Monday, October 4, 2021

VÌ SAO "THIỆN" KHÔNG THẮNG NỔI "ÁC" TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY? (VANN PHAM)

 Vì sao ‘Thiện’ không thắng nổi ‘Ác’ trong thế giới ngày nay?

October 2, 2021

Vann Phan


SANTA ANA, California (NV) – Cuộc “tháo chạy” không mấy trật tự, với những tổn thất đáng kể về nhân mạng và vũ khí bỏ lại của các lực lượng Mỹ và Đồng Minh NATO khỏi thủ đô Kabul, hồi Tháng Tám, 2021, cho thấy, một lần nữa, sau những Việt Nam, Iraq và Syria, các đại diện của phe “Thiện” đã không thắng nổi phe “Ác” trong cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm xác định đâu là chân lý trên thế gian này.

Binh sĩ Mỹ giúp đưa những người tị nạn Việt Nam qua cầu Trường Tiền bị gãy trong cuộc chiến ở Huế vào Tháng Hai, 198. (Hình minh họa: Terry Fincher/Daily Express/Hulton Archive/Getty Images)

Nói “không thắng nổi” chỉ là một cách nói để làm cho nhẹ bớt đi cái thất bại ê chề của Hoa Kỳ cùng các đồng minh của mình trước một phe phản loạn không mấy hùng mạnh về quân sự mà cũng chẳng hấp dẫn mấy về chính trị tại Afghanistan, một đất nước Hồi Giáo kém mở mang, đầy núi non và không có mặt nào giáp với biển tại miền Tây Nam Á, bao quanh là các quốc gia Tajikistan, Uzbekistan, Iran và Pakistan.

Thế nào là “Thiện,” thế nào là “Ác?”

Cũng cần phải xác định rõ “Thiện” không phải là chỉ biết ăn ở hiền lành và ưa cứu khổn, phò nguy, và “Ác” thì không phải là chỉ giết người mà thôi, bởi vì hai tĩnh từ này, ở đây, không đề cập tới mức độ đạo đức của con người trong xã hội mà nói về bản chất và hành vi của các phe đối đầu nhau trong những cuộc xung đột võ trang trên thế giới ngày nay.

Các quốc gia thuộc phe “Thiện” thường là những nước theo chế độ tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật, bảo vệ nhân quyền, tôn trọng các điều khoản trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, và nghiêm chỉnh thực thi các hiệp định song phương hay đa phương đã ký kết với quốc tế, trong đó có việc không xâm phạm lãnh thổ của các nước khác và không thực hiện những hành động khủng bố hoặc bảo trợ cho quân khủng bố chống các nước khác. Nằm trong phe “Thiện” là hầu hết các quốc gia dân chủ của Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, Âu Châu và Phi Châu, cùng các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng như các quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo ôn hòa.

Các quốc gia thuộc phe “Ác” thường là những nước theo chế độ độc tài, đảng trị, hoặc có niềm tin tôn giáo cực đoan, hoặc theo chế độ dân chủ giả hiệu để lừa bịp dân chúng trong nước và cả thế giới. Đặc tính của các quốc gia thuộc phe này là chủ trương cai trị thay vì phục vụ dân chúng, không hề tôn trọng nhân quyền (trong đó có nữ quyền), chuyên đàn áp tôn giáo cùng các nhóm đối lập, và bóp nghẹt tiếng nói của những người bất đồng chính kiến hoặc báo chí truyền thông… trong khi chính quyền thì chuyên lạm dụng quyền hành và tham nhũng.

Tất cả các nước Cộng Sản còn lại trên thế giới ngày nay, kể các nước Lào nhỏ bé và kém mở mang tại Đông Nam Á, đều thuộc loại này, cộng với các quốc gia đang phát triển hoặc đã giàu mạnh như Syria, Venezuela, Iran, Nga… và luôn cả nước Afghanistan vừa được phe Taliban đến “giải phóng” khỏi chính quyền dân chủ Afghanistan hồi cuối Tháng Tám năm nay.

Chỗ yếu của phe “Thiện”

Vì “Thiện” đã không thắng nổi “Ác” trong cục diện thế giới này nay, điều này chứng tỏ phe “Thiện” có nhiều nhược điểm. Các nước theo thể chế tự do, dân chủ thường có các chính sách đối nội và đối ngoại bất nhất tùy theo lòng dân lúc thế này, lúc thế kia, khi thì mạnh mẽ chống khủng bố ở ngoại quốc, khi thì lo rút quân về nước để khỏi tốn kém…

Cũng vì tôn trọng tự do, dân chủ, chính phủ các nước đó không cần thiết phải tôn trọng các mục tiêu xa vời bên ngoài đất nước họ mà chỉ chăm lo đáp ứng cuộc sống thực tế ấm no cho dân chúng trong nước mà thôi, khiến các giá trị tinh thần hay các lý tưởng cao quý bên ngoài đất nước họ phải bị hy sinh. Cũng vì nền tự do, dân chủ, các phe phái khác nhau trong nước đôi khi còn ra mặt chống đối nhau, tới độ làm lợi cho ngoại quốc nữa.

