Wednesday, March 15, 2023

BÀ NỘI (NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG)

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG.

 

    BÀ  NỘI.

Ông Nội đón cu Tí đi học về, nó ngồi vào chiếc ghế sắt kê gần cửa sổ như thường lệ và đong đưa hai chân chờ đợi người cởi giầy.

Bà Nội ngồi xuống nhẹ nhàng tháo cho cháu từng chiếc giầy, xong cu Tí nhảy xuống khỏi ghế, ôm lấy cổ bà, để mặc cho bà âu yếm hôn lên khuôn mặt bầu bĩnh và mái tóc thơm tho của nó. Dường như nó biết đó là bổn phận phải trả công cho bà đã hầu hạ, chăm sóc nó, là làm cho bà hài lòng sung sướng.

Bà vuốt ve bàn tay xinh của cu Tí và dịu dàng hỏi:

-          Hôm nay cu Tí học vui không? Có đứa nào đánh cháu bà không?

Cu Tí tự hào khoe:

-          Không có đứa nào đánh cháu, mà cháu còn đánh thằng kia đó bà nội.

-          Ấy chết! Sao cháu lại đánh bạn? lần sau không được làm thế nữa, có gì thì mách thầy giáo, nghe chưa?

Cu Tí ngoan ngoãn gật đầu, rồi nó chạy biến vào phòng chơi game.

Bà Nội hỏi với theo:

- Cu Tí có đói không? Bà lấy cơm cho mà ăn…

- Không, không, cháu no rồi. Nó trả lời vội vàng để không bị quấy rầy khi chơi game.

Ông lên tiếng khiển trách nhẹ nhàng:

- Nó ăn ở trường mà bà lúc nào cũng lo nó đói.

Bà bèn chứng minh:

-          Trẻ con có khi mải chơi quên ăn, về nhà bụng đói là thường. Hôm nọ nó về nhà, ăn một hơi hết cả bát cơm ông không nhớ sao? À, hôm nay tôi có làm món cá bống trứng kho tiêu, chiều mẹ cu Tí đến, cho mẹ nó một hộp mang về nhà.

-          Bà hết lo cho con lại lo cho mẹ, chẳng bù trước kia bà ghét nó đến chừng nào!

Bà chạnh lòng, ngồi im trên chiếc ghế sắt mà cu Tí vừa ngồi và nhìn mênh mông nắng ngoài khung cửa, cũng vẫn ngôi nhà này, khung cửa sổ này, và nắng và gió này có gì thay đổi? Vậy mà đã bao đổi thay của những người sống trong ngôi nhà.

Cách đây 15 năm hai vợ chồng bà cùng hai đứa con đặt chân đến Mỹ, như bao nhiêu gia đình Việt Nam khác ông bà đã đi làm chăm chỉ dù công việc nặng nhọc để kiếm tiền sinh sống và lo cho con ăn học. Họ kỳ vọng vào hai con, nhất là đứa con trai, ông bà mong ước chúng sẽ học lên Đại Học, có nghề nghiệp vững vàng để ông bà được hãnh diện như người ta. Vậy mà đang học lớp 12 thì đùng một cái thằng con trai bỏ học, đòi lấy vợ, là một đứa bạn gái cùng lớp.

 Bà nghe như sét đánh ngang đầu, hết la mắng đến năn nỉ và đe doạ một tương lai khổ cực khó khăn vì cả hai cùng quá trẻ, học hành không đến nơi đến chốn làm sao tạo dựng được một gia đình ? Nhưng nó khăng khăng giữ vững ý định, hai đứa đang yêu nhau, không thể sống thiếu nhau hơn nữa cô gái kia đã có thai.

Hôm thằng con dẫn người yêu về ra mắt bố mẹ chồng tương lai, bà nhìn cô gái bằng ánh mắt không thiện cảm, nó là nguyên nhân làm con trai bà mê đắm, bỏ dở học hành tương lai mù mịt và làm tan nát ước mơ của gia đình bà. Nhưng vì thương con, bà vẫn phải chấp nhận theo yêu sách của nó.

Đám cưới xong, chúng ở chung trong nhà bà, cái hạnh phúc ngây thơ ấy kéo dài cho tới khi thằng cu Tí chào đời thì hai vợ chồng trẻ mới bắt đầu dối diện với thực tế.

Hai vợ chồng cùng đi làm đủ thứ việc vặt theo khả năng của chúng như ngồi trả lời điện thoại ở văn phòng Bác sĩ, làm ở nhà hàng hay chợ búa v..v..

Cô con dâu tuổi còn trẻ, còn mê ăn mê ngủ, lại bận đi làm nên giao phó thằng cu Tí cho bà Nội. Bà từng là một người mẹ, có bao nhiêu kinh nghiệm, bao tình yêu thương bà đem ra lo cho cháu dù nó vào nhà bà không đúng lúc.

Cu Tí ngủ với bà, mỗi đêm bà thức dậy mấy lần pha sữa cho nó bú, ban ngày bà chơi với cháu, tắm rửa cho cháu, hai bà cháu mà như hai mẹ con, bà thức khuya thấp thỏm lo âu khi cu Tí nóng sốt, bà quặn lòng khi cu Tí bị ho, bà xót xa khi cu Tí tập những bước đi đầu tiên ngã sưng u cả trán.

Cu Tí giống bố như khuôn đúc, bà yêu nó như ngày xưa đã yêu thằng con trai. Nỗi thất vọng buồn phiền vì con cũng nguôi ngoai theo ngày tháng, bà an phận, lo vun đắp cái hạnh phúc hiện tại, vậy mà hai vợ chồng trẻ cũng chẳng để bà yên, chúng thường xuyên cãi vã nhau, đánh nhau và đôi lần đòi li dị. Tình yêu tuổi trẻ nông nỗi như thế đấy, trời cũng không thể cản họ đến với nhau, nhưng rồi chóng chán, chóng vỡ mộng.

Bà đã bao lần khuyên giải cả con trai lẫn con dâu, bà sợ cuộc sống gia đình tan vỡ thì tội nghiệp  thằng cu Tí bé bỏng. Nhưng họ chưa kịp chia lìa nhau thì định mệnh đã ra tay, một hôm trên đường lái xe về nhà đã xảy ra tai nạn, con trai bà qua đời, cô con dâu bị thương nhẹ, sống sót.

Đứa con trai duy nhất của bà đã chết, bà tưởng như không thể sống nổi nếu không có thằng cu Tí, một hình ảnh của con trai bà, một dòng máu của gia đình bà.

 Bà mất con, cu Tí mất cha, càng đau đớn bà càng thương yêu đứa cháu nội côi cút.

Từ khi chồng chết, con dâu bà không ở chung nữa dù cửa nhà bà vẫn rộng mở và hai ông bà vẫn rộng cả tấm lòng, muốn con dâu và cháu cứ ở chung như trước.

 Cũng may, con dâu thuê một căn phòng Apartment gần ngay đó để tiện gởi cu Tí cho ông bà chăm sóc. Tội nghiệp đứa con dâu, mới 23 tuổi đầu, kiến thức, kinh nghiệm sống không là bao, làm sao nó có thể tạo dựng một cuộc sống với đứa con còn thơ dại?, nên trước mắt rất cần sự giúp đỡ của cha mẹ chồng như từ lúc cô bước chân vào làm dâu nhà này. Cô không muốn quay trở về nhà mình, mẹ cô đã chết từ lâu, cô sống với cha và bà mẹ kế chẳng vui vẻ gì.

Thế là ông bà có niềm vui là Cu Tí.

Đứa con gái lớn của ông bà đã học xong đại học và lấy chồng, hiện sống ở tiểu bang khác.

Năm nay cu Tí 6 tuổi và học lớp Một, ông bà đưa đón cháu đi học, chiều, mẹ cu Tí - gìơ giấc mẹ nó cũng chẳng nhất định, khi sớm khi muộn - lại sang đón con về. Con dâu bà có đời sống riêng của nó, đi sớm về muộn là quyền của nó, bà đâu dám hỏi, miễn sao nó để yên cho cu Tí sống gần ông bà như thế này mãi mãi.

Những lúc ngồi rảnh bà tính chuyện tương lai xa tít tắp của cu Tí cho ông nghe, cu Tí sẽ lớn lên trong ngôi nhà này, sẽ học trường Đại học ở thành phố này, những đồng tiền dành dụm ít ỏi của ông bà sẽ dành hết để lo cho cu Tí, nó sẽ đi vào con đường mà ngày xưa ông bà ước vọng dở dang nơi bố nó.

Ông thực tế hơn, chỉ cười thầm giấc mộng xa vời của bà, với ông, sống ngày nào biết ngày đó.

Tháng trước, con gái bà sinh con bà dự định đi California một tháng để thăm con, thăm cháu, bà đứt ruột khi phải rời xa cu Tí, bà dặn dò ông đủ thứ và tỉ mỉ từng chút một để ông thay bà trông cháu trong thời gian bà vắng mặt. Buổi chiều, trước ngày đi, bà đã ôm cháu vào lòng và thủ thỉ với nó:

-          Mai bà đi California thăm bác của cu Tí có baby, cháu ở nhà với ông nội và với mẹ ngoan nhé, một tháng sau bà lại về với cháu.

Làm như bà “xin phép” cu Tí vậy, thằng bé nghe bác nó có baby nên thích chí gật đầu và dặn dò bà đi chỉ một tháng thôi nhé, nhưng thật ra trong đầu óc ngây thơ của đứa bé 6 tuổi thì có hiểu một tháng 30 ngày dài như thế nào đâu.

 Bà mới ở California được hai tuần lễ ông đã gọi điện thoại kể cu Tí nhớ bà, gọi bà về, rồi ông đưa phone cho cu Tí, nó khóc nức nở trong phone : “ Bà ơi, cu Tí nhớ bà lắm, bà về đi…”

Tiếng khóc của cu Tí đã làm bà cảm động khóc theo và không đành lòng ở lại thêm, bà thương con gái và cháu ngoại, nhưng họ còn có chồng, có cha ở bên cạnh, có một gia đình đầy đủ, họ không cần đến bà như cu Tí.

Thế là hôm sau bà đòi lên máy bay trở về nhà, mặc cho cô con gái cằn nhằn, khó chịu.

Bây giờ bà đang ngồi đây, nắng chiều đã dịu nhưng hãy còn sớm lắm, cu Tí còn đang mải chơi game nên chưa chịu đi tắm rửa thì mẹ nó đã về tới. Xưa nay giờ giấc cô bất thường, nhưng bà vẫn ngạc nhiên:

-          Hôm nay con về sớm thế?

Cô ngồi xuống ghế, đối diện mẹ chồng và im lặng. Bà dịu dàng bảo con dâu:

-          Chốc con mang hộp cá bống trứng kho tiêu về mà ăn, mẹ kho khô đúng ý con đấy.

Nhưng cô vẫn không có vẻ quan tâm đến món ăn mà cô yêu thích, mãi cô mới lên tiếng:

-          Ngày mai cu Tí và con sẽ rời khỏi nơi đây!

Bà sững sờ nhìn con dâu xem nó nói đùa hay thật mà ghê gớm thế, cái điều bà không bao giờ dám nghĩ đến. Giọng bà run run:

-          Tại sao con lại đi?...

Và bà tha thiết:

-          Con hãy ở lại đây, mẹ sẽ trông thằng cu Tí cho con suốt đời, tới khi nào nó lớn thì thôi.

Cô con dâu ngại ngùng đáp:

-          Con phải đi tiểu bang khác, hơn một năm qua, kể từ ngày cha nó mất, cu Tí đã ở bên cạnh ông bà Nội thế là đủ rồi.

Mặc cho gương mặt bà càng lúc càng thẫn thờ, cô nói tiếp những điều phải nói:

-          Con lập gia đình khác, anh ấy chấp nhận nuôi cu Tí và xem nó như con. Mẹ cứ tin đi, cu Tí sẽ sống sung sướng, anh ấy làm nhiều tiền và thương yêu con.

Dường như không muốn nhìn bà mẹ chồng đang ngồi khóc, gương mặt bà ràn rụa nước mắt, nói xong cô đi vội vào trong phòng với cu Tí. Nửa tiếng sau, chẳng biết cô đã nói gì với con, cu Tí chạy ra hớn hở  khoe:

-          Ông nội ơi, bà nội ơi, cu Tí sắp đi xa rồi, cu Tí sẽ có Ba mới, có nhà đẹp và thật nhiều đồ chơi.

Nó khựng lại, nhìn bà nội:

-          Sao bà Nội khóc? Cu Tí đi một tháng rồi cu Tí về với bà nội mà!

Nó chợt nhớ lần bà nội chia tay nó đi California và hẹn một tháng sẽ về, trong lòng cu Tí cũng nghĩ đơn giản thế, nó sẽ trở về như bà nội đã trở về với nó.

Bà ôm chặt cu Tí vào lòng, đau đớn như vừa mất thêm đứa con thứ hai. Hôm bà đi California, chia tay cháu, bà buồn biết bao nhiêu, thì cu Tí nói chia tay bà hồn nhiên và sung sướng bấy nhiêu. Nó đâu hiểu rằng chuyến đi của nó là càng ngày càng xa cách ông bà nội.

Ông nội đã sắp xếp tất cả quần áo và đồ dùng của cu Tí đưa cho mẹ nó, cô chào cha mẹ chồng và dắt cu Tí ra khỏi cửa.

 Bà nhìn theo, bên ngoài trời vẫn còn nắng mà bỗng dưng tối sầm trước mặt bà.

                        ****             ****             *****

Ngày hôm sau, căn nhà chỉ còn hai ông bà trống vắng mênh mông, tới giờ buổi chiều đón cháu như thường lệ, ông bà ngồi nhìn nhau, không nói mà chắc cùng đau lòng như nhau!

 Đáng lẽ giờ này ông đang đứng trước cổng trường đợi cu Tí tung tăng chạy ra và đưa tay ông nắm dắt về, có khi ông xách cái túi cặp cho cháu “đỡ mệt”.

 Đáng lẽ giờ này cu Tí đang ngồi chễm chệ trên cái ghế sắt cạnh cửa sổ, đung đưa hai chân chờ bà nội âu yếm cởi từng chiếc giầy.

Đáng lẽ giờ này cu Tí đang ăn cơm, đang uống sữa.

 Đáng lẽ giờ này cu Tí đang…

 Bao nhiêu hình ảnh thằng cu Tí trong ngôi nhà này đã  không còn nữa.

Bà bất chợt nhìn thấy một thằng lính nhỏ bằng hai ngón tay, món đồ chơi bằng nhựa mà cu Tí yêu thích còn sót lại trong gầm bàn, bà cúi xuống nhặt lên và không sao cầm được nước mắt.

Đây là món đồ chơi của nó từ năm lên 4 tuổi cho đến giờ, cu Tí đã từng khư khư cầm trong tay, từng ấp ủ trong túi áo túi quần vì sợ mất. Mỗi lần nó để lạc chỗ, không tìm thấy là khóc, chính bà phải đi tìm kiếm từng gầm giường, góc tủ, lấy ra bằng được thằng lính nhựa để lòng bà cũng vui sướng thảnh thơi khi nhìn cu Tí mỉm cười.

Ông đòi lại món đồ chơi để vứt đi cho bà bớt mủi lòng, nhưng bà giữ lại, để trong một cái giỏ, cẩn thận cất vào closet. Biết đâu một ngày nào đó cu Tí sẽ trở về?

Hai tuần sau, cô con dâu gọi phone cho bà như đã hứa, cô nói mọi việc đã ổn định vào nề nếp, cu Tí đã đi học một ngôi trường gần nhà, cô không đi làm, chỉ ở nhà trông con.

Cô đưa phone cho cu Tí nói chuyện với ông bà nội, nó chỉ nói vài câu rồi thôi vì đang mải chơi game, mặc cho bà nghẹn ngào hỏi:

-  Cu Tí ơi, cháu có nhớ bà không? Bà nhớ cu Tí lắm…

Trẻ con chưa biết bạc bẽo, chúng ngây thơ và chóng quên .

Vài ngày sau đó, bà gọi phone mong gặp cu Tí dù chỉ để nghe nó nói vài câu ngắn ngủi, nhưng lúc thì cô con dâu trả lời lấy lệ và nhạt nhẽo, lúc thì gặp người chồng Mỹ của cô, ông ta có vẻ không hài lòng.

Thế là bà ngại ngùng không dám làm phiền họ nữa, số phone ấy bà thuộc lòng, nhưng đành phải quên đi.

Cô con gái ở California một mực khuyên ông bà bán nhà về ở gần cô, nhưng bà không thể làm điều ấy.

Bà muốn ở lại đây, nơi còn ghi dấu những hình ảnh kỷ niệm của thằng con trai xấu số, nơi đứa cháu nội được sinh ra và bà đã nuôi nấng suốt 6 năm trời.

Bà muốn ở lại đây, để hi vọng, để đợi chờ. Một địa chỉ quen thuộc để có ngày cô con dâu vì lý do nào đó sẽ dắt con trở về. Cu Tí sẽ ở ngôi nhà này, là gia tài của ông bà dành cho nó, rồi nó sẽ lớn lên, học đại học tại ngôi trường trong thành phố này.

Bà muốn ở lại đây, là cây cổ thụ già để cu Tí dù xa xôi nơi đâu vẫn là chiếc lá sẽ rụng về cội nguồn của nó.

 

                Nguyễn thị Thanh Dương

1 comment:

Anonymous said...

Bà viết truyện hay lắm tôi thích đọc truyện của bà