹ con, của chị con, và của chính con.
No comments:
Post a Comment