Thể chế tự do, dân chủ không cho phép chính quyền dành nhiều tài nguyên đất nước cho an ninh và quốc phòng như các quốc gia độc tài, đảng trị vẫn làm một khi họ muốn củng cố sức mạnh quân sự để dọa nạt hoặc xâm lăng các nước khác. Đó là trường hợp Cộng Sản Trung Hoa đang đe dọa xâm lược đảo quốc Đài Loan hoặc đánh chiếm tất cả các đảo nhỏ và bãi đá bên trong Đường Chính Đoạn, tức Đường Lưỡi Bò, mà họ tự vẽ ra để giành hết 9/10 Biển Đông vào tay mình.

Rồi khi đưa quân sang giúp các quốc gia nhỏ bé bị họa xâm lăng hoặc đang phải sống dười các chế độ cai trị hà khắc, các nước tự do, dân chủ vẫn không dám dùng hết sức mạnh quân sự để chiến thắng đối thủ, trong khi đó lại nghiêm chỉnh tôn trọng sinh mạng của thường dân nên không thể tiêu diệt được hết quân địch một khi họ trà trộn vào bên trong dân chúng hoặc dùng dân chúng làm bia đỡ đạn, như nhiều trường hợp từng xảy ra trong Chiến Tranh Việt Nam cũng như trong các cuộc chiến tranh tại Iraq, Syria và Afghanistan.

Điểm mạnh của phe “Ác”

Éo le thay, trong khi các quốc gia tự do, dân chủ có những chỗ yếu như vậy thì các nước thuộc phe “Ác” lại có nhiều điểm mạnh giúp họ chiến thắng đối thủ.

Vì là những quốc gia độc tài, độc đảng và bất chấp nguyện vọng của dân chúng, đồng thời không hề cho phép có tiếng nói đối lập với chính quyền, các nước thuộc phe “Ác” luôn thống nhất ý chí và kiên trì trong mọi cuộc chiến mà họ can dự vào.

Vì chuyên dùng sức mạnh quân sự để đàn áp các cuộc nổi dậy trong nước và gây hấn với nước ngoài, các nước thuộc phe “Ác” luôn dành những món tiền khổng lồ để tối tân hóa quân đội thay vì cải thiện cuộc sống của dân chúng trong nước. Và vì chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện,” họ tha hồ sử dụng bạo lực và những phương pháp tàn ác nhất để hoàn thành mục tiêu đã định, bất chấp phúc lợi và sinh mệnh của thường dân để giành lấy chiến thắng sau cùng.

Những vụ quân Cộng Sản Bắc Việt xả súng bắn cả vào đám thường dân chạy loạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị hồi năm 1972 và trên Con Lộ Máu ở Tuy Hòa hồi năm 1975. Cũng như vụ nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp đẫm máu những sinh viên và thanh niên biểu tình tại Quảng Trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hồi năm 1989 là những ví dụ điển hình.

Các nước thuộc phe “Ác” cũng không cần phải tôn trọng nền độc lập của bất cứ quốc gia nào, cho dù họ cùng các quốc gia khác đều là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Đó là trường hợp Trung Quốc gậy chiến rồi lấn chiếm một số đất đai tại vùng biên giới với Việt Nam, từ năm 1984 đến 1989, hoặc đánh chiếm đảo Gạc Ma cùng các bãi đá quanh đó tại Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam hồi năm 1988, và trường hợp Nga dùng vũ lực sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Liên Bang Nga hồi năm 2014.

Phải chăng định mệnh và vận số quyết định tất cả?

Trong bản “Bình Ngô Đại Cáo” do công thần Nguyễn Trãi biên soạn hồi năm 1428 sau khi Vua Lê Lợi đã đánh đuổi được Quân Minh ra khỏi đất nước Đại Việt, có câu “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo,” nghĩa là hễ ai dùng nhân, nghĩa mà thu phục thiên hạ thì nhất định sẽ chiến thắng kẻ bạo tàn.

Hiện trường vụ nổ bom xe nhắm vào binh sĩ Mỹ bên ngoài phi trường Kabul, ngày 30 Tháng Tám, 2021. (Hình minh họa: Wakil Kohsar/AFP via Getty Images)

Tự ngàn xưa và mãi cho đến hạ bán thế kỷ thứ 20, điều đó đã đúng khi nền văn hóa trọng nhân nghĩa và tôn sùng cái “Thiện” tại các nước Á Đông (trong đó có cả Việt Nam lẫn Trung Hoa) còn tồn tại, nhưng tới ngày nay thì rõ ràng là không còn đúng nữa khi chẳng những các dân tộc Á Đông mà loài người khắp nơi đang tìm cách bỏ “Thiện” để theo “Ác.”

Ngày nay, dường như các tiêu chuẩn về đạo đức và luật pháp của thế giới đã thay đổi hẳn từ Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975) qua Chiến Tranh Iraq (2003-2011), và Chiến Tranh Syria (2011 đến nay), cho tới Chiến Tranh Afghanistan (2001-2021) khi cái “đại nghĩa” và “chí nhân” của người xưa đã không đủ sức chiến thắng kẻ “hung tàn” của thời đại.

Phải chăng chính Định Mệnh và Vận Số, là những yếu tố siêu hình, đã quyết định tất cả khi mọi nỗ lực của con người muốn dùng cái “Thiện” để đẩy lùi cái “Ác” đều thất bại? (Vann Phan)


No comments: