Wednesday, May 4, 2022

BA LẦN ĐỔI TIỀN SAU 30/04/1975

 

Ba lần đổi tiền sau 30/4/1975

1/ Đổi tiền ngày 22/9/1975

Ngày 3/5/1975 chính quyền cách mạng tiếp quản NHQG của chính quyền Sài Gòn và vẫn sử dụng đồng tiền của chế độ cũ trong lưu thông để không gây rối loạn trong lưu thông tiền tệ ở miền nam những ngày đầu giải phóng. Ngày 6/6/1975 - 5 tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT - 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do Ông Trần Dương làm Thống đốc và thông qua danh nghĩa để thừa kế vai trò hội viên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cũ của Việt Nam Cộng hòa này trong các tổ chức tài chính quốc tế như: IMF, ADB, WB.

Tiếp theo, đài phát thanh yêu cầu người dân phải về nhà trước 23 giờ ngày 21/9 để đợi thông báo quan trọng. Lúc 2 giờ ngày 22/9/1975, đài loan tin về quy định đổi tiền và kéo dài thời gian giới nghiêm đến 11 giờ sáng. Thời gian đổi tiền sẽ bắt đầu vào lúc 11 cho đến 23 giờ cùng ngày, tức chỉ có 12 giờ đồng hồ để hoàn thành việc thu và đổi tiền. Thể thức:

- Từ Quảng Nam, Đà Nẵng vào nam thì hối suất là 500 đ VNCH = 1 đ tiền CHMNVN.

– Từ Thừa Thiên Huế trở ra Bắc thì hối suất là 1000 đ VNCH = 3 đ tiền CHMNVN.

Tỉ lệ hối đoái:

1 USD = 1,51 đ CHMNVN (Cộng Hoà miền nam Việt Nam)

1 USD = 2,90 đ NHVN. (Ngân hàng Việt Nam)

Mỗi gia đình được đổi 100.000 đồng VNCH ra thành 200 đồng CHMNVN để tiêu dùng thường nhật (300 đồng ở Thừa Thiên). Tiểu thương có thể đổi thêm 100.000 đồng nữa. Những xưởng lớn thì hạn là 500.000 đồng. Số tiền còn lại, tối đa là 100.000 cho một gia đình và 1.000.000 đồng cho công xưởng thì phải ký thác vào ngân hàng.

Ở miền Bắc, 1 đồng giải phóng đổi 1 đồng thống nhất, ở miền Nam 1 đồng giải phóng đổi 8 hào thống nhất. Đồng thời nhà nước cũng phát hành thêm các loại tiền 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 50 đồng, 100 đồng. Sau đó, từ đầu năm 1976, các gia đình có tiền đổi được phép rút 30 đồng mới mỗi tháng. Tuy nhiên đến tháng 12/1976 thì dân chúng không được rút tiền nữa.

2/ Đổi tiền ngày 3/5/1978

Sau khi thống nhất Việt Nam năm 1976, ngoài mục đích thống nhất tiền tệ giữa hai miền Nam Bắc, đổi tiền lần này được coi là một trong những phương thức tiến hành cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam Việt Nam. Với quyết tâm xóa bỏ hình thức kinh tế tư bản hiện hữu tại miền Nam, chính quyền mới đã thực thi mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa trên cả nước.Theo sắc lệnh của thủ tướng mang số 88 CP ký ngày 25/4/1978 thì lệnh đổi tiền này được giữ kín đến ngày 3/5, đến lúc đó mới công bố toàn quốc. Ở miền Bắc, một đồng mới trị giá bằng một đồng cũ (tiền phát hành năm 1958); ở trong Nam, một đồng mới bằng 0,80 đồng cũ (phát hành năm 1975). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cận đại cả nước Việt Nam chỉ dùng một mẫu tiền chung.

Dân thị thành được đổi tối đa:

- 100 đồng cho mỗi hộ 1 người;

- 200 đồng cho mỗi hộ 2 người;

- Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 50 đồng/người;

- Tối đa cho mọi hộ thành phố bất kể số người là 500 đồng.

Dân quê được phép đổi theo ngạch sau:

- 100 đồng cho mỗi hộ 2 người ;

- Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 30 đồng/người;

- Tối đa cho mọi hộ dưới quê bất kể số người là 300 đồng.

Số tiền đang có trên mức tối đa phải khai nộp và ký thác vào ngân hàng. Khi cần dùng có lý do chính đáng thì tiền đó có thể rút ra. Một điều buộc nữa là trương chủ phải chứng minh số tiền này là tiền kiếm được bằng sức lao động chân chính.

3/ Đổi tiền ngày 14/9/1985

Ngày 12/9/1985, báo Tuổi Trẻ đăng tại trang nhất: Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương và đã viết: Với sự tăng cường hiệu lực của bộ máy chuyên chính vô sản mọi hậu quả tin đồn phải được thanh toán triệt để. Thế nhưng chỉ hai ngày sau, sáng sớm 14/9/1985, hệ thống phát thanh, truyền hình và báo chí trong cả nước bất ngờ đưa tin thời sự nóng hổi Đổi Tiền. Nhà nước công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương. Mỗi gia đình chỉ được đổi 20.000 đồng cũ lấy 2.000 đồng mới; mỗi người độc thân chỉ được đổi 15.000 đồng cũ lấy 1.500 đồng mới; mỗi hộ kinh doanh công thương nghiệp chỉ được đổi 50.000 đồng cũ lấy 5.000 đồng mới. Nhà nước đã cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền trước đó để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá.

Thế nhưng, đời sống kinh tế xã hội Việt Nam những năm sau đổi tiền rơi vào hỗn loạn với mức lạm phát cao tới ba con số: năm 1986 là 774%, năm 1987 là 323%, và năm 1988 là 393%. Theo ông Nguyễn Thượng Hòa – nguyên Quyền Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, tổng bí thư Đỗ Mười đã tập trung giải quyết 5 vấn đề mà ông cho là trực tiếp gây ra lạm phát. Cụ thể, để tiếp tục khắc phục mất cân đối cung cầu hàng hóa, vào tháng 2/1989, ông Đỗ Mười chỉ đạo tìm mọi cách đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, tạo nên một quỹ hàng hóa để ứng phó với những biến động về cung cầu hàng hóa có thể xảy ra khi thực hiện những biện pháp quyết liệt chống lạm phát. Theo lời kể của ông Nguyễn Thượng Hoà, ông Đỗ Mười đã yêu cầu Bộ Ngoại thương xóa bỏ những quy định không hợp lý về nhập khẩu phi mậu dịch, không những cho phép mà còn khuyến khích cán bộ, chuyên gia, học sinh, sinh viên, lao động ở nước ngoài, Việt kiều khi trở về nước đem hàng về càng nhiều càng tốt, Nhà nước không đánh thuế, không thu mua.

Về xuất nhập khẩu và ngoại tệ, tháng 3/1989, Nhà nước xóa bỏ chế độ hai tỷ giá song hành: bỏ tỷ giá chính thức (lúc đó là 3.500 đồng/USD, thấp hơn gần 25% so với tỷ giá trên thị trường (4.550 đồng/USD); thực hiện một tỷ giá ngoại tệ duy nhất được vận dụng linh hoạt theo diễn biến tỷ giá được hình thành trên thị trường qua hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, ông còn thực hiện chính sách: ngân sách không trợ cấp xuất khẩu, không bù lỗ nhập khẩu; khuyến khích kiều bào ở nước ngoài gửi kiều hối về nước; chuyển từ lãi suất thực âm sang lãi suất thực dương; tổ chức lại hệ thống ngân hàng bao gồm Ngân hàng Nhà nước làm chức năng quản lý nhà nước và nhiều ngân hàng chuyên doanh hoạt động bằng vốn tự thu hút trong xã hội theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh có lãi.

Không những vậy, toàn bộ giá hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất của Nhà nước đều được nâng lên sát giá thị trường. Tiền lương được điều chỉnh lên, không những đủ bù lại tác động của việc tăng giá hàng mà còn có cải thiện một phần đời sống của họ: tiền lương tối thiểu được nâng gấp 4 lần, tổng quỹ tiền lương được tăng lên gấp 5 lần so với năm 1988. Những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt này khi đưa ra đã gây những phản ứng của cả các nhà kinh tế và các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, ông Đỗ Mười rất thận trọng. Ông cử một đoàn cán bộ gồm: Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xuống Hải Phòng làm thí điểm. Kết quả cho thấy, việc thực hiện các biện pháp trên không gây ra những rối loạn kinh tế - xã hội như có ý kiến lo ngại. Trên cơ sở đó, ông đề nghị Hội đồng Bộ trưởng áp dụng trên phạm vi cả nước.

Kết quả là lạm phát bị chặn đứng, chỉ số giá từ tháng 5 đến tháng 7/1989 giảm so với các tháng trước, có tháng chỉ số là âm: tháng 4 giảm 1% so với tháng 3; tháng 5 giảm 2% so với tháng 4. Tiếp đó, do lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 6 và tháng 7, 8, 9, ngân hàng đã hai lần điều chỉnh lãi suất xuống cho phù hợp với chỉ số lạm phát nhưng vẫn bảo đảm người gửi tiền được hưởng lãi suất cơ bản. Các chuyên gia kinh tế nước ngoài thời đó đã vô cùng ngạc nhiên vì đã dũng cảm thực hiện những cải cách cơ bản, nhất là việc xóa bỏ bao cấp gạo, việc thực hiện một tỷ giá ngoại tệ duy nhất trên cơ sở tỷ giá hình thành trên thị trường (mà họ gọi là phá giá đồng tiền Việt Nam), việc chuyển đổi từ lãi suất thực âm sang lãi suất thực dương mà không gây xáo trộn kinh tế, chính trị, xã hội.

Việc nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên 12% là một ví dụ điển hình. Trong khi chỉ số lạm phát là 7% một tháng, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12%, nhân dân thấy gửi tiền vào ngân hàng vừa bảo đảm được giá trị tiền gửi vừa có lợi thêm 5% nên đã ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng. Lãi suất tiền vay ngân hàng được nâng lên 10-11%, tức là bằng chỉ số lạm phát cộng với thực lãi mà người vay phải trả cho ngân hàng là 3 - 4%. Ngân hàng phải quản lý chặt chẽ việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, giảm tín dụng cho Nhà nước để bù đắp bội chi ngân sách. Tổ chức lại hệ thống ngân hàng, bao gồm Ngân hàng Nhà nước làm chức năng quản lý nhà nước và nhiều ngân hàng chuyên doanh hoạt động bằng vốn tự thu hút trong xã hội theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh có lãi. Ngân hàng phải thu hút vốn từ xã hội để bảo đảm nhu cầu tín dụng, hạn chế việc phát hành thêm tiền mặt ra thị trường.

Khi Nhà nước sửa đổi chính sách đối với nhập khẩu phi mậu dịch, hàng từ nước ngoài đem về rất nhiều, hầu hết là hàng mà nhân dân trong nước rất cần như tân dược, vải vóc, đồ điện tử,... Người đem hàng về phấn khởi vì có thêm thu nhập, nhân dân cũng phấn khởi vì có hàng để mua. Số lượng kiều hối gửi về cũng tăng gấp nhiều lần. Đối với nông dân, việc nâng giá mua lúa lên sát giá thị trường khiến nông dân phấn khởi, bán gần triệu tấn lúa cho Nhà nước, nhờ đó Nhà nước không còn phải nhập khẩu gạo mà vẫn có lực lượng để bình ổn giá thị trường, ngoài ra có gạo để xuất khẩu.

Trong những tháng sau đó, chỉ số giá có tăng trở lại, nhưng mức độ tăng thấp hơn nhiều. Đó là do tài chính phải chi những khoản rất lớn cho an ninh, quốc phòng để rút quân khỏi Campuchia và giảm quân số, cho xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế (điện, giao thông vận tải...) để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư của nước ngoài (FDI, ODA), cho xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, phát triển dịch vụ xã hội, để trả nợ đến hạn và lãi tiền vay nước ngoài. Ngược lại, nguồn thu lại gặp những khó khăn mới, như không còn nguồn viện trợ, nguồn vay và nguồn nhập khẩu vật tư chiến lược (xăng dầu, kim khí, phân hoá học) với giá ưu đãi từ Liên Xô. Cho nên ngân sách lại tiếp tục bội chi và lại phải tiếp tục vay ngân hàng, ngân hàng lại phải phát hành thêm tiền để cân đối ngân sách.

Chỉ từ năm 1992 trở đi, khi nền kinh tế phát triển, GDP tăng, đời sống nhân dân được nâng cao dần, tỷ lệ huy động GDP cho ngân sách tăng lên; mặt khác, có thêm nguồn thu mới từ dầu thô, xuất khẩu gạo, vay và viện trợ nước ngoài mới chấm dứt được việc ngân sách phải vay ngân hàng và cơ bản khắc phục được lạm phát.

No comments: